Thứ Ba, 30 tháng 7, 2013

Huế bây giờ...


" Huế bây giờ buồn lắm không em,
 Tháng đông dài mưa lạnh buồn đêm đen
 Và đường khuya thành phố có lên đèn.
 Đã lâu rồi anh không về thăm Huế
 Chân theo chân nhặt bóng nắng đường dài,
 Giọt nắng ru vàng giấc ngủ ngày mai.

 Nhớ khóe mắt với nụ cười,
 Em ngơ ngác qua Trường Tiền lộng gió.
 Anh là kẻ phiêu bồng một sớm
 Thương em rồi nên dừng bước nơi đây...

 Đã lâu rồi anh không về thăm Huế,
 Từ độ nào thành phố chết đêm xuân.
 Huế bây giờ buồn lắm không em
 Huế bây giờ buồn lắm không em... "

( Lời bài hát "Huế Mù Sương" - T/g Nguyễn Minh Khôi )
- Huế mù sương, một bài hát về xứ Huế rất hay. Tìm thông tin về tác giả Nguyễn Minh Khôi hầu như không có, thật tiếc. Không tìm mà gặp Huế bây giờ...

Thứ Hai, 29 tháng 7, 2013

Con đường.


Dân chúng đi trên một con đường quá sức bùn dơ lầy lội nhớp nhúa, quết phải chân xuống coi như lảnh đủ. Con đường ấy chật hẹp, nắng bụi mưa bùn, đi hoài không đến do đỉnh cao trí tuệ vạch đường chỉ lối.
"Chân em chọn lối này,
Em chỉ chọn một lối này thôi."
Đường đi lắm sông nhiều suối, lội ngầm leo cầu, hiên ngang ngồi xe máy vượt, ấy là con đường dân chúng. Dân chúng đi đường là một chuyện. Bọn khỉ đi đường là chuyện khác. Đã khác còn thêm lạ. Bởi vì khỉ có nghề trèo cây chớ khỉ không phải nghề đi bộ...
Câu chuyện hai con khỉ dắt tay nhau qua một chiếc cầu. Không may một con rơi xuống cầu, một con còn lại trên cầu. Hai con khỉ ấy là giống khỉ gì vậy ? Đáp án đúng, con khỉ trên cầu là con khỉ khô, con khỉ bị rơi là con khỉ ướt. Khỉ khô, khỉ ướt gì cũng thê thảm cái phận khỉ cầu đường VN.


Chủ Nhật, 28 tháng 7, 2013

Tự do tôn giáo.


Tôn giáo có nhiều ở xứ ta : Cao Đài, Hòa Hảo, Phật Giáo Tăng Đoàn, Phật Giáo Quốc Doanh, Tin Lành, Thiên Chúa Giáo, Hồi Giáo, Tiên Thiên Thánh Giáo, Đạo Thờ Hồ....
Ai thích đạo nào thời tu đạo nấy. Ông tu ông đắc, bà tu bà đắc. Chánh quyền một xứ, nếu không bắt bớ tu sĩ, không cấm đoán, định hướng đạo này đạo khác, xứ đó mới được gọi là có tự do tôn giáo.
Nói tới Thiên Chúa Giáo, VN không ai không biết Linh Mục Nguyễn Văn Lý đang đau ốm ở trong tù. Nói tới Hòa Hảo, VN không ai không biết Hội trưởng Lê Quang Liêm già yếu đang bị quản thúc tại gia. Nói tới Phật Giáo, VN không ai không biết Hòa Thượng Thích Quảng Độ 8 năm trong nhà tù CS, nay bị "giam lỏng trụ trì" tại Thanh Minh thiền viện Sài Gòn.


Cuộc đi thăm Mỹ vừa qua, tháp tùng đoàn Trương chủ tịch có số vị sư theo cốt "tuyên huấn" cho đồng bào hải ngoại và "nhân dân Mỹ" biết VN "dân chủ gấp vạn lần đế quốc", hoàn toàn không chuyện đàn áp tôn giáo này nọ.
Với nhiều người, đem quý sư quốc tịch đảng ăn sung mặc sướng cờ đỏ búa liềm làm đại diện "tôn giáo VN", vát chuông đi gióng xứ người, là một việc làm khó lòng bịp bợm được dư luận thời nay bên Mỹ.
Với nhiều người, tự do ngôn luận kiểu VN là tự do nịnh bợ đảng bác Hồ, tự do ca tụng "chế độ ta" ưu việt. Tự do tôn giáo kiểu VN là tự do tu đạo "sư mũ cối", tự do tụng kinh HCM, thắp hương cúi lạy "Phật Ngọc bác Hồ"...

Thứ Bảy, 27 tháng 7, 2013

Nghĩa trang tử sĩ.


Một thời hai chế độ, sanh miền Nam phải đi lính cộng hòa, sinh miền Bắc phải vào bộ đội cộng sản, không chịu nhập ngũ thì có luật "đào binh" trị nặng cái tội trốn lính. Bắc hay Nam lính hát bài ca ra trận cũng bởi dĩ sự bất khả kháng.
Bên thắng bên thua, sự rõ rệt giữa ban ngày. Lính phe thắng chết thời "tổ quốc ghi công", "liệt sĩ anh hùng", nghĩa địa sơn quét rực rỡ, vòng hoa nhang khói, từng đoàn từng lũ "bên thắng cuộc" lễ tết kéo đến đốt nhang đỏ rực. Tử sĩ bại trận mồ xiêu mả lạc, có một cái nghĩa trang thì hoang tàn đổ nát, cây cối bờ bụi che phủ, ngày ngày phải nghe "loa ta" ra rả chửi bới ngụy quân ngụy quyền, tay sai bán nước lắm điều này nọ.


Nghĩa trang quân đội Biên Hòa rộng 125 hecta, xây tháng 11/1967 ở huyện Dĩ An tỉnh Bình Dương, nằm trên xa lộ Biên Hòa cách Sài Gòn 25 km. Ngay lối dẫn vào có tượng một người lính trận mũ sắt giày đinh súng trường ngồi đăm chiêu buồn bã. Tiếp theo là cổng Tam Quan, Đền Tử Sĩ, Nghĩa Dũng Đài và các phần mộ của 18.318 tử sĩ VNCH được chôn cất sắp xếp bên nhau.
Sau năm 1975, miền Nam tự do thất bại, quân binh cán chính VNCH sống kẻ cải tạo người vượt biên, chết điêu tàn đổ nát nghĩa trang, tan thương thậm tệ.
Tượng "Thương Tiếc" đập bỏ, cổng Tam Quan dây leo bao phủ, Đền Tử Sĩ tiêu điều hoang hóa, Nghĩa Dũng Đài gãy gục, khu chôn cất trồng rừng ra rú, mồ mã chan hòa đất cát.
Phải tới khi phe CS thế giới tan rã gần hết, VN đổi mới tự cứu mình, cán bộ đảng viên bắt đầu biết tâm linh sợ hãi hồn ma bóng quế; nghĩa trang tử sĩ quốc gia mới được cho những nhân thân quyền tảo mộ nhang đèn.
Nghĩa trang nay đã thu hẹp thành ra dân sự, tên mới "Nghĩa Trang Bình An", là nơi an nghỉ bình yên của những người lính VN chiến đấu hy sinh vì tự do oanh liệt.


Thứ Sáu, 26 tháng 7, 2013

Việt - Mỹ, trong ngoài hội họp.


Sáng 25/7/2013, hai vị đứng đầu nước VN và USA đã hội họp với nhau tại Tòa Bạch Ốc.
Hai bên bàn luận hợp tác làm ăn kinh tế Việt, Mỹ, về biển Đông, chuyện nhân quyền, và một số này nọ khác. Kết quả hai bên đồng ý nâng cấp quan hệ lên mức "đối tác toàn diện", với ý nghĩa bang giao hai nước Việt - Mỹ cần những thực tế có lợi song phương hơn là "dán mác chiến lược" hình thức vô ích.
Chủ tịch Trương Tấn Sang trao cho Tổng thống B.Obama bản photocopy lá thư năm 1946 ông HCM, khai quốc CS VN, đã gửi TT Mỹ Harry Truman xin xỏ sự giúp đỡ.
Ngoài ra, chủ tịch Sang cũng tha thiết mời tổng thống B.Obama thăm VN, và ngài B.Obama đã vui vẻ nhận lời, hứa sắp xếp sang trước khi thôi chức tổng thống.


Trong khi ấy, trên sân cỏ công viên La Fayette đối diện Toà Bạch Ốc, gần hai nghìn người VN hải ngoại đã tổ chức biểu tình hò hét đả đảo CS, đả đảo ông Sang ầm ĩ.
Đài RFA cho biết, hiện diện tại cuộc biểu tình, ông Đoàn Hữu Định, Chủ tịch Cộng đồng VN vùng thủ đô Washington, Virginia, Maryland phát biểu:
"Chúng tôi đến đây với tất cả phái đoàn người Việt từ khắp nơi đến - ở Hoa Kỳ, Canada cũng như từ bên Pháp qua. 
Lời chúng tôi muốn nhắn gởi trước nhất là tới Tổng thống Obama để cho ông Trương Tấn Sang biết là nhân quyền phải được tôn trọng. Quyền tự do ngôn luận của người dân bất khả xâm phạm. Và với tất cả tiếng nói đối kháng trong nước đang bị cầm tù, thì ông Trương Tấn Sang cùng chính quyền VN phải tức khắc thả những người đó ra. 
Đồng hương VN hải ngoại đòi hỏi ông Trương Tấn Sang phải thấy rõ rằng sự luồn cúi TQ của VN hiện giờ là không thể chấp nhận được. Chủ quyền VN phải được tôn trọng. Về vấn đề chủ quyền đất nước, nếu phía Hà Nội thấy qua đây cầu viện Mỹ mà Mỹ không chấp nhận, thì chính thể đương quyền cũng như đảng CSVN phải rút lui để cho có một cuộc bầu cử - toàn dân bầu ra một chính phủ hợp pháp và dân chủ."


BS Đỗ Văn Hội, Chủ tịch Hội đồng Chấp hành Cộng đồng Người Việt Quốc gia Liên bang Hoa Kỳ nêu mấy ý kiến:
"Nhân dịp Chủ tịch CSVN qua thăm viếng Toà Bạch Ốc, chúng ta – những người Việt khắp nơi, kể cả những người Việt trong nước – rất muốn lên tiếng nói với ông Trương Tấn Sang rằng ông phải lắng nghe, để ý đến quyền lợi của dân tộc VN, đó là tự do, dân chủ, nhân quyền được tôn trọng; làm thế nào để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ VN. 
Đó là chúng tôi muốn nói với ông Trương Tấn Sang và giới lãnh đạo VN phải tôn trọng những quyền của người dân Việt, phải trả lại quyền cai trị cho người dân. 
Đồng thời, với tư cách người Mỹ gốc Việt, chúng tôi cũng muốn nói với Tổng thống Obama rằng ông nên nghĩ tới quyền lợi của đa số người dân Việt Nam, làm thế nào giúp cho dân tộc VN trong nước chúng tôi hưởng được tự do dân chủ thực sự. 
Và mọi cuộc thương thảo với ông Trương Tấn Sang, Tổng thống Obama cũng nên đặt nhân quyền là quan trọng qua điều kiện ràng buộc, chứ không nên bỏ qua vấn đề nhân quyền, tự do, dân chủ khiến người dân Việt phải gánh chịu sự áp bức của chế độ CS hiện nay."



Thứ Tư, 24 tháng 7, 2013

Vác điếu cày qua Mỹ.


Điếu cày, cái công cụ hút thuốc lào xếp hạng quốc hồn quốc túy Bắc VN.
Người ta lấy ống tre đầu kín đầu hở, khoan lỗ lưng chừng 1/3 gắn nõ điếu, đổ ít nước lã vào là xong cái điếu cày. Hút thời vo vê ít nhiều sợi bánh thuốc lào bằng đầu ngón tay, cho vô nõ điếu, châm lửa, đưa mồm hút hít, bập bập vài ba hơi dồn khói rồi hút mạnh, ngậm ngẫm và... khoan khoái thở ra.
Khói thuốc lào đi qua nước ống điếu nghe sôi lên òng ọc rồi đi vô phổi họng người hút... gây ra cái cảm giá đê mê ấm áp, nghiện ngập sướng sung, kệ mẹ nó cuộc đời.
"Miệng rộng tai cao mũi dọc dài,
Lo chi sớm vỡ, vội đeo đai ?
Gặp khi lửa đỏ, cười ra phá
Cay mặc ai, mà đắng mặc ai."


Huyền thoại "chống Mỹ cứu nước" kể lể anh hùng nọ yêu thương bác đảng cao độ, căm thù đế quốc thực dân sâu sắc, ngặt nổi nghèo đói không có chi cả trừ một cái điếu cày, bèn mưu trí sáng tạo ra "miếng đánh đặc sản".
Trong một trận lính Mỹ đi càn, vị anh hùng tay bánh thuốc lào, tay xách điếu ống mời mọc một tiểu đoàn "Sư Cả Đỏ" đến nếm thử thuốc lào cho biết. Lính Mỹ tò mò xúm lại, mỗi anh mỗi hơi, sướng quá say say tỉnh tỉnh. Anh hùng chớp cơ hội, vung điếu cày nện côm cốp vào đầu "quân xâm lược", diệt nguyên cả tiểu đoàn Mỹ, tịch thu toàn bộ khí tài, xe tăng, đại bác, quân trang quân dụng chúng nó.
Anh hùng điếu đóm bèn được tưởng thưởng huy chương "Dũng sĩ diệt Mỹ", được thăng chức làm bí thơ một tỉnh miền Trung, được vinh danh tấm gương sáng "học tập tư tưởng đạo đức HCM", vân vân...


Lính Mỹ sau ngày bị "chủ nghĩa anh hùng Kách mệnh" nện tan tác, bèn về nước ám ảnh "hội chứng VN", nhất nhất lo sợ chỉ một cái điếu cày hút thuốc.
Gần đây, trong bài diễn văn quan trọng đọc trước quốc dân đồng bào nước Mỹ, một vị tổng thống Huê Kỳ còn khẩn thiết kêu gọi toàn thể thế giới thiên hạ, "quên gì thời quên, chớ đừng bao giờ quên Điếu Cày ở bên xứ VN !"
VN ngày nay đang chơi với cả Tàu lẫn Mỹ. VN nhập siêu đệ nhất hàng hóa của Tàu. VN xuất siêu hàng hóa sang Mỹ. Sau khi thăm Tàu, chủ tịch VN cộng sản bèn qua Mỹ làm ăn hợp tác "hữu nghị" chi đó...
Nhân chuyến thăm trọng đại này, một số quân sư "sanh ra từ làng" cho rằng, "Ta ít khi qua Mỹ, nay qua chắc họ sẽ có tặng quà. Mà có qua thời phải có lại, "Ta" nên vác cái điếu cày qua Mỹ làm quà tặng lại họ. Trước để "phân hóa" sau là "răn đe"...

Thứ Hai, 22 tháng 7, 2013

Vùng II chiến thuật.

Bản đồ 4 vùng chiến thuật VNCH
VNCH thời trước chia ra bốn Vùng chiến thuật, mỗi vùng có một Quân đoàn phụ trách chống cự quân VC. Vùng chiến thuật lại chia ra nhiều Khu chiến thuật, mỗi khu do một Sư đoàn chịu trách nhiệm.
"Chân nghe lạ từng khu chiến thuật,
Áo nhà binh thương lính, lính thương quê..."
Vùng II chiến thuật có vị trí chiến lược đặc biệt với diện tích 78.841 km vuông, chiếm gần phân nửa lãnh thổ VNCH nhưng chỉ có gần 3 triệu dân sinh sống 12 tỉnh Kon Tum, Pleiku, tỉnh Bình Định, Phú Yên, Phú Bổn, Darlac, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Tuyên Đức, Quảng Đức, Lâm Đồng, thị xã Cam Ranh.
Bắc Việt CS cho rằng "chiến vùng II là chiếm trọn miền Nam", nên chi sau "nghị quyết giải phóng" bằng bạo lực võ trang, lập tức làm đường mòn HCM, dồn bộ đội, xe tăng súng đạn vào núi rừng Tây Nguyên, mở "mặt trận B3" (1/4/1964) chủ động tiến đánh. Ba vị tư lệnh "B3" Tây Nguyên là Đoàn Khuê (1964), Chu Huy Mân (1965-1967), Hoàng Minh Thảo (1967-1975) đều là các tướng dày dặn kinh nghiệm, mưu kế thâm sâu, đánh đông dẹp bắc quen chân quen tay thiện chiến. Hầu hết các sư đoàn bộ đội Bắc Việt vào Nam đều tập kết trên Cao nguyên rồi tỏa đi đánh tứ hướng.

Tướng Hoàng Minh Thảo
Những vị làm tư lệnh vùng II chiến thuật VNCH kế tiếp nhau gồm các tướng : Đỗ Cao Trí (1964), Nguyễn Hữu Có (1964-1965), Vĩnh Lộc (1965-1968), Lữ Lan (1968-1970), Ngô Du (1970-1972), Nguyễn Văn Toàn (1972-1974), Phạm Văn Phú (1975) đều rất gian nan mệt nhọc đối phó với quân CS quen đâm thọc trường trận kháng chiến.
Năm 1970, Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu ra sắc lệnh đổi tên Vùng chiến thuật thành Quân khu, đưa tướng Ngô Du làm tư lệnh Quân khu II và Quân đoàn II, "Mặt trận B3" bắt đầu quyết liệt chuẩn bị "mùa hạ đỏ lửa 1972".
Trung tướng Ngô Du sanh năm 1926, học viên trường Sĩ Quan Hiện Dịch Huế khóa 2 "Quang Trung"/1949 hồi Pháp thuộc. Năm 1957 ông là Trung tá Tư lệnh sư đoàn 4 dã chiến, năm 1964 lên chức Chuẩn tướng tham mưu trưởng Quân đoàn I, đến năm 1970 thăng cấp Tư lệnh quân đoàn IV mấy tháng thì lên Cao nguyên.
Một bài viết sau này của Đại tá Trịnh Tiếu (Trưởng phòng 2 tình báo, QĐ 2) cho biết "Tướng Ngô Du, theo nhận xét của các giới chức Hoa Kỳ, là một tướng lãnh thông minh, giỏi về tham mưu, hăng say phục vụ cho đất nước và quân đội."

Tướng Ngô Du
Quân đoàn II Tây nguyên có hai sư đoàn chủ lực 23 và 22, một lữ đoàn Dù, các đơn vị Biệt động quân, Địa phương quân phối hợp.
Từ năm 1970, quân đoàn đã bắt đầu "tác chiến độc lập" vì quân đội Mỹ "VN hóa" dần rút về nước, chỉ để cố vấn và B52 trợ lực cuộc phòng thủ.
Phía Bắc Việt được người Tàu tăng cường cho vô số xe tăng súng đạn, gạo muối lương khô, chuẩn bị "làm một trận hè 72" ba vùng trọng điểm Đông Hà - Quảng Trị / Kontum - Pleiku / Bình Long - Tây Ninh.
Tướng Ngô Du và Trung tá cố vấn Mỹ John Paul Vann nhờ tình báo, lường ra kế hoạch của tướng Hoàng Minh Thảo tung ba sư thiện chiến 320, Sao Vàng 2 và 968 vào cuộc; bèn bày binh bố trận, mưu kế "dụ rắn khỏi hang" rồi dùng B52 hủy diệt.
Ngày 30/3/1972, mặt trận B3 mở màn. Quân CS nổ súng tấn công 5 cao điểm phía Tây sông Poko. Pháo binh dội lửa, bộ binh xông lên tràn ngập. Căn cứ Delta, Charlie mất rồi bị B52 ném bom tan tành. Trung tá tiểu đoàn trưởng lính dù Nguyễn Đình Bảo tử thương tại cao điểm Charlie ngày 14/4/1972, xác đành bỏ lại. Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh xúc động khóc "Người ở lại Charlie".


Bấy giờ, mặt trận Quân khu I gặp hồi nguy cấp, lữ đoàn Dù của quân đoàn II điều về tăng viện cứu Quảng Trị khiến quân đoàn mỏng yếu đi nhiều. Tướng Hoàng Minh Thảo lập tức tấn công phía đông Dakto- Tân Cảnh thắng lớn. Sư đoàn 22 tan rã, sư trưởng đại tá Lê Đức Đạt tự sát.
Dakto-Tân Cảnh mất, thị xã Kontum rúng động vì bị bỏ ngõ, dân chúng chuẩn bị di tản. Tướng Ngô Du lo lắng "tái phối trí lực lượng cố thủ Kontum", cầu mong quân CS không đánh Kontum trong 5 ngày để có thì giờ thể điều quân từ Buôn Mê Thuộc đến cứu giữ.
May mắn, quân của Hoàng Minh Thảo sau các trận thắng cũng thiệt hại nặng, đợi đến 20 ngày sau mới tấn công Kontum, tạo thời cơ quý báu tướng Ngô Du điều động sư đoàn 23 về tử thủ. "Phối trí quân xong tại Kontum, Tướng Ngô Du ngã bịnh đau tim nặng, không ăn, không ngủ. Ông điện thoại Tổng thống Thiệu và yêu cầu Tổng thống đề cử người thay thế ông." Tướng Nguyễn Văn Toàn thay thế Ngô Du, cùng đại tá Lý Tòng Bá sư trưởng sư đoàn 23 đã bảo vệ thành công thị xã Kontum.
Tướng Hoàng Minh Thảo, tháng 6/1972 cũng rút quân về rừng đợi thời xuất kích.
Về cố vấn Mỹ "ông B52" (biệt danh của John Paul Vann), ngày 9 tháng 6, trên đường bay thị sát căn cứ sư đoàn 23 trở về Pleiku, chiếc UH-1 chở John trúng đạn phòng không VC. John Paul Vann chết tại khu B1-Gia Lai...

Thứ Bảy, 20 tháng 7, 2013

Con thỏ và con chó.


Xưa có con thỏ, một hôm, lạc rừng gặp một con chó săn.
Thỏ cắm đầu chạy. Chó theo vết đuổi. Hai con chạy qua ba quả núi, đến quả thứ tư chạy quanh hơn năm vòng.
Hai con cùng mệt nhoài, không con nào chạy được nữa.
Chợt có người đi cày về trông thấy, vội đến bắt được cả chó lẫn thỏ.
Vì chuyện này sau thiên hạ mới đặt câu ca rằng :
"Thỏ liệt thì chó cũng què
Thỏ chết, chó cũng hết nghề chạy rông !
Theo đòi thì cũng uổng công,
Để cho điền phủ ngồi không ăn cùng."
( Truyện cổ nước Nam )


Thứ Năm, 18 tháng 7, 2013

Đừng mơ bom đạn.


Thời gian qua nhiều chục năm, người lính trận sống sót đà bước qua tuổi sáu bẩy chục. Tuổi ấy tuổi ông bà, con cháu đùm đìa cơm bưng nước rót.
Bắc quân thắng trận, đủ điều anh hùng ca ngợi. Chiến binh nhiều vị chức nọ quyền kia ở lại miền Nam sanh sống thụ hưởng, bội phần lộc lợi.
Phía đại bại. Lính chết mồ xiêu mả lạc, hoang tàn ngơ ngác. Lính sống mang danh "ngụy tặc" phận số an bài, phúc phần kẻ này người nọ. Phần lưu vong ôm hận hoặc quên hết thù xưa, nghìn dặm khúc ruột. Phận quê hương về "lao động sản xuất", lập công chuộc tội, lập bàn thờ bác. Số khác vị gia, bất đoái hoài "màu cờ sắc áo", đời lính xưa dĩ vãng xa vời.


Lính trận miền Nam cầm súng phòng ngự cố thủ, đương cự vô vàm cuộc CS tấn công chiếm đồn diệt viện, cướp đất giành dân, đánh đông đánh tây, đánh hè đánh tết. Bom đạn dội lên quê hương. Học trò vô lính bảo vệ tự do. Lý tưởng thì ít, sợ chết thời nhiều.
Đôi khi, cựu trào ngoái về quá khứ, mơ màng lặng lẽ, tự mình mình biết mình hay. Tuổi trẻ nay chối từ quá khứ, không hề bận tâm tìm hiểu. Chúng chẳng thích gì những cũ xưa dông dài kể lể, những lẩm cẩm kê cà tốn kém thì gian.
Vậy cũng tốt. Trừ "chủ nghĩa anh hùng kách mệnh" ca lên hát xuống, những người lính trận qua thời nội chiến đều hiểu ra "tầm vóc" bom đạn, không mong con cháu phải mơ về.


Thứ Tư, 17 tháng 7, 2013

Thương quê hương và bé nhỏ.


Quê hương nhiều bé nhỏ chốn ruộng lúa nương chiều cô thôn cổ lũy.
Cái đời thầm lặng hiu hắt cà kê dê ngỗng, lớn lên cùng cha mẹ một nắng hai sương cỏ bụi đường làng. Vài ba chữ a,b,c ráp nối học vần, đủ hiểu nhựt trình đủ hay tờ bạc.
Bọn trai làng rượu chè be bét, sáng vát cày, trưa mồ hôi hột, chiều khập khưởng hơi men. Cái bay bê, cái cưa đục, cái nơm dò lưới giăng. Toàn thể đồ nghề cơm thua gạo kém.
"Vai u, thịt bắp, mồ hôi dầu
Lông nách một nắm, trà tàu một hơi !"
Thành ra bé nhỏ thường mơ mộng mấy miền đất hứa xa xôi. Ở đó những Cường đô la thay cho Cường ăn mày, những Louis Nguyễn thế chỗ cho Lucifer Nguyễn...


Quê hương đói rách đầm đìa, bé nhỏ mộng đổi đời tha hương cầu thực, tự sự lấy chồng.
Xứ quý lão nông Hàn quốc, vị Tây nông nghiệp lúa mì, chàng Mỹ trợ cấp thất bại, rủ nhau ky bo bạc vụn, kéo qua tìm mấy người em bé nhỏ gái miền Tây.
Rềnh rang mối mai trao tiền đổi bạc. Rậm rật trống kèn cưới hỏi rượu bia. Bé nhỏ lên đường theo chồng xứ lạ.
Bát cơm chan nước mắt nô lệ nhà người. Tủi nhục đọa đày bên mấy gã tâm thần, mấy mụ già đông tây hội ngộ.
"Đèn Ba Lê ngọn xanh ngọn đỏ.
Em coi không rõ, em ngỡ đèn màu.
Rút gươm đâm họng máu trào..."

Thứ Ba, 16 tháng 7, 2013

Chế Linh hy vọng.


Bản tin BBC cập nhật lúc 13:40 GMT - thứ hai, 15 tháng 7, 2013 :
Ca sỹ Chế Linh tin rằng chính quyền Việt Nam sẽ chắc chắn xét lại quyết định cấm ca sỹ Thanh Tuyền về nước biểu diễn.
"Trong cuộc phỏng vấn dành cho BBC nhân chuyến lưu diễn tại Pháp mới đây, ca sỹ nổi tiếng với nhiều bản trong giai đoạn Cuộc chiến Việt Nam nói rằng ước mơ của nghệ sỹ nào ở hải ngoại cũng là để trở về Việt Nam để phục vụ khán thính giả đã cho mình tên tuổi và gắn liền với kỷ niệm một thời."


Thứ Hai, 15 tháng 7, 2013

Đấu tố.


Với nhiều người, nghe hai tiếng CS là đã sợ són đái ra quần, âu cũng có lý do. Kinh nghiệm đã nghe, đã thấy, đã nếm đẩy cái sợ hãi của họ lên... tận cùng tổ quốc.
Đương nhiên, trí khôn thông thường mọi người không ai dại dây sự mếch lòng vị đảng đại họa. Trừ ra bậc can đảm coi cái chết nhẹ như lông hồng, coi cuộc đời ảo mộng phù du vô nghĩa, coi lẽ phải cái đúng giá trị trên hết; đa số thiên hạ luôn run rét giữ cái sự an thân mình trước đã.
Chiếc xe buýt chở đầy người ta bị bọn côn đồ lưu manh ăn cướp trèo vô xe giở trò ai đó,"cọng đồng khách ngồi" thường run lẩy đẩy, cúi gầm mặt, són đái ra quần để bọn tội ác thắng trận tuyệt đối. Đất nước mênh mông có một băng đảng lưu manh độc quyền ra tay tội ác, dân chúng thường hèn hạ ngu muội mở mắt tung hô.


Nhiều sản phẩm "oanh liệt" bọn du côn làm ra cốt buộc người ta khiếp đảm mà quỳ xuống, tung hô, bái lạy, chấp nhận xin làm nô lệ đời này kiếp khác. Quy trình "phân hóa","cô lập" rồi đem đi "xử lý". Ra vẻ "dân chủ kết án" mà thực chất khủng bố cho đông thêm cộng đồng sợ hãi. Trước khi thủ tiêu chôn sống nạn nhân là huy động dân làng đấu tố. Cán bộ đảng "chuyên trách" kéo hai tay kẻ thất thế ra đằng sau, nắm đầu tóc nạn nhân rị ra phơi mặt, chân đạp mạnh vào eo lưng "phản động" đấu tố... giai đoạn một !
- Chùm ảnh CS Tàu đấu tố đồng bào của họ mà làm "Kách mệnh Văn Hóa". Không khác chi hồi "Cải cách ruộng đất" miền Bắc XHCN.








Chủ Nhật, 14 tháng 7, 2013

"QUẦN ĐẢO CỦA AI ?"


Vào "Thư viện Người Việt" đọc sách xưa, thấy có bài của nhà văn Hoàng Đạo viết trong mục "Người và việc" của báo "Ngày Nay" (Tự Lực Văn Đoàn) số 120, phát hành ngày Chủ Nhật, 24/7/1938. Chỉ một cột báo nhỏ gọn ghẽ mấy dòng mà lâu dài giá trị.
Search thử Google, thì ra trang "Talawas" (Phạm Thị Hoài) có đăng lại như sau đây.
LTS : Bài báo này Hoàng Đạo viết năm 1938 trên Ngày Nay, gần 70 năm, nhưng giá trị thời sự vẫn còn nóng bỏng. Đảo Hoàng Sa, mà người Pháp gọi là Paracels, đã là nguyên nhân tranh chấp giữa nhiều quốc gia thời ấy. Hoàng Đạo đã bình luận một cách tiên tri, rằng hòn đảo ấy “chỉ là của sức mạnh”. Ngày nay, nó còn là kết quả của sự thần phục và tinh thần nhược tiểu.


" Quần đảo Paracels bỗng nhiên hóa ra quan trọng.
Mấy hòn núi nhấp nhô trên mặt biển Đông, bỏ hoang đã bao nhiêu thế kỷ, bỗng nhiên ai nấy đều đến hỏi han một cách âu yếm lắm.
Nước Pháp và nước An-nam bảo là lĩnh thổ của mình và cố tìm trong kho sách mọt những chứng cớ cổ: Người An-nam đến đảo đã hơn một trăm năm, và vua Gia Long đã có dụ sát nhập đảo vào nước Nam. Và hăng hái đem quân đến.
Nước Nhật không bằng lòng, và cả quyết nói: đảo ấy của người Nhật. Vì có người Nhật được khai khẩn trong đảo. Rồi cũng hăng hái đem quân đến.
Nước Tàu của Tưởng Giới Thạch cũng ra mặt đòi là của mình. Vì từ 1909, Tàu đã sát nhập quần đảo vào lĩnh thổ Tàu rồi. Nhưng không hăng hái đem quân đến, vì có muốn cũng chẳng còn quân đâu mà kéo đến nữa.
Vậy quần đảo là của ai ?
Lấy mới cũ mà nói, thì nó là của An-nam. Nhưng ở trường quốc tế, người ta không ai theo luật mới cũ cả.
Cho nên quần đảo ấy chẳng là của ai cả. Nó chỉ là của sức mạnh.
Rồi đây, Pháp mạnh hơn Nhật, thì nó là của Pháp. Mà nếu Nhật mạnh hơn Pháp, thì nó là của Nhật.
Còn Tàu, cái nước to mà yếu, thì ai người ta kể đến làm gì cho nhọc."
( Trích : Người và Việc, Ngày Nay số 120, trang 5/ ngày 24/7/1938 - Hoàng Đạo )

Thứ Sáu, 12 tháng 7, 2013

Dư luận viên.


Dưới trào nay xuất hiện cũng  lắm viên. Chánh trị viên, phát thanh viên, công an viên, tuyên truyền viên, dư luận viên, gân cốt viên... Trong nhiều viên ấy, dư luận viên là đồ sanh sau đẻ muộn, mang nhiệm vụ chống đối kịch liệt internet đương rộng đường dân trí.
Thời cách mệnh văn hóa bên Tàu, bọn con nít choai choai đội mao tuyển lên đầu, dán mao tuyển lên ngực, rồi hung hăng tha hồ miệng loa tay viết đâm thọc xã hội.
Hồng vệ binh kách mệnh học tập làm theo bác Mao vĩ đại, từ "chiến sĩ thông tin" đổi ra căn cốt "chiến sĩ đấu tố", dùng dao găm cán cuốc giết hại vô số "tội đồ xét lại".
Dân Tàu đang còn ngộ nạn, nhưng nhắc đến Hồng vệ binh, thảy đều thấy quá gớm.
Trang web "Ta", dư luận viên khuôn dấu bản quyền, trông sao y hệt mẫu mã bạn Tàu.


Cũng "hai anh  một chị" vươn lên xốc tới, miệng loa tay bút vát cờ đâm thọc ra vẻ "thông tin chiến sĩ". Bọn 3 người đánh thằng địch thì phần đông ít học, chỉ may quan hệ thân thiết mà được vô gõ gẻ bàn phím kiếm tiền hợp pháp.
Những trang web sặc mùi cuồng tín chế độ vì thế, bất chấp lẽ phải, bất chấp lòng dân, viết nhiều bài nhục mạ cá nhân chớ không biết phải nghị luận sao ra phải trái là gì.
Thông thường, bài viết sẽ có một đám bưng bô sà vào rối rít khen lấy khen để.
Dư luận viên lĩnh lương, trước ra quân ồ ạt vào nhiều trang blog, web chửi bới bậy bạ gây ô nhiễm, nay đà bị cắt còm khóa cổ, họ bèn tràn sang các mạng xã hội "lấy thịt đè người". Họ biết Facebook, Youtube có vô số người xem hàng ngày, tài khoản dễ lập, ít bị kiểm duyệt, bèn kéo nhau xuất chiêu uế tạp.
Mấy vị này ô uế đến độ người ta phải "dựng hình so sánh" trông quá thê thảm...


Thứ Năm, 11 tháng 7, 2013

Nghe mưa nửa đêm.


Nửa đêm trời đổ mưa. Từng giọt từng giọt lắc rắc, nghe mưa tự dưng nhớ nhiều kỷ niệm. Mưa dông mưa mù, mưa bay mưa lạnh. Mưa đám mây, mưa bong bóng, mưa phùn gió bấc, mưa dai dẳng dầm dề, mưa bão tố triền miên, mưa đợt này đợt khác.
Mưa rừng rồi mưa rú. Mưa biển lại mưa sông. "Mưa tôi chả về bong bóng vỡ đầy tay..."
Đủ thứ mưa từng hồi biến động, chiến tranh hòa bình, quốc gia cộng sản, lắm nắng nhiều mưa. Cái sự hồi tưởng trong đêm mưa khuya như cuốn phim quay mau vèo vụt. Người hoài cổ mắc bẩy quá khứ để mặc kệ cho tương lai tàn tạ. Hơn thua chi đó, có chăng còn một cái tình xưa cũ trong mưa.
Nghe mưa nửa đêm. Bài hát hay. Giọng ca mượt mà buồn buồn Tuấn Vũ với Mỹ Huyền.

Thứ Tư, 10 tháng 7, 2013

Tay không "quật ngã" trực thăng UH-1.


Vị đại ca anh hùng Bùi Minh Kiểm sanh năm 1942, trú tại đường số 5, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng kể lể xưa kia bị thương vẫn dùng "võ tay không" vật ngã được trực thăng UH-1 của Mỹ !
Báo chí VN đưa tin, trong một trận đánh hồi tháng 4/1968, chỉ mình ông Kiểm với một chiến sĩ khác, ngoài hai khẩu AK, ba quả lựu đạn và một số ít cơ số đạn còn lại, hai người đã chống chọi với một tiểu đoàn trực thăng biệt động 37 của ngụy cùng hơn 150 lính biệt kích, có sự yểm trợ của pháo binh địch...
Bài báo cho biết "sau ba giờ cầm chân địch, ông bị thương ở tay và đầu, máu chảy ra nhiều nhưng vẫn kiên trì cầm súng bắn ngăn địch tiếp cận công sự."
" Quân Mỹ - ngụy tưởng rằng, chúng đang đụng độ với một đơn vị bộ đội của ta nên tiếp tục cho quân đổ bộ và tăng cường hỏa lực trấn áp. Giữa lúc “dầu sôi, lửa bỏng” ấy, đồng đội của ông Kiểm, tức ông cùng Nguyễn Phú Thao đã đưa ra một cách đánh táo bạo. Khi chiếc UH – 1 rà tới chuẩn bị hạ thấp để bắn róc két thì ông Kiểm lao người lên dùng hai tay ghì càng máy bay xuống ( ! ). Đôi bàn tay thép như chiếc nam châm hút chiếc UH – 1 xuống gần sát mặt đất. Viên phi công bất ngờ, chưa kịp gạt cần súng máy thì đã bị anh Thao từ bên dưới bắn thốc lên, thẳng vào buồng lái. Chiếc máy bay mất thăng bằng loạng choạng lao xuống, nổ tan xác..."


Máy bay UH-1 là loại trực thăng quân sự đa năng có nhiều phiên bản khác nhau, nổi tiếng vì được sử dụng nhiều trong chiến tranh Việt Nam. Nó thường được biết dưới tên (dùng trong thủy quân lục chiến Mỹ ) là Huey.
Bình luận về bài báo này, trang web HNPĐ dẫn lời còm độc giả khá thú vị.
- "Đây là chuyên vui hay nhứt thế kỹ . Không cười chết liền !! Phải đọc để cười cho đời thêm tươi !! Công nhận là báo chí của nhà nước can đảm cùng mình mới đăng những chuyên 'NGU' không để mô cho hêt như chuyên này. Hay nhất là phần "comments " của độc giả ở dưới để thấy dân VN trong nước khôn ra rồi, khó mà nhồi sọ !!!"
- Một số lời bình tiêu biểu:
+ Câu truyện thần thoại vô chứng cứ với những chi tiết lố bịch đến mức con nít tiểu học nước ngoài cũng phải thốt lên là “bốc phét thì cũng vừa vừa thôi, còn để dành chỗ cho chữ ký!”, thế mà báo nhà nước vẫn đăng mới nản! 
+ Hay chỉ là trực thăng bằng giấy cúng cô hồn Rằm tháng Bảy mà bác Kiểm nhà ta thần hồn nát thần tính nhìn lộn vậy ta… hihi…


+ Thật hãi quá các cụ ơi. Nghe nói hồi xưa có vụ chiến sĩ ta cầm K54 bắn rơi B52 nữa đấy!
+ Cụ Bùi Minh Kiểm đúng là Hercule của Việt Nam! Vãi thật siêu nhân à!
+ Superman có họ hàng người Việt mà bây giờ mình mới biết!
+ Xin các bác nhà báo có bơm thì cũng bơm vừa phải thôi chứ; bơm quá đối tượng bay như bong bóng mất.
+ Nhảm thật! Sau trận pháo kích dữ dội mà đơn vị ông Kiểm vẫn còn sống và bám gần đó và vẫn còn bất ngờ khi quân Mỹ đổ bộ xuống ngay đó thì ông ổng là Rambo và chẳng biết gì về kỹ thuật quân sự cả.
+ Theo câu chuyện kể thì lúc đang đứng dưới hào chiến đấu, ông này đã nhảy lên nắm càng máy bay lôi nó xuống đất. Xin hỏi máy bay này nếu nó biết bên dưới là địch, thì khoảng cách nó giữ với mặt đất không lẽ chỉ 1, 2 mét? Hơn nữa ông này còn đứng dưới hào, là ít ra phải ngang hông, coi như ông muốn với tới máy bay phải nhảy như người nhện. Chưa kể ổng nặng bao nhiêu? Cho hết quân trang quân dụng ổng nặng cỡ 100kg thì nhằm nhò gì với cái trực thăng này?
+ Ghét nhất là đọc mấy đoạn kể lại của bố Kiểm. Toàn suy diễn và bịa chuyện, chẳng thể tin nổi.
+ Chắc tay phóng viên xem phim “siêu nhân” hơi bị nhiều!
+ Tung chảo chém gió thì cũng để đức cho con cháu với chứ.
+ Chao ôi, nghe khắm y như lũ Bắc Triều Tiên!
+ Trực thăng Mỹ nó bắn rocket mà hạ thấp đến mức cho bác bám vào à? Mức đó thì nó bắn xong nó nổ luôn chắc.


+ Học ngữ văn của Việt Nam là biết khả năng chém gió khủng đến cỡ nào! Nói khoác một mình dùng súng AK47 bắn hạ cả đống máy bay chưa đã sao lại còn bảo kéo cả UH-1 xuống bằng tay không. Ngày đó thân xác bác Kiểm đặc công nhà mình nặng giỏi lắm khoảng 50kg. Sao bác tài thế! Tại hạ khâm phục! Khâm phục!
+ Vẫn biết tiền bối có công rất lớn nhưng cái gì cũng phải có giới hạn. Tiền bối viết bí kíp võ công như thế thì hậu bối chỉ có tẩu hỏa nhập ma…
+ Thế hóa ra cái trực thăng nó bay tới mức đủ thấp để ông này chạy chạy chạy lại bám càng, mà cả thằng phi công lẫn thằng xạ thủ ở trong không làm được gì hả? Nhẽ bọn Mỹ nó ngu quá thiểu năng vậy hả? Hay ông này còn có cả khả năng chạy siêu nhanh như của Flash?
+ Vãi đái với báo chí tuyên truyền. Tuyên truyền trong thời chiến còn hiểu được, còn thời này mà cứ thế này bảo sao bọn thanh niên càng ngày càng ngu, không suốt ngày hổ báo cáo chồn giết người chặt đầu hiếp dâm xác chết…
+ UH-1F sử dụng động cơ mới General Electric T-58-GE-3 với công suất 1,325 hp. UH-1H sử dụng đông cơ Lycoming T53-L13 với công suất 1400hp. Điều đó có nghĩa là động cơ của nó mạnh từ 1,325 đến 1,400 mã lực. Muốn kéo nó đứng lại phải cần một đối lực bằng ít nhất là 1,300 con ngựa. Bác Kiểm có đi học không nhỉ?


+ Từ bé đến giờ tôi đâu có thấy máy bay trực thăng UH-1H là cái giống gì đâu bác. Cho nên nghe bác bảo bác là “anh hùng tay không quật ngã trực thăng UH–1 của Mỹ” thì tôi bèn chỉ còn biết lắc đầu le lưỡi phục bác sát đất thôi.
+ Có phải khi xưa bác cư ngụ gần kho đạn Long Bình chăng mà nổ đinh tai vậy?
+ Bác nổ còn hơn bom tấn. Bác coi trời bằng vung, coi trí tuệ của bàn dân thiên hạ như dân Bắc Hàn khóc lãnh tụ mới dám tồn trữ của quý.
+ Kỷ lục nâng vật nặng thế giới là 458 kg. Vậy vị anh hùng Bùi Minh Kiểm của chúng ta mạnh hơn đương kim vô địch thế giới bốn lần. Quá khủng khiếp !
+ Cái loa tuyên truyền phát ra đều có cơ sở, ngay cả người có thể đi trên ngọn lúa. Một anh nói phét có thể chưa được ai tin nhưng ngàn anh nói phét là nhìn lên trời thấy râu Lê Nin thì chục anh còn lại cũng hô lên “Ừ nhỉ… đúng là râu cụ Lê Nin đã hiện ở trên trời!” Quên mất, không biết cái đó gọi là gì. Thôi tạm gọi nó là… hiệu ứng nói phét!
+ Ngày xưa từng có những phi công quân đội nhân dân ta “rình trong mây, đợi máy bay của địch bay ngang qua rồi nhảy từ máy bay của ta sang máy bay của chúng, nạy cửa bắt sống phi công địch”… theo lời của các cụ Tuyên Huấn thì đây cũng là câu truyện và nhân vật có thật, nhưng tạm thời chưa xác định rõ danh tính, tuổi tác, cũng như là tên của hành tinh nơi sự việc ly kỳ ấy xảy ra. Hahaha…
+ Các chiến công vang lừng của anh bộ đội Hai Thiêng mà các cụ đăng báo thì còn kinh khủng hơn nhiều, tuy các chi tiết cũng là ba xạo nhưng mà ít ra còn có cái… tên là thật, thế mà chưa được xây công viên để tuyên dương!
+ Nguyễn Văn Bé, Nguyễn Văn Trỗi, Lê Văn Tám, Lê Thị Thu Nguyệt, Đặng Hoàng Ánh xin chào thua cụ Bùi Minh Kiểm !

Thứ Ba, 9 tháng 7, 2013

Trèo cây trốn cọp.


Bên xứ Indonesia ngày 8/7/2013 đã cứu nạn thành công nhóm người đi tìm cây trầm hương phải trèo cây trốn cọp ngắc ngoải sắp chết.
Nguyên thứ Năm ngày 4/7/2013, một nhóm 6 người đi trầm ở vườn quốc gia núi Leuser (ranh giới hai tỉnh Aceh và Bắc Sumatra) đặt cái bẫy nai để kiếm chút thịt tươi cải thiện mấy ngày trèo rừng lội suối. Vô tình, một cọp con vướng chân mắc bẩy gào rú kiệt sức. Bọn tìm trầm bèn lui cui bắt cọp con, thình lình bầy cọp bố mẹ anh chị phóng đến.
Cả bọn vội vã vọt lên cây, thoăn thoắt trèo lên ngọn cao trốn cọp. Không may cho anh chàng 28 tuổi tên David trèo bị gãy cành rơi xuống đất. Bầy cọp bắt anh này dồi giỡn, tha ngoạm, giầy vò tới chết rồi ăn thịt hết một nửa người David...
Sau đó, một bầy 7 con cọp bèn canh giữ mấy gốc cây, đợi 5 người còn lại đói khát kiệt sức rơi xuống, sẽ ăn nốt.


May nhờ điện thoại mang theo, 5 người sống sót bèn điện về nhà kêu cứu. Dân làng vội vã tìm đến nơi, nhưng họ thấy cả bầy cọp Sumatra đang hung hăng trèo trợt mấy gốc cây có người tị nạn, bèn kêu cứu với cảnh sát.
Lẽ ra chỉ cần một trực thăng cứu hộ đến thả thang dây để mấy vị trèo thoát, chưa tới nửa ngày là xong, tuy nhiên vì đây là xứ "đang phát triển", nên chi phải đợi cảnh sát lập đoàn cứu hộ 30 người, gồm các chuyên gia am hiểu cọp, các đặc nhiệm chuyên nghiệp, người dẫn đường thông thạo... cùng nhau đi bộ đến nơi đuổi cọp cứu người.
Sau 5 ngày dai dẳng nhịn đói kiệt sức, ơn trời, nhờ có mưa mới không chết khát, 5 vị gặp nạn may quá được cứu thoát trong tình trạng hấp hối.
"Trung úy cảnh sát Surya Purba cho hay, các chuyên gia cọp dụ được bầy cọp đi chỗ khác, giải cứu thành công nhóm người đã lả đi vì kiệt sức. “Tất cả bọn họ đều rất yếu. Họ bị mất nước, đói và hoảng sợ. Họ sống sót nhờ uống nước mưa cầm hơi” - ông Purba nói. Cũng theo ông Purba, ban đầu có 7 con cọp “canh gác” dưới gốc cây nhưng khi nhóm cứu hộ đến thì chỉ còn 3 con."


Chủ Nhật, 7 tháng 7, 2013

Marlice Elretha chơi với báo đốm.


Hổ báo sài lang là bọn hoang dã ác thú thèm ăn thịt người nên ai ai cũng phải sợ.
Vậy mà có một nàng người đẹp tóc vàng không những không sợ, lại còn khoái cặp bạn chơi đùa chúng nó. Ấy là cô Marlice van Vuuren của xứ tây nam Phi châu Namibia.
Marlice van Vuuren người gốc Đức, sanh ngày 14 Tháng Năm năm 1976, lớn lên trong cái trang trại mênh mông của bố mẹ cô cốt nuôi dưỡng bọn động vật mồ côi thương tật rồi thả chúng về lại thiên nhiên. Cô ấy từ nhỏ đã coi bọn này bạn là vì vậy. Hồi mới 13 tuổi, Marlice đã đóng vai chánh trong một phim tài liệu nhan đề "Marlice - Một tầm nhìn cho Châu Phi", kể chuyện cô làm bạn với bầy ác thú như thể nào.


Năm 2000, Marlice kết hôn cùng Tiến sĩ Rudi van Vuuren rồi hai vợ chồng làm việc để bảo vệ động vật hoang dã Phi châu và văn hóa thổ dân San Bushman ở Namibia.
Hiện thời, Marlice Elretha đã có hai cậu con trai nhỏ Zacheo và Nickla rất dễ thương. Gia đình cô mua một mảnh 10.000 ha đất nông nghiệp, cách xa thủ đô Windhoek, thiết lập khu dự trữ động vật của riêng mình, cốt chăm sóc bảo tồn động vật.
Marlice Elretha và chồng cô là một trong số ít ỏi người da trắng còn hiểu biết ngôn ngữ của thổ dân xứ Phi châu.