Chính trị ươn hèn nhà Mạc.
Năm Đinh Hợi (1527) Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê lên làm vua, đặt niên hiệu Minh đức.
Cựu thần nhà Lê có kẻ sang kêu cầu bên Tàu xin cứu giúp. Vua nhà Minh sai người đến Vân Nam cùng với Tuần phủ sở tại tra xét An nam thực hư thể nào.
Bọn người Việt kể việc họ Mạc tạo phản cướp chính quyền. Quan Tàu tâu với vua Minh xin cử binh mã sang đánh.
Việc định sang đánh họ Mạc không phải là vua nước Tàu có vị gì nhà Lê, nhưng chẳng qua cũng muốn nhân lúc nước Việt có biến, lấy cớ mà sang làm sự chiếm giữ như khi trước sang đánh họ Hồ vậy.
Ta phải biết, phàm những việc nước nọ giao thiệp với nước kia, thường người ta mượn tiếng " vị nghĩa " để làm những việc " vị lợi " cho họ mà thôi.
Năm Đinh Dậu (1537) nước Tàu sai Đô đốc Cừu Loan, Tán lý quân vụ Mao Bá Ôn, đem quân sang đóng gần cửa Nam quan.
Chúng truyền hịch đi mọi nơi, hể ai bắt được cha con Mạc Đăng Dung thì thưởng cho quan tước và hai vạn bạc.
Lại sai người đưa thư sang cho họ Mạc, bảo phải đưa sổ ruộng đất nhân dân sang nộp và chịu tội, mới được tha chết.
Triều đình nhà Mạc khiếp nhược, lo lắng, run rẩy sai bọn Nguyễn Văn Thái sang sứ nhà Minh xin hàng.
Đến tháng 11 năm Canh Tí (1540), Mạc Đăng Dung thấy quân Tàu sửa soạn sang đánh, sợ hãi quá chừng, bèn để Mạc Phúc Hải ở lại giữ nước, rồi cùng với bọn Vũ Như Quế, cả thảy hơn 40 người, tự trói mình ra hàng.
Cả lũ vua quan khốn nạn này mặc đồ tang chế vào người, sang chịu tội ở cửa Nam quan, lạy phục xuống đất để nộp sổ điền thổ và sổ dân đinh, lại xin dâng đất 5 động: động Tê phu, động Kim lạc, động Cổ xung, động Liễu cát, động La phù, và đất Khâm châu sáp nhập tặng nước Tàu.
Lại đem rất nhiều vàng bạc dâng riêng cho bọn lính nhà Minh
Quân Tàu tuy làm bộ hống hách nói đem binh sang đánh, nhưng cũng sợ phải cái vạ Liễu Thăng ngày trước.
Được tiền bạc rồi, cái lòng nhiệt thành chiến trận cũng nguội đi, cho nên mới tâu với vua Minh xin phong cho Mạc Đăng Dung làm chức Đô thống sứ, hàm quan Nhị phẩm.
Mạc Đăng Dung dân đen một nước, đánh cá nuôi thân, mà lại giết vua để cướp lấy ngôi, ấy là một người nghịch thần. Khi đã làm chủ một nước mà không giữ lấy bờ cõi, lại đem cắt đất mà dâng cho người Tàu, ấy là một kẻ phản quốc.
Làm ông vua không giữ được cái danh giá trọn vẹn, đến nỗi cởi trần ra trói mình lại, đi đến quỳ lạy ở trước cửa một Tướng của quân nghịch ngoại bang, để cầu lấy cái phú quý cho một thân mình và một nhà mình, ấy là một người không biết liêm sỉ.
Đối với vua là nghịch thần, đối với nước là phản quốc, đối với cách ăn ở của loài người, là không có nhân phẩm; một người như thế ai mà kính phục ?
Cho nên dẫu có lấy được giang sơn nước Việt, dẫu có mượn được thế nước Tàu bênh vực mặc lòng, một cái cơ nghiệp dựng lên bởi sự gian ác hèn hạ như thế, thì không bao giờ bền chặt được !
( Theo Trần Trọng Kim - Việt Nam Sử Lược )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét