Thứ Bảy, 31 tháng 1, 2015

Miền Bắc khởi nghĩa - Nguyễn Thiện Thuật.


Nguyễn Thiện Thuật là người xã Xuân Dực, tỉnh Hưng Yên. Lúc thiếu thời, ông nổi tiếng văn hay võ giỏi. Lớn lên ông thi đỗ Cử nhân, ra làm quan đời vua Tự Đức. Ông được bổ chức Tán tương Quân vụ, nên người ta gọi ông là Tán Thuật.
Sau khi kinh thành Huế thất thủ, ông cởi áo từ quan, về lập chiến khu ở Bãi Sậy Hưng Yên) để chống Pháp.
Bãi Sậy là một chiến khu vô cùng hiểm trở với những ao đầm sâu rộng, những lau sậy um tùm, những đường hầm chằng chịt đào sâu dưới đất. Lối vào là một con đường nhỏ hẹp, quanh co đầy cạm bẩy. Ông lại được Đề đốc Tạ Hiện và nhiều văn thân theo giúp bày vẽ mưu kế và tập luyện binh sĩ.
Nguyễn Thiện Thuật liên kết với các nhóm nghĩa binh ở vùng lân cận, nay đánh thành này, mai phá đồn nọ, làm cho Pháp phải tổn thất nặng nề.


Pháp nhiều lần cất binh đến đánh, nhưng lần nào cũng hao binh mất súng, mà không phá nổi chiến khu. Quân Pháp gọi ông bằng danh hiệu "Vua Bãi Sậy".
Pháp cho người viết thơ dụ hàng, ông không trả lời. Pháp sai Tổng đốc Hải Dương là Hoàng Cao Khải đi đánh dẹp. Biết rõ địa thế, Hoàng Cao Khải cất đại binh đến bủa vây chung quanh Bãi Sậy, lập nhiều đồn ải cắt đứt các đường tiếp tế lương thực rồi cho quân xông vào đánh. Hai bên đánh nhau dữ dội, chết hại rất nhiều. Sau cùng hết đạn, nghĩa binh tan rã. Nguyễn Thiện Thuật chạy sang Tàu rồi bệnh chết ở bên ấy.
Nhận xét:
Tán Thuật đã nêu cao lòng hy sinh và chí bất khuất của dân tộc Việt Nam.
(theo Quốc Sử lớp Ba - VNCH)

Thứ Sáu, 30 tháng 1, 2015

Miền Bắc khởi nghĩa - Hoàng Hoa Thám.


Hoàng Hoa Thám người phủ Yên Thế tỉnh Bắc Giang, theo Cai tổng Hoàng Đình Kinh (Cai Kinh) đánh nhau với quân Pháp từ lúc 20 tuổi. Ông được phong làm Đề đốc, nên người đương thời gọi là Đề Thám.
Sau khi Cai tổng Kinh thất bại, Đề Thám vào Hà Tịnh xin cộng tác với Phan Đình Phùng. Nhưng cụ Phan Đình Phùng khuyên ông hãy về Bắc hoạt động để gây thêm ảnh hưởng cho phong trào khởi nghĩa.
Đề Thám bèn về đất Bắc lập chiến khu ở Yên Thế.
Chiến khu này là một vùng rộng mênh mông toàn là núi cao rừng thẳm, cây to cỏ rậm, lối đi quanh co gập ghềnh đầy cạm bẩy. Đồn trại xây dựng ở những nơi hiểm yếu và có đào đường hầm ăn thông với nhau. Nơi nào cày cấy được, quân lính làm ruộng để lấy lương thực. Còn súng đạn thì mua tận bên Tàu do một con đường bí mật đem vào.
Từ chiến khu, Đề Thám thường bất thình lình xua quân đánh tỉa các đồn giặc lẻ tẻ, hoặc phục kích các đội binh đi tuần tiễu để cướp giật vũ khí.


Có một đêm, ông kéo nghĩa quân về đột kích Hà Nội, tuy không thành công nhưng cũng làm cho quân Pháp kinh hồn hoảng vía.
Những khi quân Pháp đến đánh phá chiến khu, ông dụ chúng vào sâu trong rừng núi, rồi đem binh đánh bọc hậu làm cho chúng đại bại. Ngót 30 năm trời, Pháp tổn hại rất nhiều.
Thật là oai danh "Hùm thiêng Yên Thế" lừng lẫy trong xứ.
Sau, Pháp dùng quỷ kế mướn tên khách Lương Tam Kỳ cho thủ hạ đến nhập đảng ông, rồi thừa lúc ông ngủ ám sát ông.
Nhận xét:
Nhờ có dũng cảm và mưu trí, lại thêm cương quyết và kiên nhẫn, Hoàng Hoa Thám là một vị lãnh đạo nghĩa quân đã chống cự với quân Pháp lâu dài và kịch liệt nhất.
(Theo Quốc Sử lớp Ba - VNCH)


Bài đọc thêm:
Rừng xanh vùng vẫy.
Yên Thế ! Một nơi hiểm trở rừng xanh nước độc, đầy thú dữ và lau sậy. Cảnh Yên Thế đã hiện ra chứa chan những sự bí mật hãi hùng, ai nghe nói cũng phải rùng mình. Cây leo cỏ rậm, suối cả đèo cao, núi rừng Yên Thế rất khó qua lại cho những người mới từ nơi khác lạc lối tiến vào.
Trong những khu rừng rậm rạp, những đèo đá chập chờn thường có bóng người lúc ẩn lúc hiện như những bóng ma trơi.
Đêm đến, cảnh Yên Thế lại càng bí mật lạnh lùng. Thỉnh thoảng chúa rừng xanh lại cao đưa mấy tiếng gầm vang, thế là muôn loài lại im hơi lặng tiếng trong hang sâu hay bụi cỏ.
Dựa vào địa thế thiên nhiên hiểm trở, một thủ lãnh Cần vương đã tụ tập đồng chí chiếm cứ là chúa tể cả một miền này ngót 30 năm trời.
Người ấy là Hoàng Hoa Thám.
(Theo Huyền Quang - Đề Thám)

Thứ Năm, 29 tháng 1, 2015

Miền Trung khởi nghĩa - Mai Xuân Thưởng.


Mai Xuân Thưởng sanh ở làng Phú Lạc tỉnh Bình Định, nơi phát xuất ba vua Tây Sơn. Cha mất sớm, ông rất chăm lo học tập nghề văn nghiệp võ và thường giao du với các bậc nghĩa khí trong hạt nhà. Ông rất thông minh, học ít hiểu nhiều, thi đỗ Cử nhân năm 25 tuổi.
Gặp lúc quân Pháp chiếm kinh thành Huế, vua Hàm Nghi chạy ra Quảng Bình truyền hịch Cần Vương, ông về quê nhà dựng cờ khởi nghĩa. Người yêu nước theo ông rất đông. Ông cho xây đắp đồn lũy, tích trữ lương thực, luyện tập binh sĩ.
Danh tiếng ông vang lừng khắp Nam - Trung - Bắc, làm cho Pháp phải lo sợ.
Bên quân Pháp thì súng trường, đại bác. Bên nghĩa binh của ông chỉ có giáo mác, gươm đao. Thế nên nghĩa binh thường dùng cách đánh giáp lá cà, làm cho quân Pháp nhiều phen thất bại.
Xong trận này, ông bày trận khác, thắng thì hăng hái đã đành, mà thua ông vẫn một lòng hăng hái. Vì vậy, quân Pháp đánh mãi mà thế lực ông cũng không nao núng.


Sau, viện binh của Pháp từ Gia Định kéo ra, do Trần Bá Lộc dẫn đường chỉ lối. Ông dàn binh đánh một trận kịch liệt nhưng vì địch quá mạnh, ông phải thua to.
Mai Xuân Thưởng rút quân vào núi, quân Pháp tìm mãi không được. Trần Bá Lộc bày kế bắt dân làng ông và mẹ ông đem hành hạ. Ông phải ra mặt để cứu mẹ và dân làng.
Lộc dụ ông hàng, ông đáp:
"Chỉ có Đoạn đầu tướng quân chớ không có Hàng đầu tướng quân !".
Lộc đưa ông ra pháp trường. Ông không thay đổi nét mặt, xây về phía Bắc lạy năm lạy đền nợ nước, xây về phía Tây lạy bốn lạy từ giả mẹ già, rồi ung dung chịu chết.
Nhận xét:
Mai Xuân Thưởng đã treo gương thanh niên anh dũng chống xâm lăng.
"Đem thân đền nợ nước non,
Còn non còn nước, hãy còn tiếng thơm."
(Theo Quốc Sử lớp Ba - VNCH)

Thứ Tư, 28 tháng 1, 2015

Miền Trung khởi nghĩa - Đinh Công Tráng.


Hưởng ứng phong trào chống Pháp ở miền Trung, Đinh Công Tráng là người có tài thao lược đứng ra xây chiến lũy Ba Đình, thuộc tỉnh Thanh Hóa, để chặn đường tiếp tế của quân Pháp từ Bắc vào Trung.
Chiến lũy xây trên địa phận ba làng Mỹ Khê, Mậu Thịnh và Thượng Thọ, giữa một khu ruộng lầy thật rộng, bên cạnh có một con sông chảy từ Thanh Hóa ra Ninh Bình.
Từ chiến lũy, Đinh Công Tráng thường xuất binh đột kích làm cho quân Pháp tổn thất lớn lao về quân lính, cũng như về vũ khí và lương thực.
Người Pháp thấy chiến lũy Ba Đình rất lợi hại, nên nhất quyết đánh phá cho được.
Chúng kéo quân đội từ hai tỉnh Thanh Hóa và Nam Định đến tấn công, nhưng bị thất bại nặng nề rồi phải rút lui. Sau , Pháp huy động đến 4.000 quân, lối 100 sĩ quan và 4 chiến hạm đầy đủ súng ống, bắn vào như mưa. Chiến lũy Ba Đình vẫn trơ trơ, không nao núng. Quân Pháp lại thêm một phen thảm bại.


Sau cùng, Pháp phải đem hết lực lượng quân sự ngoài Bắc đưa vào bao vây các mặt.
Đại bác nhả đạn long trời lở đất, quân cảm tử xông vào. Quân ta chống cự mãnh liệt. Hai bên chết hại rất nhiều. Sau 16 ngày đánh nhau vô cùng thảm khốc, chiến lũy mới bị vỡ.
Đinh Công Tráng chạy về đồn Mã Cao (Thanh Hóa) tiếp tục kháng chiến. Quân Pháp kéo đến đánh, quyết hạ cho được đồn. Cuộc đánh nhau thật quyết liệt, quân sĩ hai bên tử nạn nằm ngổn ngang trên chiến địa.
Sau rốt, quân ta hết đạn phải bỏ thành trì.
Đinh Công Tráng đem tàn quân lẩn tránh trong làng xã. Một lý trưởng phản bội chỉ chỗ ẩn núp của ông cho Pháp đang đêm đến vây bắn. Ông trúng đạn chết.
Nhận xét:
Nhờ chiến lũy Ba Đình, Đinh Công Tráng đã lập nên một trong những võ công oanh liệt bậc nhất trong công cuộc chống Pháp.
(Theo Quốc Sử lớp Ba - VNCH)

Thứ Ba, 27 tháng 1, 2015

Miền Nam khởi nghĩa – Nguyễn Trung Trực.


Nguyễn Trung Trực gốc người miền Trung, xuất thân thợ chài, sau nhập ngũ rồi vào Nam. Lúc Pháp mới sang đánh chiếm Nam phần, ông theo nghĩa quân để kháng chiến.
Nhờ có mưu trí và dũng cảm lạ thường, ông lập nên nhiều chiến công lừng lẫy.
Để cắt đứt đường liên lạc của các đạo nghĩa quân Việt Nam ở Đồng Tháp Mười và Gò Công, Pháp cho chiến hạm Expérance chở đầy lính đến đậu tại vàm sông Nhật Tảo nay thuộc tỉnh Long An.
Nguyễn Trung Trực cùng một toán binh giả một đoàn ghe đưa đám cưới, đi ngang qua tàu Pháp ngay lúc thủy thủ ngủ trưa. Bọn lính gác kêu đoàn ghe lại khám xét.
Nghĩa binh thình lình nhảy lên tàu chém giết và phóng hỏa. Chiến hạm cháy đỏ trời rồi chìm. Nguyễn Trung Trực lấy được rất nhiều súng đạn.


Thành Kiên Giang, nay là thị xã Rạch Giá, do lối một trăm lính của Pháp đóng giữ. Thừa dịp một đêm tối trời, Nguyễn Trung Trực dẫn nghĩa quân tràn vào thành như nước vỡ bờ.
Quân Pháp đang ngủ say, giật mình thức dậy, trở tay không kịp, bị tiêu diệt gần hết.
Sau, ông lập đồn ở Phú Quốc, Pháp đem binh từ Saigon ra đổ bộ lên vây đánh. Trước số đông của địch, nghĩa quân thất bại. Ông lui vào rừng ẩn nấp. Pháp tìm mãi không được ông, phải rút về đất liền.
Huỳnh Công Tấn, tên phản quốc đã giết chết Trương Công Định, ra lệnh lùng bắt mẹ của Nguyễn Trung Trực định đem ra bắn. Nguyễn Trung Trực phải bỏ khí giới để cứu mẹ.
Pháp chém ông tại Kiên Giang. Hiện nay, mộ ông vẫn còn tại thị xã Rạch Giá.
Nhận xét:
Nguyễn Trung Trực là một vị anh hùng đã xả thân cho nước, danh lưu muôn thủa.
“Lửa hồng Nhật Tảo rền trời,
Kiên Giang kiếm bạc, rạng ngời núi sông.”
(Theo Quốc Sử lớp Ba - VNCH)

Thứ Hai, 26 tháng 1, 2015

Miền Nam khởi nghĩa - Trương Công Định.


Bắt đầu từ năm 1859, người Pháp cậy có tàu to súng lớn, sang đánh chiếm nước ta và đặt dân ta dưới quyền đô hộ của họ trong hơn 80 năm. Nhưng thực ra trong suốt thời gian ấy, với một tinh thần bất khuất, dân ta không lúc nào ngưng tranh đấu để giành lại độc lập cho xứ sở.
Ngay khi người Pháp mới sang, phong trào khởi nghĩa chống xâm lăng bắt đầu khởi lên ở miền Nam, tràn lan ra miền Trung và miền Bắc.
Trương Công Định là người đầu tiên khởi binh chống Pháp ở miền Nam.
Sau khi ký kết hòa ước năm Nhâm Tuất (1862) với Pháp, triều đình Huế ra lệnh bãi binh, nhưng Trương Công Định về vùng Định Tường, chiêu mộ nghĩa quân, quyết chống tới cùng. Người theo ông rất đông, tôn ông là Bình Tây Đại nguyên soái.


Ông dùng chiến thuật du kích, khi ẩn khi hiện, nay đánh đồn này mai đánh đồn kia, gây tổn thất nặng nề cho quân Pháp. Ông thắng được nhiều trận lớn, nhất là trận Cần Guộc (Long An). Đánh mãi không thắng nổi ông, Pháp gửi thư dụ dỗ, hứa hẹn quyền cao chức trọng. Ông không trả lời. Triều đình Huế ra lệnh cho ông giải giáp. Ông cũng không tuân, cương quyết chết sống với quân địch để cứu dân cứu nước.
Về sau, Huỳnh Công Tấn là tên phản bội chỉ dẫn chỗ cư ngụ của ông tại làng Kiểng Phước (Gò Công). Quân Pháp nửa đêm đến bao vây, ông hăng hái chống cự cho đến sáng. Ông bị trúng đạn, bèn rút gươm tự tận.
Nhận xét:
Dù thất bại trong công cuộc giải phóng đất nước, Trương Công Định đã nêu gương vị quốc vong thân cho hậu thế soi chung.
(Theo Quốc Sử lớp Ba - VNCH)


Bài đọc thêm:
Các cuộc khởi nghĩa ở miền Nam.
Sau khi Trương Công Định mất rồi, cũng còn nhiều anh hùng nghĩa sĩ đứng ra tiếp tục chống Pháp khắp nơi ở miền Nam.
Thủ khoa Huân khởi binh ở vùng Định Tường.
Thiên hộ Dương lập chiến khu ở Đồng Tháp Mười.
Phan Liêm, Phan Tôn nổi lên ở vùng Vĩnh Long.
Nguyễn Văn Phụng đánh phá vùng Trà Vinh.
Oanh liệt nhất là Nguyễn Trung Trực dấy quân ở vùng Tân An, đốt được tàu giặc ở Nhật Tảo và đánh chiếm thành Kiên Giang.
Ngoài ra, cuộc kháng chiến tự động của dân chúng ở vùng Hóc Môn, Bà Điểm (Gia Định) nổi tiếng với trận đánh “Mười tám thôn Vườn Trầu” đã làm cho quân Pháp phải khiếp sợ.
Thật ra dân ta sánh với kẻ xâm lăng lúc đó chỉ kém súng to đạn lớn, chớ nào có kém lòng dũng cảm, chí hy sinh.
(Theo Đoàn Phò Vĩnh)

Chủ Nhật, 25 tháng 1, 2015

Cuộc khởi nghĩa của đảng Văn Thân - Phan Đình Phùng.


Phan Đình Phùng, người tỉnh Hà Tịnh, thi đỗ Đình Nguyên. Tính cương trực, ông làm quan đến chức Ngự sử dưới triều Tự Đức. Đến khi vua mất, quyền thần Tôn Thất Thuyết làm nhiều điều sái phép. Vì quá cang trực, ông mắng Thuyết giữa triều, nên bị Thuyết cách chức đuổi về.
Về sau, khi quân Pháp đánh chiếm Kinh thành Huế, vua Hàm Nghi bỏ chạy ra Quảng Bình rồi truyền hịch kêu gọi sĩ phu các nơi đứng ra cứu nước. Phan Đình Phùng đứng đầu đảng Văn Thân mộ binh khởi nghĩa chống Pháp. Người yêu nước khắp nơi về giúp ông rất đông.
Ông lập chiến khu kiên cố trong khoản rừng Hồng Lĩnh tục gọi là "Ngàn trươi" thuộc tĩnh Hà Tịnh. Ông sắp đặt quân lính có cơ ngũ, luyện tập binh sĩ có kỷ luật theo phép Âu Tây. Tướng của ông là Cao Thắng chế được cả súng đạn tinh xảo không kém gì của Pháp.
Người Pháp cũng nhận ông là có tài tổ chức quân đội.


Trước tiên, ông sai người vây nhà Trương Quang Ngọc bắt chém đầu để trừng trị tội phản bội bắt vua Hàm Nghi giao cho Pháp.
Ròng rã mười năm, quân Pháp đánh ông mãi nhưng chỉ hao quân tốn của chớ không thắng nổi ông. Pháp sai Hoàng Cao Khải là bạn ông viết thư dụ ông ra hàng. Ông trả lời rằng ông đã nhất quyết vì nước vì dân mà kháng chiến tới cùng, nên không có trở lực nào làm cho nản lòng đổi chí ông được.
Sau cùng, Pháp sai Nguyễn Thân đem đại binh bao vây, cố bắt cho được ông. Nghĩa quân thiếu lương thực, vẫn một lòng kháng chiến. Song, vì quá vất vả, ông bị bệnh lỵ mà chết.
Mất chủ tướng, đảng Văn Thân tan rã, người trốn ra ngoại quốc, người ra Bắc tiếp tục chiến đấu, người ra đầu thú bị bắt đày đi Côn Đảo.
Nhận xét:
Không cầu danh, không ham lợi, Phan Đình Phùng với một lòng yêu nước thiết tha, đã lưu lại đời sau một gương hy sinh cao cả cho tổ quốc.
"Mười năm Hà Tịnh vẫy vùng,
Vì dân vì nước, một lòng trung kiên."
(Theo Quốc Sử lớp Ba - VNCH)

Thứ Sáu, 23 tháng 1, 2015

Thà chết chớ không bỏ thành – Hoàng Diệu.


Hoàng Diệu, người tỉnh Quảng Nan, nhà nghèo nhưng rất thông minh và chăm học. Năm 25 tuổi, ông thi đỗ Phó bảng, làm quan ông được tiếng là trung chính.
Sau khi Nguyễn Tri Phương tuẫn tiết, triều đình ta và Pháp ký hòa ước năm 1874. Theo hòa ước này, nước ta thuận nhường đứt 6 tỉnh miền Nam cho Pháp, và Pháp trả lại cho ta thành Hà Nội. Tuy vậy, quân Pháp vẫn tiếp tục gây thế lực của họ ở miền Bắc.
Vua Tự Đức bèn cử Hoàng Diệu trấn thủ Hà Nội để phòng bị mọi việc bất trắc.
Quả nhiên, vào đầu năm 1882, chiến thuyền Pháp thình lình kéo ra Hà Nội, quân lính mang khí giới đi lại nghênh ngang, làm cho dân chúng rất xôn xao.
Hoàng Diệu đoán biết manh tâm của người Pháp, bèn ra lệnh đào hào, đắp lũy, sửa sang công cuộc chống giữ và hội họp chư tướng thề quyết sống chết với thành.


Sáng ngày 25 tháng tư năm 1882, quân Pháp đột nhiên gửi tối hậu thư hẹn đến 8 giờ, ta phải giải binh và giao thành.
Hoàng Diệu nhất định không chịu. Pháp đem đại bác bắn vào thành. Dầu súng ống kém cỏi, ông cũng đốc thúc quân sĩ chống cự hăng hái. Bỗng có kẻ phản bội đốt kho thuốc súng trong thành. Quan quân rối loạn, nhiều người chạy trốn. Ông bình tĩnh chống trả cho đến cùng. Sau mấy giờ chiến đấu, thành vỡ, quân địch tràn vào như nước vỡ bờ.
Hoàng Diệu ra lệnh cho quân sĩ tháo lui. Còn ông, ông thắt cổ dưới gốc cây mà chết theo thành, để khỏi sa vào tay giặc. Người trong nước nghe tin rất cảm phục.
Nhận xét:
Cái chết trung liệt của Hoàng Diệu làm cho quân xâm lăng, dầu thắng ta, cũng thấy rõ tinh thần bất khuất và chí hy sinh của dân tộc ta.
(Theo Quốc Sử lớp Ba - VNCH)

Nhịn đói chịu đau mà chết – Nguyễn Tri Phương.


Nguyễn Tri Phương, người tỉnh Thừa Thiên, có tài thao lược. Ông làm quan trải qua ba triều Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức, đánh Nam dẹp Bắc, lập được nhiều công trạng.
Ông phá quân Xiêm, bình giặc Chân Lạp ở miền Nam và đánh tan giặc Nùng, giặc Cai tổng Vàng ở miền Bắc.
Đến khi quân Pháp sang đánh miền Nam, vua Tự Đức sai ông cầm binh chống giữ. Pháp thắng trận là nhờ có súng đạn tinh xảo, nhưng vẫn khen phục ông là một vị tướng rất giỏi.
Về sau, 6 tỉnh miền Nam đã mất, Nguyễn Tri Phương phụng mệnh ra trấn thủ miền Bắc.
Soái phủ Pháp ở Saigon muốn gây sự ở Bắc nên sai tướng đem quân ra Hà Nội đòi quyền thông thương trên sông Nhĩ Hà để chở hàng hóa sang Tàu. Ông nhất quyết không chấp thuận.


Quân Pháp thình lình tấn công thành Hà Nội, ông cùng con là phò mã Nguyễn Lâm chống giữ hăng hái nơi cửa Đông và cửa Nam. Chẳng may, hai cha con đều bị trúng đạn, phò mã Lâm tử trận, ông bị thương nặng.
Quân Pháp vào thành chở ông xuống tàu băng bó vết thương và đổ cháo, đổ thuốc cho ông. Nhưng ông nghĩ mình là một bậc lão thần, danh tiếng lừng lẫy, nay bị sa cơ, thà lấy cái chết mà đền nợ nước hơn là để cho giặc săn sóc mà mong cái sống thừa.
Vậy nên ông vứt bỏ dây băng bó, phun cháo và thuốc ra, cố chịu đau đớn và đói khát cho đến phút chết.
Nhận xét:
Nguyễn Tri Phương trọn đời làm tướng đánh Nam dẹp Bắc, cứu nước an dân. Chẳng may gặp cơn quốc nạn, cha con đều hiến thân cho nước, thật là toàn gia trung liệt, đáng sùng kính đời đời.
(Theo Quốc Sử lớp Ba - VNCH)

Thứ Năm, 22 tháng 1, 2015

Chết để cứu dân – Phan Thanh Giản.


Phan Thanh Giản sanh năm 1796 ở làng Bảo Thạnh nay thuộc tỉnh Kiến Hòa. Thủa nhỏ nhà nghèo, mẹ mất sớm, ông ở với cha rất hiếu thảo và học giỏi nổi tiếng.
Năm ba mươi tuổi, ông thi đỗ đầu Tiến sĩ, rồi ra làm quan trãi ba triều vua Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức. Đời làm quan của ông thật là khi thăng khi giáng. Nhưng lúc nào ông cũng một lòng vì nước, nên về sau ông được vua tin cậy và giao phó nhiều trọng trách.
Năm 1862, sau khi người Pháp đem binh sang đánh chiếm miền Nam, vua Tự Đức sai Phan Thanh Giản vào Gia Định ký hòa ước với Pháp. Do hòa ước này, vì bại trận, ta phải nhường cho Pháp ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ: Biên Hòa, Gia Định và Định Tường.
Năm sau, vua cử ông cầm đầu một sứ bộ sang Pháp xin chuộc lại ba tỉnh đã nhường. Ông được Hoàng đế nước Pháp tiếp đãi rất trọng hậu nhưng cuộc thương thuyết chuộc đất đai không có kết quả.
Lúc ông trở về nước thì quân Pháp lại có ý muốn chiếm luôn ba tỉnh miền Tây: Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên để tiện việc dòm sang nước Chân Lạp (Cam Bốt).


Vua Tự Đức bèn cử ông làm Kinh lược trấn giữ ba tỉnh này.
Mặc dầu đã bẩy mươi tuổi, ông vẫn phải nhận lấy trách vụ nặng nề và khó khăn ấy.
Quả nhiên, viện cớ quan quân ta thường ngầm giúp nghĩa quân đánh phá các tỉnh miền Đông, Pháp đem chiến thuyền tấn công các tỉnh phía Tây. Phan Thanh Giản biết chống không nổi nên ra lệnh giao thành cho Pháp để cho quân dân khỏi bị tàn sát.
Ông thời nhịn đói và uống thuốc độc mà chết cốt tỏ lòng trung thành với vua.
Trước khi mất, ông đề nghị với Pháp đừng xâm phạm đến kho tàng của triều đình và đừng giết hại dân chúng.
Nhận xét:
Trọn đời làm quan chỉ một lòng vì nước, lúc tuổi già lại phải chết để cứu dân, Phan Thanh Giản đã treo một gương hy sinh cao cả cho hậu thế.
(Theo Quốc Sử lớp Ba - VNCH)

Thứ Tư, 21 tháng 1, 2015

Một nhà nho sáng suốt – Nguyễn Trường Tộ.


Nguyễn Trường Tộ người làng Bùi Chu tỉnh Nghệ An, tinh thông Nho học, theo đạo Thiên Chúa. Thấy ông là người thông minh, các vị giám mục cho ông đi du học qua nhiều nước ở Âu châu. Nhờ vậy, ông hiểu rộng thấy xa, biết rõ sự giàu mạnh của các nước Âu Mỹ.
Sau khi trở về nước, Nguyễn Trường Tộ dâng nhiều bản điều trần lên vua Tự Đức trình bày những điều mắt thấy tai nghe ở nước người và xin vua sớm canh tân mọi việc.
Về nội trị, ông đề nghị sửa đổi việc cai trị, tổ chức quân đội theo các nước Âu Mỹ, cải cách việc học hành, dùng quốc văn thay chữ Hán, cho học sinh đi du học. Ông xin mở mang canh nông, kỹ nghệ, thương mãi, giao thông.
Về ngoại giao, ông đề nghị nên hòa với Pháp và giao thiệp với các cường quốc, mở rộng thương cảng cho các nước ngoài vào buôn bán để nước này kềm chế nước kia mà không nước nào xâm phạm đến nước ta được.
Nguyễn Trường Tộ có lòng yêu nước thiết tha, muốn đem những điều hiểu biết giúp vào việc canh tân nước nhà để trở nên giàu mạnh. Nhưng vua quan ta lúc bấy giờ không hiểu thời cuộc, chỉ một mực thủ cựu, không dám bỏ cũ theo mới. Bởi thế, cái chương trình mà ông đã tốn bao nhiêu tâm lực để thảo ra bị triều đình bác bỏ.
Nhận xét:
Lòng yêu nước và trí sáng suốt của Nguyễn Trường Tộ thật đáng kính phục ! Nếu chương trình canh tân của ông được thực hiện thì nước ta có lẽ đã hùng cường từ lâu và khỏi bị ngoại thuộc đến gần một trăm năm.
(Theo Quốc Sử lớp Ba – VNCH)

Mộ Nguyễn Trường Tộ (Bùi Chu) và người cháu đích tôn

Bài đọc thêm:
Cảm nghĩ khi viếng mộ Nguyễn Trường Tộ.
Tháng mười năm Tự Đức thứ 24, Nguyễn Trường Tộ tiên sinh từ trần, đem theo một thông minh siêu quần, một tài năng bạt tụy, đáng lẽ có thể đem dùng chuyển di được thời thế, mà rút cuộc lại không được ích lợi mảy may cho nước nhà, khiến bọn hậu sanh chúng ta mỗi khi đọc lại những bài điều trần mà ngao ngán ngẩn ngơ…
Ngày nay khách hoài cổ về xã Bùi Chu, nhìn thấy căn nhà tranh xơ xác, tả tơi, trông thấy nắm mộ đất tiêu điều ảm đạm ở giữa cái bãi Đá Mài trơ trọi, gồ ghề; chắc không thể chẳng ngậm ngùi than thở cho cái số phận hẩm hiu của nước nhà đã không biết dùng một nhân tài lỗi lạc, mà cũng không thể chẳng trách thầm sự lãnh đạm của cả quốc dân đối với một bậc vĩ nhân của đất nước. 
(Theo Từ Ngọc – Nguyễn Trường Tộ)

Thứ Ba, 20 tháng 1, 2015

Doanh điền sứ - Nguyễn Công Trứ.


Nguyễn Công Trứ người làng Uy Viễn tỉnh Hà Tịnh. Từ thủa nhỏ ông đã nổi tiếng văn hay chữ tốt, nhưng mãi đến năm bốn mươi tuổi, đời Gia Long thứ 15, ông mới đỗ Giải nguyên.
Ông được bổ đi làm quan nhiều nơi, từ Bắc chí Nam. Khi thì ông lãnh chức Tuần phủ, Tổng đốc ở các tỉnh, khi thì nhận chức Tham tri các bộ ở Kinh thành.
Ông lại có tài thao lược nên từng cầm quân phá được giặc Phan Bá Vành và giặc Nùng Văn Vân ở miền Bắc, quân Chân Lạp và quân Xiêm La ở miền Nam.
Vì tính cương trực, ông bị giáng chức nhiều lần nhưng rồi nhờ lập được công to nên lại được phục chức.
Trọn đời làm quan, lúc nào nhà cũng nghèo, nhưng ông luôn luôn vui vẻ lo làm tròn phận sự, lo việc ích nước lợi dân.
Công nghiệp lớn lao của ông là việc mở mang ruộng đất.


Lúc được vua phong chức Doanh điền sứ, ông rất chăm lo việc khai khẩn đất hoang ở vùng biển để lập ra huyện Tiền Hải thuộc tỉnh Thái Bình và huyện Kim Sơn thuộc tỉnh Ninh Bình.
Ông sai đắp đê để ngăn nước mặn, đào sông khơi ngòi để lấy nước ngọt. Dân chúng kéo đến đông đúc cày cấy làm ăn. Nhờ đó, một vùng đất hoang hàng vạn mẫu biến thành đồng ruộng phì nhiêu.
Lúc giữ chức Tổng đốc Hải dương, ông lại chiêu dụ những dư đảng các đám giặc, cấp cho trâu bò, cày bừa và tiền bạc để khai phá thêm đất hoang.
Lúc về hưu, ông thường đến chơi hai huyện Tiền Hải và Kim Sơn, dạo xem phong cảnh, ngâm vịnh thi phú.
Nhận xét:
Nguyễn Công Trứ văn hay, võ giỏi, lại có tài kinh doanh, thật là một người có công to với nước, với dân.
(Theo Quốc Sử lớp Ba - VNCH)


Bài đọc thêm: 
Nguyễn Công Trứ
Gót danh lợi dù không mơ tưởng,
Nợ trần hoàn chi vướng bíu bo ?
Với giang sơn, trót đã hẹn hò,
Thì gánh vác phải sao cho hào hứng.
Chỉ kiếm một, khi non sông vững,
Phá cồn đôi, dạo ruộng nương thành.
Vì dân sinh khai khẩn kinh doanh,
Xưa bãi biển, nay đất lành chim đậu.
Cửa Thần Phù còn đâu nữa dấu ?
Huyện Kin, Tiền phồn hậu biết là bao !
Vì ai, quốc phú dân hào ?
(Theo Vũ Huy Chân - Những người không chết)

Thứ Hai, 19 tháng 1, 2015

Gương trung nghĩa - Võ Tánh và Ngô Tùng Châu.


Võ Tánh là một võ tướng có thao lược cùng với Ngô Tùng Châu là một văn nhân có mưu trí theo phò chúa Nguyễn Ánh đánh nhau với Tây Sơn. Sau khi hạ được thành Quy Nhơn, Chúa phó thác cho Võ Tánh và Ngô Tùng Châu trấn giữ.
Tướng Tây Sơn là Trần Quang Diệu đem đại binh đến đánh, Võ Tánh biết thế địch đang mạnh, chưa có thể phá được, bèn rút quân vào thành cố thủ. Quân Tây Sơn bao vây chặt chẽ. Chúa Nguyễn đem binh đến cứu viện nhưng đánh mãi mà không giải vây được.
Có kẻ khuyên Võ Tánh vượt vòng vây mà trốn ra. Ông không nghe, bảo rằng: ” Ta phụng mệnh giữ thành nầy thì nên thề sống chết với thành, chớ nếu bỏ thành mà thoát lấy một mình thì mặt mũi nào trông thấy Chúa nữa.”
Chúa Nguyễn sai người lẻn vào bảo Võ Tánh bỏ thành mà ra. Ông trả lời rằng: “Đại binh Tây Sơn đang ở đây cả, xin Chúa thừa dịp tiến quân ra đánh lấy thành Phú Xuân, đừng vội lo việc giải vây.”


Chúa Nguyễn nghe theo kế ấy, liền đem binh ra đánh úp Phú Xuân và khắc phục được thành nầy làm cho quân Tây Sơn đóng ở các nơi nghe tin đều e ngại.
Trong lúc đó, thành Quy Nhơn đã bị vây gần 2 năm, trong thành hết cả lương thực, quân sĩ phải giết voi, giết ngựa mà ăn.
Võ Tánh bèn viết thư cho quân Tây Sơn nói rằng: ”Phận sự ta làm chủ tướng thì đành phải chết dưới cờ, còn các quân sĩ không có tội gì thì không nên giết hại ai cả”.
Rồi ông sai quân chất củi khô dưới lầu bát giác và đổ thuốc súng vào giữa. Ông mặc triều phục lên lầu sai người châm lửa. Các tướng đứng quanh hầu khóc lóc. Ông ném tàn thuốc lá xuống, thuốc súng bốc cháy lên thiêu sống ông.
Trong lúc đó, Ngô Tùng Châu cũng đã uống thuốc độc mà chết.
Nhận xét:
Thà chết chớ không để cho địch bắt, Võ Tánh và Ngô Tùng Châu đã treo gương trung nghĩa hiếm có trong lịch sử.
(Theo Quốc Sử lớp Ba - VNCH)

Chủ Nhật, 18 tháng 1, 2015

Trận Đống Đa – Vua Quang Trung


Vua nhà Thanh bên Tàu mượn tiếng giúp vua Lê, sai Tôn Sĩ Nghị đem 20 vạn binh qua xâm chiếm Bắc Hà. Tướng Tây Sơn là Ngô Văn Sở sợ thế yếu chống không nổi, bèn rút quân về đóng giữ ở vùng núi Tam Điệp.
Tôn Sĩ Nghị vào chiếm giữ thành Thăng Long, coi thường vua Lê Chiêu Thống, thả quân lính cướp phá dân gian.
Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ ở Phú Xuân được tin ấy bèn làm lễ lên ngôi Hoàng đế, niên hiệu Quang Trung, rồi tự mình thống lĩnh thủy bộ đại binh tiến ra Bắc. Ra đến Tam Điệp là ngày 20 tháng chạp, Quang Trung truyền cho ba quân ăn Tết trước, hẹn đến ngày mồng 7 tháng giêng vào thành Thăng Long mở tiệc ăn mừng.
Ngày 30 tháng chạp, vua Quang Trung thúc quân tiến nhanh như gió bão.
Đêm mồng 3 tháng giêng, quân ta vây kín đồn Hà Hồi, đợi tiếng loa cùng la ầm lên vang trời dậy đất. Quân Thanh trong đồn kinh hồn hoảng vía, không dám chống cự phải xin đầu hàng cả.


Mờ sáng ngày mồng 5, quân ta tiến tới kịch chiến với quân Thanh ở Ngọc Hồi, Đống Đa gần Hà Nội. Quân giặc bắn súng ra như mưa. Vua Quan Trung chọn các người lực lưỡng khiêng những tấm ván to có quấn rơm ướt ở phía trước để che đỡ cho quân xung phong dùng đoản đao xông vào hãm đồn như nước vỡ bờ.
Quân Thanh chống không nổi xôn xao tán loạn, dày xéo lên nhau mà chạy. Quân ta đánh tràn tới, lấy được các đồn, giết quân Thanh thây nằm ngổn ngang.
Các danh tướng như Hứa Thế Hanh, Tôn Sĩ Long đều tử trận, Sầm Nghi Đống phải thắt cổ mà chết.
Tôn Sĩ Nghị nửa đêm được báo tin, vội vã bỏ thành quên cả ấn tín, qua cầu sông Nhị Hà chạy về Tàu. Quân sĩ chạy theo, tranh nhau qua cầu, cầu gãy, chết đuối đầy sông.
Nhận xét:
Trận Đống Đa là một trong những chiến công oanh liệt nhất lịch sử Việt Nam. Vua Quang Trung quả là một vị anh hùng cái thế của dân tộc Việt.
(Theo Quốc Sử lớp Ba - VNCH)

Thứ Bảy, 17 tháng 1, 2015

Công cuộc cai trị miền Bắc – Chúa Trịnh.


Trong khi Chúa Nguyễn lo mở rộng bờ cõi ở miền Nam thì ở miền Bắc Chúa Trịnh lo sửa sang việc trị dân để giữ vững thế lực của mình.
Tại triều, vua Lê chỉ ngồi cho có vị, Chúa Trịnh nắm giữ hết mọi quyền hành trong tay. Chúa chọn quan lại rất kỷ lưỡng và cố trừ nạn tham nhũng.
Về pháp luật, Chúa Trịnh sửa đổi các luật lệ, định lại cách xử kiện cho giản dị hơn và bãi bỏ các hình phạt nặng nề.
Về tài chánh, Chúa Trịnh đặt ra nhiều thứ thuế, như thuế đinh, thuế điền, thuế muối, thuế chợ, thuế đò, thuế thổ sản,v.v…
Để sửa soạn đánh nhau với Chúa Nguyễn và phòng ngừa các cuộc dấy loạn, Chúa Trịnh rất chăm lo việc võ bị. Chúa mở trường dạy võ nghệ và đặt lệ ba năm thi một lần. Thí sinh phải biết binh thư, đồ trận, và bắn cung, múa giáo, múa gươm, cỡi ngựa.
Quân lính chia ra làm hai hạng. Hạng Ưu binh mộ ở Thanh Hóa, Nghệ An đóng tại kinh thành. Hạng Nhất binh mộ tại Bắc, đóng ở các trấn.
Về văn học, Chúa Trịnh sửa sang việc học hành, thi cử.


Chúa lại sai người viết Quốc sử và bắt người trong nước khắc bản in, in sách vở bán để khỏi mua sách của nước Tàu.
Để làm giàu cho nước, Chúa Trịnh khuyến khích việc khai mõ đồng, mõ bạc, mõ kẽm ở miền thượng du, cho mở lò đúc tiền đồng, bạc lạng.
Chúa lại mở thương cảng Phố Hiến cho người ngoại quốc như Hà Lan, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Tàu vào buôn bán. Do đó nền thương mãi và công nghệ của ta lúc bấy giờ trở nên phát đạt. Phố Hiến trở nên một đô thị phồn thịnh, nổi danh một thời: “thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến”.
Nhận xét:
Chúa Trịnh kể ra cũng có công với nước ta. Ngoài việc dẹp loạn trong nước, Chúa Trịnh còn sửa sang việc cai trị và mở mang công nghệ, thương mãi làm cho nước nhà thịnh vượng.
“Non sông miền Bắc vững bền,
Giúp Lê, Chúa Trịnh xây nền quốc gia.”
(Theo Quốc Sử lớp Ba – VNCH)

Thứ Sáu, 16 tháng 1, 2015

Công cuộc mở rộng miền Nam – Chúa Nguyễn.


Cuối đời Lê, vua Lê mất hết quyền hành, Chúa Trịnh và Chúa Nguyễn tranh giành thế lực với nhau gây nên cuộc phân chia đất nước.
Chúa Trịnh nắm trọn quyền cai trị ở xứ Bắc, Chúa Nguyễn tự lập giang san ở miền Nam. Muốn gây dựng cơ đồ cho vững chắc để chống nhau với Chúa Trịnh, Chúa Nguyễn chăm lo việc mở rộng đất đai về phương Nam.
Lúc bấy giờ, đất nước ta từ Bắc trở vào chỉ có đến tỉnh Bình Định là hết. Giáp ranh với ta về phía Nam là nước Chiêm Thành, xưa kia rất hùng mạnh, nhưng từ khi bị vua Lê Thánh Tông đánh cho đại bại, đã trở nên suy yếu. Các Chúa Nguyễn, qua đời cha đến đời con, lần lược đánh chiếm trọn xứ Chiêm Thành rồi di dân đến khai khẩn, lập ra các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận ngày nay.


Chiếm xong đất Chiêm Thành, Chúa Nguyễn liền lo việc giao thiệp với nước Chân Lạp để mở mang thêm bờ cõi cho đất nước.
Nước Chân Lạp ở vào vùng châu thổ sông Cửu Long, dân cư thưa thớt, đồng lầy ẩm thấp, rừng rú hoang vu. Dân ta rủ nhau sang các nơi kế cận khai thác đất đai làm thành vườn ruộng. Về sau, Chúa Nguyễn nhiều lần sai tướng sĩ giúp vua Chân Lạp dẹp loạn trong nước hoặc chống nhau với quân Xiêm. Để đáp ơn, vua Chân Lạp trước nhận cho dân ta được tự do đến lập nghiệp ở miền Thủy Chân Lạp, tức Nam Phần bây giờ, rồi về sau, lần lần nhường hết miền nầy cho nước ta. Chúa Nguyễn đưa dân đến đó cày cấy, trồng trọt, tạo nên một phần đất giàu có nhất của Việt Nam.
Nhận xét:
Chúa Nguyễn thật đã có công mở rộng bờ cõi nước ta về phía Nam.
(Theo Quốc Sử lớp Ba – VNCH)

Tiến trình Nam tiến của dân tộc Việt

Bài đọc thêm: 
Cuộc Nam tiến của dân tộc ta.
Thử xét cả cuộc lịch sử dân Việt Nam ta là một cuộc “Nam tiến” vô hồi vô hạn. Giống Giao Chỉ nguyên phát tích tự đất trung châu xứ Bắc rồi mỗi ngày bành trướng mãi ra. 
Nhưng bành trướng về phía Bắc không sao được, vì gặp những núi rừng ngăn trở, lại có giống mạnh hơn không thể tranh nổi, thế tất phải tràn về phía Nam, càng ngày càng lan rộng mãi ra. Gặp những thổ dân, trước thì tiêu diệt cho tàn, hoặc dung hòa cho hết: Chiêm Thành xưa kia hiển hách xiết bao mà nay còn gì ? Người đã bị ta diệt, còn sót lại tấm thành cổ, góc miếu xưa để làm bằng chứng cho đời sau biết rằng xưa kia đã có một giống người sinh trưởng trước ta ở chốn đó ! 
Ôi ! Khốc liệt thay là cái lẽ sinh tồn cạnh tranh của trời đất.
(Phạm Quỳnh)
Lời bàn luận:
Những chánh sách Chúa Nguyễn đem ra thực hiện cướp lấy hết đất đai hai nước Chiêm Thành, Chân Lạp sáp nhập vào Việt Nam, nay được người Tàu tiếp thu áp dụng lại không khác chi mấy. Cách hành xử của CSVN với nước Tàu hiện nay cũng y hệt các vua chúa Chiêm Thành, Chân Lạp từng coi đó “quốc sách”.
Than ôi ! Trời đất quả nhiên đặt ra luật quả báo.

Thứ Năm, 15 tháng 1, 2015

Khởi thảo địa lý và sử ký nước nhà – Vua Lê Thánh Tông.


Lê Thánh Tông là một ông vua rất thông minh, có tài đức, hết lòng chăm lo việc ích nước lợi dân. Ở ngôi được 37 năm, Ngài đã làm cho nước ta cường thịnh, lừng lẫy một thời.
Thánh Tông sửa sang việc cai trị để tránh nạn tham nhũng cho nhân dân.
Ngài dựng nhà “Tế sinh” để nuôi người già yếu, tàn tật và chữa bệnh cho kẻ nghèo.
Ngài lập đồn điền để khuyến khích việc canh nông.
Ngài sai soạn bộ luật Hồng Đức để định việc hình phạt cho rõ ràng.
Ngài định lại phép thi để tuyển chọn nhân tài, lập nhà “Bí thư” để chứa sách quý, lập hội Tao đàn để cùng các quan làm thơ viết sách.
Ngài rất chăm lo việc rèn luyện quân sĩ, và nhờ vậy, ngài đã đại thắng quân Chiêm Thành để mở rộng thêm bờ cõi.
Nhưng công trạng đặc sắc của Thánh Tông là việc khởi thảo địa lý và sử ký nước nhà.


Từ trước đến đời Lê Thánh Tông, nước ta chưa có địa đồ, Thánh Tông truyền lệnh cho các quan ở địa phương xem xét trong vùng của mình có những núi non sông rạch gì, hiểm trở thế nào, phải vẽ địa đồ cho rõ ràng; và nơi nào có di tích lịch sử, có phong cảnh đẹp phải ghi chép rành rẽ, rồi gửi về bộ Hộ để soạn thảo sách địa lý nước nhà.
Về sử ký, dưới đời nhà Trần, Lê Văn Hưu đã soạn bộ sử đầu tiên của nước ta là “Đại Việt sử ký” gồm 30 quyển, chép từ đời Triệu đến Lý Chiêu Hoàng. Nhưng bộ sử ấy trong thời nội thuộc Minh, quân Minh đã lấy đem về Tàu.
Thánh Tông bèn sai Ngô Sĩ Liên soạn bộ “Đại Việt Sử ký Toàn thư” chia làm hai phần. Phần thứ nhất kể từ đời Hồng Bàng đến Thập nhị Sứ quân có 5 quyển. Phần thứ nhì kể từ Đinh Tiên Hoàng đến Lê Thái Tổ có 10 quyển.
Địa lý và sử ký nước ta bắt đầu văn bản rõ ràng từ đó.
Nhận xét:
Lê Thánh Tông là một đấng anh quân có công rất lớn đối với nước ta.
(Theo Quốc Sử lớp Ba - VNCH)

Thứ Ba, 13 tháng 1, 2015

Trả thù cha, rửa hận nước - Nguyễn Trãi.


Nguyễn Trãi người làng Nhị Khê, tỉnh Hà Đông, thi đỗ tiến sĩ đời nhà Hồ. Lúc quân Minh đánh chiếm nước ta, ông lui về ở ẩn, đợi ngày ra dẹp loạn cứu dân.
Quân Minh bắt cha ông là Bảng nhãn Nguyễn Phi Khanh giải về Tàu, ông đưa chân cha đến ải Nam Quan. Trước phút chia tay, ông cảm động sa nước mắt. Phi Khanh nghiêm nghị bảo ông: "Con hãy về lo trả thù cho cha, rửa hận cho nước, đừng học theo thói nữ nhi thường tình có ích lợi gì."
Nguyễn Trãi gạt lệ, từ tạ cha quay về.
Lời cha dặn ăn sâu vào trí não, Nguyễn Trãi ngày đêm tập võ nghệ, xem binh thư, nghĩ cách đuổi giặc. Nghe tin Lê Lợi là bậc anh hùng khởi nghĩa ở Lam Sơn, ông tìm đến xin ra mắt và dâng kế bình giặc Minh.
Lê Lợi biết ông là người có tài có chí, bèn dùng làm quân sư.


Trong mười năm trời, ông bày mưu hiến kế giúp Lê Lợi đánh nhau với quân Minh cả trăm trận. Sau cùng, nhờ mưu lược của ông, quân ta vây được tướng Vương Thông tại thành Đông Đô và chém đại tướng Liễu Thăng tại ải Chi Lăng. Quân Tàu các nơi đều tan vỡ.
Thế là nước ta giành lại nền độc lập và dân ta thoát vòng nô lệ.
Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế, phong cho Nguyễn Trãi chức Tể tướng, tước Tề văn hầu, đứng đầu các quan văn võ trong triều đình.
Đã giúp vua trong khi loạn lạc, ông lại có công to trong lúc thanh bình. Chính tay ông viết tất cả các chiếu chỉ đầu tiên và các giấy tờ giao thiệp với nhà Minh.
Nhưng chẳng bao lâu, vì không ham danh lợi, ông xin về an dưỡng ở núi Côn Sơn (thuộc tỉnh Hải Dương) vui cùng gió mây cây cỏ, mãn nguyện vì đã rửa hận cho nước, trả thù cho nhà, đúng theo lời cha dặn.
Nhận xét:
Nguyễn Trãi là vị khai quốc công thần của vua Lê Thái Tổ, có công lớn nhất trong cuộc kháng chiến chống quân Minh để giải phóng đất nước.
(Theo Quốc Sử lớp Ba - VNCH)

Thứ Hai, 12 tháng 1, 2015

Hy sinh vì đại nghĩa – Lê Lai


Trong mười năm kháng chiến chống quân Minh, Lê Lợi gặp nhiều phen nguy khổn.
Có lần ông thua trận, phải rút binh về đóng ở núi Chí Linh thuộc tỉnh Nghệ An. Tướng Minh đem đại đội binh mã bủa vây, quyết bắt ông cho kỳ được.
Tình thế vô cùng nguy ngập: lương thực lần lần cạn, quân sĩ đau ốm hao mòn, thoát ra không được mà cố thủ thì cũng đến chết cả. Lê Lợi bèn hội các tướng bàn nên tử chiến một trận, thoát được thì càng hay, bằng không, chịu chết cũng cam.
Lúc ấy có Lê Lai, chính tên là Nguyễn Thân, vì theo chúa lập nên công lớn, nên được đổi tên họ, đứng lên tâu rằng:
- “Vương nên lấy thân làm trọng, hiện nay cả nước chỉ trông vào có một mình Vương, nếu mệnh hệ nào, thì làm sao đuổi giặc Minh ra khỏi bờ cõi. Tôi xin tình nguyện trá hình thay Vương để đánh lừa quân giặc, như Kỷ Tín đời Hán đã liều mình chết thế cho vua Cao Tổ”.
Lê Lợi cảm động quá không nhất quyết, nhưng Lê Lai hết lời nài nỉ nên phải gạt lệ noi theo.


Thế rồi, Lê Lai mặc áo hoàng bào, cầm cờ lệnh nhảy lên ngựa, thúc quân ra đánh dữ dội. Quân Minh tưởng là Lê Lợi liều chết phá vây, nên đổ xô đến chặn đánh hung hăng. Lê Lai bị giặc bắt và giết đi. Trong lúc ấy, Lê Lợi đã cùng một số người tùy tùng cải dạng làm tiều phu, theo đường vắng thoát khỏi núi Chí Linh.
Rồi cũng nhờ quân Minh tưởng Lê Lợi đã bị giết thật nên chẳng bao lâu ông chỉnh đốn lại quân đội để tiếp tục kháng chiến cho đến ngày thành công.
Sau khi lên ngôi, Lê Thái Tổ truy tặng cho Lê Lai rất trọng hậu, và truyền rằng về sau mỗi khi đến lễ giỗ vua thì ngày trước đó phải cúng tế Lê Lai.
Vì vậy cho đến ngày nay, cứ vào tháng 8 âm lịch, ngày 22 là ngày kỷ niệm Lê Lợi, còn ngày 21 là lễ kỷ niệm Lê Lai.
Nhận xét:
Chết vì đại nghĩa như Lê Lai thì thân dẫu tan nát chớ danh còn rạng mãi với non sông.
“Thay vua khoát chiếc long bào
Hy sinh vì nước, đề cao giống nòi.”
(Theo Quốc Sử lớp Ba- VNCH)

Chủ Nhật, 11 tháng 1, 2015

Mười năm kháng chiến chống quân Minh – Lê Lợi


Lê Lợi người làng Lam Sơn, tỉnh Thanh Hóa, làm nghề nông, giàu có, hay giúp đỡ kẻ nghèo khó, nên mọi người đều kính phục.
Lúc bấy giờ nhà Minh đang cai trị nước ta, nghe tiếng ông rất được lòng dân, bèn cho sứ giả đến mời ông ra làm quan, nhưng ông một mực chối từ.
Ông thường nói với bạn bè: “Làm trai ở đời phải chống nạn lớn, lập công to, để tiếng thơm muôn thủa, tội gì lại chịu hạ mình làm đầy tớ người ta !”
Ông ngấm ngầm tích trữ lương thực, chiêu mộ binh sĩ đợi ngày ra tay giải thoát dân tộc khỏi vòng nô lệ của người Minh tàn bạo.
Năm 1418, được nhiều vị anh hùng đến giúp, ông phất cờ khởi nghĩa tại Lam Sơn, tự xưng là Bình Định Vương.
Lúc đầu quân ít thế yếu, ông chịu nhiều nỗi gian lao khổ cực. Ba lần phải rút binh về ẩn núp ở Chí Linh thuộc tỉnh Nghệ An. Mấy phen thua trận chạy lên núi, đói khát phải đào củ chuối và hái rau ăn trừ bữa. Một lần bị quân địch bủa vây, nhờ Lê Lai lập kế trá hình, ông mới thoát chết. Một lần khác bị giặc rượt gấp, phải chạy bỏ cả gia đình. Tuy vậy, càng thua lại càng hăng hái, chớ không thối chí ngã lòng.


Sau, thế lực mạnh lên, ông thừa cơ thuận tiện đánh chiếm Nghệ An, Thanh Hóa rồi đem binh ra Bắc, vây chặt Vương Thông tại Đông Đô.
Nhà Minh sai dũng tướng Liễu Thăng đem binh sang cứu viện. Ông lập kế chém được Liễu Thăng ở Chi Lăng thuộc tỉnh Lạng Sơn. Quân Tàu đóng các nơi nghe tin hoảng sợ, tốp chạy trốn về xứ, tốp đầu hàng.
Sau khi dẹp tan giặc Minh, Lê Lợi sai Nguyễn Trãi soạn bài “Bình Ngô Đại Cáo”, báo cho dân chúng biết sự thắng trận vẻ vang của quân dân ta, rồi lên ngôi, hiệu là Lê Thái Tổ.
Nhận xét:
Với một lòng kiên nhẫn lạ thường trong cuộc chiến đấu vô cùng khó khăn vất vả, Lê Lợi đã bẻ cùm tháo xích cho giống nòi. Thực là một bậc đại anh hùng dân tộc.
(Theo Quốc Sử lớp Ba - VNCH)

Thứ Bảy, 10 tháng 1, 2015

Ngâm thơ nuốt hận - Đặng Dung.


Lúc Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần, lòng người ly tán, vua nhà Minh bên Tàu thừa cơ hội sai Trương Phụ đem binh xâm chiếm nước ta. Muốn thị uy cho dân ta khiếp sợ, Trương Phụ đi đến đâu cũng giết người, cướp của, đốt nhà và làm nhiều điều tàn bạo.
Trước cảnh nước mất nhà tan, người dân khổ sở, những bật anh hùng hào kiệt các nơi mài gươm luyện kiếm để đánh đuổi kẻ xâm lăng.
Lúc bấy giờ có Đặng Tất là người tài giỏi ra giúp Giản Định Vương, con trai thứ của Trần Nghệ Tông. Ông đánh thắng giặc Minh nhiều trận lớn. Lòng quân phấn khởi, mọi người đang hy vọng chiếm lại kinh thành.
Nhưng Giản Định lại nghe lời gièm pha, nghi ngờ Đặng Tất mà bắt giết đi.
Con Đặng Tất là Đặng Dung chán nản vô cùng, nhưng vì lòng yêu nòi giống, ông đành dẹp bỏ thù cha mà lo rửa hận cho nước.


Không thể theo phò Giản Định nữa, ông bèn tôn cháu của Trần Nghệ Tông là Trần Quý Khoách lên làm vua (Trùng Quang Đế) để lo việc khôi phục đất nước.
Trương Phụ đem đại binh tiến đánh Quý Khoách. Đương đêm, Đặng Dung dùng binh đánh úp Trương Phụ, quyết lòng bắt sống, làm cho quân Minh bối rối phải thua.. Ông nhảy được vào thuyền Trương Phụ nhưng tiếc thay vì không biết mặt, để tướng giặc nhảy xuống được một chiếc thuyền trốn thoát.
Sau đó, vì yếu thế, Đặng Dung bị thua phải phò vua theo đường núi chạy sang Lào. Vua tôi bị người Lào phản phúc bắt nộp cho Trương Phụ. Trương Phụ cho giải cả về Tàu. Gữa đường, vua tôi không chịu nhục, đều nhảy xuống biển tử tiết.
Nhận xét:
Tráng sĩ Đặng Dung trọn đời đã đem hết tâm lực mình phụng sự đất nước. Nhưng đáng thương thay ! Hận nước chưa nguôi mà chí khí anh hùng phải tan theo mây khói, đúng như ý nghĩa của bài thơ cảm tác mà ông thích ngâm nga những lúc bất đắc chí:
 "Thù trả chưa xong đầu đã bạc
Dưới trăng bao độ tuốt gươm mài."
(Theo Quốc Sử lớp Ba - VNCH)

Thứ Sáu, 9 tháng 1, 2015

Dâng sớ xin chém đầu bảy nịnh thần - Chu Văn An.


Chu Văn An người làng Quang Liệt tỉnh Hà Đông, thi đỗ Tiến sĩ đời nhà Trần. Tài học sâu rộng, tính khí cứng rắn ngay thẳng, ông không ham danh lợi chỉ mong làm tỏ rạng đạo thánh hiền.
Ông mở trường dạy học ở quê nhà, học trò theo học rất đông, người nào cũng hết lòng tôn kính. Nhiều người hiển đạt làm tới chức Tể tướng mà mỗi khi về thăm viếng, vẫn giữ lễ thầy trò đứng hầu nghe lời dạy bảo. Ai có điều gì không phải, ông lập tức quát mắng đuổi ra ngay.
Vua Trần Minh Tông nghe tiếng ông, cho triệu vào triều lãnh chức Tư nghiệp Quốc tử giám, kiêm dạy Thái tử.
Thật là bất đắc dĩ, ông phải từ giả nhà, về Kinh nhậm chức.


Đến khi Trần Minh Tông mất, vua Dụ Tông lên nối ngôi, việc nước trở nên rối ren. Dụ Tông ngày đêm say mê rượu chè, hát xướng, giao phó việc nước cho một bọn gian nịnh.
Bọn này mỗi ngày thêm hống hách, làm lắm điều bạo ngược, nhân dân ta thán, triều thần bất mãn, nhưng không có ai dám mở miệng can ngăn.
Vì lòng cương trực, Chu Văn An làm sớ dâng vua xin chém đầu bảy nịnh thần để cứu nước cứu dân. Nhưng vua Dụ Tông, trong lúc hôn mê, không hiểu được lời trung chánh, nên sớ "Thất trảm" của ông bị bỏ đi.
Ông bèn cởi áo từ quan về quê ẩn dật, việc đời gác bỏ ngoài tai, dạo chơi non nước, vui cùng cảnh vật thiên nhiên.
Sau, ông mất tại nhà, vua Trần Nghệ Tông sai quan đến tế, truy tặng là "Văn Trinh Công" và cho thờ trong văn miếu, ngang hàng với các bật tiên nho.
Nhận xét:
Chu Văn An là một bậc đại nho nêu gương trung nghĩa cho đời sau.
(Theo Quốc Sử lớp Ba - VNCH)

Thứ Năm, 8 tháng 1, 2015

Ông Trạng thanh liêm - Mạc Đĩnh Chi.


Mạc Đĩnh Chi người làng Lũng Động, tỉnh Hải Dương. Ông rất thông minh, văn hay, ứng đối giỏi. Năm 20 tuổi, ông thi Đình, văn đáng đỗ Trạng nguyên, nhưng vua Trần Anh Tông thấy người xấu xí, hình dáng loắt choắt như giống hầu, toan không cho đỗ.
Ông bèn dâng bài phú "Ngọc tỉnh liên" để tự ví mình với "Hoa sen trong giếng ngọc". Vua đọc xong, nhận là một bài văn thật hay mới cho ông đỗ và trọng dụng.
Trọn đời làm quan, ông giữ một lòng trung nghĩa với vua, công bình với cả mọi người. Lương bổng được bao nhiêu, ông đem về phân phát cho người thân quyến. Vì vậy, ông phò mấy triều vua, lên đến chức Tể tướng mà nhà rất thanh bạch. Từ triều thần đến dân gian, ai ai cũng ca tụng đức thanh liêm của ông.
Vua nghe tiếng, bèn sai người đêm khuya lén đem 10 quan tiền bỏ vào nhà ông. Sáng dậy, ông liền đem vào triều trình vua, tâu rằng không biết tiền của ai nên xin bỏ vào kho. Vua khen ngợi bảo: "Tiền ấy chính là của trẫm, khanh hãy lấy đi, trẫm thưởng tấm lòng thanh liêm của khanh đó".


Ông phụng mệnh đi sứ Tàu.
Vua quan nhà Nguyên nghe tiếng ông, bày ra nhiều cuộc thi phú để thử tài. Ông lúc nào cũng đối đáp trôi chảy, văn hay ý lạ, người Tàu thán phục.
Trong lúc đi sứ có một Công chúa mất, vua Tàu cử ông vào đọc văn tế. Đến lúc quỳ xuống cầm bản văn để đọc thì chỉ thấy một tờ giấy trắng có viết bốn chữ "Nhất" mà thôi.
Mạc Đĩnh Chi không nghĩ ngợi gì, đọc ngay lên một bài văn tế ý nghĩa thâm trầm:
"Thanh thiên nhất đóa vân,
Hồng lô nhất điểm tuyết,
Ngọc uyển nhất chi hoa,
Giao trì nhất phiến nguyệt.
Y! Vân tán, tuyết tan, hoa tàn, nguỵêt khuyết !"
Vua quan Tàu cho ông là một bậc kỳ tài.
Nhận xét:
Ông Mạc Đĩnh Chi là một bậc Trạng tài cao học rộng, lại  là một quan thanh liêm có một không hai.
(Theo Quốc Sử lớp Ba - VNCH)