Thứ Hai, 26 tháng 1, 2015
Miền Nam khởi nghĩa - Trương Công Định.
Bắt đầu từ năm 1859, người Pháp cậy có tàu to súng lớn, sang đánh chiếm nước ta và đặt dân ta dưới quyền đô hộ của họ trong hơn 80 năm. Nhưng thực ra trong suốt thời gian ấy, với một tinh thần bất khuất, dân ta không lúc nào ngưng tranh đấu để giành lại độc lập cho xứ sở.
Ngay khi người Pháp mới sang, phong trào khởi nghĩa chống xâm lăng bắt đầu khởi lên ở miền Nam, tràn lan ra miền Trung và miền Bắc.
Trương Công Định là người đầu tiên khởi binh chống Pháp ở miền Nam.
Sau khi ký kết hòa ước năm Nhâm Tuất (1862) với Pháp, triều đình Huế ra lệnh bãi binh, nhưng Trương Công Định về vùng Định Tường, chiêu mộ nghĩa quân, quyết chống tới cùng. Người theo ông rất đông, tôn ông là Bình Tây Đại nguyên soái.
Ông dùng chiến thuật du kích, khi ẩn khi hiện, nay đánh đồn này mai đánh đồn kia, gây tổn thất nặng nề cho quân Pháp. Ông thắng được nhiều trận lớn, nhất là trận Cần Guộc (Long An). Đánh mãi không thắng nổi ông, Pháp gửi thư dụ dỗ, hứa hẹn quyền cao chức trọng. Ông không trả lời. Triều đình Huế ra lệnh cho ông giải giáp. Ông cũng không tuân, cương quyết chết sống với quân địch để cứu dân cứu nước.
Về sau, Huỳnh Công Tấn là tên phản bội chỉ dẫn chỗ cư ngụ của ông tại làng Kiểng Phước (Gò Công). Quân Pháp nửa đêm đến bao vây, ông hăng hái chống cự cho đến sáng. Ông bị trúng đạn, bèn rút gươm tự tận.
Nhận xét:
Dù thất bại trong công cuộc giải phóng đất nước, Trương Công Định đã nêu gương vị quốc vong thân cho hậu thế soi chung.
(Theo Quốc Sử lớp Ba - VNCH)
Bài đọc thêm:
Các cuộc khởi nghĩa ở miền Nam.
Sau khi Trương Công Định mất rồi, cũng còn nhiều anh hùng nghĩa sĩ đứng ra tiếp tục chống Pháp khắp nơi ở miền Nam.
Thủ khoa Huân khởi binh ở vùng Định Tường.
Thiên hộ Dương lập chiến khu ở Đồng Tháp Mười.
Phan Liêm, Phan Tôn nổi lên ở vùng Vĩnh Long.
Nguyễn Văn Phụng đánh phá vùng Trà Vinh.
Oanh liệt nhất là Nguyễn Trung Trực dấy quân ở vùng Tân An, đốt được tàu giặc ở Nhật Tảo và đánh chiếm thành Kiên Giang.
Ngoài ra, cuộc kháng chiến tự động của dân chúng ở vùng Hóc Môn, Bà Điểm (Gia Định) nổi tiếng với trận đánh “Mười tám thôn Vườn Trầu” đã làm cho quân Pháp phải khiếp sợ.
Thật ra dân ta sánh với kẻ xâm lăng lúc đó chỉ kém súng to đạn lớn, chớ nào có kém lòng dũng cảm, chí hy sinh.
(Theo Đoàn Phò Vĩnh)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét