Thứ Tư, 30 tháng 11, 2011

Tu hú gọi hồn cô.


Ngày 28/11/2011, có gần 12.000 đại biểu của 194 nước lục tục kéo đến Durban, Nam Phi dự hội nghị về biến đổi khí hậu LHQ lần thứ 17.
" Cùng nhau hợp tác - Cứu tương lai ", ấy là chủ đề chính vì thế giới này đang nguy cơ đói to. Tổ chức Oxfam cảnh báo : thời tiết khắc nghiệt bởi hiện tượng nóng lên toàn cầu sẽ thúc đẩy giá thực phẩm tăng cao, đe dọa an ninh lương thực đặc biệt ở các nước nghèo.
Khí thải công nghiệp, xe cộ đi lại, nạn đốt phá rừng đã làm tăng cao hiệu ứng khí nhà kính, biến đổi thời tiết, không thuận lợi trồng trọt chăn nuôi, sinh nạn đói khát, sẽ giết chết hết loài người.
Hạn hán Phi Châu kéo dài, cây trồng héo cháy hết, người dân chết đói, chết khát, chết khô. Các nước Hy Lạp, Ý, Tây Ban Nha... thâm công đổ nợ, dân thất nghiệp không có tiền mua thức ăn, vốn đã quá đắt đỏ, nên sẽ vì nợ nần, chết đói dần dà hết cả.
Trung Hoa quá dân đông, người làm thời ít, người ăn thời nhiều, một bó rau muống giá 200.000 đồng phải nhập từ An nam, thực phẩm hiếm hoi quá phải chế tạo gạo nhựa, thịt cao su, sữa bột xi măng. Người Tàu nguy cơ chết đói, chết ăn ngộ độc.


Nước Nam, khả năng nguy cơ dân chúng chết đói vô cùng lớn. Băng tuyết ở Bắc cực, Nam cực tan mãnh liệt, nước biển mặn chát dâng cao ngập hết cả vùng đồng bằng Nam bộ, Bắc bộ. Hai vựa lúa chính cung cấp gạo thời cây lúa bị nhiễm mặn chết hết. Đất nông nghiệp ít ỏi thì đã đem xây sân golf, làm nhà cửa để đô thị hóa. Đất trung du do rừng bị phá triệt để, khô cằn xơ xác, nắng hạn mưa trôi, cây lương thực ngô khoai sắn tàn tạ chết. Đến rau cỏ dại người đói cũng không có mà ăn, nói chi đến bọn trâu bò nhai lại.
Dân chúng tranh nhau nhất sĩ bỏ nông. Hết thảy con em mọi người bỏ vườn bỏ ruộng, kéo nhau đi học đại học, cao học, cố quyết kiếm bằng tiến sĩ, giáo sư. Ai nấy sợ hãi chuyện đi làm ruộng, phải sống đời nông phu cực khổ. Cả đất nước, dân chúng đều tốt nghiệp đại học làm thầy cả. Có đều hàng chục triệu thầy ấy, ăn thời ăn thật, làm thời làm ảo.
Học cao thời ai quy chỉ số cũng cao. Đã cao lại còn đông đúc, các giáo sư tài ba chế tạo ra máy in tiền giấy tinh xảo, phân phối tiền lương, công chức mỗi người hàng chục triệu đồng nâng cao đời sống. Ngặt nổi tiền nhiều mà chợ búa chẳng có gì ăn được để mua cả. Lương thực thực phẩm, gạo bột, heo gà, rau củ quả vô cùng kham hiếm. Triệu đồng mua quả trứng chim cút cũng không ai có để mà bán. Viễn cảnh nạn đói làm chết hằng triệu người như năm Ất Dậu (1945) sắp trở lại với diện rộng tràn lan, thực tế ấy sẽ xảy ra trong một ngày gần đây.


- Truyện đói thương tâm "Tu hú gọi hồn cô" :
" Xưa phải một năm trời làm đói kém lắm, nhà kia có hai cô cháu, không biết kiếm gì mà ăn cho đủ. Cả nhà chỉ còn được một dúm đổ. Hai cô cháu phải đem nấu lên, rồi chia nhau lần lược ngậm hơi cho đỡ đói.
Ngậm đi ngậm lại đã bao nhiêu ngày, các hột đỗ sau cứ dần dần mòn xác đi không còn gì nữa. Phải khi đứa cháu ngậm, hột đỗ nó trôi vào cuống họng, không sao móc ra được.
Thành ra cô không còn gì ngậm hơi, cô đói lả ra, cô chết.
Cháu thấy cô chết, sinh ra buồn bực, vả lại đói quá, sức đã kiệt cùng, lăn ra chết nốt. Chết rồi cái hồn hóa ra làm con tu hú.
Cho nên bây giờ khi nào đến tiết mùa hè, cây kê cây đỗ nở hạt, tu hú có lắm cái ăn, thì nó lại sực nhớ đến cô nó trước, nên nó cứ kêu "cô hố" :
- Cô hố ! Cô hố ! Lúa đã trổ. Đỗ đã chín. Bay về mà ăn ! "
Và bởi vậy sau mới có câu hát rằng :
- Một miếng khi đói. Bằng gói khi no. Kìa con tu hú. "Thưa cô", nó gọi hoài...
( Truyện cổ nước Nam )



Thứ Ba, 29 tháng 11, 2011

Midu, thiên mệnh nữ anh hùng.


Midu là biệt hiệu của Đặng Mỹ Dung, người đẹp rất được thiên hạ mến mộ. Nếu xứ Phù tang tự hào vẻ đẹp Nazomi Sasaki, thì nước Nam cũng có thể vừa ý nét dung nhan mỹ lệ của Midu vậy.
Đặng Mỹ Dung sanh ngày 5/9/1989, cô xuất xứ sinh viên Kiến trúc Sài Gòn đại học.
- Sở thích: yêu màu tím và thích ngắm trời mưa.
- Làm người mẫu ảnh báo "Hoa học trò" từ năm học lớp 11, trở thành Hot V teen 2007, tham gia chớp ảnh đăng nhiều báo thời trang khác.
- Người mẫu quảng cáo sản phẩm nổi tiếng: Lipice, VRhoto, Alaska, Acnes, Viettel, son Ilovecafe…, xuất hiện cùng các Sao khác trong làng giải trí.
- Á khoa ĐH kiến trúc TP. HCM, khoa Đồ họa với số điểm 25 (Vẽ chân dung - 8,5, Vẽ trang trí - 8,5, văn - 8). Thủ khoa Cao đẳng văn hóa nghệ thuật TP. HCM 2007 khoa đồ họa với số điểm 29,5.
- Phim tham gia : "Những thiên thần áo trắng", "Cô nàng tóc rối"
- Lựa chọn ưa thích hàng đầu của Midu là muốn trở thành một nhà thiết kế thời trang.
Cô chia sẻ: “ Kết thúc 5 năm học, điều tôi muốn nhất là qua Pháp hoặc Ý để học thêm một khóa ngắn hạn về thời trang”. Hiện cô sở hữu một cửa hàng quần áo ở 389 Võ Văn Tần (TP. HCM) với một phần mẫu do chính tay thiết kế.


Trên đây sơ sài tìm biết về cô Midu, còn chuyện "Thiên mệnh nữ anh hùng" thì như sau :
Nguyễn Trãi, vị anh hùng siêu phàm trí tuệ cùng minh chủ Lê Lợi nổi dậy khởi nghĩa, đánh đuổi bọn quân nhà Minh, giành lại độc lập cho Đại Việt. Cuối đời ngài bị một mụ đàn bà thâm độc, nhỏ mọn Nguyễn Thị Anh hãm hại tru di chết hết gia đình ba họ.
Có người cháu nội tên Vũ lúc 5 tuổi sống sót nhờ một gia đinh đem đi lẫn trốn. Chàng lưu lạc trần ai đau đớn sau 16 năm ly hận, trưởng thành học được võ công siêu đẳng hơn người. Khi biết thân phận, chàng uất giận, bèn hạ sơn tìm giết kẻ thù, minh oan gia tộc.
Giữa muôn trùng mưu sâu kế độc của Nguyễn Thị Anh và phe đảng, chàng trai Vũ may mắn gặp Hoa Xuân nữ hiệp. Đôi trai tài gái sắc đồng khí tương lân, đồng thanh tương ứng, cùng đi tìm "bức huyết thư" thống lĩnh quần hùng, diệt ác trừ gian...
Trong phim, người đẹp Midu được đạo diễn Victor Vũ chọn đóng vai nữ nhân vật chánh Hoa Xuân nữ hiệp...


Thứ Hai, 28 tháng 11, 2011

Quăng lưới túm người.


Đọc truyện kiếm hiệp hay gặp mấy đoạn na ná nhau, vị huynh đài đại ca nào đó lang thang nẻo giang hồ trượng nghĩa, đến một bìa rừng có hơi hướng sát khí hắc đạo, chàng bèn rút báu kiếm, dáo dác đề phòng. Bất ngờ, ụp một cái, tấm lưới đâu ở trên ngọn cây chụp xuống. Huynh đài ta bất ngờ bị lưới thít chặt, hết cả cựa quậy.
Hồi sau, xuất hiện mấy đại hán vung đao Câu hồn đoạt mệnh, rọ ró chàng về chốn Khô lâu cốc, Bạch cốt sơn, Ma thiên lãnh, Xà xẻo lộ. Rồi huynh đài tương ngộ cùng một bản cô nương Ma giáo xinh đẹp. Nàng ra công sức cứu giúp chàng, làm nên cả thiên Võ hiệp kỳ tình, lâm ly bi đát, gay cấn hồi hộp tự đầu cho tới cuối.


Chính sử VN, bộ "Đại Việt sử ký toàn thư", Ngô Sĩ Liên thời Hậu Lê chép truyền kỳ truyện "Dâm Đàm án sự", sự lấy lưới bắt người, như sau :
" Mùa xuân tháng 3, Thái sư Lê Văn Thịnh mưu làm phản, vua tha cho tội chết, an trí ở Thao Giang. Bấy giờ vua (Lý Nhân Tông) ra hồ Dâm Đàm, ngự thuyền nhỏ xem đánh cá. Chợt có mây mù nổi lên, trong đám mù nghe có tiếng thuyền bơi đến, tiếng mái chèo rào rào, vua lấy giáo ném. Chốc lát mây mù tan, thấy trong thuyền có con cọp, mọi người sợ tái mặt, nói: "Việc nguy rồi ! ". Người đánh cá là Mục Thận quăng lưới trùm lên con cọp, thì ra đó là Thái sư Lê Văn Thịnh.
Vua nghĩ Thịnh là đại thần có công giúp đỡ, không nỡ giết, đày lên trại đầu Thao Giang. Trước đấy Lê Văn Thịnh có gia nô người nước Đại Lý có phép thuật kỳ lạ, cho nên mượn thuật ấy toan làm chuyện thí nghịch
. "
Như vậy, việc lấy lưới bắt người không phải là phát minh của Thanh Hóa mà vốn đã có tự thời xa xưa rồi. Công an tỉnh Thanh Hóa, " thấm nhuần" mấy chữ rằng " đối với nhân dân phải kính trọng lễ phép, đối với kẻ địch phải cương quyết khôn khéo ", nên chi cương quyết dùng lưới bắt người vi phạm trật tự giao thông.
Biết học xưa hành nay, có thêm sáng tạo cột đá tăng gia tốc, thật đáng khâm phục thay !



Chủ Nhật, 27 tháng 11, 2011

Tốt khoe xấu che.


Người ta thích thú khoe khoang chuyện mình tốt bao nhiêu thì cũng sợ sệt dú diếm chuyện mình xấu bấy nhiêu. Người ta sợ sệt chuyện xấu mình phát lộ ra, thời cũng thích thú banh bươi, to tiếng rộn ràng chuyện xấu thiên hạ ra cho nó đã đời.
Chánh trị gia đa đảng luôn tìm cách vạch lá tìm sâu, bươi móc, đâm bị thóc thọc bị gạo đối thủ, la làng cho thiên hạ biết cũng không ngoài lý do chê họ nâng mình.
Ở chế độ một đảng, tính đồng thuận đồng lòng, đồng tâm đồng sức, trung thành trên dưới vốn dĩ nổi tiếng. Đảng bảo đi là đi, bảo tới là tới, bảo giết là giết, bảo chém là chém, bảo chôn sống là chôn sống, bảo nấu chín là nấu chín, bảo lấy vợ là lấy vợ, đẻ con là đẻ con. Nhất nhất đảng lệnh như sơn.
Tuy thế, nội bộ đảng vẫn có chuyện bại lộ ra ngoài cho thiên hạ biết sự thật về cái gọi là đồng tâm nhất trí. Có vị bảo, bọn cấp dưới "phục" mình lắm, nhưng "phục" đây không phải "kính phục", "nể phục" mà là "mai phục". Mai phục đợi sếp yếu thế lật sếp mà đoạt ghế.


Âu thời đó là sự tranh quyền đoạt lợi thường tình thế gian.
Chuyện tốt khoe mãn nhãn thiên hạ có chuyện mấy mỹ nữ rực lửa khoe mẻ đường cong.
Cuộc thi hoa hậu điểm nhấn cộm nhất nằm ở phần trình diễn bikini đặc sắc. Thân thể nữ tính người đẹp bao giờ cũng là tác phẩm trác tuyệt tạo hóa tặng con người. Nhân trắc học chọn lọc người đẹp khá tỉ mỹ, loại hết ra mấy cô nổi xương sườn xương sống, ngực teo mông tóp; trừ đi mấy nàng béo chủn chỉn mở bọc láng lườm, rồi chọn lọc các người đẹp tỷ lệ vàng ba vòng ngọc.
Cảnh giới thượng thừa tốt khoe, ấy người đẹp chớp ảnh nude.
Văn hóa phương Tây cởi mở, thoáng rộng chuyện này lắm. Phương Đông thời chuộng sự kín đáo, hoặc che mặt che mạng kín mít Hồi đạo, hay nửa kín nửa hở, rào đón đạo đức vân vân. Nên chi chuyện người đẹp VN chớp ảnh nude bảo vệ môi trường, chuyện hoa khôi lộ ảnh nóng luôn bị cộng đồng lên án khá gay gắt thì cũng là chuyện thường tình.


Thứ Bảy, 26 tháng 11, 2011

Cầu vồng.


Mống dài thì lụt, mống cụt thì mưa...
Mống là cái cầu vồng thỉnh thoảng xuất hiện ở bầu trời khi mưa dông đầu hạ. Người miền Bắc gọi cái mống, miền Trung kêu cái lẹm.
Ánh sáng mặt trời đơn sắc xuyên qua lăng kính, khối nước lạnh, hay đám mây mưa thời tán loạn ra thành bảy màu : đỏ, xanh, vàng, lục, lam, chàm, tím, đa sắc đẹp đẽ.
Hồi nhỏ lấy cái gương đặt vô thau nước ra giữa nắng, chiếu vô bức tường nhà chế tạo cái lẹm nhân tạo. Đưa lên đưa xuống, lung linh sắc màu.
Buổi chiều, trời hè hay đổ mưa dông. Gió lộng mát rượi thổi ào ào, mây đen dồn vội vả, sấm sét ầm ù, rè rẹt đến dễ sợ.


Mưa đến, sầm sập, ồn ào, hạt to hạt nhỏ, nước tràn chảy vội đất trời.
"Mưa buồn ơi thôi dừng tiếng. Mưa cho phố nhỏ càng buồn thêm. Mưa rơi, tiếng mưa nghe buồn quá ". Mưa nhắc chi kỷ niệm tuổi trẻ ngây thơ hồn hậu. Mưa dông ào ạt, tạnh dần; bầu trời còn nhiều mây rả rớt mù sương mà cuối chân trời phía tây ló ra mặt trời sáng rực, hắt nắng qua bọn mây vỡ vụn từng mảnh.
Ấy là bầu trời xuất hiện cái cầu vồng. Mống dài bắt hình vòng cung, mống vừa nửa đoạn, mống cụt khúc ngắn. Nhiều khi có đến hai, ba cái cùng song song vắt ngang qua bầu trời ngoạn mục.


Bọn trẻ con kéo nhau ra xem, trầm trồ chỉ trỏ. Người lớn dọa dẫm, coi mống trời chớ được chỉ chõ, kẻo phạm thượng trời xẻo cụt tay...
Bây giờ đây, thỉnh thoảng trời mưa lại có cái cầu vồng. Mống ngày nay khác mống ngày xưa, trẻ con trơ mắt vô cảm, người lớn thì chẳng còn ai rỗi hơi lẹm liếc. Mống có, lẹm tan, lẹm tàn ấy chuyện trên trời vậy. Tự nhiên nhớ da diết cái ngày nào, chiều mưa dông se lạnh, đứng trên ngọn đồi heo hút, nhìn bầu trời tím thẩm có cái cầu vồng bắt ngang qua. Chốn xa xăm nào đó, núi rừng mờ mịt chìm dần vào đêm.



Thứ Sáu, 25 tháng 11, 2011

Mạt pháp.


Xã hội trọng thị vật chất tất đạo đức suy đồi, người ta lăn xả kiếm tiền bằng mọi cách, lấy vơ vét làm đầu, kiếm chác tiền của bất chấp đạo lý, nên sự suy đồi trầm trọng.
Khổ chủ cần thiết việc phải đến công quyền, xem người ta "phục vụ" dân, mới hiểu té ra bọn cướp ngày là gì. Ra chợ hàng bán phỉnh phờ kẻ mua, của một giá mười, độc hại giả dối hóa cấp cao giá trị. Vô bệnh viện, gặp ma y quỷ mẫu coi bạc tiền là thượng đế, mạng bệnh nhân cỏ rác. Trường học sinh sản ra không ít lũ học trò mất dạy, xách dao lận cặp, xé xác bạn bất suy nghĩ. Giáo dục giả dối sinh quái đản thầy trò.
Đường đi chật hẹp, xe cộ vượt lấn, mạnh ai nấy phóng, sống chết mặc bây. Thêm chuyện bọn lưu manh rãi đinh quốc lộ hại người kiếm sống, bắt vô thả ra dửng dưng pháp luật.


Trộm cướp hoành hành, dân lo sợ mà bất lực. Cái ác ăn sâu phổ cập trẻ già, phần súc vật, tính gian xảo, lưu manh, mất dạy, lùa đảo, trộm cắp, cướp giật...dẫm đạp lên đồng loại. Cái ác chiến thắng hết cả thiện căn vốn dĩ le lói, yếu ớt quá độ hầu như không có.
Xã hội duy vật chất, lòng người có căn đâu để mà thiện.
Tính háo danh mê muội, thích khoe mẻ, lười biếng, ngồi mát ăn bát vàng, tôn sùng trọng vọng kẻ việc nhẹ tiền nhiều, chi phối mọi nếp nghĩ. Trường đại học nở rộ, kiếm tiền in bằng bán giấy, sinh nở đàn vịt "trí thức" giỏi nghề ăn cắp, bịp bợm, vô tài rộn rả rộn ràng.
Mất hết lòng tin, người ta vô cảm tìm đường sống ích kỷ lo thân. Lương tri để đánh mất hết cả cũng lý do nhà dột từ nóc. Thượng bất chánh, hạ tắt loạn lạc. Lũ điếm chính trị cố che dấu cho mấy cũng lộ ra cái mặt giả dối.


Có một nghề kiếm tiền rất dễ là giả dạng nhà sư. Lợi dụng người Phật tử cung kính đạo pháp mà trọng thị tăng ni, bọn lưu manh bèn cạo đầu, đắp y áo cà sa nhà Phật đi xin xỏ tiền đại chúng.
Nhất bộ nhất bái, tam bộ nhất bái lặt tiền chúng sanh, sống nhàn nhã thỏa mãn dục lạc.
Lũ sư giả kiếm tiền thỏa thích lô đề chơi gái, làm ô uế Phật đạo nở rộ. Đánh vô hai từ "sư giả" trên Google mà có đến 44,000,000 kết quả trong 0,18 giây...
" Chị Ngô Hồ Thị Trang, 39 tuổi, trước bán vé số ở khu vực cầu Bình Triệu, đang sống tại phường 12, quận Gò Vấp - TPHCM, tỏ ra am hiểu: “Tôi lạ gì những người này, đi “khất thực” trông đầy vẻ “khổ hạnh” vậy đó, nhưng tối về lại đàn đúm rủ nhau đi bia bọt, gái gú”.
Theo chỉ dẫn của chị Trang, khoảng 23 giờ ngày 24-7, tôi đến cầu Bình Triệu chờ. Dưới ánh đèn đường tờ mờ, tôi phát hiện từ hướng xóm sư giả có 2 người đàn ông đi trên 2 chiếc xe máy tấp vào chỗ những cô gái ăn sương đang đứng.
Lúc 2 chiếc mũ bảo hiểm được 2 người này lấy ra, tôi không nhịn được, phải bật cười vì thấy 2 cái đầu trọc lóc. Sau một hồi thỏa thuận, mỗi người chở một “em” phóng nhanh và mất hút trong con hẻm gần Bến xe Miền Đông.
Cánh xe ôm khu vực cầu Bình Triệu khẳng định không ít lần vào giữa khuya họ chứng kiến những gã sư giả cưỡi xe máy đi ra từ khu phố 3 rồi lượn lên cầu Bình Triệu “bắt gà”.
Những câu chuyện về các ngón ăn chơi của những người giả dạng nhà sư mà tôi nghe cứ ngày một nhiều thêm và nhức nhối hơn..."


Mấy chuyện thầy chùa đàn đúm, bia bọt, gái gú, lô đề tài xỉu, đánh lộn quăng gạch tràn trề mê man, Phật giáo VN đang bị bọn du côn lợi dụng, biến hóa thành cái nghề làm tiền thật quá quắt. Đạo cảm hóa đời đâu chẳng thấy, thấy đời quay chân đạp đạo xuống bùn.
Có câu chuyện dân gian VN, đọc "nghe như ngậm đắng nuốt cay thể nào".
"Ngày xưa có một ông sư và một con đĩ chết xuống âm phủ.
Diêm vương đem ra tra hỏi. Hễ ai không có tội thì tha, cho hóa kiếp lên làm người; ai có tội bắt bỏ ngục, bắt đầu thai súc vật.
Hỏi con đĩ, thì nó tâu rằng:
- Khi tôi còn sống, tôi chỉ làm cho người ta sướng. Ai buồn bực điều gì, đến tôi thì vui vẻ.
Hỏi ông sư, ông sư tâu rằng:
- Khi tôi còn sống, tôi chỉ cứu dân độ thế. Hễ ai ốm đau, thì tôi tụng niện cầu nguyện cho khỏi chết.
Vua Diêm vương phán rằng:
- Thằng sư này là của không vừa. Mầy chỉ ăn không nói có, dối trên lừa dưới. Ai đến số chết thì ta sai bắt. Thế thì không những là mầy dám cưỡng mệnh ta mà mầy lại dối người rằng mầy cứu được.
Quỷ sứ đâu ! Đem giam thằng sư này vào ngục, đợi rồi sau bắt làm kiếp chó.
Còn con đĩ kia chỉ làm cho người ta sướng, quên cả buồn rầu. Xét ra là không có tội, thì ta lại cho lên làm kiếp người.
Ông sư tức quá, phàn nàn rằng: “Mình đi tu thì phải tội, mà con đĩ thì lại được phúc. Thế thì còn muốn đi tu làm gì nữa ?”
Đến lúc quỷ sứ xiềng xích lôi kéo ông sư ra; đi qua trước mặt con đĩ, ông sư mới dặn với lại rằng :
- Chị có về trên ấy, tôi nhắn một câu này: “Đ. mẹ đứa nào từ rày còn đi tu nữa !”

Thứ Năm, 24 tháng 11, 2011

Luật biểu tình.


Một loạt chế độ độc tài Bắc Phi đổ sụp, vì dân chúng dám biểu tình chống cự.
Đầu tiên vài ba người tập trung hò reo chi đó chửi bới chế độ, dân chúng bu lại xem. Thấy có động đậy sự lạ, bộ máy đàn áp công an, cảnh sát tràn đến đánh đập dẹp loạn trứng nước. Dân căm thù, uất ức, máu người dân đổ xuống; thế là được châm lửa hận, đám đông không còn sợ hãi, xông hết lên biểu tình phản kháng rầm rộ.
Càng đàn áp, biểu tình càng thêm quy mô, lan rộng.
Biểu tình lật đổ được chế độ khi toàn dân đồng lòng, thế giới ủng hộ.
Đối với người cộng sản, biểu tình gọi là đấu tranh chánh trị, sử dụng quần chúng tự phát nổi dậy để cướp chánh quyền. Đấu tranh chánh trị, đô thị biểu tình, kết với chiến đấu vũ trang, lấy nông thôn bao vây thành thị, ba mũi giáp công trên bốn vùng chiến thuật...
Ngày nay, mấy nước đơn độc đảng cai trị, thấy dân Bắc Phi châu dùng biểu tình mà lật được độc tài thâm căn cố đế, bèn lấy làm lo sợ lắm.
Biểu tình tự phát, tự nhỏ sinh to. Đám cháy rừng bắt đầu cây diêm quẹt. Nhiều khi tụ tập tưởng như vô hại, vài ba người yếu đuối đơn độc, biết đâu lại bùng nổ lan rộng cả nước thì chết. Vậy nên, phải kiểm soát toàn diện quyền biểu tình của dân bằng luật, ngăn chặn dân nổi dậy bằng chế tài trị độc "đúng hiến pháp, pháp luật" - dân chúng hết chỗ cự cãi.


Luật biểu tình thể chế độc đảng trị, ắt sẽ như sau :
- Dân chúng muốn tụ họp biểu tình phải có người đại diện cần đầu, tên tuổi, địa chỉ, nghề nghiệp, quê quán, nơi sanh chịu mọi trách nhiệm. Số lượng người biểu tình không được vượt quá 20 người. Không cho trẻ em, người có thai, phụ nữ có con đang bú tham gia.
- Phải nêu rõ lý do, làm đơn xin phép chánh quyền trước 90 ngày. Nếu không được chấp thuận bởi tình hình hiện nay chưa phù hợp, cứ biểu tình sẽ bị nghiêm trị trước pháp luật.
- Địa điểm biểu tình phải cách xa khu dân cư, tránh kẹt xe kẹt cộ. Cơ quan hữu trách trách nhiệm đưa người biểu tình đến địa điểm xa xôi vắng vẻ, nông thôn núi đồi hẻo lánh; tránh biểu tình ảnh hưởng cọng đồng hăng say làm việc.
- Băng rôn, cờ quạt, khẩu hiệu phải do chính ban Tuyên giáo, sở Văn hóa Thông tin Truyền thông, Công an văn hóa xét duyệt, giao cho nhà xuất bản Chánh trị quốc gia chịu trách nhiệm in ấn rồi ban phát cho mấy người đi biểu tình.
- Người biểu tình hò reo, la hét có decibel thích hợp 70 dB.
- Ai trái luật, công an dân phòng có quyền bắt bế bồng lên xe buýt, đạp vô mặt để răn đe trấn áp. Ai chấp hành nghiêm túc sẽ nhận 20.000 đồng VN tiền thù lao bồi dưỡng...
Luật biểu tình như trên, sau khi ra quốc hội thảo luận, sẽ có 98,99 % đại biểu biểu quyết đồng ý. Chủ tịch nước ban hành mau chóng. Biểu tình có luật, dân chúng tha hồ mừng rỡ.
Lời bàn rằng, chưa từng thời ước thời ao, đến khi có rồi tha hồ mà khóc. Có lẽ một bộ óc siêu trà trộn giỏi lọt vô quốc hội, rõ biết điều ấy, bèn tìm cách ngăn cản luật biểu tình chăng. Ai cũng nghĩ "có" còn hơn "không", biết đâu mấy sự thà "không" còn hơn "có" ?

Thứ Tư, 23 tháng 11, 2011

Tiếng xưa.


Đi ngang ngó thấy cái nhà xưa mà hoài cảm lại ngày xưa cũ.
Trong vườn rậm rạp, trồng một cây ngọc lan gốc to cổ thụ, thân trơn trắng cao quá, cành lá rậm rạp, muốn hái hoa nó rất khó, phải thuê thợ trèo mới hái đặng.
Ngọc lan loài hoa hữu hương vô sắc, ban đêm nở thơm lừng. Từng cánh hoa trắng nuốt nhỏ nhẹ, ngọc ngà búp măng, tỏa ra đậm mùi hương ma quái, người ta hái hoa gói vô miếng lá chuối, bẻ xếp cột thắt gọn đẹp, đem ra để chợ bán mua, cúng bái ngày sóc vọng am cảnh trang bếp.
Ngọc lan hoa vàng mùi thơm dã man, có tên Hoàng lan, người bình dân gọi là bông bại hoại. Nó thơm đến độ chỉ quên có cánh hoa trong bọc áo, ấy cả đêm mùi hương thơm lan tràn trằn trọc mất ngủ. Hoàng lan, Ngọc lan có chừng chục hoa đem vô phòng ngủ đóng kín cửa lại, là cái cách tự sát lãng mạn nhất của thời xưa khi chưa có bình gas ấy.


Thạch Lam viết truyện "Dưới bóng hoàng lan" để tưởng nhớ mùi hương kỷ niệm. Ai từng hái, từng giắt hoa hoàng lan lên tóc, có chăng nhớ chuyện hương xưa người cũ, thấm thía tài hoa văn chương một thời.
Từ hoa ngọc lan lại nhớ cây thị đầu làng. Thị ơi thị rớt vô bị bà. Bà đem bà ngửi chớ bà không ăn...
Hoa thơm thì trái cũng thơm. Mùi hương ban đêm đánh thức dụ dỗ lũ côn trùng sâu bọ, thú hoang tăm tối, phát tán di truyền theo con đường ma mị. Bóng tối, chỗ hoạt động của người âm, thành ra mấy chuyện đọc đêm khuya hồn ma cây thị, thiếu nữ thắt cổ cây ngọc lan, nó truyền kỳ đời này kiếp nọ. Trẻ con nghe bà, nghe mẹ kể chuyện thần cây đa ma cây thị, trùm kín chăn không dám đi tiểu luôn.
Cây cối truyền kỳ nơi người âm cư ngụ nên mấy người nghèo sợ đói hơn lo ma mới dám trèo ngọc lan, cây thị cho mấy chị buôn hoa trái đem chợ bán. Ấy họ còn phải khấn vái đủ điều mới thượng ngọn mà không sợ các vị ma ngự trên cây xô ngã.
Mấy ai dám đốn dám chặt, nên chi ngọc lan, cây thị càng sống lâu rậm rạp cổ thụ vậy.



Trong làng còn có cái giếng nước xây xếp bằng đá, ở ngay trước cổng chùa. Cả xóm quảy thùng đến lấy nước hàng ngày, biến bờ giếng thành chỗ cập nhật chuyện nhà chuyện xóm.
Chuyện trong nhà chưa tỏ ngoài ngỏ đã hay nhờ cái giếng làng. Tin tức múc nước giếng "sâu đậm", "lắng trong" hơn tin ngoài chợ. Chuyện này, chuyện nọ, chuyện dân gian thầy bùa, thấy bói có cả.
Người ta gánh nước về thời đổ vô lu. Lu đầy nước, đậy lại kín miệng lu chống muỗi.
Lu nước hay đặt nơi gốc cau, cột cái mo hứng nước mưa trong mà dùng đỡ công gánh.
Lu còn dùng để làm tương. Khoảng tháng ba, tháng tư âm lịch, chừng cuối xuân đầu hạ, đồ xôi nấu đậu nành, ủ men làm tương ăn trường kỳ kháng chiến.




Thứ Ba, 22 tháng 11, 2011

Hoa sim tím.


"Đói lòng ăn nửa trái sim
Uống lưng bát nước đi tìm người thương..."
Băng rừng vượt suối, qua đèo xuống núi, đồi vắng độn hoang mênh mông đá sỏi, mệt nhọc đói bụng đói lòng. Chung quanh ròng rã cây bụi sim, mua, tràm, chổi mọc tràn. Hoa sim tím, trái sim chín đen ngọt ngọt.
Trái sim nhỏ xíu, nửa mềm ngọt nửa cứng chát, cắn được có nửa trái rồi quày quả chạy đi tìm người thương. Bụng lo lắng quay quắt, nuốt chút xíu trái sim cũng không dễ xuống.
Sim với Mua cùng một loài mà khác họ. Hoa Mua ai bán mà mua...
Sim Mua môn phái, cùng mọc đất đồi núi đá khô cằn, trên các ngọn đồi không tên trùng điệp vùng trung du, thượng du đất Việt. Hoa sim màu tím, hoa mua màu tím. Màu tím trầm lặng đợi chờ không ồn ào náo loạn. Giống như thời gian vậy. "Thời gian yên lặng như tờ, nhưng đi đi mãi không chờ đợi ai...", để nhớ mà quên.


Mấy bài thơ thượng thừa cảm nhận cái màu tím:
Một là "Màu Thời gian" của ông Đoàn Phú Tứ:
"Sớm nay tiếng chim thanh
Trong gió xanh
Dìu vương hương ấm thoảng xuân tình.
Ngàn xưa không lạnh nữa, Tần Phi
Ta lặng dâng nàng
Trời mây phảng phất nhuốm thời gian.
Màu thời gian không xanh
Màu thời gian tím ngát
Hương thời gian không nồng
Hương thời gian thanh thanh.
Tóc mây một món chiếc dao vàng
Nghìn trùng e lệ phụng quân vương
Trăm năm tình cũ lìa không hận
Thà nép mày hoa thiếp phụ chàng.
Duyên trăm năm đứt đoạn
Tình muôn thuở còn hương.
Hương thời gian thanh thanh
Màu thời gian tím ngát"


Hai là "Màu tím hoa Sim" cụ Hữu Loan. Tự vì Công ty Vitek VTB đã mua tác quyền 100 triệu đồng VN, nên không dẫn vô đây được. Tạm bằng lòng với ca từ của Dzũng Chinh thế chỗ nguyên tác.
" Những đồi hoa sim ôi những đồi hoa sim tím chiều hoang biền biệt
Vào chuyện ngày xưa nàng yêu hoa sim tím khi còn tóc búi vai.
Mấy lúc xông pha ngoài trận tuyến ai hẹn được ngày về.
Rồi một chiều mây bay, từ nơi chiến trường đông bắc đó
Lần ghé về thăm xóm hoàng hôn tắt sau đồi..."
Thêm chút nhận xét lang bang. Thơ mới VN, trước có mấy ông Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính, Hữu Loan, Thâm Tâm, Quang Dũng, Bùi Giáng thơ rất hay. Sau này là thơ Vũ Hoàng Chương, Thanh Tâm Tuyền, Trần Dạ Từ lạ lùng khó hiểu. Hiện nay thơ của quý ngài Hồ Chí Minh, Tố Hữu, Nguyễn Khoa Điềm, Hữu Ước... đang được người ta rầm rộ ngâm ngợi, chiếm giữ vị trí thắng lợi thi đàn.


Chủ Nhật, 20 tháng 11, 2011

Yingluck Shinawatra bản lĩnh.


Thủ tướng Thái trẻ trung xinh đẹp đã tỏ rõ bản lĩnh, qua mấy tháng cầm quyền.
Chính trường xứ này có ông vua chểnh chệ ngồi trị vì đất nước. Quân chủ lập hiến nhưng hoàng tộc có danh có thực, đủ quyền sinh sát số phận chính khách cầm đầu. Thêm nữa giới quân đội, các tướng lãnh sĩ quan cao cấp quyền lực rất lớn, làm đảo chánh là cái truyền thống : lâu lâu thích thú lại binh biến lật đổ chánh phủ.
Nước Thái đang chia rẻ phe phái đỏ vàng trầm trọng, kinh tế khó khăn, nhà giàu nhà nghèo sang hèn gây gỗ cự cãi nhau chí choé. Còn mấy du kích quân Hồi giáo tỉnh miền Nam liên tiếp đặt bom bắn súng, giết chóc khủng bố đòi ly khai, lập quốc.
Nhà họ tộc Shinawatra cũng bi đát chuyện. Thaksin bị đảo chánh, luận tội đồ, đành sống lang thang ngoại quốc, còn bản thân bà Yingluck chưa từng một ngày kinh nghiệm chính trường. Ấy thế, Yingluck vẫn được dân chúng tín nhiệm bầu lên Thủ tướng, dù phe đối lập có hằn học thù hận, bới lông tìm vết đâm thọc, dựng đủ chuyện xấu xa bôi nhọ bà này.
Hãy nghe một dân chúng nói :
“ Tôi luôn muốn Thái Lan có vị nữ thủ tướng đầu tiên. Tôi đã chứng kiến nhiều người đàn ông thất bại trong việc điều hành đất nước. Có thể lần này, mọi cái sẽ khác. Trời phú cho người phụ nữ đức tính tỉ mỉ, chu đáo, trong khi đàn ông thì không có điều này. Dựa trên độ tuổi hiện nay và sự thành công trong sự nghiệp của bà Yingluck, tôi chắc chắn bà ấy có thể làm tốt công việc của mình trên cương vị mới ”.
Đắc cử, vượt qua vụ chuyện Tòa án cao cấp cáo buộc này nọ, lên nhậm chức mấy tuần thời Thái Lan lâm phải trận đại hồng thủy trêu ngươi để cho người đẹp Yingluck chống chèo vượt lũ.


"Lao xao sóng vỗ ngọn tùng
Gian nan là nợ, anh hùng phải vay"

Thủ tướng liễu yếu đào tơ đẹp như một đóa hồng đào, tả xông hữu đột lo lắng chỉ huy dân Thái vượt qua thảm họa. Các vị "nam nhi anh hùng đối lập" chỉ tài đục nước béo cò, chăm chăm bu vào bôi bác bà Yingluck. Từ chuyện bà lội nước bằng đôi ủng tốt, bà khóc khi thấy người dân ngập lụt đói khát, đến mọi phương cách chống lụt của chánh phủ đều bị thóa mạ phỉ báng. Mục đích làm cho bà mệt mỏi, chán chường bỏ cuộc để họ cướp lại quyền lực.
Nhưng đa số người dân Thái biết đánh giá cao năng lực điều hành chống lụt của chính phủ Yingluck. Theo kết quả cuộc thăm dò của viện ABAC, 75% số người được hỏi cho rằng, không có bất kỳ chính trị gia nào có thể trị thuỷ tốt hơn bà Yingluck; chỉ 25% tin rằng người khác có thể làm tốt hơn mà thôi.
Không đến dự hội nghị APEC tại Hawaii, ở nhà chống lụt cùng đồng bào ( xa nhà biết đâu ngộ biến ? ), và khi thấy lũ lụt đã trong tầm kiểm soát, lập tức bà Yingluck lên đường sang Bali hội nghị.
Những hình ảnh hoạt động của bà - phong thái vị nữ Thủ tướng thật là hảo dung mạo, thấy quá sức quyến rũ cảm tình.
Biết chọn một mỹ nhân trẻ tài sắc, có bản lĩnh lên đứng đầu chính phủ, đem lại sức sống mới cho một nền chánh trị vốn ngột ngạt màu lính tráng, quả nhiên người Thái khôn khéo cũng nhiều.



- Clip Yingluck đến Bali và chuyến thăm một số nước Asean trước đó.