Thứ Sáu, 18 tháng 11, 2011
Chớ đổ cho đầy.
Cổ học Tinh hoa chép truyện " Đầy thì đổ " của thầy Tuân Tử như vầy :
" Đức Khổng Tử vào xem miếu Hoàn Công nước Lỗ, có một cái lọ đứng nghiêng. Ngài bèn hỏi người giữ miếu. Người ấy nói rằng :
- Đó là vật quý của nhà vua thường để bên cạnh chỗ ngồi để làm gương cho người.
Khổng Tử nói :
- Ta nghe nhà vua có vật quý để làm gương. Vật đó bỏ không thì đứng nghiêng lệch, đổ nước vừa vặn thì đứng ngay thẳng, mà nước đầy quá thì lại đổ. Có lẽ vật này chăng ?
Ngài bèn sai học trò đổ nước vào.
Quả nhiên, nước vừa vặn thì lọ đứng ngay, nước đổ đầy lọ đổ; bỏ không lọ đứng nghiêng .
Ngài chép miệng than rằng :
- Hỡi ôi ! ở đời chẳng có gì quá đầy mà không đổ !
Thầy Tăng Tử nói :
- Thưa hỏi có cách gì giữ cho đầy mà không đổ không ?
Đức Khổng Tử nói :
- Thông minh, thánh trí nên giữ cách ngu độn. Công lao to hơn thiên hạ nên giữ cách nhún nhường, kính cẩn. Sức khỏe hơn người thì nên giữ bằng tính nhút nhát. Giàu có bốn bể nên giữ bằng thói nhúng nhường . Đó là cách đổ bớt đi để giữ khỏi quá đầy mà đổ. "
Lời bàn của cụ Nguyễn Văn Ngọc :
" Mặt trời đứng bóng rồi chiều tối khuất. Mặt trăng tròn đầy rồi lại khuyết. Nhân sự cũng vậy : thăng rồi trầm, thịnh rồi suy, đó là luật tự nhiên khó mà tránh khỏi.
Tuy vậy cứ theo lời dạy của Đức Khổng Tử thì đầy cũng có cách giữ cho được lâu dài mà không suy đổ. Cách ấy là : " Hữu nhược vô, thực nhược hư ", tức có mà như không, đầy đặc mà như trống rỗng. "
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét