Thứ Tư, 23 tháng 11, 2011

Tiếng xưa.


Đi ngang ngó thấy cái nhà xưa mà hoài cảm lại ngày xưa cũ.
Trong vườn rậm rạp, trồng một cây ngọc lan gốc to cổ thụ, thân trơn trắng cao quá, cành lá rậm rạp, muốn hái hoa nó rất khó, phải thuê thợ trèo mới hái đặng.
Ngọc lan loài hoa hữu hương vô sắc, ban đêm nở thơm lừng. Từng cánh hoa trắng nuốt nhỏ nhẹ, ngọc ngà búp măng, tỏa ra đậm mùi hương ma quái, người ta hái hoa gói vô miếng lá chuối, bẻ xếp cột thắt gọn đẹp, đem ra để chợ bán mua, cúng bái ngày sóc vọng am cảnh trang bếp.
Ngọc lan hoa vàng mùi thơm dã man, có tên Hoàng lan, người bình dân gọi là bông bại hoại. Nó thơm đến độ chỉ quên có cánh hoa trong bọc áo, ấy cả đêm mùi hương thơm lan tràn trằn trọc mất ngủ. Hoàng lan, Ngọc lan có chừng chục hoa đem vô phòng ngủ đóng kín cửa lại, là cái cách tự sát lãng mạn nhất của thời xưa khi chưa có bình gas ấy.


Thạch Lam viết truyện "Dưới bóng hoàng lan" để tưởng nhớ mùi hương kỷ niệm. Ai từng hái, từng giắt hoa hoàng lan lên tóc, có chăng nhớ chuyện hương xưa người cũ, thấm thía tài hoa văn chương một thời.
Từ hoa ngọc lan lại nhớ cây thị đầu làng. Thị ơi thị rớt vô bị bà. Bà đem bà ngửi chớ bà không ăn...
Hoa thơm thì trái cũng thơm. Mùi hương ban đêm đánh thức dụ dỗ lũ côn trùng sâu bọ, thú hoang tăm tối, phát tán di truyền theo con đường ma mị. Bóng tối, chỗ hoạt động của người âm, thành ra mấy chuyện đọc đêm khuya hồn ma cây thị, thiếu nữ thắt cổ cây ngọc lan, nó truyền kỳ đời này kiếp nọ. Trẻ con nghe bà, nghe mẹ kể chuyện thần cây đa ma cây thị, trùm kín chăn không dám đi tiểu luôn.
Cây cối truyền kỳ nơi người âm cư ngụ nên mấy người nghèo sợ đói hơn lo ma mới dám trèo ngọc lan, cây thị cho mấy chị buôn hoa trái đem chợ bán. Ấy họ còn phải khấn vái đủ điều mới thượng ngọn mà không sợ các vị ma ngự trên cây xô ngã.
Mấy ai dám đốn dám chặt, nên chi ngọc lan, cây thị càng sống lâu rậm rạp cổ thụ vậy.



Trong làng còn có cái giếng nước xây xếp bằng đá, ở ngay trước cổng chùa. Cả xóm quảy thùng đến lấy nước hàng ngày, biến bờ giếng thành chỗ cập nhật chuyện nhà chuyện xóm.
Chuyện trong nhà chưa tỏ ngoài ngỏ đã hay nhờ cái giếng làng. Tin tức múc nước giếng "sâu đậm", "lắng trong" hơn tin ngoài chợ. Chuyện này, chuyện nọ, chuyện dân gian thầy bùa, thấy bói có cả.
Người ta gánh nước về thời đổ vô lu. Lu đầy nước, đậy lại kín miệng lu chống muỗi.
Lu nước hay đặt nơi gốc cau, cột cái mo hứng nước mưa trong mà dùng đỡ công gánh.
Lu còn dùng để làm tương. Khoảng tháng ba, tháng tư âm lịch, chừng cuối xuân đầu hạ, đồ xôi nấu đậu nành, ủ men làm tương ăn trường kỳ kháng chiến.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét