Thứ Bảy, 31 tháng 3, 2012

Vô ngôn


"Giập đầu vái tạ cô nương đẹp
Dám hỏi bao giờ có đẹp hơn ?
Miệng ngọc cười xòa lên tiếng đáp
Rằng xin các hạ hãy vô ngôn."

Vô ngôn đây là đừng nói chi hết, ngắm ngó thấy đẹp thì cũng làm thinh giả đò nhăn nhó. Có điều thấy người đẹp bikini ôm cột như vầy không ý kiến cũng uổng lắm ngôn.
Thơ Bùi Giáng viết về mấy đờn bà phụ nữ nhiều vô số kể. Thần tượng người đẹp miên man bài này bản nọ. Tiên nương, thôn nữ, hoàng hậu, Monroe, Ngọc Quế... đeo bám ám ảnh đậm đà ông Giáng để cơ hội tới là nghí ngoáy cây bút đề thơ.
"Ngẫm đi nghĩ lại thấy rằng
Đã là phụ nữ thì ai cũng đầy đủ thành phần như ai.
Đàn bà dễ có mấy tay
Đẹp hơn phụ nữ xưa nay đờn bà."



Tao ngộ giai nhân, mấy ai không thích thú cò ke lơn xơn lắm chuyện cho sướng ? Nhất tiếu khuynh thành, nụ cười làm nghiêng đổ thành trì huống hồ chi mấy run rẩy si mê thèm thuồng con gái. Vô ngôn chắc chắn quý vị liệt dương hết rồi...
Thời nay nam nữ bình đẳng, nữ giới kêu gào âm thạnh dương suy, quý cô chơi bạo quá thiên hạ cũng kinh hãi. Trẻ trung mơn mởn phô bày. Hai Kiều e lệ nép vào dưới hoa, giữ cho kín đáo đã chuyện dĩ vãng.
Cổ hủ bó bùng buộc chặt thì nặng nề tàn tạ nhưng vẫn ném đá không thương tiếc ai lửng lơ sự cố lộ hàng. Đông phương bất bại trong cái đẹp đờn bà che dấu trùm bó. Vô ngôn sắc giới, vô ngôn tính dục. Thích đọc Hồ Xuân Hương vẫn đạo đức giả biện minh rằng này rằng nọ. Quả thích thú mấy ý vị Lê Kiều Như sợi xích xuất ngôn thành thật tự nhiên :
" Yếu tố sex chẳng có gì đáng nói, nhiều khi tôi tự hỏi, bản thân tôi từ đâu mà ra nếu không có sex, cả nhân loại trên trái đất này cũng được sinh ra từ hoạt động hết sức bình thường đó của con người. Nếu nhìn về nó đúng hơn thì cuộc sống của chúng ta sẽ thăng hoa hơn ".

Thứ Tư, 28 tháng 3, 2012

Hết quán !


Quán thì có nhiều loại quán, quán trà quán rượu, quán dịch quán trạm, quán karaoke quán bia ôm, quán ăn quán uống, quán hớt tóc quán massage...
Hết quán là không còn quán nữa, quán sập tiệm quán giải thể hết. Nhưng đời sống nói chuyện hết cả quán thì quá ư chi viễn vông, bởi vì rằng cuộc đời còn thì nhu cầu dịch vụ còn, đương nhiên vẫn còn mấy cái quán.
Quán biến mất gồm mấy cái quán trạm, mã trạm, hồi còn phong kiến. Trên đường cái quan, cứ mỗi chừng 30 dặm có cái quán dịch. Bọn mã phu công văn thư từ hỏa tốc thượng khẩn, dừng ngựa ngủ nghĩ ít phút, rồi lên đường ngay cho kịp. Quan quân toán nhỏ vi hành qua lại cũng hay bạ vào quán trạm nghĩ ngơi. Hết thời vua chúa thì mấy cái quán trạm cũng chấm dứt luôn theo.
Quán nước chè mấy bà già núp dưới gốc đa chốn quê nay sắp biến mất. Mấy tấm tranh rèo dâu dâu gác trên mấy đòn tre là ra cái quán. Vài cái bánh đa, thẩu kẹo gừng, bánh đường đen, ấm nước chè để cho khách đường xa dừng chân rủ áo phong sương đỡ phần mệt mỏi. Đến khi kinh tế thị trường mở cửa xóm làng đổi mới, lớp người xưa chết dần dà, quán quê mùa dẹp tiệm khiến ngậm ngùi cho ai lữ thứ cổ hoài.
Có mấy quán người đường hoàng mong cho hết đi, lại nẩy nở tùm lum ra là quán ổ động trá hình. Trá hình xưa là mấy hắc điếm ven rừng, chủ quán đon đả mời chào khách vảng lai vô nghỉ rồi đánh rượu thuốc mê cướp hết của nả, bắt người lấy thịt làm nhân bánh bao.
Hắc điếm quán ác độ độc có thể sánh mấy cái quán miệng na mô bụng cả bồ dao găm hiện đại. Quán ra vẻ đại từ đại bi mồm leo lẻo ta bà quán trọ, thâm hiểm đợi tới giờ phút chót mới xuất chiêu cho người ta trở tay không kịp làm mấy chuyện ác. Họa hổ họa bì nan họa cốt, tri nhân tri diện bất tri tâm, ấy khi người ta đã tri ra rồi thì mấy cái quán độc ắc phải sập tiệm dẹp quán.
( Ảnh minh họa )




Thứ Bảy, 24 tháng 3, 2012

Lê Cát Trọng Lý, nữ ca mới nổi.


Cái đời sống căng thẳng công việc quá thì người ta cần đến nhạc êm ái dịu dàng đầu óc. Ngược lại nhiều êm đềm sẽ muốn twist, agogo, rock rap nặng cở, hú hét inh ỏi, khuấy động môi sinh phẳng lặng cho bớt chán.
Từng thời kỳ từng thế hệ, phong trào này cách mệnh kia sẽ sinh sản ra lớp ca nhạc cho có mà nghe. Hay thì còn dai dẳng lại "bài hát ở mãi với thời gian", dở ẹc tác giả nghe một mình, xếp xó rồi vứt.
Miền Bắc xã hội chủ nghĩa năm xưa có dòng nhạc đỏ ca đảng ngợi bác, kích thích thanh niên cầm súng sinh Bắc đi tử Nam. Nhạc sĩ thì "căm thù giặc sâu sắc", ca sĩ phần đông đúc trưởng thành ở mấy cái đoàn văn công quân khu lưu động rừng rú. Nghệ sĩ "nhân dân" Thu Hiền đi mô cũng nhớ về Hà Tịnh, nghệ sĩ "ưu tú" Thanh Hoa tàu đi qua núi, nghệ sĩ "vĩ đại" Trần Hiếu hát bài con voi con vỏi con vòi, vân vân.
Miền Nam VNCH, nhạc sĩ thì nhiều vô kể. Tài năng viết nhạc như Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Trần Thiện Thanh, Hoàng Thi Thơ, Nguyễn Thiện Lộc, Từ Công Phụng... cho ra vô số nhạc bản hay. Nam ca sĩ có tứ đại cầm ca Hùng Cường, Duy Khánh, Chế Linh, Nhật Trường. Nữ ca thì có Thanh Thúy, Hoàng Oanh, Thanh Tuyền, Mai Lệ Huyền, Carol Kim, Khánh Ly, Lệ Thu... mỗi vị mỗi sở trường ca hát.
Sau khi hai miền đoàn tụ chung thành một nước Việt Nam cộng sản. Ca nhạc sĩ miền Bắc thời tới sung sướng. Ca nhạc sĩ miền Nam thất thế, kẻ bỏ chạy, người vượt biên.
Nhạc trong nước rộn ràng ca tụng mà lại quá rác rưởi nghệ thuật, chỉ nhờ sự sụp đổ hệ thống cộng sản Nga sô mới ra được dòng nhạc tương đối có hồn hơn. Khởi sự bình dân Trần Tiến mặt trời bé con rồi đến Phú Quang, Lê Minh Sơn, Nhất Sinh cỏ bông chim chóc. Càng về sau, số nhạc sĩ xuất xứ ca sĩ rồi tự sáng tác kiêm nhạc sĩ ngày một lắm. Có điều kiếm cho ra được một nhạc sĩ tài năng thực sự cũng hơi khó.
Ca sĩ rất đông. Mr Đàm, Lam Đan Trường, Quốc Đại, Quang Linh, Họa mi tóc nâu, cá Bống, Hà Hồ, Cẩm Ly... chiếm thị trường nhạc, sống giàu sang sung sướng. Hát đám cưới vài bài đã có vài trăm triệu. Lớp trẻ sáng tác hoặc hát phong trào hàng rau hàng chợ lúc nhúc vô số, không thể kể hết. Duy Mạnh, Phan Đình Tùng, Triệu Phong, Đông Nhi, Noo Phước Thịnh, Cao Sĩ Hùng, Lâm Quốc Hưng...


Nhạc hải ngoại ít có sáng tác mới, hát đi hát lại toàn cả bài bản cũ kỷ, nghe mãi rồi cũng chán. Không thấy nhạc nào của người Việt có thẻ xanh ở Mỹ quốc sáng tác để ca tụng Obama, Bush hay mấy đảng Cộng Hòa, Dân Chủ chi cả.
Ca sĩ hải ngoại cũng nhiều, Đan Nguyên, Quang Lê, Tuấn Vũ, Đặng Thế Luân, Y Phụng và các ông, các bà già ca sĩ hồi xưa Chế Linh, Giang Tử, Thanh Tuyền, Phương Dung còn sống. Đa số liên tiếp qua về VN hát hò, nhờ được chánh quyền VC cải cách đổi mới cấp phép tự do hơn.


Trở lại nữ ca Lê Cát Trọng Lý, cô này thuộc thế hệ mới nổi quốc nội, lý lịch như sau đây :
Xuất xứ dân Đà Nẵng, sanh ngày 24/8/1987, cha là ca sĩ, mẹ thì dạy văn chương còn cô Lý là học trò trường Phan Chu Trinh, học sinh giỏi sử đảng, sử bác có nhiều giải thưởng.
Năm 2005, Trọng Lý thi đậu vô khoa tiếng Nga đại học Đà Nẵng. Cần biết thời nay cái thứ tiếng Lênin vĩ đại không có ai thi vô cả, thầy nhiều hơn trò, cho đậu cũng không ai thèm học. Thành ra sau một năm học, cô này bèn vô Sài Gòn học nhạc môn Viola và bắt đầu sáng tác.
Năm 2008, đạt giải III cuộc thi " Hát cho Niềm Đam Mê ".
Năm 2009, đoạt giải cao nhất Giải thưởng " Bài hát Việt 2008 " do Hội đồng nghệ thuật bình chọn cho ca khúc"Chênh Vênh", đồng thời nhận giải "Nhạc sỹ trẻ triển vọng", được chọn hát trong chương trình của ca sĩ Fracis Cabrel tại Hà Nội.
Năm 2010, biểu diễn tại Trung tâm Văn hóa Pháp L’Espace, với 3 đêm diễn liên tục cháy vé. Cô Lý tham gia Festival Huế; tham gia lưu diễn văn hóa “Việt Nam ơi” tại Na Uy. Phát hành album đầu tay "Lê Cát Trọng Lý" vào ngày 20/1/2011.
Ngày 22/3/2012, cô Lý được chọn là 1 trong số 10 "Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu" của năm 2011 vì đã " biểu diễn xuyên Việt hát cho cộng đồng đạt hiệu ứng xã hội cao được quần chúng nhiệt liệt hưởng ứng và yêu mến..."


Thời đã tới, cô ca sĩ vừa sáng tác, vừa hát nhạc của chính mình, có phong cách có trang phục cá tính nay nổi đình nổi đám giới truyền thông. Báo chí liên tiếp săm soi, phỏng vấn, viết văn vẻ tôn vinh cho về cô ấy. Vô Google gõ mấy chữ tên cô ấy có khoảng 2.140.000 kết quả (0,13 giây).
Xem clip nữ ca Trọng Lý tải đầy rẩy trên Youtube, đám thanh niên có vẻ thích cô lắm. Ca từ hoang vu tào lao cỏ lá thân phận nọ này màu vị bắt chước Trịnh Công Sơn cả, nghe bài đầu có vẻ gây được sự chú ý về cái chất giọng thanh nhỏ nhẹ ca cẩm phận người là lạ, qua đến bài thứ hai thứ ba liền lập tức thấy đơn điệu chán òm.
Tiền vô dễ ra dễ, hoa đẹp hoa mau tàn, chóng nổi danh mau tàn lụi. Không biết ca sĩ Lý khi nào có thêm một "Khánh Ly nam" chuyên hát "nhạc Lý" theo phò đủ cặp âm dương sẽ kéo dài thêm được sự nổi tiếng chăng ?





Thứ Ba, 20 tháng 3, 2012

Thỉnh Condom


Rước là rầm rộ đi đón, mời cái gì đó về nhà về quê, còn thỉnh là đón rước đồ cao quý màu vẻ trọng thị trong tôn giáo Phật. Một số rước và một số thỉnh như sau :
- Rước dâu : đi đón con gái của nhà người ta về làm vợ cho con trai mình. Có câu đối lưu truyền về cái chuyện trọng đại thế gian ấy là "Thiên kim mãi đắc tam tiên nhục - Lưỡng tộc nghênh hồi nhất bả mao" nghe báng bổ mà là đúng.
- Rước đuốc từ quê hương "cụ", rước nước từ hang hốc "bác" ở trên núi về ở nhiều dịp lễ hội đảng bác. Vừa thêm long trọng hội hè, vừa có cớ "duyệt kinh phí" kiếm chác dư dôi thoải mái.
- Rước voi về giầy mã tổ, rước họa vào thân, rước mác lê về để cho huynh đệ đánh nhau tương tàn.
- Thỉnh kinh : nhà sư Huyền Trang bên Tàu thời Đường, đi bộ qua Ấn Độ thỉnh kinh về theo lệnh vua Tàu. Có câu chuyện Tây Du ký viết ăn theo, huyền hoặc hóa đoàn thầy trò vất vả trừ yêu diệt ma.
- Thỉnh cô hồn : mấy vị cao tăng chủ sám trong lễ trai đàn tụng tán, thắp hương bắt ấn chú triệu thỉnh đám cô hồn mấy chục loại lên để hòa giải oan khiên siêu sinh tịnh độ nát bàn.
- Thỉnh quý ôn, quý thầy thượng tọa là mời các vị chức sắc Phật giáo ngồi lên trên...
Gần đây xuất hiện sự thỉnh mới là bịa chuyện mấy ông thầy tu đi thỉnh bao cao su gây nhiều rắc rối dư luận. Một số sinh viên Đại học Báo chí tuyên truyền dàn dựng một clip hình ảnh Đường Tông đi thỉnh “Friendly Condom”. Nghe nói ý đồ của nhóm trẻ này là đức Phật thương xót loài người ham sướng sinh dục dễ mắc bệnh thế kỷ, bèn phát bao cao su cho thầy trò Đường Tông đem về cứu nhân độ thế bằng tình dục an toàn vậy.


Ngày 17/3/2012, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư Ký Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã gửi công văn tới Bộ trưởng Bộ TT&TT, Bí Thư thứ nhất Trung ương Đoàn phản ánh đoạn clip gây bức xúc Tăng Ni, Phật tử. Đại khái công văn lên án clip "báng bổ Phật giáo" rồi yêu cầu như vầy :
"...lập tức áp dụng mọi biện pháp để xóa bỏ mọi hình ảnh của đoạn video clip nói trên ở mọi trang mạng hiện đang phát tán. Công khai nêu ý kiến của Cơ quan có trách nhiệm về việc thực hiện, phát tán, trao giải cho đoạn video clip ngắn đó. Có biện pháp xử lý đối với những ai có liên quan đến việc thực hiện, phát tán, trao giải, tán dương đối với đoạn video clip ngắn “Thầy trò Đường tông đi thỉnh… bao cao su”. Đồng thời những người thực hiện đoạn video clip đó phải công khai xin lỗi về những nội dung được thể hiện trong đoạn video clip có nội dung báng bổ Phật giáo, xúc phạm niềm tin tôn giáo ".
Xem clip rồi đọc công văn hằn thù của vị chức sắc "đòi xử" bọn học trò dại dột bèn sanh sự nghĩ : Phật giáo là một trong những tôn giáo lớn nhiều người theo, thờ đức Thích Ca Mầu Ni giáo chủ. Cái giáo lý của nhà Phật mấy ngàn năm qua nay vẫn còn, chứng tỏ cái độ bền mầu nhiệm tư tưởng ấy. Nói tới đạo Phật là nghĩ ngay tới diệt dục, tới tứ vô lượng tâm Từ, Bi, Hỷ, Xả ( nhân từ, buồn vui cùng sanh chúng, vị tha tha thứ), tới phép nhiếp tăng độ chúng nhẹ nhàng giác ngộ. Tà ma ngoại đạo khó báng bổ đường Phật đạo âu cũng vì nội lực thâm niên chân, thiện, mỹ đức Phật lan tỏa lâu dài. Cái đau đớn tôn giáo ấy chắc là nằm ở mấy thân thể phàm tục, trà trộn mượn áo thầy tu, lợi dụng nhân sinh sùng bái Phật kiếm đường sướng thân thỏa mãn. Đám sư mũ cối, sư hổ mang, sư giả, bọn dâm tăng thèm gái thời nào cũng có cả, nhưng nay nhiều nhung nhúc hơn hết thảy mọi thời đại.


Ca dao Việt Nam diễu bọn mặc áo thầy chùa mê tiền thích gái :
- " Ai mua tiên cảnh thì mua
Thanh la não bạt thầy chùa bán cho
Hộ Pháp thì một quan ba
Long Thần chín rưỡi Thích Ca ba tiền
Còn hai mụ Kiện hai bên
Ai mua bán hết lấy tiền nộp cheo
Lệ làng thiếu thốn bao nhiêu
Thẳng cây che cọc cắm nêu sân chùa."
- " Ba cô đội gạo lên chùa
Một cô yếm thắm bỏ bùa cho sư
Sư về sư ốm tương tư
Ốm lăn ốm lóc nên sư trọc đầu
Ai làm cho dạ sư sầu
Cho ruột sư héo như bầu đứt dây
Thấy cô má đỏ hây hây
Nam mô Di Phật quên ngay mất chùa."


Thơ Hồ Xuân Hương cũng có về mấy sư chùa :
- " Chẳng phải Ngô, chẳng phải ta
Đầu thì trọc lốc, áo không tà .
Oản dân trước mặt dăm ba phẩm,
Vãi núp sau lưng sáu bảy bà.
Khi cành, khi tiu, khi chũm chọe,
Giọng hì, giọng hỷ, giọng hi ha.
Tu lâu có lẽ lên sư cụ
Ngất nghểu tòa sen nọ đó mà..."
- " Quán Sứ sao mà cảnh vắng teo,
Hỏi thăm sư cụ đáo nơi neo?
Chày kình tiểu để suông không đấm,
Tràng hạt vãi lần đếm lại đeo.
Sáng banh không kẻ khua tang mít,
Trưa trật nào người móc kẽ rêu.
Cha kiếp đường tu sao lắt léo,
Cảnh buồn thêm ngán nợ tình đeo..."
- " Cái kiếp tu hành nặng đá đeo,
Vị gì mà chút tẻo tèo teo
Thuyền từ cũng muốn về Tây Trúc
Trái gió cho nên phải lộn lèo."
Rõ rệt ca dao hay thơ Xuân Hương không hề báng bổ Phật giáo mà chỉ có ý đồ đâm mấy thằng gian mặc áo ông thầy mà thôi. Kẻ ngu sân si gọi là báng bổ, người trí coi đó là để làm sạch mọi chốn Phật đường.
Về clip thỉnh bao cao su, có vẻ như bọn trẻ dại dột xem Tây Du ký hài Thành Lộc, trẻ người non dạ, bắt chước sáng tác tào lao chớ chưa hẳn chúng nó độ thâm, thấy thời nay ở nhà chùa quá sức nhiều "đại đức" đóng cửa tăng phòng, núp lùm cây bụi cỏ "tâm sự" để mà "mạo muội" gợi ý quý thầy nên đi thỉnh condom đâu.
Tiên trách kỷ hậu trách nhân, hơn nữa tinh thần Phật giáo vốn vị tha, thế nên giáo giảng cho chúng sanh dại dột hiểu ra vấn đề hơn là kêu gọi đánh hội đồng. Đòi trị tội ngay mấy đứa học trò như kiểu chống "thế lực thù địch" của thầy tu " Phó chủ tịch kiêm Tổng thơ ký" kia e rằng sân hận quá.



Chủ Nhật, 18 tháng 3, 2012

Cục đá Bùi Giáng và tiểu học Lê Văn Tám.


Hỏi tên ? Rằng biển xanh dâu
Hỏi quê ? Rằng mộng ban đầu đã xa
Gọi tên rằng một hai ba
Đếm là diệu tưởng, đo là nghi tâm...

Đếm đo dữ dội quá thành ra trật bậy hết cả. Cà rởn trong thơ cụ Bùi Giáng chắc là không dành cho bọn "trí tuệ" vẻ vời lắm chuyện đạo đức giả vậy.
Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Bùi Giáng, hay là Đồng Đức Bốn, cấu tạo chữ nghĩa ra thơ, ngâm ngợi nghe ra mỗi vị mỗi ý đọc lên thấy thích thú. Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Dương Thu Hương vang bóng một thời cũng hay ho lắm. Người viết có tầm viết thời người đọc cũng phải có tầm đọc mới hiểu ra cái sự gọi thi vị, ấy mới hay.
Đương nhiên, thiên hạ đa dạng trí tuệ đầu óc, tác giả hơi đâu "nhiệm vụ chánh trị" này nọ, hoặc là phục vụ bọn nhân sinh ba phải mới có văn có thơ hay ho đâu. Nặng óc cho ra, tìm hiểu cho được ngữ nghĩa, mỹ từ pháp "thơ lớn", "tác phẩm lớn" để mà nhét vô đầu bọn trẻ con, văn chương hóa bọn chúng, đồ tào lao cả.
Nguyễn Du viết rằng bất tri tam bách dư niên hậu, thiên hạ hà nhân khấp cụ ấy. Khỏi cần bình luận, bọn hậu sanh đánh hơi cô Kiều, tỏ tường cái tâm sự còn siêu đẳng hơn cả bầy ong banh xé một đóa hoa trà ấy vậy. Quả nhiên cụ Du hơi lo xa, người An Nam xứ ta thể trạng cheo choắt ốm o mà nói về độ độc chào xáo thấu lòng thiên hạ, chắc rằng đệ nhất thế giới. Miệng thế nào hơn miệng thế gian An Nam xứ cụ rùa ?
Nhiều vị đau đớn cái "chơn lý" bị bôi nhọ giữa chợ đời nheo nhóc. Đau làm chi cho mệt.
Tất cả đều đúng, kết quả thì sai. Tất cả đều sai, kết quả quá đúng. Đầm đìa dục vọng, lấy người ta trương ra của mình, đạo đức khỉ gió còn chưa có còn được bê lên cho mấy cái đầu ngu học hỏi mấy lại làm theo. Nguyễn Văn Trỗi sợ chết đến ướt đầm nước đái quần, cậu Tám lọ hỏa thiêu căn cứ, lấp lổ châu mai. Chân lý lớn bày đầy cả ra đó, tha hồ mà dạy tụi con nít.


- Chuyện cười Xì trum định nghĩa các môn học như sau :
1.Toán học :
Đây là môn học duy nhất không có sự bổ ích. Các bạn sẽ được học 1 + 1 = 2, điều mà một vài năm sau người ta lại nói lại 1 + 1 = 10 và nói cho bạn biết hệ nhị phân là gì. Người ta cũng dạy bạn vi phân, tích phân và nhiều thứ quan trọng khác nhưng nói chung, bạn vẫn phải dùng đến máy tính bỏ túi khi đi chợ.
2.Vật lý :
Môn học nghiên cứu sự rụng của táo và các loại quả khác. Bạn cũng có được học cách tính giờ tàu chạy và khi nào hai con tàu gặp nhau nếu chạy trên cùng một... đường ray. Người học vật lý xong thường ít đi trồng táo hoặc đi tàu hỏa.
3.Hóa học :
Môn học phải ghi nhớ những câu trả lời đúng và những bài thí nghiệm. Đổ một lọ này vào lọ kia, lắc hoặc khuấy, nhiều lúc phải đun lên, rồi cuối cùng đổ tất cả ra vườn, đó là thí nghiệm.
4. Sinh học :
Môn học nghiên cứu ruồi giấm và một số vật nuôi trong nhà khác. Tuy nhiên nếu ta hỏi một người lớn rằng "làm sao để có em bé" thể nào ta cũng được câu trả lời "có con cò mang em bé đến và đặt lên cửa sổ cho các bà mẹ".
5.Địa lý :
Môn này dạy bạn cách xem bản đồ và bạn phải chỉ ra châu Mỹ trên bản đồ thế giới. Đây có lẽ là môn mới mẻ nhất vì trước khi Christopher Columbus chưa tìm ra châu Mỹ, chắc chưa ai phải học môn này cả.
6. Lịch sử :
Các thầy giáo sẽ bắt bạn nhớ xem ai đã lật đổ một ông vua nào đó. Nhiều khi bạn phải nhớ ngày sinh của một ông hoàng bà chúa nào đó mặc dù ông ta không làm sinh nhật, mà bạn cũng chẳng cần phải nhớ để tặng quà.
7. Văn học :
Bạn sẽ phải đọc một quyển sách dày đến nỗi bạn chỉ kịp liếc qua cái tên của nó trước khi vào phòng thi. Sau khi học xong môn này, bạn sẽ có thể biết Huy Gô và Huy Cận không phải là hai anh em hay Xuân Diệu không phải là nhà buôn bút mặc dù ông ta sống bằng ngòi bút.
8.Triết học :
Triết học là 1 hiện tượng luận về hiện tượng mà đôi khi chúng ta luận về hiện tượng đó thì đúng là hiện tượng luận cho nên người ta mới gọi hiện tượng luận là luận về hiện tượng đó nhưng hiện tượng đó đôi khi không là hiện tượng luận nên luận về hiện tượng đó là hiện tượng luận !
9. Kết luận:
Nói chung các môn học có thể gói gọn lại thành 2000 tiết. Học trong 4 hoặc 5 năm. Trong đó chỉ có 2 tiết thật sự là hữu ích (ví dụ, chỉ bật được quạt khi có điện) còn 1998 tiết còn lại hoàn toàn vô nghĩa (ví dụ điện đã làm cho quạt quay như thế nào?...). Tất cả những việc bạn phải làm là chép những lời thầy giảng, nhớ chúng, chép chúng vào bài thi, rồi sau đó quên đi. Những ai chẳng may không thể quên được thì trở thành giáo viên và suốt đời không ra khỏi trường học.

Thứ Bảy, 17 tháng 3, 2012

Bắt thang lên hỏi ông trời.


Bắc thang lên hỏi ông trời :
"Lấy tiền cho gái có đòi được không ?"
Ông trời phán bảo rằng : Không !
Tiền cho gái đẹp chổng mông. Khỏi đòi...
Nói chuyện ông Trời với người đời nghĩ cũng lạ. Thiên hạ lúc khổ thời than trời ơi sao tôi khổ thế này, chớ còn lúc họ sướng không thấy ai rên rỉ trời ơi sao tôi sướng thế này cả.
Sống khổ quá thời kêu rên bị trời đày trời đọa. Gặp sự oan ức sơ sơ đã gọi là nỗi oan lên thấu tận trời xanh, chỉ trời xanh kia mới thông cảm cái sự oan đó. Mà trời thì cao quá xa quá, không nghe chi được, nên cái thời ông Bao Thanh Thiên, người ta hay kêu trời kêu đất, van vỉ cái nỗi oan khiên nhiều nhất hạng, âu tự vì họ thấy có ngài thay trời xanh công bằng mà xử kiện chăng.
Dẫu khi sướng không kêu trời, ấy khi được trời cho cái lộc thì người ta cũng biết nhớ tới trời, làm mâm cơm cúng tươm tất. Trước tạ ơn trời, sau hầu tàn dọn xuống cho vợ con cả nhà gắp gắp chan chan.
Chuyện bắt thang lên trời của mấy anh chàng keo kiết mê gái đẹp, làm le móc túi tặng mấy nàng, xong rồi tiếc đau đứt ruột, muốn đòi lui. Không dám bình luận chi nhiều, nhưng mà thấy buồn cười quá đi...


Thứ Sáu, 16 tháng 3, 2012

Hồ trường.


Nhân gian có nhiều thứ gọi là hồ, tùy theo cái vĩ từ đứng đằng sau mà lộ ra chánh xác ý nghĩa. Ví như hồ ly tinh là giống chồn đèn quái đản thành tinh, hồ vôi vữa là hỗn hợp cát xi măng trộn nước các bác thợ nề, hồ dán thủ công là của học trò mẫu giáo, hồ vĩ đại là lãnh tụ của những kẻ theo đảng, "hồ trên núi" là tên một bài hát của Phó Đức Phương kể lể cái hồ ở trên núi. Còn "Hồ trường", thì là cái từ ghép mới lạ, xuất xứ Hán ngữ cụ danh sĩ Đông du Nguyễn Bá Trác bản quyền cấu tạo.
Hồ trường xuất hiện cách đây vừa tròn thế kỷ, từ một bài ca cụ ấy nghe, thấy hay, rồi dịch thuật  cho ra cái từ loại "hồ" đặc sắc này.
Hán Việt từ điển của vị cư sĩ Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha thì có đến 17 chữ Tàu ý nghĩa đọc đều ra "hồ" cả. Hồ là hồ ơi, hồ hỡi. Hồ là bầu là nậm chứa rượu. Hồ là cung là cong..., cứ ngó theo bộ chữ mới dịch cho nó trúng. Chữ "trường" thời có nghĩa là dài dòng, hay ho, trưởng thượng; chớ không liên hệ gì với sự rượu chè be bét. Còn có chữ "thương" nghĩa là bày đặt ra, là chén rượu đọc trại thành"trường", chữ"trường" này theo ý một số bác học chữ Hán, mới là cái ý chữ tâm đắc cụ tuần Trác đã chọn dùng.
Tóm  cho đơn giản, Hồ trường là cái bộ đồ uống rượu, gồm cái bầu hồ lô rượu bự chảng với mấy cái bát to tha hồ uống. Uống tam tửu, tứ tửu, quần tửu, loạn tửu; uống hoài không sợ hết, không phải lo "cắt cổ không bằng đổ rượu" vậy.


Chuyện cụ tuần Trác với bài Hồ trường:
Nguyễn Bá Trác người làng Điện Bàn đất Quảng Nam, đổ Cử nhân năm 1906, Đông du qua Nhựt Bổn rồi sang China sanh sống một thời gian. Hồi tôn cố quốc năm 1917, cụ phụ trách phần Hán văn Nam Phong tạp chí, rồi vô Huế làm quan bộ Học, sau chuyển chức Tuần Phủ xứ Bình Định.
Năm 1945, Việt Minh ra tay tàn sát hàng loạt trí thức học giả nước Nam không theo cộng sản. Nhà văn Khái Hưng Tự Lực Văn Đoàn bị thủ tiêu quăng xác xuống sông, cụ Thượng Chi Phạm Quỳnh bị bắn chết, xác vùi lấp ở gần ga Hiền Sĩ phụ cận Huế. Riêng cụ tuần Trác thời Việt Minh bắt, xử bắn công khai ngay tại đất Bình Định.
Hùm chết để da, người ta chết để tiếng. Cụ Nguyễn Bá Trác tiếng tăm thì nhờ bài dịch "Hồ trường" in trên tạp chí Nam Phong số 41 năm 1920 khiến cho ai đọc cũng thấy thích thú rồi ngâm nga mà nhớ cụ.
Trong tập "Hạn mạn du ký", chương thứ 10 cụ Trác cho biết, năm 1912 cụ "đào vong quốc sự" lưu lạc đến Thượng Hải bên Tàu. Một hôm uống rượu cùng với vị đồng hương đồng chí. Vị này ngà ngà say, bèn đứng dậy hát "Nam phương ca khúc". Bàn rượu bên cạnh, một võ quan họ Lưu, người xứ Trực Lệ, nghe điệu hát, sang hỏi là điệu gì, bèn được trả lời: “Ấy là một điệu đặc biệt ở phương Nam”. Họ Lưu nói “nghe tiếng bi mà tráng, nhiều hơi khảng khái, Nam phương mà có điệu hát đến thế ru? ”. Sau đó họ Lưu xin người hát chép ra giấy lời ca ấy để giữ mà xem..."
Bản dịch bài Hồ trường của cụ Nguyễn Bá TrácTrác đến nay, các vị hào kiệt cao tuổi VNCH nhân sinh thất chí, bôn đào hải ngoại tha hương, các cuộc uống rượu tiêu sầu thường hay ngâm nga mà tỏ nỗi niềm tâm sự.


" Trượng phu không hay xé gan, bẻ cột phù cương thường
Hà tất tiêu dao bốn bể, luân lạc tha hương.

Trời Nam nghìn dậm thẳm,
Mây nước một mầu sương
.
Chí chưa thành, danh chẳng đạt,
Trai trẻ bao lăm mà đầu bạc
Trăm năm thân thể bóng tà dương.

Vỗ gươm mà hát, nghiêng bầu mà hỏi,
Trời đất mang mang,
Ai người tri kỷ ?
Lại đây cùng ta cạn một hồ trường.

Hồ trường !
Hồ trường !
Ta biết rót về đâu ?

Rót về Đông phương ?
Nước bể Đông chẩy xiết sinh cuồng loạn
.
Rót về Tây phương ?
Mưa Tây sơn từng trận chứa chan

Rót về Bắc phương ?
Ngọn Bắc phong vì vụt, cát chạy đá dương

Rót về Nam phương ?
Trời Nam mù mịt, có người quá chén, như điên như cuồng

Nào ai tỉnh, nào ai say,
Chí ta ta biết, lòng ta hay

Nam nhi sự nghiệp ư hồ thỉ,
Hà tất cùng sầu đối cỏ cây
."



Thứ Tư, 14 tháng 3, 2012

Chất bí mật.


Bí mật là dú diếm kín đáo cái sự gì đó để không ai biết ngoài mình hoặc phe nhóm của mình ra. Ví dụ trong nhà có vàng bạc nhiều thì phải cất dấu nơi bí mật kẻo sợ hở hơi ra, mất mát đi. Thời vua chúa, dinh thự của danh gia vọng tộc đại quan quý phái, bọn giang hồ tiêu đầu bang chủ xây căn cứ địa đều xây mật thất khi lâm nguy cơ có chỗ mà trốn. Mật thất nhiều khi thành nơi giam giữ kẻ thù, giam lâu dài hay giữ tạm thời là theo nhu cầu chủ quản. Ví dụ Hấp tinh đại pháp Nhậm Ngã Hành, đại ma đầu giáo chủ Nhật Nguyệt Thần giáo sơ ý để pê đê bộ hạ Đông Phương Bất Bại ám toán đoạt chức. Lão ác ma này bị xích tay trói chân ở Hắc lao dưới đáy Tây Hồ, Giang Nam Tứ hữu kín kẻ canh phòng, sau có Hướng Vân Thiên, Lệnh Hồ Xung đến giải thoát.


Chiến tranh VN, cán bộ VC nằm vùng hay trốn dưới hầm bí mật, dân chúng ủng hộ cộng sản nuôi dấu kín đáo. Ban ngày núp, ban đêm mò lên cầm AK, lựu đạn đi hành động. Hầm bí mật thường đào trong mấy bụi tre rậm rạp, trên cồn mồ cồn mã, ngụy trang lá cây cối rãi đất rãi đai màu mè bao che cẩn thận. Một số hầm đào ngay trong nhà cơ sở nòng cốt, nắp hầm được bếp núp nong nia che đậy khéo léo. Chuyện có thực như vầy, người nhà quê nọ vô tình đi vệ sanh trong bụi tre, bất ngờ vị nằm vùng đội nắp hầm trở lên. Bốn mắt không hẹn nhìn nhau, té ra là người quen biết mặt. Nhà quê sợ quá vùng bỏ chạy về nhà, thúc hối vợ con tay nãi đào thoát vội vã đi xứ khác. Cũng may thay cho cả nhà anh ta, tối hôm đó vị nằm vùng thêm hai anh cách mệnh kéo đến "làm cách mạng" hụt...
Quân lính VNCH, lính Mỹ đi càn quét, lùng sục thường xăm hầm tìm kiếm VC, phát hiện ra là cạy nắp hầm dụ hàng hay là quăng lựu đạn xuống dưới giết cho chết hết.


Chất bí mật là chất liệu mới tìm ra, đặc biệt chế tạo mặt hàng siêu đẳng, nên không một ai có thể biết công thức, đảm bảo cái hàng khủng của mình giá trị độc quyền. Ví dụ, cùng chế tạo chất cao su, có loại tính năng ưu việt là nhờ vào giờ phút chót, nhà sản xuất công nghệ cao lén bỏ vào nồi nấu cao su chất bí mật khiến nó trở nên siêu đẳng.
Nước Nam nay đã chấm dứt chuyện đào hầm bí mật liền nảy nòi sanh sự sang làm chất bí mật. Nghe nói có vị Tiến sĩ Nguyễn Chánh Khê chế tạo ra chất bí mật hết sức quý giá. Lấy hai chai nước lã, cho ít chất bí mật vào, dùng hai sợi dây kim loại nhúng vô là có điện để mà dùng.


Phát minh ấy sẽ giúp thiên hạ có điện xài thoải mái trong từng hộ gia đình, khỏi phải câu điện nhà nước dây dợ phức tạp. Các loại phương tiện xe cộ sắp tới rồi tất chuyển qua sử dụng động cơ điện xài nước lã, khỏi phải xăng dầu tốn kém chi cả.
Các vị giáo sư tiến sĩ tài giỏi trong nước đã bỏ công sức thẩm tra, có người đánh giá rất cao về cái chất bí mật tạo điện nước lạnh ấy. Một ngày gần đây, khi chất bí mật sản xuất đại trà, người Việt sẽ xài điện năng vô tư nhờ có nhiều nguồn nước lã âu cũng phước báu dân tộc lớn.
Điện nước lạnh nhờ chất bí mật chắc hẳn sẽ mở ra thời kỳ cáo chung nhiều loại năng lượng cổ truyền, tăm tiếng người Việt khi ấy sẽ khiến "chấn động địa cầu" thêm lần nữa, cũng là điều vinh dự lắm thay.




Thứ Hai, 12 tháng 3, 2012

Tăng đạo.


Đạo Phật du nhập nước Nam theo hai hướng, Bắc từ Tàu đi bộ xuống, Nam ở Ấn Độ đi thuyền qua. Đường tăng đạo chia hai : Nam tông tiểu thừa nguyên thủy Theravada, Bắc tông đại thừa rộng rãi thiền tu chủ chánh.
Đất của vua, chùa của làng, làng thông thường cái chùa sớm chiều chuông trống gõ mõ tụng kinh, khi có đám tang chế kỵ cúng thời mấy ông thầy chùa làng kéo đến chập chập cheng cheng rộn ràng ấm lòng gia chủ.
Mấy triều đình vua hoàng hậu công chúa nào thích đạo Phật, ra chỉ dụ, cúng tiền xây chùa, hoặc truy phong ban sắc cho mấy chùa tăm tiếng bằng sắc chỉ gọi là chùa Sắc tứ. Sư tu chùa vua thường cao đạo hơn sãi giữ chùa làng.
Thời nay, chùa xưa gọi Tổ đình, chùa lập thủa chiến tranh có Niệm Phật Đường, chùa Tỉnh Hội, chùa Khuôn Hội. Còn Am, Cốc, Chùa nhỏ thì do mấy tư gia giàu có lập ra mà tu.
Trước năm 1954, miền Bắc chùa Quán Sứ là tụ điểm giáo hội Tăng già Bắc Việt, có tờ báo Đuốc Tuệ chuyên đạo tu nên cũng gọi là tu Phật.
Đến hồi Cộng sản Hồ Chí Minh thống trị, Phật giáo Bắc Việt ngoài mặt tiếng tu Phật, còn bên trong tu đảng tu bác là chánh.


Miền Nam VNCH rắc rối hơn. Thời cụ Diệm nắm chánh quyền, đề cao Thiên Chúa giáo làm Phật giáo đồ căm tức lắm.
Thêm đám sư sãi cọng sản nằm vùng kích động gây sự biểu tình, phong trào Phật giáo vì thế rầm rộ. Tuần hành, biểu tình, tự thiêu, hội họp làm lung lay cả chế độ.
Nền đệ nhất cộng hòa sụp đổ, anh em cụ Diệm bị giết, Phật giáo miền Nam hội họp phe phái tăng chúng, lập ra cái "Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất". Giáo hội này sau chia rẻ ra hai phe đấu nhau kịch liệt.
Phật giáo Ấn Quang, do Thượng tọa Thích Trí Quang (người Quảng Bình) Tổng Thư Ký Viện Tăng Thống cùng Đại đức Thích Nhất Hạnh (dân Thừa Thiên) cầm đầu. Đây là phe ủng hộ Mặt Trận Giải Phóng, ưu ái Hồ Chí Minh, chống đối chính quyền VNCH kịch liệt.


Phật giáo Việt Nam Quốc Tự có Thượng tọa Thích Tâm Châu (người Ninh Bình), viện trưởng Viện Hóa Đạo và Thượng tọa võ sư Nhu đạo Thích Tâm Giác (gốc Nam Định), giám đốc Nha Tuyên Úy Phật giáo. Phe Việt Nam Quốc Tự thì ủng hộ cho thể chế dân chủ.
Giáo hội PGVNTN đa phần các chùa đều là căn cứ bí mật cho bọn VC trú chân ẩn nấp nằm vùng. Cứ mười chùa thời hết chín là đi theo Cộng sản.
Sư áo vàng Thích Minh Châu (dân Quảng Nam), đảng viên Cộng sản ra lập Đại Học Vạn Hạnh, đào tạo vô số tăng sinh bổ túc đội ngũ. Thêm sư áo lam Thích Đôn Hậu (người Quảng Trị), xuân Mậu Thân 1968, chống gậy lên chiến khu tham gia Mặt Trận "chống Mỹ cứu nước".
Thời VNCH, Phật giáo miền Nam chủ ý có ngài Tăng thống Thích Tịnh Khiết, có Viện Đại học Vạn Hạnh, Nhà xuất bản Lá Bối, các Tuần báo Hải Triều Âm, Chánh Đạo, có Nha tuyên úy Phật giáo đảm trách cầu an cầu siêu cho lính đánh trận; có Gia đình Phật tử, có Khuôn hội, Niệm Phật Đường, làm Phật giáo sinh khí mở mang, tạo điểm tựa an lòng cho con người buổi tên bay đạn lạc, bom nổ mìn gài, chết dễ như không.


Sau năm 1975, miền Nam VN bị nhuộm đỏ. Giáo hội PGVNTN giải tán, viện Đại học Vạn Hạnh đóng cửa, nhà xuất bản Lá Bối, báo chí Phật giáo dẹp tiệm. Phật giáo Ấn Quang xưa nịnh nọt chế độ VC, nay buồn rầu vì không được đảng chiếu cố.
Phong trào tranh đấu Phật giáo chống độc tài lại manh nha. Ngoài lớp tu sĩ vượt biên tìm tự do, số cộm cán chống đối ở quốc nội như Thích Trí Siêu, Tuệ Sĩ, Hải Tạng, Trí Tựu, Huyền Quang, Quảng Độ, Thiện Hạnh đã cố gắng thắp lên ngọn lửa chống cộng sản, nhưng thảy bị lụi tàn vì thiên hạ không mấy ai ủng hộ họ cả.
Năm 1981, chế độ phần nào để Phật giáo cựa quậy trong cái lồng mới tô son trét phấn là Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, tổ chức Phật giáo VN duy nhất trực thuộc Ban Tôn giáo Chánh phủ, nằm dưới sự chỉ đạo của đảng Cộng sản.
Khi Nga sô, Đông Âu sụp đổ, nguy cơ chế độ cáo chung, VC bèn tìm cách đổi mới toàn diện. Về phần giáo hội, một số sư sãi miền Nam cựu trào thân cọng hay có quá khứ VNCH, cũng được chế độ ban cho chút ít ân huệ, mời vô ngồi ghế giáo hội chầu rìa, làm phụ tá cho lớp "cao tăng" vốn có cốt đảng viên mang áo ông thầy tụng.
Hệ thống Phật to, Chùa lớn, Chuông vĩ đại xây dựng nhiều nơi. Thiền viện thắng cảnh huy hoàng, tượng bác Hồ trà trộn cùng tượng Phật, tượng Bồ tát, thiên hạ lạy lục cúng bái.
Điểm nhấn Phật giáo nước Nam ngày nay, có thể nói, là vị sư ông Nhất Hạnh bên Tây sáng tạo ra "đạo Bụt" lừng lẩy thế giới, được bọn người Tây đi theo đông đúc. Hít vào thở ra, nam nữ tu cùng, sư ông tu chung sư bà, con rơi hai đứa đều là "Thiền Sư Tử".
Ngài "sư bà" Thích Chân Không, nhủ danh Cao Thị Ngọc Phượng, được "sư ông" tôn thờ vị "Nữ Bồ tát" danh vang đình đám, đạo chúng tung hô.

Thứ Sáu, 9 tháng 3, 2012

Tình xuân thác loạn.


Mùa đông dài thậm thược lạnh lẽo hắc ám lại là cái bệ phóng rạo rực để chữ tình tràn lan khi tiết xuân vừa chớm. Cây cối cỏ hoa muôn màu bật phô dữ dội mời chào ong bướm. Chim chóc hót gọi tình trống mái, thú vật hú hét kêu gào đực cái náo loạn cả lên.
Loài người cũng không khác cho mấy. Xuân tình rạo rực đón mùa lễ hội. Trai gái đua chen, lấn áp đụng chạm. Mùa xuân là mùa tác động tính dục mạnh nhất. Yêu đương tìm kiếm, âm dương phối hợp, thúc đẩy sanh sản bảo vệ giống nòi.
Cái thời Nguyễn Bính, hội chèo làng Đặng là thời cơ những cuộc giao lưu đỏ mặt.
" Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay
Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy
Hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ
Mẹ bảo: “Thôn Đoài hát tối nay”.
Lòng thấy giăng tơ một mối tình
Em ngừng thoi lại giữa tay xinh
Hình như hai má em bừng đỏ
Có lẽ là em nghĩ đến anh..."

Ngày nay văn minh, tuổi trẻ bè bạn cảm tình nhau cũng kéo nhau du xuân chơi xuân. Hoặc từng cặp đôi, hoặc kéo cả đám phồn thực. Vô mấy chốn rừng rú, quầy ba quán rượu, nhà nghỉ khách sạn để bày ra đủ trò gọi là thác loạn cho nó đã tỷ mấy cuộc đời...
Đập phá, hò hét dữ dội, bày đặt quái dị đa chiêu phủ quyết những "quy chuẩn văn hóa" mới thấy thêm đủ đô sự sướng.
Chuyện xưa doanh nhân Bạch Thái Bưởi mời cụ Tản Đà về biệt thự tỷ phú chơi mấy tháng. Cụ Đà ở lâu, cơm rượu quá đầy đủ đâm ra chán ngán. Thiếu chất xanh, cụ bèn cầm xà ben cạy hết mấy lớp gạch men nền nhà, đào bới banh đất trồng rau nhắm rượu vui.
Thế mới biết tiền bối An Nam thi sĩ dịch tuyệt thơ Đường mê văn chương cổ lổ còn chơi ngông như vầy, huống chi là đám thiếu niên hùng tráng nữ lưu thượng thặng thời nay...


Thứ Tư, 7 tháng 3, 2012

Hoa hồng 8.3


Truyền thuyết kể rằng một hôm trên Tiên giới, các vị thần tổ chức nhậu nhẹt bia rượu đặc sản um sùm mừng ngày quốc tế phụ nữ nhà trời.
Đang say sưa nâng cốc chúc phúc Tây vương mẫu, Hằng nga cùng quý vị Tiên nương gái đẹp chốn thiên đình. Bất ngờ vị thần nọ lỡ tay làm rơi chén ngọc làm rượu quý rót xuống trần gian. Rượu giọt lên một bụi hoa không tên đẹp màu tinh khiết.
Hoa nhuốm rượu, bèn ngứa ngáy nổi gai đầy cành. Nữ thần tình yêu Aphrodite của xứ Hy Lạp vỡ nợ, lúc ấy đang bị gã chồng cũ căn cốt lợn lòi đâm húc đuổi đánh, trị tội dám ngoại tình. Nàng Aphrodite chạy đã hết đường, đành rúc vào bụi hoa nói trên trốn tránh. Gai nhọn đâm vào da thịt nàng, máu chảy thấm đầy cả bụi, khiến hoa trắng biến dị ra màu đỏ.
Loài hoa ấy là giống bông ngày nay có tên gọi là hoa hồng.
Hoa hồng bởi vì tượng trưng cho tình yêu, nên chi đám nam giới đua chen mua hoa hồng tặng người giới nữ vào ngày 8/3 để bày tỏ tình cảm.




Thứ Hai, 5 tháng 3, 2012

Phụ nữ.


Một nửa loài người thuộc về giới nữ, tạo hóa ưu đãi cho khuôn mặt hình dong đẹp đẻ, thêm nữa tâm tính thích thú chưng diện môi son má phấn, chọn áo quần thời trang vải vóc tóc tai. Thế nên nữ giới mới gọi là phái đẹp.
Đẹp thì bao giờ cũng phải tôn vinh là cái luật muôn đời bất diệt, thành ra nửa kia nam giới nâng niu con gái, giành mấy phần hoa tặng người đẹp.
Mỗi năm người đẹp được nhiều ngày lễ cơ hội thụ hưởng quà cáp, vàng bạc hột xoàn, hoa thơm trái ngọt. Ngày cưới, ngày sinh nhật, ngày kỷ niệm hôn nhân đồng kẻm gỗ đá, ngày nhân tình, ngày phụ nữ nước nhà, ngày phụ nữ quốc tế... mọi ngày vui đều phái đẹp.
Phần thưởng xứng đáng. Phái đẹp tạo cảm hứng nghệ thuật vẻ vời hội họa chớp bóng, cho báo chí bớt khô khan ngột ngạt, cho văn chương rồng bay phượng múa nọ này. Phái đẹp mang nặng đẻ đau, bếp núc nội trợ chợ búa nuôi con nuôi chồng. Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm. Hạnh phúc gia đình không có phái đẹp không xong.



Nhiều gia đình nông thôn người phụ nữ nông dân làm lụng hết sức cực nhọc, hai sương một nắng vì cuộc sống nặng nghiệp đói nghèo đau khổ.
Cầu mong đất nước mau chóng phát triển cho các vùng nông thôn được văn minh đỡ đần người phụ nữ bớt vất vả khó nhọc...



Chủ Nhật, 4 tháng 3, 2012

Ô châu ác địa.


Thượng thư nhà Mạc ông Dương Văn An vốn quê đất Quảng Bình, học giỏi đỗ Tiến sĩ, được ra làm quan, rồi có cuốn dư địa chí "Ô Châu cận lục", xuất bản năm Ất Mẹo (1555), mô tả chi li đủ chuyện xứ Bình, Trị, Thiên hồi đó.
Địa danh "Ô Châu" hay "Châu Ô" là tên đất Triệu Phong và Hải Lăng dưới triều nhà Trần, nhờ mưu kế bán gả con gái vua Trần Nhân Tông, thu tóm được đất đai về cho Đại Việt.
" Đổi chác khôn ngoan khéo nực cười
Vốn đà không mất, lại thêm lời.
Hai châu Ô, Rí muôn nghìn dặm
Một gái Huyền Trân của mấy mươi ? "
Sách sử địa "Ô Châu cận lục" thực ra không phải Dương Văn An tự viết. Căn cớ như vầy, năm 1553, nhân Dương Văn An hồi chức về làng cư tang trả hiếu, có hai anh học trò cũ đến dâng sách ghi chép hai phủ Triệu Phong, Tân Bình (Thuận Hóa). Ông đọc thấy hay bèn sưu khảo, hiệu chỉnh, viết thêm bình luận cho đời sau biết thủa ấy thế nào.
Châu Ô của ông Dương viết không còn bó hẹp đất cũ mà rộng hơn. Bao trùm cả một vùng tự Quảng Bình đến một phần Quảng Nam xưa. Là vùng đất mới của dân xứ Chàm, nhờ mưu mô lấy được, chốn ấy hoang vu rậm rạp, cọp beo rắn rết, sốt rét thương hàn, muỗi mòng trùng độc. Chỉ mấy người tù trốn trại, dân nợ nần chồng chất, dân "kinh tế mới" hết đường sống mới dám mò đến mà ở. "Ô châu ác địa" có nghĩa là đất Ô châu vốn độc ác thậm kỳ. Sau này, chúa Nguyễn Hoàng đào thoát đến Ô châu, lập Dinh Cát ở Ái Tử, mở mang thay đổi dần dà, bớt đi sự hoang vu dã man ghê sợ.


Cái luật đời, đi đến vùng đất mới mà ở thì bao giờ cũng bị đám ma cũ nó bắt nạt, gây khó dễ. Kẻ thù hai chân, bốn chân, người âm kẻ dương cựu trào tất thảy chống đối bọn người lạ "xâm lăng" vốn đương nhiên.
Như khi xưa, quân Tàu Mã Viện kéo qua An Nam đàn áp Bà Trưng, sách Hậu Hán Thư, Mã Viện truyện ghi chép : “... quân giặc chưa dẹp được, dưới thì nước lụt, trên thì mây mù, khí độc bốc lên ngùn ngụt, trông lên thấy diều hâu đang bay bỗng sa xuống nước chết, nằm nghĩ đến lời Thiếu Du mới thấy là chí lý ...”. Thiển nghĩ rằng, cái độc ác đất An Nam dành cho người Tàu, chắc cũng hệt như sự ác độc của đất ma Hời dành cho người Việt, ra câu "ác địa" di truyền.


Dẫn chứng một số đọa đày chém giết hiểm ác xứ Ô châu. Ví dụ Huế, vùng đất điển hình cho những thảm sát lịch sử :
- Vua Lê Thánh Tông năm 1471 chinh phạt giết quân Chàm vô số ở động thành Lồi.
- Quân Trịnh đánh chiếm Phú Xuân năm 1775, chém hàng vạn quân sĩ chúa Nguyễn.
- Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ giết quân Trịnh, san bằng Phú Xuân năm 1786.
- Vua Gia Long năm 1801 chiếm lại kinh thành, thêm một trận thảm sát tàn quân Tây sơn khủng khiếp. Mồ chôn tập thể tràn lan, dân chúng kêu bằng hai từ "mã loạn".
- Quân Pháp đánh chiếm kinh đô Huế 23/5/1885, đụng ai giết nấy, xác người lại nằm mênh mông chật đất, mồ táng tập thể nay còn tại nghĩa địa Ba Đồn ở Nam sônh Hương.
- Năm 1945, quân Pháp tái xâm lăng, đổ bộ vô Huế, Việt Minh chạy lên chiến khu Dương Hòa. Trước khi rút, tranh thủ giết ồ ạt "việt gian", chặt bắn không sót !
- Năm 1968, lại quân cộng sản gây cái chết thảm khốc cho vô số người Huế ngay trong ngày tết. Tư thù tư oán, núp dưới chiêu bài "vùng lên nổi dậy" để thảm sát dã man vô số người ta. Hàng ngàn đồng bào bị bắt đem chôn sống thê thảm.
Ngày nay, đất Ô châu ác địa, xứ Huế và vùng phụ cận, theo như kể lại, cứ mỗi chiều chạng vạng, người dân địa phương cũng như du khách đến thăm thú, đi đâu cũng thấy cảm giác có cái rờn rợn u uất khó tả. Chắc tại đám ma quái oan hồn người xưa quờ quạng vẫn mộng trả thù, vẫn lang thang hàng đoàn đợi thời cơ đến báo oán ?