Chủ Nhật, 4 tháng 3, 2012

Ô châu ác địa.


Thượng thư nhà Mạc ông Dương Văn An vốn quê đất Quảng Bình, học giỏi đỗ Tiến sĩ, được ra làm quan, rồi có cuốn dư địa chí "Ô Châu cận lục", xuất bản năm Ất Mẹo (1555), mô tả chi li đủ chuyện xứ Bình, Trị, Thiên hồi đó.
Địa danh "Ô Châu" hay "Châu Ô" là tên đất Triệu Phong và Hải Lăng dưới triều nhà Trần, nhờ mưu kế bán gả con gái vua Trần Nhân Tông, thu tóm được đất đai về cho Đại Việt.
" Đổi chác khôn ngoan khéo nực cười
Vốn đà không mất, lại thêm lời.
Hai châu Ô, Rí muôn nghìn dặm
Một gái Huyền Trân của mấy mươi ? "
Sách sử địa "Ô Châu cận lục" thực ra không phải Dương Văn An tự viết. Căn cớ như vầy, năm 1553, nhân Dương Văn An hồi chức về làng cư tang trả hiếu, có hai anh học trò cũ đến dâng sách ghi chép hai phủ Triệu Phong, Tân Bình (Thuận Hóa). Ông đọc thấy hay bèn sưu khảo, hiệu chỉnh, viết thêm bình luận cho đời sau biết thủa ấy thế nào.
Châu Ô của ông Dương viết không còn bó hẹp đất cũ mà rộng hơn. Bao trùm cả một vùng tự Quảng Bình đến một phần Quảng Nam xưa. Là vùng đất mới của dân xứ Chàm, nhờ mưu mô lấy được, chốn ấy hoang vu rậm rạp, cọp beo rắn rết, sốt rét thương hàn, muỗi mòng trùng độc. Chỉ mấy người tù trốn trại, dân nợ nần chồng chất, dân "kinh tế mới" hết đường sống mới dám mò đến mà ở. "Ô châu ác địa" có nghĩa là đất Ô châu vốn độc ác thậm kỳ. Sau này, chúa Nguyễn Hoàng đào thoát đến Ô châu, lập Dinh Cát ở Ái Tử, mở mang thay đổi dần dà, bớt đi sự hoang vu dã man ghê sợ.


Cái luật đời, đi đến vùng đất mới mà ở thì bao giờ cũng bị đám ma cũ nó bắt nạt, gây khó dễ. Kẻ thù hai chân, bốn chân, người âm kẻ dương cựu trào tất thảy chống đối bọn người lạ "xâm lăng" vốn đương nhiên.
Như khi xưa, quân Tàu Mã Viện kéo qua An Nam đàn áp Bà Trưng, sách Hậu Hán Thư, Mã Viện truyện ghi chép : “... quân giặc chưa dẹp được, dưới thì nước lụt, trên thì mây mù, khí độc bốc lên ngùn ngụt, trông lên thấy diều hâu đang bay bỗng sa xuống nước chết, nằm nghĩ đến lời Thiếu Du mới thấy là chí lý ...”. Thiển nghĩ rằng, cái độc ác đất An Nam dành cho người Tàu, chắc cũng hệt như sự ác độc của đất ma Hời dành cho người Việt, ra câu "ác địa" di truyền.


Dẫn chứng một số đọa đày chém giết hiểm ác xứ Ô châu. Ví dụ Huế, vùng đất điển hình cho những thảm sát lịch sử :
- Vua Lê Thánh Tông năm 1471 chinh phạt giết quân Chàm vô số ở động thành Lồi.
- Quân Trịnh đánh chiếm Phú Xuân năm 1775, chém hàng vạn quân sĩ chúa Nguyễn.
- Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ giết quân Trịnh, san bằng Phú Xuân năm 1786.
- Vua Gia Long năm 1801 chiếm lại kinh thành, thêm một trận thảm sát tàn quân Tây sơn khủng khiếp. Mồ chôn tập thể tràn lan, dân chúng kêu bằng hai từ "mã loạn".
- Quân Pháp đánh chiếm kinh đô Huế 23/5/1885, đụng ai giết nấy, xác người lại nằm mênh mông chật đất, mồ táng tập thể nay còn tại nghĩa địa Ba Đồn ở Nam sônh Hương.
- Năm 1945, quân Pháp tái xâm lăng, đổ bộ vô Huế, Việt Minh chạy lên chiến khu Dương Hòa. Trước khi rút, tranh thủ giết ồ ạt "việt gian", chặt bắn không sót !
- Năm 1968, lại quân cộng sản gây cái chết thảm khốc cho vô số người Huế ngay trong ngày tết. Tư thù tư oán, núp dưới chiêu bài "vùng lên nổi dậy" để thảm sát dã man vô số người ta. Hàng ngàn đồng bào bị bắt đem chôn sống thê thảm.
Ngày nay, đất Ô châu ác địa, xứ Huế và vùng phụ cận, theo như kể lại, cứ mỗi chiều chạng vạng, người dân địa phương cũng như du khách đến thăm thú, đi đâu cũng thấy cảm giác có cái rờn rợn u uất khó tả. Chắc tại đám ma quái oan hồn người xưa quờ quạng vẫn mộng trả thù, vẫn lang thang hàng đoàn đợi thời cơ đến báo oán ?


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét