Thứ Ba, 31 tháng 1, 2012

Sơn trà.


Năm xưa du ngoạn ghé ngôi chùa cổ tìm chút thanh thản, gặp hòa thượng nọ nức nở khoe khoang chậu Bạch vương trà. Ngài ồn ả tâm sự như quá ngộ cố nhân tri kỷ.
Cây chè người miền Nam gọi trà, lá trà sao sắc ra các loại trà nhấp nháp tịnh tâm ban sáng. Trà đạo, trà kinh, trà chuyện nghe đã nhiều, nay kể hoa chè hoa trà vui vậy .
Trồng chè cố ý lấy hạt gieo trồng không cắt lá bẻ cành, cây sẽ vươn cao hoa trắng, vừa đẹp vừa thơm. Từ giống cây này, sinh sự ra vô số hoa trà sắc màu trái biệt, trắng đỏ hồng vàng, hữu hương vô hương, tùy ý tha nhân yêu mến lựa chọn.


Hoa trà to nhất ấy là Hải đường, thường trồng mấy vườn xưa nhà cổ chùa chiền cảnh sắc ẩn dật tu hành. Người ta ít trồng vì sợ câu lệ nhỏ hải đường sinh xui xẻo. " Hải đường lả ngọn đông lân. Giọt sương đeo nặng cành xuân la đà ". Quả nhiên cụ Nguyễn Du dụng ngôn ngữ lợi hại thật...
Cành hải đường trụi lá chân, trên liêu xiêu ngả ngớn mấy cái bông hoa to sanh cái cảm giác bất an khó chịu. Nên chi trồng hoa Hải đường phải cách thức cây dinh dưỡng mập mạp cốt cành to phú túc, lá dày khó rụng, hoa cấu kết sung sức xanh lá, đỏ hoa, vàng nhụy mới gọi là đẹp.


Tô Đông Pha đời Tống thơ hoa Hải đường, nói rằng ban đêm đốt đèn ngắm hoa vì sợ hoa nó tàn đi.
" Ðông phong niểu niểu phiếm sùng quang,
Hương vụ không mông, nguyệt chuyển lang.
Chỉ khủng dạ thâm hoa thụy khứ,
Cố thiêu cao chúc chiếu hồng trang."

Loài hoa trà được trồng đại trà ấy gọi Trà mi. Trà mi lắm loại đủ sắc đa đơn cánh đơn. Trà mi đỏ hồng vào xuân người ta hay chở đi bán dọc đường dọc sá, ai thích thì mua về đặt sân nhà chưng cho đẹp. Bạch vương trà có cánh hoa màu trắng. Nó hoi hiếm bởi người ta ít chuộng sắc trắng cái màu tang chế nên ông sư kia mới quý báu ngộ nhận.
Hoa trà mi hàm tiếu, mãn khai, rực rỡ rồi tan tác bầm dập. "Tiếc thay một đóa trà mi, con ong đã tỏ đường đi lối về." Con ong chui vào bông hoa, lộn lui bò tới, thám hiểm dẫm đạp, dày vò thỏa thuê thời còn chi đóa hoa trà mi nữa...


Một giai thoại văn chương hồi Pháp thuộc, Tổng đốc Lê Hoan tổ chức thi vịnh thơ Kiều, bèn mời cụ nghè Yên Đổ ngồi trên ghế thầy chấm. Mấy chục bài vịnh Kiều, thí sinh Chu Mạnh Trinh vịnh bác Sở Khanh như sau đây.
" Những tưởng chim lồng chắp cánh bay,
Họa khi vận rủi có hồi may.
Làng nho người cũng coi ra vẻ,
Bợm xỏ ai ngờ mắc phải tay.
Hai chữ tin hồng trao gác nguyệt,
Một roi vó ký tếch đường mây.
Mẫu đơn vùi dập cơn mưa gió,
Cái nợ yên hoa khéo đọa đày."

Cụ Yên Đổ lấy bút phê bình " Rằng hay thì thật là hay, nho đối với xỏ lão này không ưa ! "
Sau này khi cụ nghè đã cáo quan về làng, mắt đục thủy tinh thể, lòa hết thấy đường, Chu Mạnh Trinh thì lên làm quan, bèn thâm thúy tặng cụ một chậu sơn trà hữu sắc vô hương, có ý chê cụ nghè bất tài, xưa chấm bài thi mà không hiểu được ý hay của Chu vậy.


Cụ Yên Đổ tức ý, làm bài thơ " Sơn Trà" bằng chữ Hán tặng lại.
" Xuân lai khách tặng ngã sơn trà,
Túy lý mông lung bất biện hoa
Bạch phát thương nhan ngô lão hỉ,
Hồng bào kim đái tử chân da ?
Tầm thường tế vũ kinh xuyên diệp,
Tiêu sắt thần phong oán lạc dà.
Cận nhật tương khan duy dĩ tị
Liễu vô hương khí nhất kha kha !

Cụ còn tự dịch ra tiếng Việt như sau đây.
" Tết đến người cho một chậu trà,
Ðang say ta chẳng biết rằng hoa.
Da mồi tóc bạc ta già nhỉ.
Áo tía đai vàng bác đó a ?
Mưa nhỏ những kinh phường xỏ lá,
Gió to luống sợ lúc rơi già.
Xem hoa, ta chỉ xem bằng mũi
Ðếch có mùi hương, một tiếng khà."


Thứ Hai, 30 tháng 1, 2012

Cúng trang ông trang bà.


Thuận vợ thuận chồng tát bể Đông cũng cạn, vợ chồng lấy nhau, xây dựng gia đình muốn cho ấm áp hạnh phúc, làm ăn nên nổi, thời nên thỉnh trang ông, trang bà về mà thờ.
Tục xưa bày rằng, thiên hạ sinh ra, mỗi người đều mỗi ngôi sao nhập mệnh. Trời cho thêm từng người từng vị Phật, Bồ tát hay thánh thần nào đó bám theo độ mạng cả đời. Nam có nam thần, nữ có nữ thần; chờ đến khi kết hôn, vợ chồng phải nhờ ông thầy coi tuổi suy đoán ra vị thần độ mệnh cho mình tên tuổi là gì để lập trang cúng.
Mấy ông thầy cúng giở sách Tam Thế Diễn Cầm của cụ Dương Công Hầu soạn, rồi theo đó bày vẻ cho cặp vợ chồng nhu cầu. Tỷ dụ tuổi Đinh Tỵ mệnh Sa Trung Thổ, nam thời Cậu Tài, Cậu Quý, nữ thời bà Chúa Ngọc Nương Nương độ mệnh. Tỷ dụ tuổi Nhâm Thìn mệnh Trường Lưu Thủy, nam ông Tử Vi, nữ bà Cửu Thiên Huyền Nữ độ mạng... Cứ như thế, như thế thờ cúng các vị.


Trang ông đóng tấm ván đặt thờ giữa bức vách trên bàn linh. Trang bà treo vách trái có khung có mái đường hoàng hơn. Gương, lược, xâu tiền cổ, nước hoa, bình hoa giấy lòe loẹt, nước trong. Tùy theo trang của ông, của bà để sắp đặt.
Tục thờ trang bổn mạng kéo dài đến khi gia chủ lên 60 tuổi thời thôi, làm lễ ra lão hết thờ. Đem hết cái trang, đồ thờ ra đặt gốc đa, gò miếu, mấy nơi dân chúng đưa đặt ông táo cũ, bình vôi. Lên lão làng là xong chuyện.
Đêm mồng 8 rạng ngày mồng 9 tháng giêng năm mới làm lễ cúng trang ông, trang bà.
Cau trầu rượu, bông chuối, đôi đũa bông nhuộm xanh vàng đỏ tím cắm vô dĩa xôi, miếng thịt heo luộc nhà nghèo, cặp gà kiến choi choi nhà khá cúng xong đi coi giò. Thắp hương vái lạy xin an ổn, xin mạnh khỏe, xin tài lộc, ăn làm dồi dào thịnh vượng. Xin lạy lộc bà, lộc ông mở lòng rộng lượng ban phát vợ chồng chúng con.
Cái lệ sau khi cúng trang bổn mạng, nhà có gà luộc thời hớt cặp chân gà, cột sợi lạt rồi cầm đi coi bói. Nhờ ông thầy săm soi móng vảy, dụng thông thái dịch học bát quái càn khôn, vận kỳ môn độn giáp Thái ất Khổng minh; rồi tiết lộ gia vận hanh thông hay bế tắt, mồ mã kết, phát đinh phát lộc hay động đậy sự sinh sinh sự.
Coi bói chân gà, phải chọn cặp gà đẹp. Gà công nghiệp, gà nuôi bằng đồ ăn tẩm thuốc kích thích China cho mau lớn, gà không rõ nguồn gốc xuất xứ, gà mập ú, gà chín cựa, gà mờ, gà què gà quặt thời vô giá trị. Chỉ dùng gà kiến An nam bản địa nuôi thả vườn tự nhiên lúa gạo lượm lặt mà thôi.


Luộc gà cẩn thận trông coi, không quá sống quá chín, không dính lông dính lá, không đè nén ép uổng. Vớt gà ra rỗ bày lên dĩa phải lận phải lạt, cân bằng âm dương tả hữu.
Cúng xong, hớt cặp chân gà, tay trái cầm chân trái, tay phải cầm chân phải, cầu khấn rằng " Kính tấu thiên địa thần kỳ ! Kính xin : Cửu Thiên huyền nữ Phạm Thị Chân tiên sư và chư thần linh bản thổ bản gia giáng lâm chứng tri minh bạch..."
Tới nhà thầy bói, thầy cầm cặp chân lên nghiêng ngó, hỏi tuổi gia chủ rồi phán. Theo màu sắc vàng, xám, trắng bệch hay tím tái; theo độ cong quặp co duỗi, theo ngón chân dài ngắn, theo mạch máu gân xanh. Tương lai năm mới gia chủ dần dà sáng tỏ.
Hai vợ chồng đi coi bói chân gà, sau đó vợ lận lưng, lấy tiền ra hậu tạ cho ông thầy.

Chủ Nhật, 29 tháng 1, 2012

Món hên đầu năm.


Mấy ngày tết thịt heo mỡ lợn tràn trề. Con nhà khó cũng miếng thịt heo trong nhà, ăn cầu may hanh thông nhàn nhả, được như cái đời con heo trong chuồng vậy.
"Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Nêu cao, tràng pháo, bánh chưng xanh".
Thịt mau ngán, dọn thêm món rau cải ướp muối dưa cải. Cân bằng khẩu vị xơ xác bên mỡ màng trơn tuột. Lá cải xếp từng xấp lá, tượng hình xấp tiền dày cộm - cái ước mơ bạc giấy đầy ắp túi ai mà mà không mong ? Thành ra thịt heo dưa cải mới là hai cái món đem may mắn như người ta nói. Ngẫm ra lý lẽ cũng hay đó chớ.


Hồi mấy tết Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ sau ngày được đảng "giải phóng", trừ gia đình đảng ra, tết của dân chúng phải gọi là tết đói. Đầu năm, nhớ có lần lên chùa ăn giỗ, một đoàn ăn mày ngồi sắp hàng cả dãy dằng dặt bên hiên nhà chùa. Vị bổn đạo đem cơm ra cho, cả đám xúm lại ngổn ngang nhận phần cơm quả lợt. Có bà cụ ăn mày già trên tám chục, nhai vội nuốt lốn đồ ăn trong cái thau nhôm bẩn thỉu. Vừa ăn vội, vừa sợ hết, vừa van xin thêm. Bà lão bảo may quá ngày ăn mày gặp kỵ, được đồ ăn no, chớ ngày mai là đói, đói dài hạn.
Trời đã ra giêng rồi. Tháng giêng là tháng ăn chơi, nhiều lễ hội đình đám, đi kể chuyện ăn mày đói thời khi không phải. Uống rượu tiêu sầu, vác dao chém xuống nước, nước càng thêm chảy; nâng chén tiêu sầu càng sầu thêm. Vả lại nhớ thơ xưa, ba vạn sáu ngàn ngày là mấy, cảnh phù du thấy cũng nực cười, nhắc chi chuyện cũ đau lòng thịt heo dưa cải.


Đọc giải buồn, bên Nhựt Bổn có món ăn đặc sắc đầu năm gọi là món sushi trinh nữ. Ấy nhà hàng ăn uống đưa ra một cô trinh nữ xinh đẹp. Cô này bèn cởi hết áo quần, nude toàn diện, rồi nằm ngửa ra trên bàn. Bọn Tiểu nhị bèn đem đồ ăn sắp lên người, các thực khách kéo đến ngồi vây quanh, gắp ăn xả xui.


Thứ Bảy, 28 tháng 1, 2012

Trùm chăn.


Trời lạnh nằm ngủ trên giường thời trùm chăn lại cho ấm. Nóng nực, họa kẻ điên mới trùm chăn, thế nên phải gọi trùm chăn theo mùa mới hợp.
Trí thức trùm chăn có lý họ. Ví dụ, thời nay vi trùng ngày một kháng thuốc trụ sinh, Thái y ngày ngày cặm cụi phòng thí nghiệm, cố tìm cho ra dòng nấm mốc meo chi đó, để diệt tuyệt cho hết mấy giống độc trùng gây họa.
Thái y có thời giờ đâu mà phản biện chánh trị cho nó ra dáng "trí thức nhân dân" ?
Làm việc nhọc mệt, ai cũng thích ngủ. Chưa kể mấy vị "chú tôi" thích trời mưa trùm chăn cho sướng.
" Cái cò lặn lội bờ ao
Hỡi cô yếm đào lấy chú tôi chăng ?
Chú tôi hay tửu hay tăm
Hay nước chè đặc, hay nằm ngủ trưa.
Ngày thì ước những ngày mưa
Đêm thì ước những đêm thừa trống canh."


Vạch rằng : lấy cụ thể công quả kiến tạo văn minh, làm được hơn nói lấy được, ấy thực tế ai cũng biết cả. Nhà toán học không lo ngồi giải phương trình tìm cho ra ẩn số, cứ chực chạy ra đường "giương cao ngọn cờ", thấy cũng khó coi.
Chuyện xứ BTT coi dùng di động là tội phạm chiến tranh, nhân dân cứ lo cày ruộng nhai cỏ đóng thuế nuôi nhà họ Kim, trí thức lo chế tạo bom nguyên tử bảo vệ tổ quốc XHCN, là cái chuyện của xứ ấy. Ngu cho chết.
Mưa xuân lạnh, trùm chăn ấp người đẹp, ai chẳng thích ?



Thứ Sáu, 27 tháng 1, 2012

Ngày này năm xưa.


Ngày mồng 5 tết hàng năm, ấy ngày kỷ niệm chiến thắng Đống Đa đánh tan quân Tàu của nhà vua Quang Trung anh hùng.
Nghiên cứu xưa cổ triều đại là công việc người làm sử. Mà sử thời có câu nói trứ danh lắm : " Từ khi có sử gia, sử không còn là sử nữa ". Nghe thê thảm mà lại đúng.
Sử nhà nghề chánh trị có nhiều chiêu đầu độc dân chúng phải nói vô hậu. Thí dụ Trần Huy Liệu chế tạo ra ngài Lê Văn Tám. Thí dụ mấy bộ lịch sử đảng VC dày cộm.
Ông Nguyễn Gia Kiểng viết "Tổ quốc ăn năn", đoạn về trào Tây Sơn, ý tưởng cũng đáo để. Ba anh em Nhạc, Huệ, Lữ là ba thằng ăn cướp gặp thời. Không có Tây Sơn, Căm Bốt bây giờ là đất đai của nước Nam ta rồi. Tây Sơn làm phá đám giao thương kinh tế mở cửa đất An Nam, vì vô tình dọn bàn để Gia Long bế môn quan tỏa.
Ngay chiến thắng xuân Kỷ Dậu 1789, việc đánh tan 200.000 ngàn quân Tàu cũng là bịa đặt, vì làm chi có chuyện quân Tàu đông như kiến vậy được ? Trò thổi phồng chiến tranh chánh trị, một đám giặc cỏ cơ hội bùng lên vua chúa.


Ông Trần Gia Phụng viết bình tĩnh hơn. Nước Nam rã đám bốn phần. Sài gòn Gia Định phần Nguyễn Ánh chiếm đóng. Bình Thuận Quảng Ngãi thời Nguyễn Nhạc giữ. Vua Quang Trung quyền cai quản Quảng Nam Nghệ An. Thanh Hóa Bắc phần thuộc về nhà Lê với đám sĩ phu Bắc Hà cố cựu.
Ấy lại được việc. Quang Trung theo chiêu bài cụ Nguyễn Thiếp, đánh gấp thắng gấp, chần chờ là chết. Vì thủy binh Tàu sẽ vượt vịnh Bắc Bộ, đánh úp Thuận Hóa Quảng Nam, dễ dàng diệt Huệ cầm Tây, nhỏ như con thỏ !
Thiển nghĩ rằng, may nhờ có vua Quang Trung quyết đánh là đánh, nước Nam mới còn lại như hôm nay. Nếu không, An Nam trở lại làm một tỉnh của nước Tàu rồi.
Người Việt có thể bị đồng hóa, thành ra cả một bọn Tàu lai.


Thứ Tư, 25 tháng 1, 2012

Đầu năm nghe nói.


Có miệng ăn thời phải có miệng nói, vì ngậm thinh thời người ta bảo ngậm miệng ăn tiền, hoặc đồ ngu biết chi nói mà nói. Ấy mà mở miệng nói ra cũng không phải dễ, thiên hạ nghe rồi nói đồ điếm dạy đời, đồ dốt bày đặt thầy đời, vân vân.
Thí dụ có kẻ máu vơ vét, thấy của cải người ta cực chẳng đã biếu "quà xuân" cho, mắt sướng nhắm tít lại còn lên giọng dạy dỗ mọi người ta đừng hám danh tham lợi. Làm ai cũng thấy khinh thấy ghét.
Xưa nay, người An nam vốn quen nghề cày ruộng, quen nghiệp đánh giặc. Nhà nghèo, nhà có đều tay làm hàm nhai, tối vợ chồng ấp nhau ngủ rồi sinh con đẻ cái, nuôi lớn nên người, coi ấy là cái thành quả giá trị cụ thể nhất.
Mặc khác, ai nấy đều thích thú háo hức văn minh sự. Vì chán ngán cái cảnh vai u thịt bắp lâu dài quá, dần dà họ nghiệm ra, muốn văn minh thời phải làm việc bằng chất xám trong đầu, để cho ra thành quả nó trí tuệ một chút.


Thế nên mọi người ta bèn trọng thị kẻ sĩ, xếp hạng sĩ nông công thương, coi nhất sĩ nhì nông, đưa sĩ lên hàng ưu tiên nhứt hạng. Nhờ ấy, nước Nam ta nay mới phước báu có vô vàm giáo sư già trẻ, là các bác học danh giá làm rực rỡ thêm cho cái sự trí thức An nam
Trí thức xuất khẩu, phát ngôn ra thường có sức nặng giá trị văn hóa, chớ không như mấy lời người ta lải nhải lý sự cùn cho vui chuyện trà, chuyện rượu.
Ngày đầu năm nghe lời quý vị giáo sư nói, "lời vàng ý ngọc" lọt vô lổ tai dân chúng quen nghề làm nông, âu cũng phước báu cho họ. Tuy nhiên, trí thức nói bằng lổ miệng thời người ta hấp thụ bằng lổ tai. Với kẻ này nghe thời là lời vàng ý ngọc, người khác là lời ngược ý ngạo khó nghe. Ấy là theo từng cái tai nghe ngóng vậy.
- Đầu năm nay, trên Tuổi Trẻ Online, có mấy lời của Giáo sư toán học Ngô Bảo Châu trả lời phóng viên Thư Hiên, có đoạn làm người ta chào xáo cũng nhiều.


KHÔNG AI ĐỘC QUYỀN CHÂN LÝ
* Gần đây phong trào phản biện của giới trí thức ngày càng sôi nổi. Thậm chí người ta còn cho rằng người lao động trí óc sẽ chưa đạt tầm của một trí thức nếu chỉ biết làm công việc chuyên môn của mình mà chưa bộc lộ được năng lực phản biện xã hội. Giáo sư suy nghĩ thế nào về trách nhiệm phản biện xã hội của giới trí thức cũng như vai trò của giới trí thức trong xã hội ?
- Tôi không đồng ý với việc coi phản biện xã hội như chỉ tiêu để được phong hàm “trí thức”. Đến bao giờ chúng ta mới thôi thi đua để được phong hàm “trí thức”?
Đối với tôi, trí thức là người lao động trí óc. Cũng như những người lao động khác, anh ta cần được đánh giá trước hết trên kết quả lao động của mình. Theo quan niệm của tôi, giá trị của trí thức là giá trị của sản phẩm mà anh ta làm ra, không liên quan gì đến vai trò phản biện xã hội.
Mặt khác, cần trân trọng những người trí thức, hoặc không trí thức, tham gia công tác phản biện xã hội. Không có phản biện, xã hội đã chết lâm sàng.
Những người có học, có tri thức thật ra cần phải rất tỉnh táo khi tham gia việc phản biện xã hội. Học hàm, học vị không thể đảm bảo rằng cái anh nói ra là mặc nhiên đúng. Với thói quen làm việc khoa học của mình, cái mà anh có thể làm là đưa ra những lập luận vững chắc và có tính thuyết phục. Nhà lãnh đạo văn minh, có bản lĩnh sẽ biết lắng nghe những lập luận đó. Họ có thể làm theo hoặc không làm theo kết luận của anh. Trong trường hợp họ không làm theo, vẫn dưới giả thiết là lãnh đạo văn minh và có bản lĩnh, lãnh đạo sẽ phải đưa ra những lập luận ít nhất cũng vững chắc bằng những lập luận của anh để bảo vệ quyết định của mình.
Tôi quan niệm vai trò của trí thức là như vậy, anh ta có vai trò gây sức ép lên người lãnh đạo, nhưng cũng như lãnh đạo, anh ta không độc quyền chân lý.
* Giáo sư có nói cần khuyến khích mọi thành phần trong xã hội phát biểu ý kiến của mình và lãnh đạo phải lắng nghe tất cả ý kiến đó. Nhưng điều quan trọng là cuối cùng lãnh đạo cần phải có một quyết định, vậy việc quyết định nên căn cứ vào đâu ?
- Nếu có một thuật toán để ra quyết định trong mọi trường hợp thì chắc không cần đến lãnh đạo nữa mà thay bằng một cái máy tính. Người lãnh đạo có bản lĩnh sẽ có những hành động nhất quán, chứ không được chăng hay chớ. Đi cùng với sự nhất quán là tính chủ quan, ở đây nếu lắng nghe ý kiến phản biện, người lãnh đạo sẽ tránh được những sai lầm không thể cứu vãn. Theo tôi, phẩm chất quan trọng nhất của người lãnh đạo là tính lương thiện, ít nhất là lương thiện vừa đủ để không tự lừa mình bằng những điều viển vông và không tự bao biện cho những sai lầm của mình.
* Để tận dụng được khả năng suy nghĩ của trí thức, lãnh đạo nên chăng chia sẻ thông tin với họ để nhận được lời tư vấn tốt nhất trước khi đưa ra quyết định ?
- Đối với người lãnh đạo, chia sẻ thông tin là một việc khó, như từ bỏ một phần quyền lực của mình. Thông tin hoàn toàn mở, anh lãnh đạo sẽ phải tranh luận với anh trí thức trong tình huống “cân bằng vũ trang” và chưa chắc anh lãnh đạo đã thắng.
Nhưng thật ra cởi mở thông tin, tranh luận với trí thức, với những người nằm ngoài bộ máy chính là một cách tiếp năng lượng cho anh lãnh đạo, vẫn với giả thiết lãnh đạo văn minh và có bản lĩnh. Để làm được việc, anh lãnh đạo luôn phải phụ thuộc vào bộ máy của mình. Nếu không cởi mở, dừng tranh luận, những quyết định của anh sẽ dần dần chịu ảnh hưởng của bộ máy, phục vụ lợi ích của bộ máy chứ không ưu tiên phục vụ xã hội nữa.
* Năm qua là năm có nhiều hoạt động phản biện của giới trí thức trong nước cũng như ngoài nước. Giáo sư đánh giá thế nào về các hoạt động này ? Là một trí thức, giáo sư có muốn đóng góp tiếng nói của mình vào trào lưu chung đó ?
- Cá nhân tôi thường tránh bàn luận các vấn đề mà tôi không biết rõ. Tôi quan tâm nhiều hơn tới những lĩnh vực mà tôi có thể trực tiếp tham gia hành động thay vì chỉ nêu ý kiến. Nhưng tôi cho rằng việc đưa ra các phản biện có lập luận chặt chẽ là những đóng góp lớn cho xã hội, cho đất nước của giới trí thức. Tuy nhiên, trước khi lên tiếng về một vấn đề nào đó, người trí thức hơn ai hết cần phải hết sức ý thức về ảnh hưởng của nó.
* Cảm ơn giáo sư !

( Ảnh GS. Ngô Bảo Châu và con gái. Nguồn OntheNet )


Thứ Hai, 23 tháng 1, 2012

Sáng mắt sáng lòng.


Ngày đầu năm tự dưng nhớ tới truyện Kiều thơ lục bát.
Học giả Phạm Quỳnh nói truyện Kiều còn tiếng Việt còn, tiếng ta còn nước ta còn, ấy là nói nhờ truyện Kiều mà ngôn ngữ An nam phát tiết tinh anh, lộ cái sức sống dai dẳng vậy.
Cụ đồ Ngô Đức Kế nói nàng Kiều là một con đĩ điếm bên Tàu, dân Tàu truyền khẩu chuyện ả rồi một người Tàu chép lại, thêm mắm thêm muối, ít ai thích đọc. Ấy người xứ ta bỏ công sức chải chuốt chuyện đời của một con đĩ Tàu.
Một sách viết ra cho người ta đọc, tất nhiên không thể buộc người ta khen, cấm người ta chê. Khen chê chê khen, mổ xẻ rộng đường dư luận, sách có hay mới sống sót.
Điểm lợi là người ta có đọc khen, đọc chê, đọc chán mới được sáng mắt, sáng lòng ra.


Chuyện ở Hải Phòng, anh làm chủ tịch huyện, em làm chủ tịch xã, ra lệnh bộ đội cụ Hồ với lại "công an nhân dân" đến "giải phóng" đất đai Đoàn Văn Vươn. Ông vua không có gờ này cùng huynh đệ thê tử chẳng biết sung biết sướng để chạy ra hân hoan chào đón, lại đón đoàn "giải phóng quân" bằng súng hoa cải kèm bình gas có gắn bộc phá.
Hải Phòng là thành phố đỏ, từ 1954 đến giờ là đã 58 năm. Thêm hai tết nữa là đến cái đoạn sáu mươi năm cuộc đời rồi, vậy mà nhuộm đỏ không ra đỏ, ra đen. Bậy quá sức.
Sử gia Sorbonne đại học Trương Bá Cần xưa viết sách ca ngợi " Hai mươi năm xây dựng XHCN ở miền Bắc ", nghe nói chỉ hai chục năm đời ta có đảng, dân Bắc kỳ đã thuần túy vô cùng. Té ra là viết bậy bạ.


Huế xuân 1968, dân chúng "hân hoan", "sung sướng" đón chào "cách mệnh", ấy là nghe theo Nguyễn Đắc Xuân. Còn với Nhã Ca, "Giải khăn sô cho Huế" hay là "Tình ca cho Huế đổ nát", thời là : "Anh tha cho em đi ! Em đã theo các anh rồi mà."
Tóm lại, mừng đảng mừng xuân, kẻ khôn thời chọn đảng. Thế giới tất thảy thành, trụ, hoại, diệt - chỉ riêng đảng ta bất tử, ai điên gì mà không chọn ?
- Nghe nhạc Phạm Tuyên, con trai cụ Phạm Quỳnh.

Thứ Sáu, 20 tháng 1, 2012

Cung chúc tân xuân Nhâm Thìn.


Nhân dịp đầu năm Nhâm Thìn 2012, kính thân chúc quý vị ghé đến SỰ ĐỜI BLOG một năm mới mạnh khỏe, vui vẻ, yêu đời.
Mong ước rằng đất nước năm nay bừng tỉnh ngộ thành một quốc gia tự do, thịnh vượng, phát triển.

Mùa xuân lá khô.


Năm chia 24 tiết, mỗi tiết 15 ngày. Sự phân chia ấy căn cứ vô ánh sáng mặt trời chiếu dướng lên duỗi xuống chu kỳ trong năm để mà phân ra mùa.
Năm nay tết âm lịch trong tiết đại hàn lạnh lẽo, phải đến giờ dậu ngày 13 tháng giêng mới là lập xuân bắt đầu. Nói vui xuân đón tết thời không phải, phải nói vui tết với đại hàn.
Nhiều người càm ràm về cái khẩu hiệu "mừng đảng trước, mừng nước sau, mừng xuân chót", để nói rằng nó vừa ngu vừa ngạo.
Tất nhiên, nó đặt ra thời cũng có lý của nó, sắp hàng nhỏ trước lớn sau mới hợp. Thí dụ, tập hợp học trò mà sắp lớn trước, nhỏ sau sẽ khó ngó.
Tuy nhiên có thắc mắc, bày bàn thờ đám tang thời phải "tiền Phật hậu linh", chớ không ai dám "tiền linh hậu Phật" đưa cái hòm ra trước cả. Ấy là sự lễ nghĩa tang chế, lý đảng là đưa đảng ra trước vì "đảng ta muôn năm", có bao giờ phải vô hòm nằm đâu mà lý sự ?


Trong năm NhâmThìn này, theo các vị Quỷ cốc thiên mệnh, người ta nên xây nhà dựng cửa cho nó tốt đẹp. Hưng công vào các tháng 1,2,5,7,10,11 thời tốt. Còn lại là xấu :
Tháng 3 hưng công, làm nhà xong bị chết chém; tháng 4 bị điên, tháng 6 bệnh dịch, tháng 8 bệnh dài hạn liệt chiếu liệt giường, tháng 9 kiện tụng ra tòa, tháng 12 khởi công, nhà sẽ có người tự tử. Người vô sư vô sách, thích gì làm nấy, phúc mỏng hậu họa.
Trở lại với chủ đề mùa xuân lá khô. Tết trong mùa đông lạnh, cây cối rụng lá đầy đất, nhớ bài hát Mùa Xuân lá khô như sau, ca sĩ Lâm Gia Minh.



Thứ Tư, 18 tháng 1, 2012

Dự đoán Nhâm Thìn.


Có câu sấm trạng, nhiều người căn cứ vô đó để "dự đoán" cho năm Thìn này :
Long vỹ, Xà đầu khởi chiến tranh

Can qua xứ xứ khởi đao binh,

Mã đề, Dương cước anh hùng tận,

Thân, Dậu niên lai kiến thái bình

Cũng có thể, cuối năm Nhâm Thìn 2012, Israel cùng Mỹ mới ra tay ghiền nát Iran đạo Hồi thích nguyên tử. Thấy bạn thân bị đánh, hai ngài Nga Tàu tất nhảy vô cứu. Quân đội Nato tham chiến, thế là xứ xứ khởi binh đao đúng y lời ông trạng đoán.
Nếu China, Mỹ binh đao, e rằng nước Nam sẽ lại là bãi chiến trường cho một trận "đụng đầu lịch sử" mới, cơ hội "chủ nghĩa anh hùng cách mạng VN" rọi sáng thế giới lần nữa.
Vì rằng người Tàu vốn không thích nước Tàu là chiến tuyến, chỉ muốn làm hậu phương lớn trong chiến tranh, sẽ đẩy chiến tranh đi xứ khác.
Nước Nam tinh thần "quốc tế vô sản" cao lắm, thích mở loa "chủ nghĩa xã hội", khoái làm "anh hùng chống đế quốc", dĩ nhiên vì cùng phe đồng chí, đánh Mỹ giúp Tàu chế độ.


Rất mong điều dự đoán ấy sẽ không xảy ra.
Dự đoán này gần gụi hơn. Nhâm thủy gặp Thìn thổ. Thìn là thần, ý nghĩa rồng trong 12 con giáp. Lục thập hoa giáp lại ở Trường lưu thuỷ. Rồng gặp nước tha hồ mà lộn. Rồng lộn sẽ sinh bão tố lớn, chí ít cũng bão cấp 17, 18 thổi bay mọi thứ. Bão kèm lũ trôi hết mọi nhà, dân Nam lãnh đủ. Kinh nghiệm năm Rồng nào cũng vậy, nhất là Nhâm Thìn niên canh.
Cũng mong điều này bất hiện thực.


Dự đoán về chánh trị. Các nước độc tài sâu mọt, bọn thống trị mất dạy sẽ bị rồng nó cuốn vô mấy lổ cống hết, cho dân chúng quen kiếp cừu lừa biết sống cuộc đời tự do.
Điều này chắc ai cũng mong.



Vạn thọ ngày tết.


Ngày tết cái lo trước là bông chuối mứt bánh, bày biện bàn thờ cúng ông bà tiên tổ.
Hoa xuân bây giờ nhiều thứ đủ loại đẹp đẽ sang trọng, tha hồ mà lựa, lại nhớ tới hồi trước, có loài hoa thuần túy ai nấy chọn làm hoa tết sau mai vàng. Ấy là hoa bông thọ.
Bông thọ bình dân, giá rẻ, tết là nở rộ, màu sắc nổi lâu tàn thành ra đắc dụng dân chúng.
Cái điều quan trọng là vì khi ấy còn chiến tranh, tên bay đạn lạc, từ kinh nghiệm xuân Mậu Thân, dân miền Nam sợ hãi "bác" lại ra thơ chúc tết, mật lệnh bích kích pháo AK dội xuống đón giao thừa.


Người ta ai cũng sợ chết, cũng mong được sống lâu. Hoa vạn thọ được dịp lên ngôi.
Hai cây bông thọ trồng hai bên cổng đón xuân. Nhà lối cửa ngỏ dài thời trồng hai bên hai hàng bông thọ. Trừ dân nghèo, mấy người khá giả ít ai chọn bông thọ chưng cắm bàn thờ Phật, chỉ dùng để cắm mấy ngai thờ bếp trang am cảnh mà thôi.




Thứ Hai, 16 tháng 1, 2012

Rồng hộ thân.


Nghe nói con rồng xuất xứ từ con trùn, giun đất.
Trùn chui rúc đời này kiếp nọ ăn đất sống nghiệp trùn. Lâu ngày, trùn buồn chán, bèn chui lên mặt đất, quằn quại dảy giụa, biến hóa thành " tiểu long".
Tiểu long bò tới bò lui, hò hét trùn là rồng, rồng là trùn mãi rồi cũng nhàm; bèn la thăng bay lên trời, phi long con rồng hiện đại.
Người được rồng vàng hộ thể, hổ báu che thân là bậc quý nhân phước báu lớn lắm. Vượt mọi kiếp nạn khỏe re, không phải động não, động tay chân chi hết.
Xưa Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Hoa, dưới trướng nguyên soái Chương Hàm có Vương Tiểng dùng bửu bối là cây Tảng thiên tiễn quá lợi hại. Khỏi cần ra trận dàn quân đánh đấm, ngồi trong trướng muốn giết ai đó, cứ bày Tảng thiên tiễn ra, chân đạp la đẩu, miệng niệm thần chú, kêu tên kêu tuổi, thời bửu bối ấy xoáy vòng bay đi tìm mà giết. Xong rồi quay về lại.
Trăm lần dụng nó, trăm lần thành công.
Tảng thiên tiễn xưa y như máy bay không người lái nay. Ngồi căn cứ chỉ huy Florida, sai máy bay ấy bay lui bay tới trên vùng trời Afganistan. Thấy mục tiêu khả nghi, phóng tên lửa diệt.


Vương Tiểng nhờ Tảng thiên tiễu, giết dần dà mọi loại danh tướng, thắng lợi rền vang, ấy lại đành thua kế Tôn Tẩn.
Tôn Tẩn vốn coi tướng giỏi, biết Lưu Bang, Trương Lương, Tiêu Hà, Chu Bột, Trần Bình là rồng cọp tương lai, bèn mời họ nằm ngủ chung, bao bọc mình lại.
Tảng thiên tiễn, Yểm thần bài xoay như chong chóng tìm Tôn Tẩn diệt cho chết, đành phải quay về. Lý do, Tôn Tẩn chết thời đám rồng cọp tương lai cũng chết. Làm trái mệnh trời đâu có được ?
Người chân mệnh đế vương, lúc hàn vi phụ bếp, rửa chén trên tàu bè, sống chui rúc hang lổ, có hai ba cái án tử hình vẫn không chết. Về sau lãnh tụ ngoại hạng, ướp xác lại để đời cho chúng lạy.
Cũng vậy, tên sát nhân Luyện giết người man rợ. Biết đâu hắn chân mệnh đế vương, có bầy rồng xanh vây quanh hộ thể, vài chục năm sau biến hóa tên tuổi, ví dụ Lê Luyện đổi ra Hồ Luyện, thiên hạ tung hô rầm rầm, cũng đâu phi lý ?


Chuyện đời chưa có tưởng rằng chuyện lạ, có rồi thấy nó vốn đương nhiên. Nhiều vị nhìn sự đời trái khoáy, bất như ý mình mà giận dữ. Họ biết đâu mọi việc do "trời" quyết cả.
Trùn hóa rồng, phi long tại thiên là vậy.
- Video nhạc xuân hay mừng xuân Nhâm Thìn 2012.



Chủ Nhật, 15 tháng 1, 2012

Táo lên trời.


Mỗi năm sắp tết, chuyện ông Táo lên trời tâu bày đa sự.
Nhà bếp nấu thời có ông Táo. Táo nhà giàu ê hề thức ăn ngon lành bổ dưỡng, thịnh soạn ăm ắp dư thừa; không biết chuyện đói là gì. Táo nhà khó buồn đau khốn khổ, nghèo suy dinh dưỡng khô khan, nghèo tận cùng cả đời không gạo để cách đêm.



Tối 22 rạng 23 tháng Chạp, Táo mọi nhà bắt đầu kéo nhau đi. Mặc sà lỏn, cởi cá chép.
Nhà cúng sớm đi sớm, nhiều của hối lộ, Táo tâu tốt với Trời. Trời thương cho, gia chủ thêm giàu thêm có tốt tươi, thăng tiến thịnh vượng.
Nhà mưu kế, suốt năm Táo đói, giờ phút chót bèn nấu xôi trét miệng Táo. Cho Táo đi tàu bay giấy, mau đến cổng nhà Trời khỏi chực khỏi chờ.
Nhà nào dốt, quên Táo lẫn Trời, tất mãi nghèo cực lụn bại.
" Cây khô xuống nước cũng khô
Phận nghèo đi đến nơi mô cũng nghèo."
Không riêng gì mỗi gia đình làm lễ cúng ông Táo, cơ quan này nọ cũng thấy lo tết Táo.
Nhất là mấy vị báo chí. Cố nặn óc cho ra viết sớ giùm Táo.
Đón xuân này nhớ xuân xưa, tạp chí của nhà văn Nguyễn Vĩ lâu rồi, có bài sớ Táo quân, mấy câu đầu còn nhớ là :
" Muôn tâu Thượng đế
Tôi là Táo công
Tạp chí Phổ Thông
Ở Việt Nam quốc.
Tình hình thế cuộc
Phúc bẩm tất niên
Việc dữ việc hiền
Nghe sao nói vậy
Thấy sao nói vậy.
Năm Cọp thất bại
Đến năm con Mèo
Nhà cửa chuột nhiều
Mong Mèo bắt hết..."


Còn theo các bác học chép trên wikipedia, nguồn gốc Táo quân xuất xứ bên Tàu, truyền qua nước Nam ta, thành cái sự tích hai ông một bà, kể như sau đây :
"Trọng Cao có vợ là Thị Nhi ăn ở với nhau đã lâu mà không con, nên sinh ra buồn phiền, hay cãi cọ nhau. Một hôm, Trọng Cao giận quá, đánh vợ. Thị Nhi bỏ nhà ra đi sau đó gặp và bằng lòng làm vợ Phạm Lang.
Khi Trọng Cao hết giận vợ, nghĩ lại mình cũng có lỗi nên đi tìm vợ. Khi đi tìm vì tiền bạc đem theo đều tiêu hết nên Trọng Cao đành phải đi ăn xin.
Khi Trọng Cao đến ăn xin nhà Thị Nhi, thì hai bên nhận ra nhau. Thị Nhi rước Trọng Cao vào, hai người kể chuyện . Thị Nhi rất ân hận vì đã trót lấy Phạm Lang làm chồng.
Phạm Lang trở về nhà, sợ chồng bắt gặp Trọng Cao nơi đây thì khó giải thích, nên Thị Nhi bảo Trọng Cao ẩn trong đống rơm ngoài vườn. Phạm Lang về nhà liền ra đốt đống rơm để lấy tro bón ruộng. Trọng Cao không dám chui ra nên bị chết thiêu.
Thị Nhi trong nhà chạy ra thấy Trọng Cao đã chết bởi sự sắp đặt của mình nên nhào vào đống rơm đang cháy để chết theo.
Phạm Lang gặp tình cảnh quá bất ngờ, thấy vợ chết không biết tính sao, liền nhảy vào đống rơm đang cháy để chết theo vợ.
Linh hồn của ba vị được đưa lên Thượng Đế. Thượng Đế thấy ba người đều có nghĩa, nên sắc phong làm Táo Quân, gọi chung: Định phúc Táo Quân, nhưng mỗi người một việc.
- Phạm Lang là Thổ công coi việc bếp. Hiệu: Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần Quân
- Trọng Cao là Thổ địa, trông coi việc nhà cửa. Hiệu: Thổ địa Long mạch Tôn Thần
- Thị Nhi là Thổ kỳ, coi việc chợ búa. Hiệu: Ngũ phương Ngũ thổ Phúc đức Chánh Thần."



Thứ Hai, 9 tháng 1, 2012

Tử vi hoa đẹp.


Xứ Huế, trong hoàng cung đại nội, có 9 cái đỉnh đồng khắc chạm rất đẹp.
Đỉnh đúc kỷ niệm vua Gia Long - "Thế tổ Cao hoàng đế", gọi tên "Cao đỉnh". Đi quanh đỉnh này, dòm ngó cho biết kỷ nghệ đúc chạm đồng của thợ đúc Huế, thấy có mấy cái bông Bằng lăng chạm. Bằng lăng còn tên gọi khác là Tử vi hoa.


Tử nghĩa tím, vi nghĩa tinh tế mầu nhiệm. Tử vi hoa là hoa tím huyền diệu như nhất, nên vua con Minh Mạng chọn lấy mà chạm vô đỉnh vua cha là rất ý nghĩa.
Tử vi hoa đẹp tên hay mà thiên hạ xứ Huế nay không gọi, lại gọi bông Bằng lăng.
Bên Tàu ông Bạch Cư Dị làm bài thơ "Tử Vi hoa".
" Mịch Luân các hạ văn chương tĩnh
Chung cổ lâu trung khắc lậu trường
Độc tọa hoàng hôn thuỳ thị bạn
Tử vi hoa đối tử vi lang "
Phỏng dịch :
" Mịch Luân im chuyện văn chương
Chuông canh lầu trống đêm trường báo xa
Độc đơn sáng đến chiều tà.
Yêu hoa còn bạn, ấy là Tử vi."


Ngó hoa đẹp màu tím, nhớ mỹ nhân hoa hậu xứ Wales, Imogen Mary Thomas.
Imogen Thomas chọn bộ bikini màu tím chớp ảnh, quả nhiên gợi cảm.
Cô được bầu chọn Người phụ nữ quyến rũ nhất xứ Wales năm 2006; được đưa vào danh sách Bunnies Playboy của Playboy năm 2008.
Mới đây, nghe nói Imogen Thomas sắp tham gia đóng phim người lớn "Tột đỉnh", đàn ông ai cũng háo hức chờ xem cô diễn cảnh giường chiếu.
Hoa đẹp thời xưa vào "Cao đỉnh". Người đẹp thời nay vào "Tột đỉnh".
Ngẫm nghĩ thấy hay.



- Clip nhạc Tàu, hoa Bằng lăng. Lời Việt và Hoa.