Chủ Nhật, 15 tháng 1, 2012

Táo lên trời.


Mỗi năm sắp tết, chuyện ông Táo lên trời tâu bày đa sự.
Nhà bếp nấu thời có ông Táo. Táo nhà giàu ê hề thức ăn ngon lành bổ dưỡng, thịnh soạn ăm ắp dư thừa; không biết chuyện đói là gì. Táo nhà khó buồn đau khốn khổ, nghèo suy dinh dưỡng khô khan, nghèo tận cùng cả đời không gạo để cách đêm.



Tối 22 rạng 23 tháng Chạp, Táo mọi nhà bắt đầu kéo nhau đi. Mặc sà lỏn, cởi cá chép.
Nhà cúng sớm đi sớm, nhiều của hối lộ, Táo tâu tốt với Trời. Trời thương cho, gia chủ thêm giàu thêm có tốt tươi, thăng tiến thịnh vượng.
Nhà mưu kế, suốt năm Táo đói, giờ phút chót bèn nấu xôi trét miệng Táo. Cho Táo đi tàu bay giấy, mau đến cổng nhà Trời khỏi chực khỏi chờ.
Nhà nào dốt, quên Táo lẫn Trời, tất mãi nghèo cực lụn bại.
" Cây khô xuống nước cũng khô
Phận nghèo đi đến nơi mô cũng nghèo."
Không riêng gì mỗi gia đình làm lễ cúng ông Táo, cơ quan này nọ cũng thấy lo tết Táo.
Nhất là mấy vị báo chí. Cố nặn óc cho ra viết sớ giùm Táo.
Đón xuân này nhớ xuân xưa, tạp chí của nhà văn Nguyễn Vĩ lâu rồi, có bài sớ Táo quân, mấy câu đầu còn nhớ là :
" Muôn tâu Thượng đế
Tôi là Táo công
Tạp chí Phổ Thông
Ở Việt Nam quốc.
Tình hình thế cuộc
Phúc bẩm tất niên
Việc dữ việc hiền
Nghe sao nói vậy
Thấy sao nói vậy.
Năm Cọp thất bại
Đến năm con Mèo
Nhà cửa chuột nhiều
Mong Mèo bắt hết..."


Còn theo các bác học chép trên wikipedia, nguồn gốc Táo quân xuất xứ bên Tàu, truyền qua nước Nam ta, thành cái sự tích hai ông một bà, kể như sau đây :
"Trọng Cao có vợ là Thị Nhi ăn ở với nhau đã lâu mà không con, nên sinh ra buồn phiền, hay cãi cọ nhau. Một hôm, Trọng Cao giận quá, đánh vợ. Thị Nhi bỏ nhà ra đi sau đó gặp và bằng lòng làm vợ Phạm Lang.
Khi Trọng Cao hết giận vợ, nghĩ lại mình cũng có lỗi nên đi tìm vợ. Khi đi tìm vì tiền bạc đem theo đều tiêu hết nên Trọng Cao đành phải đi ăn xin.
Khi Trọng Cao đến ăn xin nhà Thị Nhi, thì hai bên nhận ra nhau. Thị Nhi rước Trọng Cao vào, hai người kể chuyện . Thị Nhi rất ân hận vì đã trót lấy Phạm Lang làm chồng.
Phạm Lang trở về nhà, sợ chồng bắt gặp Trọng Cao nơi đây thì khó giải thích, nên Thị Nhi bảo Trọng Cao ẩn trong đống rơm ngoài vườn. Phạm Lang về nhà liền ra đốt đống rơm để lấy tro bón ruộng. Trọng Cao không dám chui ra nên bị chết thiêu.
Thị Nhi trong nhà chạy ra thấy Trọng Cao đã chết bởi sự sắp đặt của mình nên nhào vào đống rơm đang cháy để chết theo.
Phạm Lang gặp tình cảnh quá bất ngờ, thấy vợ chết không biết tính sao, liền nhảy vào đống rơm đang cháy để chết theo vợ.
Linh hồn của ba vị được đưa lên Thượng Đế. Thượng Đế thấy ba người đều có nghĩa, nên sắc phong làm Táo Quân, gọi chung: Định phúc Táo Quân, nhưng mỗi người một việc.
- Phạm Lang là Thổ công coi việc bếp. Hiệu: Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần Quân
- Trọng Cao là Thổ địa, trông coi việc nhà cửa. Hiệu: Thổ địa Long mạch Tôn Thần
- Thị Nhi là Thổ kỳ, coi việc chợ búa. Hiệu: Ngũ phương Ngũ thổ Phúc đức Chánh Thần."



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét