Thứ Tư, 25 tháng 1, 2012

Đầu năm nghe nói.


Có miệng ăn thời phải có miệng nói, vì ngậm thinh thời người ta bảo ngậm miệng ăn tiền, hoặc đồ ngu biết chi nói mà nói. Ấy mà mở miệng nói ra cũng không phải dễ, thiên hạ nghe rồi nói đồ điếm dạy đời, đồ dốt bày đặt thầy đời, vân vân.
Thí dụ có kẻ máu vơ vét, thấy của cải người ta cực chẳng đã biếu "quà xuân" cho, mắt sướng nhắm tít lại còn lên giọng dạy dỗ mọi người ta đừng hám danh tham lợi. Làm ai cũng thấy khinh thấy ghét.
Xưa nay, người An nam vốn quen nghề cày ruộng, quen nghiệp đánh giặc. Nhà nghèo, nhà có đều tay làm hàm nhai, tối vợ chồng ấp nhau ngủ rồi sinh con đẻ cái, nuôi lớn nên người, coi ấy là cái thành quả giá trị cụ thể nhất.
Mặc khác, ai nấy đều thích thú háo hức văn minh sự. Vì chán ngán cái cảnh vai u thịt bắp lâu dài quá, dần dà họ nghiệm ra, muốn văn minh thời phải làm việc bằng chất xám trong đầu, để cho ra thành quả nó trí tuệ một chút.


Thế nên mọi người ta bèn trọng thị kẻ sĩ, xếp hạng sĩ nông công thương, coi nhất sĩ nhì nông, đưa sĩ lên hàng ưu tiên nhứt hạng. Nhờ ấy, nước Nam ta nay mới phước báu có vô vàm giáo sư già trẻ, là các bác học danh giá làm rực rỡ thêm cho cái sự trí thức An nam
Trí thức xuất khẩu, phát ngôn ra thường có sức nặng giá trị văn hóa, chớ không như mấy lời người ta lải nhải lý sự cùn cho vui chuyện trà, chuyện rượu.
Ngày đầu năm nghe lời quý vị giáo sư nói, "lời vàng ý ngọc" lọt vô lổ tai dân chúng quen nghề làm nông, âu cũng phước báu cho họ. Tuy nhiên, trí thức nói bằng lổ miệng thời người ta hấp thụ bằng lổ tai. Với kẻ này nghe thời là lời vàng ý ngọc, người khác là lời ngược ý ngạo khó nghe. Ấy là theo từng cái tai nghe ngóng vậy.
- Đầu năm nay, trên Tuổi Trẻ Online, có mấy lời của Giáo sư toán học Ngô Bảo Châu trả lời phóng viên Thư Hiên, có đoạn làm người ta chào xáo cũng nhiều.


KHÔNG AI ĐỘC QUYỀN CHÂN LÝ
* Gần đây phong trào phản biện của giới trí thức ngày càng sôi nổi. Thậm chí người ta còn cho rằng người lao động trí óc sẽ chưa đạt tầm của một trí thức nếu chỉ biết làm công việc chuyên môn của mình mà chưa bộc lộ được năng lực phản biện xã hội. Giáo sư suy nghĩ thế nào về trách nhiệm phản biện xã hội của giới trí thức cũng như vai trò của giới trí thức trong xã hội ?
- Tôi không đồng ý với việc coi phản biện xã hội như chỉ tiêu để được phong hàm “trí thức”. Đến bao giờ chúng ta mới thôi thi đua để được phong hàm “trí thức”?
Đối với tôi, trí thức là người lao động trí óc. Cũng như những người lao động khác, anh ta cần được đánh giá trước hết trên kết quả lao động của mình. Theo quan niệm của tôi, giá trị của trí thức là giá trị của sản phẩm mà anh ta làm ra, không liên quan gì đến vai trò phản biện xã hội.
Mặt khác, cần trân trọng những người trí thức, hoặc không trí thức, tham gia công tác phản biện xã hội. Không có phản biện, xã hội đã chết lâm sàng.
Những người có học, có tri thức thật ra cần phải rất tỉnh táo khi tham gia việc phản biện xã hội. Học hàm, học vị không thể đảm bảo rằng cái anh nói ra là mặc nhiên đúng. Với thói quen làm việc khoa học của mình, cái mà anh có thể làm là đưa ra những lập luận vững chắc và có tính thuyết phục. Nhà lãnh đạo văn minh, có bản lĩnh sẽ biết lắng nghe những lập luận đó. Họ có thể làm theo hoặc không làm theo kết luận của anh. Trong trường hợp họ không làm theo, vẫn dưới giả thiết là lãnh đạo văn minh và có bản lĩnh, lãnh đạo sẽ phải đưa ra những lập luận ít nhất cũng vững chắc bằng những lập luận của anh để bảo vệ quyết định của mình.
Tôi quan niệm vai trò của trí thức là như vậy, anh ta có vai trò gây sức ép lên người lãnh đạo, nhưng cũng như lãnh đạo, anh ta không độc quyền chân lý.
* Giáo sư có nói cần khuyến khích mọi thành phần trong xã hội phát biểu ý kiến của mình và lãnh đạo phải lắng nghe tất cả ý kiến đó. Nhưng điều quan trọng là cuối cùng lãnh đạo cần phải có một quyết định, vậy việc quyết định nên căn cứ vào đâu ?
- Nếu có một thuật toán để ra quyết định trong mọi trường hợp thì chắc không cần đến lãnh đạo nữa mà thay bằng một cái máy tính. Người lãnh đạo có bản lĩnh sẽ có những hành động nhất quán, chứ không được chăng hay chớ. Đi cùng với sự nhất quán là tính chủ quan, ở đây nếu lắng nghe ý kiến phản biện, người lãnh đạo sẽ tránh được những sai lầm không thể cứu vãn. Theo tôi, phẩm chất quan trọng nhất của người lãnh đạo là tính lương thiện, ít nhất là lương thiện vừa đủ để không tự lừa mình bằng những điều viển vông và không tự bao biện cho những sai lầm của mình.
* Để tận dụng được khả năng suy nghĩ của trí thức, lãnh đạo nên chăng chia sẻ thông tin với họ để nhận được lời tư vấn tốt nhất trước khi đưa ra quyết định ?
- Đối với người lãnh đạo, chia sẻ thông tin là một việc khó, như từ bỏ một phần quyền lực của mình. Thông tin hoàn toàn mở, anh lãnh đạo sẽ phải tranh luận với anh trí thức trong tình huống “cân bằng vũ trang” và chưa chắc anh lãnh đạo đã thắng.
Nhưng thật ra cởi mở thông tin, tranh luận với trí thức, với những người nằm ngoài bộ máy chính là một cách tiếp năng lượng cho anh lãnh đạo, vẫn với giả thiết lãnh đạo văn minh và có bản lĩnh. Để làm được việc, anh lãnh đạo luôn phải phụ thuộc vào bộ máy của mình. Nếu không cởi mở, dừng tranh luận, những quyết định của anh sẽ dần dần chịu ảnh hưởng của bộ máy, phục vụ lợi ích của bộ máy chứ không ưu tiên phục vụ xã hội nữa.
* Năm qua là năm có nhiều hoạt động phản biện của giới trí thức trong nước cũng như ngoài nước. Giáo sư đánh giá thế nào về các hoạt động này ? Là một trí thức, giáo sư có muốn đóng góp tiếng nói của mình vào trào lưu chung đó ?
- Cá nhân tôi thường tránh bàn luận các vấn đề mà tôi không biết rõ. Tôi quan tâm nhiều hơn tới những lĩnh vực mà tôi có thể trực tiếp tham gia hành động thay vì chỉ nêu ý kiến. Nhưng tôi cho rằng việc đưa ra các phản biện có lập luận chặt chẽ là những đóng góp lớn cho xã hội, cho đất nước của giới trí thức. Tuy nhiên, trước khi lên tiếng về một vấn đề nào đó, người trí thức hơn ai hết cần phải hết sức ý thức về ảnh hưởng của nó.
* Cảm ơn giáo sư !

( Ảnh GS. Ngô Bảo Châu và con gái. Nguồn OntheNet )


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét