Thứ Năm, 31 tháng 10, 2013

Halloween 2013.


Có ngày đêm, có dương âm, có người thì phải có ma, âu cũng là định lý trời đất tạo hóa.
Người ta thuộc về sự hữu hình coi ngó sờ nắn cân đong đo đếm được. Mặt trời lên, gà gáy sáng, người thức dậy hoạt động việc này việc nọ. Đêm đến đi ngủ ngáy khò khò, bế vứt ra đàng không biết.
Ma quái ở cảnh giới vô hình. Nghe nói, nghe kể về ma thì nhiều chớ thấy ma thì ít người được cơ duyên may dòm chộ. Khi màn đêm buông xuống, thời gian hoạt động của ma bắt đầu. Từng đoàn ma nghĩa địa kéo ra đường ra ngõ lướt thướt đi dạo cho đến canh năm mờ sáng mới về lại cõi âm trú trốn.


Thời nay người nhiều nên ma cũng đông. Sanh là người chết hóa ma, dần dà ai cũng sẽ là ma "đại đồng" cả. Sáu tỷ nhơn loại đương sống, một trăm năm sau thành sáu tỷ con ma, chuyện "tất yếu lịch sử" ấy mọi người đều biết, mà ai cũng thấy sợ ma.
Đêm 31/10 mỗi năm được chọn làm đêm đại hội ma thế giới. Hàng lớp con ma bất kỳ giai cấp ma no ma đói, ma giàu ma nghèo, ma nhà lầu nhà trệt, ma già ma trẻ, ma kách mệnh ma phản động, ma quốc gia ma cọng sản, ma Tàu ma Mỹ, ma việt gian ma nằm vùng, ma cán bộ ma chiến sĩ, ma vân vân ma chấm chấm; sẽ gặp mặt nhau giao lưu tâm sự, lấy bông chuối bánh kẹo, canh bí ngô, nước bò húc làm vui.
Một con ma nọ hấp tấp, trời chưa kịp tối đã vội vã bay ra khỏi nghĩa địa đi dự đại hội ma. Nó bay lên bay xuống, bay tới bay lui ban ngày ban mặt khiến nhiều người sợ hãi bỏ chạy. Ma bay đồng bọn lén quay vidéo chia sẻ lên Youtube, hàng vạn người nhấn like thích thú.

Thứ Tư, 30 tháng 10, 2013

Trâu bò húc nhau.


Trâu bò là giống súc vật bạn bè của nhà nông. Chúng kéo cày, kéo bừa, kéo xe giúp việc đồng án lúc còn sức lực khỏe; già lão rồi hoặc gặp vận chủ cần tiền gấp, chúng sẽ vào lò mổ đem miếng ngon cho người.
Trâu bò ít đòi hỏi việc ăn ở. Tấm tranh phủ lên bốn cột tre, ngang dọc vài ba cây ngăn cản đã ra cái chuồng cho chúng nó ở. Lùa "văn hóa bầy đàn" ra đồng độn nghĩa địa cỏ lá hay vứt bó rơm khô xuống là bọn trâu bò đà thỏa mãn quá đi rồi. Chúng rứt gặm nuốt vội miếng ăn rồi đợi lúc ựa lên nhai lại, ngẫm nghĩ...
Bò đực, Trâu đực đến mùa động dục lại tìm cách húc đánh nhau. Gặp đối thủ cân tài cân sức sẽ xảy ra trận thư hùng sừng nhọn gay cấn.


Tục ngữ câu rằng "trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết". Ý nói bọn trâu bò giao đấu xảy ra đụng chạm, bầy ruồi muỗi đeo bám da lông hút liếm vô tình bị ép dính mà chết.
Nghĩa lý thâm thúy bóng bẩy thì là mấy vị làm to làm lớn đấu đá tranh nhau hạ gục nhau, bọn đàn em phe cánh tả hữu thường là vật tế thần chết trước.
Nước Xiêm La vào năm 1966, ông Chaleo Yoovidhya thấy trâu bò húc nhau lại nảy sanh ý tưởng kinh doanh hay, chế tạo nước tăng lực "bò húc" bán rất chạy. Muốn có sức mạnh đâm thọc cái sừng bò đực thì nên dùng thứ nước uống "Krating Daeng" chứa chất kích thích bí mật "bò húc" ấy vậy.
Năm 1987, một người Áo là Dietrich Mateschitz, dựa phát minh của Chaleo chế nước tăng lực Red Bull, hòa trộn đường, cafein, hương liệu...mỗi năm bán được cả 3 tỷ lon.


- Xem clip trâu húc trâu, bò húc bò.



Thứ Hai, 28 tháng 10, 2013

Hình xưa tướng Giáp.


Một số ảnh tướng Giáp chớp xa xưa đen trắng. Quả nhiên ông là người "quân tử thận kỳ ư độc giả", chỉn chu áo quần giày da nghiêm túc, đi đứng ngồi đều giữ tác phong người học vấn. Chợt nghĩ hiện đang thời của nhiều u muội cuồng tín, của sử kiếm cơm "giáo sư tiến sĩ", của những cơ hội mưu kế mưu đồ chánh trị. Thành ra, đánh giá tướng Giáp cách chánh xác, có lẽ phải đợi ít nhất một thế kỷ nữa họa may chăng chớ.
May mắn đã xuất hiện nhiều ý kiến đa chiều đang xoay quanh ông một cách "khó chịu". Bởi vì sử ký là khoa học chớ không phải thần học. Khoa học thì phải truy xét cặn kẻ cội nguồn đa hướng, vặn vẹo mọi nhẻ giải thích chứng minh, bình luận phản biện nhiều chiều mới bật ra sự đúng thuyết phục được người ta.
- Xem thêm "Tướng Giáp - người phản đối chiến tranh".









Thứ Bảy, 26 tháng 10, 2013

Mỹ Tâm, ca sĩ nhiều bình chọn.


Ca sĩ Mỹ Tâm vô vàm nổi danh nhờ cái sự hợp thời cô ấy. Thời đi khỏi kẻ giỏi nằm co, những tài ba giỏi giang đang đầy ăm ắp trong ca nhạc sĩ VN bây giờ, nên chi ai hợp thời người đó thắng.
Hồi xưa chinh chiến, dân Bắc thích nghe Trần Hiếu, Tường Vi, Thu Hiền, Thanh Hoa, Quốc Hương, Quang Thọ... người Nam thì Duy Khánh, Chế Linh, Nhật Trường, Hùng Cường, Elvis Phương, Thanh Thúy, Hoàng Oanh, Phương Dung, Lệ Thu, Khánh Ly...
Hồi nay hòa bình thống nhất độc lập tự do dân giàu nước mạnh, cả nước nghe Mr.Đàm, Mỹ Tâm, Hà Hồ... ca hát. Hậu sanh khả úy, ca sĩ trẻ vừa xinh đẹp, vừa hát hay, vừa sáng tác nhạc tình điêu luyện phù hợp thính thị trẻ trung hiện đại.
Mỗi thời mỗi suy tư. Mỗi thời mỗi lỗ tai nghe. Trào lưu nhạc người này người nọ quy tụ fan đông fan ít, theo đó cân đong những xu thời phù thời hợp thời có thể đoán định thua thắng.
Nước thua cuộc triệu chứng trước đó dân chúng khoái nghe ca sĩ hát nhạc rầu.
Nước thắng cuộc trào lưu hùng ca đại thắng nghe ra ưa chuộng mạnh mẽ.
Mỹ Tâm hát hay dân chúng ưa nghe, quốc tế chấp nhận. Bài hát được bình chọn Online "đỉnh của đỉnh Đông Nam Á", đại diện khu vực đi dự giải MTV Europe Music Awards.


Thứ Sáu, 25 tháng 10, 2013

Thổ địa,Thành hoàng.


Thổ là đất, địa cũng là đất."Đất có Thổ công sông có Hà bá", thổ địa xưa là ông thần quản vùng đất, vùng núi, vùng động, vùng đồi nào đó, thờ trong cái miếu cổ hoang vu hẻo lánh. Ví dụ hành giả họ Tôn phò ông thầy đi thỉnh kinh, gặp bầy yêu quái khuất mặt thèm thịt thầy thời, bèn nện thiết bảng xuống đất triệu Thổ địa truy tông tích.
Thổ địa ngày nay tiếng lóng gọi mấy dân sống lâu ra lão làng đất lạ hóa đất quen, thông thạo đủ mọi điều biết hết. Người đi mua đất xây nhà khôn ngoan thì dò la tìm "thổ địa" cái vùng nhắm nhía, hỏi thăm dò điều này sự nọ, chọn bạn mà chơi chọn nơi mà ở.
Đất đai vốn đa đủ, đất thổ cư, đất vườn, đất lúa, đất nhà thờ chùa chiền, đất mồ mả, đất công làng xã, đất hoang hóa, đất rừng, đất bãi bồi, đất ven sông, đất lấn biển, đất lấp đầm hồ, đất này đất nọ. Lúc xưa chưa có người, đất đai mênh mông là của trời của đất.


Thú vật hoang chim muông chiếm đất trời lấy chỗ kiếm ăn sanh đẻ. Chúng đánh dấu bằng mùi nước tiểu, mài sừng cọ mõm, hú hét hò la kêu gào cốt bảo vệ đất đai lãnh địa. Con nào lạ lảng vảng đến dòm ngó sẽ bị "chủ sở hữu" đánh đuổi bằng mọi giá.
Lúc sanh vật họ người xuất hiện, nhờ cái đầu thông minh hơn nhiều, người bèn đánh đuổi muông thú, xâm lăng cướp đất chiếm cứ làm nhà làm ruộng nên xóm nên làng.
Thông thường, đi cướp "đất bỏ hoang" sẽ một đầu nậu đứng ra chiêu mộ, rủ rê những kẻ cùng đường sanh sống, tụ tập bỏ quê tìm miền đất hứa. Cả đám rìu rựa lên đường đến xứ lạ, thấy phù hợp kiếm ăn được bèn cố định lập làng rồi lôi kéo vợ con đến sau. Đầu nậu công lao đưa người đi lập làng nơi mới, tiền khai canh hậu khai khẩn, ra cái làng thì được dân làng lập miếu thờ, được vua sắc phong Thành hoàng của làng.
Thành hoàng khác thổ địa. Thổ địa là vị thần đất. Thành hoàng là ngài thần làng. Lập ra làng mới có thành hoàng của làng. Hai vị thờ chung một chỗ gọi miếu thành hoàng thổ địa.


Thứ Tư, 23 tháng 10, 2013

Trái tim lầm chỗ.


Ngôn ngữ lứa đôi thường thường như sau, chàng trai nói với người yêu rằng "anh sẽ dâng trọn hết trái tim của anh dành cho em", hoặc cô gái nhỏ nhẻ với chàng "em sẽ dành hết trái tim em cho anh", vân vân...
Đương nhiên, trái tim không thể moi ra dâng cho người này người nọ được. Ở đây tim ẩn dụ sự tình yêu chàng nàng trao nhau, không dùng lý trí âm mưu thủ đoạn tính toán thiệt thua gì cả. Tình yêu nếu thổ lộ mà rằng: "sau khi soi xét mọi khía cạnh : tiền, nhà, chức vụ, công cuộc hơn thua, sức khỏe, khả năng phát triển tương lai, em đã quyết định trao trái tim cho anh !" Nghe quá dễ sợ.
Thi thần thi thánh của CS có mấy thơ rằng.
"Tôi kể ngày xưa chuyện Mỵ Châu
Trái tim lầm chỗ để trên đầu
Nỏ thần sơ ý trao tay giặc
Nên nỗi cơ đồ đắm bể sâu..."
Rõ rệt trái tim cần chỗ để hợp lý cho nó. Tim để trong ngực làm máy bơm hút đẩy máu đỏ máu đen mà sống. Đứng tim coi như hết thời. Để trên đầu, trái tim sẽ xui dục bậy bạ đi ăn cắp nỏ thần trao cho quân giặc khiến cha chết con chết, nước mất nhà tan.
Con gái  bên Tây Phương thì ít khi dại dột đem tim ra để trên đầu. Không biết có phải quý nường đã đọc thơ TH rồi biết sợ hãi chăng ?


Hơn trăm năm trước, cụ Nguyễn Du vì thương bọn con gái dễ bị lừa đảo cả tin lời đường mật rủ rê của những họ đào họ đải, bèn làm thơ Sở Khanh dụ Kiều đề cao cảnh giác.
"Tường đông lay động bóng cành,
 Rẽ song, đã thấy Sở Khanh lẻn vào...
Lặng nghe, lẩm nhẩm gật đầu: 
Ta đây phải mượn ai đâu mà rằng ! 
Nàng đà biết đến ta chăng, 
Bể trầm luân, lấp cho bằng mới thôi ! 
Nàng rằng: Muôn sự ơn người, 
Thế nào xin quyết một bài cho xong. 
Rằng: Ta có ngựa truy phong, 
Có tên dưới trướng, vốn dòng kiện nhi . 
Thừa cơ lẻn bước ra đi,
Ba mươi sáu chước, chước gì là hơn. 
Dù khi gió kép, mưa đơn, 
Có ta đây cũng chẳng cơn cớ gì !"
Lời đường mật anh chàng chải chuốt áo khăn thanh xuân dịu dàng cũng thấm ngọt tai nàng. Kiều nghe nhắm mắt đưa chân để khi xong chàng Sở vội truy phong quất ngựa...


Thứ Ba, 22 tháng 10, 2013

Hỏa công diệt bắp cày.


Ong bắp cày, giống sát nhân độc trùng hết sức nguy hiểm ở miền Nam Trung Hoa.
Bọn này sống tập thể bầy đàn cả nghìn con, chúng chung sức chung lòng làm tổ to như cái lu nước vậy. Cầm đầu tổ ong có vị ong tổ, chuyên chú chỉ huy bọn đàn em bay đi gieo rắc kinh hoàng đến những sanh vật mà chúng thấy ghét.
"Ong kia yêu giống yêu nòi
Đồng tâm hiệp lực đuổi loài cáo đi !"
Võ khí của chúng là cái kim châm nọc độc ẩn giấu sau đít, độ dài cỡ 1/4 inch, khi đâm vào đối phương, kim cắm sâu bơm một thứ hóa chất kỳ dị gây thối nát thịt da, lan tỏa cơ thể. Nạn nhân không may bị chích nọc độc đau đớn quá ngất xỉu mà chết.
Theo thống kê sơ bộ từ tháng 7 đến nay, tại vùng Sơn Tây (China), ong bắp cày đã đến tấn công nhiều nơi, giết chết 42, làm bị thương gần 2.000 người. Nguy cơ sẽ có thêm nhiều người sẽ phải chết vì chúng đang phát triển đàn ồ ạt.
Bầy ong nguy hiểm ấy thế cách chống đối chúng thì quá ư thủ công cổ truyền mộc mạc. Mặc áo mưa dày che kín người lại, rồi trèo lên cây lấy tay bắt tổ ong về nấu cháo.


Tiêu diệt bọn bắp cày sao cho hiệu nghiệm, đỡ phần nguy hiểm, giảm thiểu số nạn nhân đang ngày một tăng là chuyện đau đầu của nhà chức trách địa phương bị ong hoành hành.
Sau nhiều cuộc họp, chuyên gia ong bàn luận sôi nổi mãi chưa có cách gì hợp lý. May mắn thay ! Ngày kia xuất hiện một du sinh dị nhân tìm đến hiến kế. Vị  yêu cầu các "chuyên gia thảo luận" ra ngoài hết, chỉ một mình ngài tỉnh trưởng gặp riêng mà thôi.
Dị nhân vòng vo tam quốc mô tả đặc tính của bọn ong ấy như sau.
- Bắp cày tên khoa học là Vespa Mandarinia, có họ hàng bà con với ong bò vẽ ở VN , to mập hơn như ngón tay cái dài đến 5 cm, sải cánh hơn 6 cm. Mỗi ngày chúng có thể bay xa bay cao đến 100 km với vận tốc 40 km/h.
- Bọn này bản chất hung dữ, hiếu chiến dã man vô cùng tận. Khi đã muốn đốt ai thì kẻ đó có chạy đằng trời chúng cũng bám theo đốt cho chết bằng được
- Ong bắp cày thích tìm người để sát hại, thích tìm tổ ong mật giết sạch chiếm tổ hút mật. Chỉ cần 30 con là chúng có thể giết chết hết 30.000 con ong mật trong chỉ một giờ !
- Theo nhà bác học, bắp cày đang có xu hướng di cư đến các nước Anh, Pháp, Hà Lan bởi những nơi ấy điều kiện cây cối tự nhiên khí hậu rất phù hạp với cuộc sống chúng nó.
Nhận thấy ngài tỉnh trưởng sốt ruột muốn biết ngay cách diệt ong chớ không cần sự dài dòng kể lể, dị nhân bèn mượn giấy bút, viết gì đó rồi xếp lại đưa cho ngài.
Tỉnh trưởng mở ra xem chỉ thấy một chữ "HỎA" to tướng bèn ngơ ngác không hiểu. Dị nhân thở dài, rút túi đưa bức ảnh có mấy chữ "Hỏa công diệt bắp cày"...





Thứ Hai, 21 tháng 10, 2013

Voi, ngựa đua nhau.


Xưa con ngựa thấy con voi chậm chạp có ý khinh nhờn.
Ngựa đòi thi tài với voi xem ai chạy giỏi. Lúc thi chạy đường thẳng, thì voi chạy không kém gì ngựa mấy, nhưng lúc thi chạy đường nhanh, thì ngựa chạy nhanh hơn voi nhiều.
Voi thua. Ngựa lên mặt.
Hôm sau, voi thách ngựa thi chạy đường quanh, nhưng phải sang tận hòn núi xa xa đằng trước mặt. Ngựa cho không vào đâu, chắc ăn đứt voi cả mười phần.
Nhưng chạy được một chốc, thấy có con sông, giòng nước chắn ngang, ngựa phải đứng dừng lại chưa biết nghĩ thế nào thì đã thấy voi chạy tới nơi. Voi lội xuống sông mà sang được núi bên kia.
Ngựa đành phải chịu thua, và từ đó không dám khinh voi nữa.
Bởi vậy mà người ta mới có câu hát rằng:
" Ngựa lau chau ngựa đến bến giang.
Voi đủng đỉnh voi sang qua đò."
Lâu ngày câu hát hóa ra thành ngữ ý nói kẻ mau người chậm gì cũng sẽ tới bến sông.
"Vội vã đến bến giang. Lang thang cũng sang bến đò"
(Truyện cổ nước Nam)




Thứ Bảy, 19 tháng 10, 2013

Huyệt mả phát đế.

Hễnh mũi Rồng
Nguyễn Công Trứ thủa hàn vi thơ thẩn phú nho phong, dặm mấy câu về sự huyệt mả. "Thầy bà mong dối trá kiếm ăn, lại nghĩ chữ “dũng như”, phép chi được nối danh pháp chủ. Quẻ dã hạc, toan nhờ lộc thánh, trút muối bỏ bể, ta chẳng bõ bèn. Huyệt chân long, toan bán đất trời, ngôi mả táng cha, tìm còn chửa chộ..." 
Nhân nơi an nghỉ ngài Đại tướng nằm trên chỗ đất mũi Rồng đạp thủy đội sơn, thanh long bạch hổ án Yến triều La; thấy cái mả ấy có thể phát hoàng vương đế bá cho dòng họ con cháu của ngài, bèn giật mình mơ mộng. Vua chúa họ Đinh, Lê, Lý, Trần, Hồ, Mạc, Nguyễn mà chưa thấy Võ. Biết đâu sử ký sẽ lừng danh một "Võ Đại Đế Cao Hoàng" nào đó giống A Lịch Sơn, Nã Phá Luân đại đế thì cũng phúc phần.
Như đã từng lý sự dự báo hậu CS, khả năng lập lại một nền quân chủ chuyên chế ở VN là rất cao. Ý kiến của nhiều vị "GS.TS" cũng đồng dạng. Vì muốn tránh khỏi họa phân tranh rã đám, nước Nam phải luôn đặt dưới một chế độ trung ương tập quyền mạnh mẽ, phải tiêu diệt tận gốc trốc tận rễ tự trứng nước mọi khả năng hình thành lực lượng đối lập, phải quét sạch mọi yếu tố "rận chủ" có thể đe dọa an nguy đất nước.
Thế nên một khi dân chúng đã quá ớn CS, có thể họ sẽ ùa theo "Minh chủ" nào đó để "Kách mệnh Quân chủ". Khi thắng cuộc, "Minh chủ" lên ngôi Hoàng đế, thành vị "Minh quân" trị nước, điều kiện cho VN dễ hóa ra "Đế Quốc Rồng" vĩ đại. Tương tợ "Minh Trị Duy Tân" xưa nước láng giềng Nhựt Bổn.

Napoleon Bonaparte đại đế
Mặt tiền dễ biết, mặt hậu khó lường, vạn sự biến hóa đều có thể xảy ra. Đường dẫn tới vinh quang lên ngôi vua dễ nhất là chọn cuộc mả phát đế vương để mai táng xương cha cốt mẹ.
Lý thuyết "thầy địa" nói xương người là nơi khí tụ khi sống, là nơi khí phát lúc chết chôn. Mả phát có nhiều cách, phát đinh phát tài, phát giàu phát mạt, phát tụ phát tán, phát ăn cướp phát ăn mày, phát làm to làm nhỏ, phát vua phát quan, phát vương gia phát đại đế, vân vân. Tùy cuộc đất chôn mả phát thể loại. Thầy địa có cả kho sách đồ sộ nghiên cứu về sự táng gọi là "Âm trạch bí kíp kỳ thư".
Qua sanh sống lắm đời nhiều chế, thiên hạ rút ra kinh nghiệm "không mả đố ả làm nên", "người sống nhờ mồ nhờ mả, không ai sống vì cả bát cơm", "may nhờ mả phát". Huyệt mồ chôn bố mẹ qua đời tỏ ra quan trọng. Trừ phi nghèo khó "sống vô gia cư, thác vô địa táng ", đại gia quan chức đủ điều kiện luôn đi tìm đất chôn mả đắc địa, mong ước về sau mả mồ sẽ phát cho trưởng nam hoặc cháu đích tôn, chắc đích tử hoặc chút đích tằng được lên làm vua, làm cha thiên hạ.



- Một số truyền khẩu dân gian về chuyện mả phát đế vương từng nghe.
1. Mai Hắc Đế, khởi nghĩa chống đối An Nam Đô hộ Phủ nhà Đường năm 722.
Làng Mai Phụ, Thạch Hà, Hà Tịnh có người đàn bà đẻ con trai da đen bóng, đặt tên là Mai Thúc Loan. Một hôm, bà lên ngọn núi Dẻ hái củi thời bị cọp vồ. Cọp tha bà đến một lùm cây bụi cỏ ăn thịt rồi bỏ lại ít xương. Không ngờ nơi ấy là một huyệt mộ táng phát đế, mối đùn lên đắp đất hài cốt cho bà.
Quả nhiên chẳng bao lâu, Mai Thúc Loan đã lãnh đạo dân chúng đuổi bọn đô hộ về Tàu rồi lên ngôi làm vua tự xưng là Mai Hắc Đế.
2. Đinh Tiên Hoàng, trẻ chăn trâu mà dựng nước Đại Cồ Việt.
Tục truyền người vợ của ông Đinh Công Trứ đi tắm ngoài đầm, không may phải một con Rái cá hiếp dâm mà mang thai sanh ra Đinh Bộ Lĩnh. Rái cá bị ngư dân bắt được ăn thịt, vứt xương ra giữa đường làng. Mẹ ngài bèn nhặt gói lại đem để trên giàn bếp.
Có thầy địa lý Tàu sang thấy Bộ Lĩnh đang chăn trâu, nhờ lặn xuống đầm xem xoáy nước. Lĩnh lặn xuống thấy tượng con ngựa đá, bèn trở lên nói với thầy. Thầy vơ nắm cỏ bảo ngài xuống cho ngựa ăn rồi bỏ đi. Bộ Lĩnh là người thông minh, biết đấy là mã huyệt đế vương, bèn về thuyết phục mẹ cải táng bố.
Mẹ ngài bèn đưa nắm xương rái cá cho đem ngựa đá nuốt. Về sau, Đinh Bộ Lĩnh phát tướng, dẹp được loạn 12 sứ quân, lên ngôi Đinh Tiên Hoàng đế. (Nam Hải Dị Nhơn)
3. Lý Thái Tổ, đức vua khai sanh kinh đô "ngàn năm Thăng Long".
Tục truyền thân phụ Lý Công Uẩn nghèo đói làm thuê ở chùa Tiêu Sơn ở đất An Phong, Bắc Ninh, nhân làm có mang một nữ bổn đạo nhà chùa nên sư phụ bèn đuổi cả. Hai người dắt tay nhau đi qua rừng Báng thấy giếng cổ. Thân phụ ngài khát nước bèn tìm cách uống, không may ngã xuống giếng chết đuối. Mẹ ngài đợi lâu, nhìn xuống giếng thì than ôi, đất đâu tràn lên vùi xác ông thiên táng xong rồi. Bà vào chùa Ứng Tâm gần đó làm dì vải rồi sanh ra ngài.
"Xét ngôi huyệt đế vương may mắn chỗ giếng trong rừng Báng ấy, những gò ở chung quanh trông hình như cái hoa sen nở ra tám cánh, cho nên nhà Lý truyền ngôi được 8 đời, bây giờ thuộc về làng Đình Bảng, huyện Đông Ngàn” (Nam Hải Dị Nhơn)


4. Trần Thái Tông, đức vua mở nghiệp lớn Trần triều.
Xã Thái Đường, Hưng Nhân có người Nguyễn Cố một hôm găp thầy địa Tàu nói nơi ấy chốn ấy có huyệt mả phát đế vương. Cố mừng rỡ xin chỉ cuộc đất, thầy đòi 100 quan tiền, bảo Cố cải táng xương cốt phụ huynh hắn vào rồi đợi vài ngày càn khôn rúng động là đúng ngay huyệt mả.
Quả nhiên sau ba ngày, dông lốc bảo tố ngập lụt tưng bừng cả một vùng, Cố biết sự chôn mả cha đã đắc địa lấy làm mừng lắm. Hắn trở mặt không trả tiền thầy địa, còn bắt trói thầy đem vứt ngoài bãi cho chết để giết người diệt khẩu.
May thay, bố Trần Cảnh đi đánh cá bắt gặp, bèn giải cứu cho thầy. Thầy trả ơn bằng cách đổ thuốc đỏ xuống mồ bố Nguyễn Cố cho hắn sợ phải đem dời đi, rồi lấy xương cốt tổ phụ họ Trần chôn vào. Quả nhiên, ngôi mộ quý tích đế vương ấy phát, Trần Cảnh được vào cung vua làm "Hỏa đầu quân", được Lý Chiêu Hoàng ưa ý lấy làm chồng rồi nhường ngôi cho làm vua. (Trần Triều tổ mộ ký)
5. Lê Thái Tổ, đức vua mở đầu nhà Lê thịnh trị.
Bấy giờ Lê Lợi còn là phú hào đất Khả Lam, một hôm người nhà thấy vị sư đi ngang qua than thở rằng đất mả quý phát vua không ai xứng đáng, bèn chạy về báo. Lê Lợi vội vã đuổi theo. Vị sư chính là "Bạch Y thần tăng" xứ Ai Lao, ngài khiến Lê Lợi đem cải táng mộ thân phụ vào chỗ ấy chỗ ấy. Quả nhiên, sau này Lê Lợi đã nổi dậy khởi nghĩa, đuổi được giặc Minh, lên làm vua trị vì đất nước.(Lam Sơn Thực Lục)
6. Bình An Vương Trịnh Kiểm, vị Chúa Trịnh đầu tiên.
Trịnh Kiểm người làng Bồng Thượng xứ Thanh, nhà nghèo đói khổ cùng cực. Kiểm thường đi trộm gà hàng xóm về thịt cho mẹ ăn, khiến dân làng rất bực tức. Họ bèn đánh chết mẹ Kiểm vứt xuống vực Tôm để Kiểm thôi trộm gà. Ai dè vực ấy hội tụ đủ yếu tố phát mả làm Chúa, chỉ trong một đêm, mối đùn lên thiên táng mẹ Kiểm thành ra cái gò to.
Mẹ mất, Trịnh Kiểm lang thang sang Ai Lao, làm kẻ chăn ngựa cho Nguyễn Kim rồi tự nhiên phát tướng. Kim bèn giao binh quyền cho Kiểm đánh nhà Mạc thắng lớn, được lấy công chúa Ngọc Bảo, được phong vương giữ lắm quyền cao chức trọng.


7. Hồ Chí Minh,"cha già của dân tộc VN".
Thân mẫu của "cha già" là bà Hoàng Thị Loan, quê quán ở Nghệ An, vào Huế sanh sống rồi bị bệnh chết ngày 10/2/1901. Xác của bà đem mai táng ở Bân Sơn, nơi Hoàng Đế Quang Trung từng lên ngôi dẫn quân ra Bắc dẹp giặc Tàu.
Năm 1922, con gái bà Loan là Nguyễn Thị Thanh bí mật vào Huế, đào mộ mẹ lấy xương cốt đem về Nghệ An chôn trong một khu vườn làng Kim Liên.
Nguyên vùng Nam Đàn, Nghệ An có hòn núi Đụn lừng danh khe Bò Đái là khe nước chảy, tượng hình như háng con bò đương đái kêu róc róc ròn rọt. Dân chúng ở đây truyền tụng câu Sấm "Đụn Sơn phân giới, Bò Đái thất thanh, Nam Đàn sanh thánh", khi hòn Đụn nứt hai, khe Bò đái hết tiếng nước chảy, thì đất Nam Đàn sẽ xuất hiện Thánh nhân vĩ đại.
Bô lão quanh núi Đụn kể, khi "Cha già" chào đời ngày 19/5/1890, tự nhiên hào quang phát sáng choang cả một vùng, hương thơm ngát lưng trời, rồi tiếng nổ lớn làm im nước chảy Khe Bò. Ấy là điềm sấm hiện thực hóa thánh nhân HCM xuất hiện.
Nam Đàn còn có một vũng đất hoang rộng lớn gọi là Hồ Trì xứ. Bọn trẻ con ngồi lưng trâu hay đọc bài vè như sau.
"Tại xứ Ao Hồ,
Có cái huyệt đất.
Phát một thánh nhân.
Đế chẳng phải đế,
Vương chẳng phải vương.
Lang thang tứ phương.
Làm cha thiên hạ”.


Câu vè nhuộm màu "Hán Sở" đã khiến 36 họ mạc dân Nghệ quanh vùng vì muốn con cháu mình được làm vua nên đã hò nhau đào đưa hài cốt tổ tiên lên mai táng thung lũng Ao Hồ.
Bấy giờ, năm 1941, con trai của bà Loan là Nguyễn Sinh Khiêm lội khắp các vùng đồi núi Nghệ Tĩnh, cố tìm cho ra huyệt mộ đế vương cải táng hài cốt cho mẹ.
Ông Khiêm hỏi nhiều thầy địa, họ nói nên cải táng bà ở lũng Ao Hồ cho mau lẹ phát đế. Ấy thế, nghiên cứu địa hình, mạch đất, thế núi của vùng Ao Hồ, ông bèn bảo.
“Nếu táng được huyệt đất trong thung lũng Ao Hồ, thì con cháu chỉ hưởng được lộc trong làng, trong xã mà thôi. Tôi định đưa hài cốt của mẹ tôi lên mỏm núi Động Tranh thấp, nếu phát thì sẽ ăn lộc cả nước mới nhiều !"
"Tháng 3/1942, ông dẫn hai người cháu thân tín lên sườn núi Động Tranh thấp đào 9 cái huyệt ở những nơi ông đã đánh dấu. Ông dặn là khi đào xuống gặp phải hòn đó lớn thì dừng lại. Một đêm khuya ông bí mật mang hài cốt mẹ từ vườn nhà làng Sen đến Động Tranh thấp thắp hương khấn vái xin phép thổ thần xứ Ao Hồ rồi đặt hài cốt mẹ vào một cái huyệt và lấp lại. Sau đó ông tiếp tục lấp bằng phẳng số huyệt đã đào. Vì vậy mọi người, kể cả hai người cháu thân tín cũng không biết ông táng mẹ ở đâu."
Phải đợi đến năm 1946, em ruột ông Khiêm là Cung lấy tên Hồ Chí Minh đã thành ra cha già của dân tộc VN, ngồi lên ghế Chủ tịch nước, ông Khiêm mới dẫn họ Nguyễn Sinh và họ Hoàng lên núi Động Tranh, chỉ chỗ mộ bà mẹ mà ông đã san bằng tán phẳng hồi tháng 3/1942.
Chính nhờ sự lo xa bị người khác cướp mất huyệt mả phát, sự kỷ lưỡng che dấu mả mẹ của ông Khiêm, dân tộc VN mới may mắn có vị cha già vĩ đại như ngày hôm nay vậy.
- Tham khảo từ nguồn tại đây. tại đây.


Thứ Sáu, 18 tháng 10, 2013

Ơn tri ngộ.


Tam quốc dã sử, Lưu Bị xuất xứ bần tiện dệt chiếu đóng giày, nhân sự Hậu Hán rối ren bèn cùng đồ đảng mưu đồ việc lớn. Thần cơ diệu toán Khổng Minh Gia Cát theo Bị giúp sức, tạo thế tam phân, lập nước Thục tại vùng Tứ Xuyên rừng rú.
Nhất Bị nhì Lượng, vua tôi tâm đắc cá nước rồng mây. Lưu Bị chết già, Lượng trung nghĩa một lòng phò con của Bị là Thiện, nắm quân thất cầm Mạnh Hoạch, lục xuất Kỳ sơn, Đông hòa Ngô Quyền, Bắc cự Tào Tháo, cố sức đánh Ngụy mở đường thống nhất China.
Gia Cát Lượng là quan Văn chuyên gia việc Võ. Cuộc đời quen cầm quân mục đối chớ không là tướng văn phòng. Trận đánh mai phục Hồ Lô Cốc, Lượng mưu dụng hỏa công thiêu sống cha con Tư Mã thất bại vì trời đổ mưa dập lửa. Lượng ngộ ra được "nhân định bất thể thắng thiên", buồn rầu đổ bệnh mà chết, di chúc muốn được chôn xác ở Định Quân Sơn, không xây lăng miếu, không cần tế lễ.
Hay tin Khổng Minh Gia Cát đã bị bệnh mất ngay ở chiến trường, bá tánh nước Thục, tướng sĩ quan chức bàng hoàng đau xót kêu gào thảm thiết. Hậu Chúa khóc lóc cả tuần không còn thiết chi đến việc triều chính. Quân sĩ có kẻ khóc đến chảy máu mắt chết theo Lượng. Từng đoàn dân chúng lục tục kéo nhau đến hạ trại dưới chân núi Định Quân dâng hương lễ bái. Họ ở lại chốn núi rừng đồi đá hoang vu, ngủ bên mộ Lượng, không ăn không uống, đuổi cũng không về...


Thám mã quất ngựa về báo cáo Tư Mã Ý tất thảy sự chuyện. Lần này biết chắc Gia Cát Lượng đã chết thật, Ý sung sướng ngửa cổ cười lên ha hả rồi bảo hai con Sư, Chiêu: " Khổng Minh đã chết, lần này cha có thể ngủ yên được rồi !"
Bình luận về sự nước Thục, quan quân dân chúng xếp hàng bất tận khóc lóc, truyền thông chào xáo mãi đề tài thương khóc ca tụng Gia Cát, làm rùm beng lên như không có hồi kết, Sư và Chiêu tỏ ý ngạc nhiên. Tư Mã Ý bèn vuốt bộ râu dài bảo hai con như sau :
"Lượng là khai quốc công thần nước Thục. Không có Lượng cầm quân thời không thể có nhà Thục được. Quan lại, cường hào, địa chủ, phú hộ nòng cốt nhà Thục vốn xuất xứ là bọn khố rách áo ôm, bọn cu li ăn mày quét chợ đói rách, chúng rủ nhau theo Bị làm loạn, may nhờ có Lượng ra sức mới toàn thắng đổi đời thay hạng. Bây giờ chúng nó được làm quan, ngồi mát ăn bát to, có đất sanh thái có nhà biệt thự, có siêu xe vợ này vợ nọ thụ hưởng khoái lạc. Đông đúc chúng nó có tiền gửi ngân hàng Tây Dương, có con cái du học Đông Ngô để tiếp tục tương lai cán bộ nguồn.
Ngày trước Lưu Bị chết chúng đã khóc như mưa như gió. Hai con cũng đã biết. Nay Lượng chết đi, sự chúng nó khóc ào ào, viếng ầm ầm ấy là để bày tỏ ơn tri ngộ Lượng đã có công lao đổi đời cho chúng nó.
Tuy nhiên, ta chắc rằng Lượng chết thời nhà Thục sẽ mau lẹ sụp đổ, bởi quan lại chúng nó bản chất lưu manh ăn cướp vô tài vô hạnh, bọn dân đen thì vừa ngu muội a dua vừa bần cùng khốn nạn. Đám vua ấy quan ấy dân ấy không mất nước mới là chuyện lạ !"
Quả nhiên, sau cái chết Gia Cát Võ Hầu mấy năm, nhà Thục kinh tế tận mạt vì quan chức tham nhũng, quân đội yếu hèn, bọn chúng liên kết lại sẵn lòng mãi quốc cầu vinh.
Tư Mã Chiêu sai hai tướng Đặng Ngãi, Chung Hội đem quân đánh chiếm Thành Đô, bắt sống Hậu Chúa Lưu Thiện đem về Lạc Dương. Nhà Thục Hán mất nước.


Thứ Tư, 16 tháng 10, 2013

Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa.

Ảnh minh họa. Nguồn: On the Net
Truyền thông VN đau đớn rằng tướng Giáp ra đi là một tổn thất vô cùng to lớn của đảng, của nhân dân, của đất nước và của cả loài người tiến bộ cộng sản một lòng thế giới.
Phim ảnh báo chí cho thấy dòng người vô tận sắp hàng đến viếng tang lễ của Người. Ai nấy nước mắt rưng rưng, hoặc khóc ngất hoặc khóc thầm, để bày tỏ lòng tiếc thương cho tướng CS mà họ sánh ngang cùng vị anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo.
Quan tài tướng Giáp quàng ở HN chỉ có được 10 ngày, rồi đưa lên máy bay về quê Quảng Bình, mai táng Người tại mũi Rồng đất thiêng - nơi hội tụ đầy đủ phong thủy âm trạch phát đế vương cho con cháu, theo như một số thầy địa lý hiểu biết địa cuộc cho biết.
Dân chúng khắp nơi tỏ ra tiếc nuối sao không kéo dài thêm ngày tang lễ, chí ít cũng phải 100 ngày nữa mới may chăng đủ cho nhân dân các miền đất nước có điều kiện đến viếng vị anh hùng dân tộc lỗi lạc.

 Ảnh minh họa. Nguồn: On the Net
Ảnh minh họa. Nguồn: On the Net
Vị thánh nhân qua đời, dân chúng bày tỏ sự quá sức thương tiếc cũng lẽ đời thường. Điều tưởng kỳ lạ mà thực ra đương nhiên, ấy sự ra đi của Người đã lay động đến tự nhiên vũ trụ khiến cả càn khôn rung lắc.
Cụ Rùa sanh sống dưới đáy hồ Gươm, linh vật cụ thể tượng trưng văn hóa dân tộc, thường chỉ nổi lên trong những sự kiện vĩ đại như các kỳ đại hội Đảng thì nay, đúng vào ngày Linh xa tướng Giáp di chuyển rời HN, Cụ Rùa bèn nổi lên, mở đôi mắt buồn rầu cúi đầu nhiều cái vĩnh biệt bậc thánh nhân vĩ đại.
Cây Bằng Lăng cổ thụ gần cổng tư gia của Người đang xanh lộc tốt tươi. Hốt nhiên trong ngày Quốc tang, bỗng một đêm bất ngờ chuyển hết sang một màu tím ngậm ngùi bày tỏ sự tiếc thương vô hạng.
Than ôi ! Ngày Người ra đi, đến động vật thiêng liêng như cụ Rùa Hồ Gươm, đến thực vật cổ thụ Bằng Lăng cửa ngõ - cũng biết bày tỏ nỗi tiếc thương đau đớn. Thế mà có MC truyền hình dám mạo phạm rằng "Quốc tang vui vẻ", có phóng viên nam dám chớp ảnh tự sướng, có phóng viên nữ dám ngồi trơ mắt vô cảm trong giờ phút thiêng liêng đau buồn dân tộc ai ai cũng khóc. Tội mạo phạm ấy quả đáng bị trừng trị, bị "ném đá" như "cộng đồng mạng VN" đã một lòng đòi xử lý những ác độc ấy tới nơi tới chốn.


Sau khi thi hài vĩ đại tướng Giáp đã vĩnh hằng an nghỉ đất Mũi Rồng địa linh nhân kiệt, bầu trời Quảng Bình quê hương của Người mới bắt đầu đổ mưa ào ạt. Mưa sầm sập trắng xóa trời đất. Mưa nức nở âu sầu thế gian. Mưa dai dẳng sướt mướt lòng người. Mưa lê thê mưa ồ ạt bao la vũ trụ.
Từng đoàn người vẫn cứ tiếp theo nhau đội mưa đội gió mang hoa đến viếng Người. Tâm tư dẫu trĩu nặng nổi buồn đau thương tiếc thảy cùng chung ý nghĩ. Trời đổ mưa ào ạt xuống khắp miền Trung để minh chứng cho nhân dân VN biết rằng: không chỉ đảng, nhà nước, chánh phủ, quốc hội, mặt trận, lực lượng võ trang, công an, các tỉnh thành phố, nhân dân cả nước, bạn bè quốc tế, cựu thù đế quốc thực dân... mà đến cả Ông Trời cũng phải tuôn mưa nước mắt ra bày tỏ lòng tiếc thương đến một con người vô cùng vĩ đại.



Thứ Ba, 15 tháng 10, 2013

Siêu bão tàn phá.


Đúng như dự báo khí tượng của hải quân Mỹ, 5 giờ sáng ngày 15/10/2013, siêu bão Nari đã trực tiếp đổ bộ vào TP Đà Nẵng gây ra những tàn phá  hết sức nặng nề. Cây cối bị gió xô lật gốc hàng loạt, kéo theo nhiều cột điện gãy ngang làm mất điện diện rộng. Nhiều mái  tôn chằng chống kỷ lưỡng vẫn bị kéo tung theo gió, tiếng rít gào tôn thép day đập loãng xoảng thật ghê sợ. Nhiều ngôi nhà bị sập tường bay mái đồ đạc bay tung ra đường. Dân chúng lo sợ run rẩy trốn nấp trong nhà tối om vì mất điện.
Bão tàn phá thiệt hại quá sức nặng, người ta nhìn ra đường thấy cả tan hoang, nảy sanh đồn thổi cầu sông Hàn bị bão Nari đánh sập ! Nhiều người tin ngay là thật té ra không phải.
Đà Nẵng, Hội An, Tam Kỳ, Thăng Bình... và nhiều nơi trên đường đi của tâm bão trở nên hoang tàn đổ nát.
Tin mới nhất, đã có đến 4 người chết và 29 người bị thương.






Thứ Hai, 14 tháng 10, 2013

Siêu bão Nari sẽ vào Đà Nẵng.

Click vào hình để phóng to
Siêu bão Nari sức gió xoáy mạnh lên tới 160 đến 195 km/h đang đi hướng vào vùng đất liền giữa Huế và Đà Nẵng.
Theo ảnh mây vệ tinh cập nhật liên tiếp từng giờ, theo tình thế khí quyển luôn sự biến đổi, máy tính sẽ lập báo đường di chuyễn tương đối chính xác tâm bão, các trung tâm dự báo bão quốc tế dựa vào đó mà thông tin cập nhật.
Thứ Hai ngày 14/10/2013, bão Nari trên biển Đông cách Đà Nẵng 300 km có vẻ như đang hướng cố đô Huế thăm thú di sản nhiều cây cối rậm rạp này. Tuy nhiên, một đợt không khí lạnh từ lục địa nam Trung Hoa đang tràn xuống phía Nam, nên có thể sáng thứ Ba ngày 15/10/2013, tâm cơn bão sẽ hơi chếch Tây Nam, đổ bộ vào vùng Đà Nẵng - Hội An.
Sức gió bấy giờ dù giảm bớt lại 130 đến 160 km/h cũng dư sức lật tung các mái tấm lợp, lật đổ cây cối, cột điện, xô sập tường vách mấy nhà san gió.


Dự báo thời tiết thiếu chính xác sẽ gây thiệt hại khôn lường hoặc phiền hà vô ích ở nơi "nghi vấn" siêu bão đổ bộ.
Có cơn bão biển hướng lên phía Bắc, thế nhưng dám tỉnh bơ thông báo bão sẽ đổ bộ vào đất liền phía Tây khiến cho hàng trăm ngư dân thiệt thà tin theo "ta dự báo" rồi chạy tránh bằng đưa tàu thuyền lao đầu tìm tâm bão để mất mạng oan uổng "xóm không chồng".
Có trận bão "dự báo" đổ bộ vào mỗi nơi ấy chốn ấy rồi buộc dân chúng phải di tản ngay trong đêm. Thực tế bão vào cách xa đến 200 km, làm tốn kém nơi phòng chống, gây thiệt hại nặng nơi "sơ sơ".
Một cơn bão nhỏ nảy sanh ở sát bờ biển, không được các đài khí tượng quốc tế cảnh báo nên "ta" phải tự dự báo. Than ôi ! Thời điểm dự báo bão vào thì muộn sau cả một ngày, dông bão qua rồi chang chang trời nắng cho học trò nghỉ học "chống bão"...


Chủ Nhật, 13 tháng 10, 2013

Lỡ miệng ngày Quốc tang.


Nghề MC là nghề nói, nói không phanh nói thả giàn nhờ có năng khiếu nói.
Tuy nhiên đi đêm lâu ngày ắt gặp ma, đa ngôn đa quá, nói dài nói dai thành ra nói dại. Một anh chàng MC leo lẻo trên đài Truyền hình TP. HCM cướp lời đồng nghiệp để nói trong ngày Quốc tang an táng tướng Giáp như sau:
"Thưa quý vị, ngày hôm nay thì Minh Ngọc và Thu Thủy cùng Việt Quý cùng anh Dũng đã cung cấp cho quý vị một số thông tin về những tuyến giao lộ chính trên địa bàn TP. 
Và đây là những hình ảnh mà chúng tôi ghi nhận tại những khu vực thường xuyên di chuyển về trunng tâm Quận 1. 
Và như quý vị cũng đã biết, ngày hôm nay là ngày Quốc tang của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chắc chắn rằng nhu cầu quý vị chúng ta đến viếng Đại tướng chắc cũng sẽ có rất nhiều. Vì vậy mà chúng ta cũng nên nhớ chấp hành đúng tín hiệu giao thông cũng như là sự điều tiết của lực lượng cảnh sát chức năng để chúng ta có được một ngày Quốc tang thật nhiều niềm vui và thật an toàn".
Có lẽ chàng MC này chuyên nghề đi nói đám cưới thành ra quên mất để lỡ lời lỡ miệng.
Tội nghiệp ông xếp nhà đài phải đành mang cái mặt đau khổ ra xin lỗi thiên hạ.