Thứ Sáu, 25 tháng 10, 2013

Thổ địa,Thành hoàng.


Thổ là đất, địa cũng là đất."Đất có Thổ công sông có Hà bá", thổ địa xưa là ông thần quản vùng đất, vùng núi, vùng động, vùng đồi nào đó, thờ trong cái miếu cổ hoang vu hẻo lánh. Ví dụ hành giả họ Tôn phò ông thầy đi thỉnh kinh, gặp bầy yêu quái khuất mặt thèm thịt thầy thời, bèn nện thiết bảng xuống đất triệu Thổ địa truy tông tích.
Thổ địa ngày nay tiếng lóng gọi mấy dân sống lâu ra lão làng đất lạ hóa đất quen, thông thạo đủ mọi điều biết hết. Người đi mua đất xây nhà khôn ngoan thì dò la tìm "thổ địa" cái vùng nhắm nhía, hỏi thăm dò điều này sự nọ, chọn bạn mà chơi chọn nơi mà ở.
Đất đai vốn đa đủ, đất thổ cư, đất vườn, đất lúa, đất nhà thờ chùa chiền, đất mồ mả, đất công làng xã, đất hoang hóa, đất rừng, đất bãi bồi, đất ven sông, đất lấn biển, đất lấp đầm hồ, đất này đất nọ. Lúc xưa chưa có người, đất đai mênh mông là của trời của đất.


Thú vật hoang chim muông chiếm đất trời lấy chỗ kiếm ăn sanh đẻ. Chúng đánh dấu bằng mùi nước tiểu, mài sừng cọ mõm, hú hét hò la kêu gào cốt bảo vệ đất đai lãnh địa. Con nào lạ lảng vảng đến dòm ngó sẽ bị "chủ sở hữu" đánh đuổi bằng mọi giá.
Lúc sanh vật họ người xuất hiện, nhờ cái đầu thông minh hơn nhiều, người bèn đánh đuổi muông thú, xâm lăng cướp đất chiếm cứ làm nhà làm ruộng nên xóm nên làng.
Thông thường, đi cướp "đất bỏ hoang" sẽ một đầu nậu đứng ra chiêu mộ, rủ rê những kẻ cùng đường sanh sống, tụ tập bỏ quê tìm miền đất hứa. Cả đám rìu rựa lên đường đến xứ lạ, thấy phù hợp kiếm ăn được bèn cố định lập làng rồi lôi kéo vợ con đến sau. Đầu nậu công lao đưa người đi lập làng nơi mới, tiền khai canh hậu khai khẩn, ra cái làng thì được dân làng lập miếu thờ, được vua sắc phong Thành hoàng của làng.
Thành hoàng khác thổ địa. Thổ địa là vị thần đất. Thành hoàng là ngài thần làng. Lập ra làng mới có thành hoàng của làng. Hai vị thờ chung một chỗ gọi miếu thành hoàng thổ địa.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét