Chủ Nhật, 6 tháng 10, 2013
Học xưa quy ẩn.
Có người nói tướng Giáp là "một vị Đại tướng trong thời chiến và một Bại tướng của thời bình", bởi loạn lạc cầm quân đánh trận thì thắng, hòa bình phải về vườn quy ẩn, ba lần viết thư đòi bỏ khai thác Bauxite Tây Nguyên nhưng bị đảng coi thường ý kiến.
Phận người ta khi này khi nọ ấy sự thường. Đương chức thời thịnh cất tiếng chúng nghe chấp lệnh ào ào. Hết thời về hưu kêu gào rảng cổ dễ có lính nào nghe. Nhưng cái đời sống vị đệ nhất tướng công thần CS thắng lợi thượng đại thọ đến 103 tuổi, có con cháu nội ngoại đùm đìa, chết thì được tổ chức quốc tang, được tứ trụ triều đình bá quan văn võ lo đám, được dân chúng ca tụng thương mến, được quốc tế khen, ngay cả người chống cộng kịch liệt cũng ít dùng lời này nọ xúc xiển.
Nên chi cuộc đời tướng Giáp nói là đại bại thời bình chưa chắc đúng vì thế. Đời có những kẻ vênh vang lộ bố bia đá tượng đồng, tưởng như đệ nhất mà lúc chết cô độc tuyệt tự, không vợ chẳng con hóa ra bà cô ông mãnh. Mong ước cuối cùng chỉ đơn giản xin chôn cất cho cát bụi được trở về, nhưng dẫu di chúc thế nọ thế này vẫn không toại nguyện. Xác thân sanh thành cha mẹ cấu tạo, chết đi rồi không được cho chôn để thiên hạ ngày ngày đến "phanh thây" bằng nghìn cái nhìn tò mò, xoi mói. Gõ cái tên sợt Google thì ôi thôi, bị cả triệu triệu người người chào xáo, mổ xẻ, đâm xoi đến cả ba đời chưa hết.
Ngẫm sự xưa tích cũ, anh hùng hào kiệt khai quốc công thần cấu tạo chế độ mà được an toàn sống thọ đến cuối đời hầu như ít ỏi.
- Việt Câu Tiễn nằm gai nếm mật phục quốc, nhờ cậy nhị vị công thần Văn Chủng, Phạm Lãi mới nên nghiệp bá rửa được thù. Phạm Lãi sâu xa tinh tế giúp Câu Tiễn dựng nước xong rồi bèn vội rửa tay gác kiếm, lấy thuyền nan du lịch Ngũ Hồ rồi gửi thơ khuyên Văn Chủng : "Chim đã hết thì cung tốt phải cất, thỏ khôn đã chết thì chó săn bị nấu. Vua Việt là người cổ dài, miệng diều hâu có thể cùng lo lúc hoạn nạn, nhưng không thể cùng vui sướng với ông ta. Sao ông lại không bỏ đi ngay ?"
Tiếc thương đại phu Văn Chủng chưa kịp chạy khỏi chánh trường đã đành hậu sự một trong "Tam ban Triều điển".
- Hán đế Lưu Bang xuất xứ một chèo đò, nhờ thời được Tử Phòng, Hàn Tín ra tay giúp sức mới định bá đồ vương đại thắng. Trương Lương sớm biết "học tập và làm theo" Phạm Lãi, gúp Bang xong vội vã trốn vô núi xanh tịch cốc tầm tiên. Sự vội vã ấy quá kịp thời, bởi ông bỏ đi hôm trước, hôm sau "ngài Cao Tổ" đã sai ngay người đến "ban thưởng".
Tội nghiệp Hàn Tín không theo gót Trương Lương, không nghe lời Khoái Triệt "phân quốc cát cứ" mới đành ngửa cổ Vị Ương cung chịu án chém hối tiếc.
- Tam quốc chí, Chung Hội cướp công bắt trói được cha con Đặng Ngãi, chiếm Thành Đô, trọn lấy Hai Xuyên diệt Thục Hán xong rồi bèn sanh sự.
"Hội sai giải hai cha con Đặng Ngải về Lạc Dương, rồi vào Thành Đô thu hết quân mã của Đặng Ngải, oai lừng lẫy xa gần. Hội bảo với Khương Duy rằng:
- Nay ta mới thỏa được lòng mong ước bấy lâu!
Khương Duy nói:
- Ngày xưa Hàn Tín không nghe lời Khoái Thông, đến nỗi bị tai vạ cung Vị Ương; đại phu Văn Chủng không theo Phạm Lãi dạo chơi năm hồ, đến nỗi phải đâm cổ mà chết. Hai người ấy há chẳng hiển hách ư? Chỉ vì không rõ đường lợi hại, liệu cơ cho sớm đấy thôi. Nay công lớn của ông đã thành rồi, oai lấn cả chủ, sao không chơi thuyền chu du đây đó cho rảnh thân, hoặc là lên núi Nga Mi theo ông Xích tùng tử mà tiêu dao ngày tháng có hơn không?
Chung Hội cười rằng:
- Đâu được. Đâu được. Tuổi ta nay chưa đến bốn tuần, còn mong làm nên thế này thế khác, đâu lại bắt chước những chuyện lui về an nhàn như thế ?
Khương Duy nói:
- Nếu không lui về cho nhàn, thì phải toan ngay việc lớn. Tài sức minh công làm thừa đi rồi, không cần đợi đến lão phu phải nói nữa.
Hội vỗ tay cười ầm lên rằng:
- Bá Ước biết đến ruột gan ta lắm !"
Tuy nhiên cuộc sắp đặt dấy loạn của Chung Hội bất thành, vì quân lính chiến chinh quá lâu quá chán việc phải đem thân ra đâm chém vì mưu đồ bày đặt. Ba vị Duy, Hội, Ngãi đều bị bọn lính nổi dậy giết chết hết.
Sử ký nước Nam khá nhiều vị anh hùng tài ba xả thân phò vua phục quốc, phải nhận đau thương thảm cảnh ngay sau ngày đại thắng.
Nhất Lê Lợi nhì Nguyễn Trãi. Mười năm kháng chiến chống quân Minh, giành lại độc lập giang san tổ quốc, ngài Nguyễn Trãi dù đã bỏ hết vinh hoa, về trí sĩ Côn Sơn vẫn không thoát được đại nạn tru di tam tộc.
Gia Long phục quốc thành công, đệ nhất công thần Tả quân Lê Văn Duyệt chết rồi còn bị triều Minh Mệnh nghị bảy tội nên trảm (chém), hai tội nên giảo (thắt cổ), một tội phải sung quân. Lời vua dụ rằng :
" Tội của Duyệt nhổ từng cái tóc mà kể cũng không hết, nói ra đau lòng, dù có bửa quan quách mà giết thây hắn cũng là đáng tội. Song nghĩ hắn chết đã lâu và đã truy đoạt quan tước. Xương khô trong mả hắn chẳng cần gia hình chi cho uổng công. Vậy cho Tổng đốc Gia Định đến chỗ mả hắn cuốc bỏ núm mộ, san bằng mặt đất, khắc đá dựng bia ở trên viết to mấy chữ: "Quyền yểm Lê Văn Duyệt phục pháp xứ".
Tiền quận công Nguyễn Văn Thành có công lao giúp Gia Long tự hồi hàn vi nằm gai nếm mật. Thành công rồi ông ra làm quan Tổng trấn Bắc thành, yên được bọn hào kiệt đất Bắc, soạn ra "luật Gia Long" giúp vua "ổn định xã hội' vẫn bị kết tội nhốt ngục, buộc phải uống độc dược mà chết, con trai Nguyễn Văn Thuyên cũng bị chém ngang lưng...
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét