Thứ Tư, 30 tháng 4, 2014

Tìm thấy MH370 ?


"Tìm em như thể tìm chim,
Chim bay biển Bắc, anh tìm biển Nam..."
Ca dao cổ dự báo ra kim thì cũng chuyện nghe rằng muốn thấy kim thời hãy nhìn vô cổ.
Mã Lai chim sắt "ba chìm bảy nổi mất hút tìm không thấy" bất ngờ được cái công ty khảo sát địa vật lý tư nhân nước Úc GeoResonance rằng có thể họ đã tìm thấy xác đắm ở vùng vịnh Bengal, cách xa nơi bấy nay quốc tế đã nhọc công dò dẫm...
GeoResonance sử dụng công nghệ quốc phòng Nga Sô cũ, phân tích những trường điện từ siêu yếu bắt bởi hình ảnh đa phổ trong không khí để phát hiện ra nguyên này tố nọ. Công nghệ ấy có thể tìm ra tài nguyên khoáng sản, nước ngầm, chất phóng xạ, vũ khí hóa học, xác tàu máy bay đang chìm dưới đất, nằm trong hang hoặc dưới đáy đại dương.
David Pope, đại diện công ty GeoResonance nói rằng họ đã tìm kiếm độc lập MH370 tự ngày 10/3/2014, tức là chỉ sau 2 ngày nó mất tích. Họ đã tìm trên 2 triệu km2 diện tích trên Ấn Độ Dương và bất ngờ phát hiện "ảnh mới về một cụm các nguyên tố nhôm sắt đồng nát cấu thành ra máy bay Boeing 777" ở vị trí khoảng 120 dặm (190 km) về phía nam của Bangladesh trên vịnh Bengal.


GeoResonance đã so sánh ảnh chụp vùng biển này ngày 5/3/2014 khi máy bay MH370 chưa xuất phát, họ không thấy gì so với ảnh phát hiện dấu tích nhôm đồng sắt thép dày đặc sau ngày 10/3, chứng tỏ đây là nơi có thể chiếc máy bay bị rơi xuống.
Phát ngôn viên David Pope của công ty cũng nói rằng họ đã cung cấp thông tin cho JACC, cơ quan điều phối quốc tế tìm kiếm MH 370, nhưng không một ai thèm quan tâm đến, thành thử GeoResonance buộc phải công khai phát hiện để đánh động cho mọi người về phương hướng thăm dò mới.
Tuy nhiên, công bố này cũng ngay lập tức bị JACC bác bỏ. “Cuộc tìm kiếm do Úc dẫn đầu dựa vào những thông tin từ vệ tinh và những dữ liệu khác để xác định vị trí máy bay mất tích. Vị trí mà GeoResonance đưa ra không nằm trong khu vực tìm kiếm. Đội tìm kiếm quốc tế khá chắc chắn rằng nơi chiếc máy bay biến mất là ở phía nam của khu vực này” !



Thứ Ba, 29 tháng 4, 2014

Xem lại "chuyện xưa phỏng vấn".


Ngày 21 tháng 4 năm 1975, Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố từ chức.
Đêm 25 tháng 4 năm 1975, ông rời Việt Nam với tư cách đặc sứ của Việt Nam Cộng hòa đến Đài Bắc để phúng điếu Tưởng Giới Thạch, rồi sang nước Anh sống cuộc đời lưu vong. Mấy năm sau, ông Thiệu cùng gia đình qua Mỹ định cư, sống thầm lặng trong quãng đời còn lại và qua đời vào ngày 29 tháng 9 năm 2001 tại Boston, Massachusetts.
Thời gian ở Mỹ, vị cựu Tổng thống VNCH có lần trả lời phỏng vấn mấy tay lưu vong hải ngoại gay cấn xách mé hận thù, đáp từ của ông vừa bộc trực vừa điềm đạm, đúng tác phong người từng nắm, hiểu biết đại cuộc vấn đề.
Ngày tháng qua mau quá vèo vèo, đời người như bóng câu qua cửa sổ, những nhân vật nắm vận mệnh đất nước tăm tiếng, lần hồi theo nhau cùng về bên kia thế giới. Kẻ vui thắng trận hay người buồn thất bại, đố ai thoát được số kiếp. Cuộc đời họ dù muốn dù không sẽ được lịch sử phán xét.


Trước và sau năm 1975, báo chí thế giới và trong nước loan tin tổng thống Nguyễn Văn Thiệu trước khi ra đi đã mang theo 16 tấn vàng là tài sản quốc gia. Giai thoại này lan truyền rộng rãi nhưng không có sự xác nhận hay phủ nhận chính thức của chính quyền CS.
Năm 2006, báo Tuổi trẻ đã thực hiện một loạt phóng sự điều tra xác nhận rằng toàn bộ số vàng (1234 thỏi) và tiền mặt (hơn 1000 tỷ đồng) đã được bàn giao cho Ban Quân quản "khớp với sổ sách từng chi tiết nhỏ" . Như vậy, chuyện ông Thiệu đem vàng quốc gia ra đi chỉ là một mưu kế tuyên truyền độc hiểm.
Ông Lữ Minh Châu nguyên Trưởng ban Quân quản các ngân hàng Sài Gòn - Gia Định, là người tổ chức tiếp quản toàn bộ tiền, vàng của chế độ VNCH cũng xác nhận 16 tấn vàng, tiền dự trữ và châu báu, nữ trang còn nguyên và được chuyển vào tài sản quốc gia.








Chủ Nhật, 27 tháng 4, 2014

Chiến tranh kỷ niệm.


Nhiều năm trôi qua tự ngày Bắc quân CS nhuộm đỏ miền Nam.
VNCH dẫu có Mỹ cùng thế giới tự do sát cánh cũng không đủ sức chịu đựng những đánh phá "trường kỳ kháng chiến" mỗi giờ mỗi phút.
Trung Quốc, Nga Sô, Đông Âu, Cu Ba, Bắc Triều Tiên liên thủ tiếp viện võ khí ồ ạt để cán binh Bắc Việt băng sông Bến Hải, vượt dãy Trường Sơn, tập kết nơi rừng rú núi đồi xuất kích đánh chiếm vị trí chiến lược. Vô số những đặc tình cài cắm chui sâu trèo cao, những biệt động nội thành, những du kích quăng bom gài mìn đốt nhà phá cửa, những gia đình công lao cách mệnh nuôi dấu chở che, những "trí thức yêu nước", những sanh viên học sinh, sư sãi kính bác yêu đảng ồn ào đâm thọc quấy rối.
Phương kế nội  công ngoại kích, "bạo lực võ trang, chiến tranh trường kỳ" tỏ ra hiệu nghiệm, làm xóa sổ hoàn toàn một  thể chế dân chủ tự do sơ khai sơ lập.
- Một số ảnh chiến tranh VN - kỷ niệm 39 năm ngày CS đánh chiếm Sài Gòn.








Thứ Ba, 22 tháng 4, 2014

Cứu nạn kiểu Hàn.


Ngày 16/4/2014, xứ Đại Hàn xảy vụ chìm tàu vô vàm đau đớn.
Nguyên chiếc tàu vận chuyển Sewol, trọng lượng chừng 10.000 tấn (thân tàu 6.800 tấn, hàng hóa 2.000 tấn), chở 476 hành khách, trong số đó 323 học sinh trường Trung học Danwon đi du ngoạn, cùng chở thêm nhiều hàng hóa xe cộ trực chỉ từ thành phố Incheon đến hòn đảo Jeju nghỉ dưỡng.
Thuyền trưởng nghỉ phép khiến tàu Sewol trao tay lái hợp đồng Lee Jun-seok điều khiển.
Lúc 8h 50 sáng ngày 16, hành khách trên tàu giật mình nghe một tiếng rít lớn, sàn tàu rung bần bật rồi dừng hẳn. Ai nấy thảy đều lo sợ tàu đã va vấp phải đá ngầm.
Lái tàu Lee Jun-seok lúc đó đang ở phòng riêng nghỉ xả hơi. Lee đã giao cho nữ lái phụ Park Han-kyul 25 tuổi mới có 6 tháng hành nghề điều khiển con tàu. Y thị này chưa một lần đi qua khu vực biển vốn đầy sóng gió này, và đây cũng lần đầu tiên ả cầm lái chính..
Bấy giờ nữ phó Park Han-kyul thấy tàu đã chậm trễ vì trời sương mù dày đặt, ả bèn rú ga tăng tốc, rồi đột ngột bẻ lái đổi hướng.... Ầm một cái. Xe cộ hàng hóa bất ngờ trượt xiêu về một phía, tàu mất thăng bằng, nghiêng ngang nước biển tràn vào.



































Một phụ huynh học sinh ở nhà bỗng dưng nóng ruột, bèn điện thoại hỏi thầy hiệu phó trưởng đoàn du ngoạn Kang Min Kyu. Ông này cho biết tàu gặp sự cố lúc 8h50 và 8h55 tàu bắt đầu nghiêng dần. Vị phụ huynh vội vã báo tin khẩn ngay cho Tuần duyên Đại Hàn.
Đến 9h, lái tàu Sewol liên lạc với Trung tâm Dịch vụ Giao thông Tàu biển trên đảo Jindo báo tàu gặp nguy hiểm rồi xin chỉ thị thì được lệnh phải cho hành khách mặc áo phao và sơ tán khẩn cấp ngay vì thời gian không còn nhiều.
Tuy nhiên, lái tàu Lee Jun-seok phớt lờ việc sơ tán, còn thông báo ai đâu ngồi yên đó để tránh nguy hiểm lật tàu. Tội nghiệp các học sinh đã mặc áo phao rồi ngồi yên bấm béo điện thoại, không hiểu sự nguy khốn tàu sắp lật úp để mà đứng lên tìm cách tẩu thoát.
Hơn nửa tiếng "giờ vàng" trôi đi uổng phí. Vào 9h37, tàu Sewol đã lật nghiêng đến 60 độ. Bấy giờ thuyền trưởng gọi điện thoại cho bộ sậu 15 thủy thủ "tổ lái" để họ nhanh chóng xuống thuyền cứu hộ tẩu thoát trước, bỏ lại các hành khách lúc này quá khó khăn trèo khỏi con tàu đắm vì đô nghiêng đã lớn. Rõ ràng, việc luận tội thuyền trưởng và thủy thủ đoàn "đã lợi dụng hiểu biết của mình về cấu trúc của phà và phương tiện thông tin liên lạc dễ dàng hơn để tìm cách chạy thoát, giữ tính mạng cho mình mà không quan tâm đến việc giải cứu hành khách !" quá đúng.




Vào khoảng 10h23, tàu Sewol bắt đầu lật úp chìm xuống nước, chỉ còn trơ nổi chút mũi đít tàu màu xanh đậm. Máy bay, thuyền cứu nạn cùng đội cứu hộ kết hợp một số hành khách quên mình, đã nổ lực cứu được hơn 150 người an toàn tánh mạng. Số nạn nhân ngoài vài ba xác chết tìm thấy quanh tàu, gần 300 hành khách đã bị nhốt chặt trong các phòng dưới chiếc tàu đầy nước.
Chiếc tàu chìm Sewol trôi dạt lên phía Bắc, đội cứu nạn gắn một số phao bơm hơi vào để ngăn cản nó chìm sâu hơn. Chánh phủ Hàn Quốc điều các cần trục cỡ lớn gồm 2 cần trục 3.600 tấn, 2 cần trục 2.000 tấn, cộng thêm một siêu cần trục nổi lớn nhất Hàn Quốc 8.000 tấn cũng được triển khai, sẵn sàng đợi chỉ thị nâng chiếc tàu bị đắm lên khỏi mặt nước.
Tuy nhiên, thân nhân hành khách nhất quyết không cho trục vớt, vì sợ "ảnh hưởng đến tánh mạng" các nạn nhân còn sống nhờ mấy không khí sót siết trên tàu.
Đội cứu hộ đành quyết định chỉ trục vớt Sewol khi biết chắc "trên tàu không còn ai sống nữa". Máy bay tàu thủy thời lộn tới lộn lui trên không trên biển trong khi chỉ một vài thợ lặn thay phiên cố chui vào tàu "cứu hộ" thì vẫn không thể được vì sóng to gió lớn.
Ngày 18/4/2014, tàu Sewol đã chìm nghĩm sâu xuống đáy nước sâu 37 mét mất tăm dạng. Đội cứu hộ phải bơm buộc 2 cái phao to đùng đánh dấu.




Sau ngày 18/4/2014, đội thợ lặn cứu hộ nổ lực thâm nhập vào trong con tàu cứu người cho đến nay. Qua 6 ngày ròng rã, họ lần lược vớt ra trên trăm xác nạn nhân đã dần dà thối rã không còn nguyên vẹn.
Than ôi ! Giá như khi tàu gặp sự cố, thuyền trưởng chấp hành nghiêm túc lệnh của tuần duyên để thông báo cho hành khách mặc áo phao, tuần tự lên gần 50 xuồng cứu nạn rời khỏi tàu khẩn cấp. Di tản 476 người trong vòng 90 phút là điều dễ dàng biết mấy. Thế nhưng đã không làm...
Than ôi ! Giá như 48 tiếng sau khi tàu chìm, các cần trục đã đến trục vớt, chánh phủ Hàn quốc sáng suốt, quyết đoán lệnh trục vớt ngay chiếc tàu lên từ từ, thì có thể nhiều người được cứu hay chí ít cũng bảo toàn xác nhiều nạn nhân không thối rửa.
Sự tuân thủ cứng nhắc khiến các hành khách mặc áo phao ngồi chờ chết, rồi có cần trục vẫn không kéo tàu lên, đúng là cái cách cứu nạn quá sức thụ động ! Một câu châm ngôn hữu ích nên nhắc mọi người rằng "Sự thật, để có thể làm bất cứ thứ gì đáng làm trên thế giới này, chúng ta không thể chỉ đứng yên run rẩy và nghĩ về sự lạnh lẽo và nguy hiểm. Chúng ta phải xông tới và giành giật, dùng hết sức của mình."
- Tham khảo thêm:
1.-"Học sinh trên tàu Sewol là người kêu cứu đầu tiên".
2.- Nỗi hổ thẹn của Hàn quốc
3.- Học sinh mắc kẹt cào cấu bật móng tay


Chủ Nhật, 20 tháng 4, 2014

Đàm đạo...


Trên trang web nọ đăng bài viết giới thiệu cho cái "Nhắm mắt nhìn trời" của một vị nhà văn, xem ra thú vị.
"Tác giả đặt những trí thức, nhà văn, nhà báo ngang hàng với tầng lớp dưới đáy xã hội. Kết quả cho thấy họ cũng chẳng hơn gì những người cần lao. Những cô gái làng chơi, bà đồng nát, người nông dân mất đất chỉ gặp bi kịch là sự khổ, còn người trí thức, bên cạnh cái khổ là phần đau. Người trí thức được ăn học, được giáo dục về lương tâm, đạo đức, có hiểu biết, nên họ đau cho chính mình, cho người xung quanh, và đau cho cuộc đời..."
Trà dư tửu hậu, trí thức sung sướng cao sang "yêu đời rầm rộ" đàm đạo cuộc "văn chương thế sự" cùng trí thức đau bi đát cái đời, xảy ra tiếng to tranh tụng. Quả nhiên dung hòa chánh kiến khó quá, nên đàm đạo cuộc cãi lộn chi cho phải mệt hơi vô bổ.
Nhà văn Phạm Đình Trọng và Phạm Viết Đào, những lão niên văn nghiệp sống lâu nghiệm đời trăn trăn trở trở, rồi dấn thân văn bút "chở đạo đâm gian" bài này bản nọ. Rốt cuộc, vị thời ở tù, vị thì bị an ninh mời lên mời mời xuống bắt ký tá "trách nhiệm" quá rắc rối...

Các vị Phạm Đình Trọng, Trần Mạnh Hảo, Cù Huy Hà Vũ.

Trí thức dĩ nhiên là người thiên phú có bộ não sáng ý, sáng trí, sáng tạo cho đời thêm mỗi một văn minh, thành ra tuyên giáo bắt họ phải "ngồi yên một chỗ trên phà chờ lật úp" đâu phải dễ. Trị tội trí thức bất phục, đương nhiên "bậc phà trưởng dụng quyền cây gậy" ra tay chế tài xử lý, vật cho lên bờ xuống ruộng, đày đọa cái đời trí thức đứt đoạn khô cây héo lá cũng phải thôi.
Vị cao tăng Thích Trí Quảng, thời trước là Tổng vụ trưởng phiên dịch Giáo hội PGVN Thống nhất, thời nay là Viện chủ tự Ấn Quang, TBT Giác Ngộ báo. Ngài sở hữu nhiều "thuyết giảng êm ái" cho thấy sự "trí thức đốn ngộ" sướng sung danh toại công thành.
"Sanh ở thế giới Ta-bà này, có thể khẳng định rằng nếu không nhịn thì không sống được. Thật vậy, ta thấy những việc xảy ra xung quanh toàn là những cái bất bằng, khó chấp nhận được; nếu không chấp nhận, chắc chắn là quả báo sẽ tới liền. Ở thế giới này phải chấp nhận những gì xảy đến và phải biết mình đang ở đâu. Nếu chúng ta tu Tịnh độ về Cực lạc thì khác rồi, vì ở đó toàn là thượng thiện nhân và các ngài có trí tuệ đầy đủ, biết tất cả mọi việc, biết mình nghĩ gì, không cần phải nói..."
Than ôi ! Chấp nhận xã hội xú uế hay tranh đấu để trong lành xã hội là mấy sự ngàn đời "biện chứng". Chấp nhận xã hội khỉ sẽ muôn đời giữ lấy cái đuôi dài khỉ khọt. Đấu tranh mong đứt đuôi khỉ chuyễn kiếp người thì biết tránh đâu kiếp nạn bị bầy khỉ nó bâu rị chết cho cho chết. Vậy nên người trí thức ngồi yên "kham nhẫn" mới mong quá cuộc khỉ đến nơi sáng suốt nhiệm mầu ?


Thứ Bảy, 19 tháng 4, 2014

"Anh hùng ăn trộm".


Xứ ăn trộm lừng lẫy tăm tiếng thị trường quốc tế. Thiên hạ nghe tên khiếp hãi giật mình mà treo biển nơi công cộng đề phòng bọn dân ăn cắp.
Khởi nguồn ít những gian tham ra tay chôm đồ người khác. Hình luật phạt rất nghiêm khắc cái nghề xấu hổ mau giàu một lần ăn trộm bằng ba năm đi làm tùy theo mức độ. Suy (đánh bằng roi). Trượng (đánh bằng gậy). Ðồ (bắt đi làm việc công). Lưu (đầy đi xa). Tử (chết).
Những trận đòn thừa sống thiếu chết sỉ nhục tội trộm cắp cũng đủ làm ít đi tệ nạn chôm chĩa, ngăn cản sự hình thành cái "thương hiệu xứ mến" ô nhục.




Đời nay thay đổi khác lạ. Nạn trộm cắp xảy sự thường nhật như ong vỡ tổ. Cướp đêm cướp ngày. Cướp trắng trợn, cướp man trá. Quan đục khoét công khố từ "hạ từng tổ phố" đến "thượng tằng các cấp kiến trúc". Bọn đạo chích ăn trộm chốn chợ búa nhà dân siêu thị lan tỏa ra nước này nước nọ kia kia chốn chốn.
Cướp chính quyền, ăn cắp thụt két công khố, đương nhiên tạo cái tâm lý chôm chĩa trào lưu thời thượng. Kẻ gian tham, bọn lưu manh thắng tuyệt đối khi xã hội bị khống chế bởi sự đốn mạt bao trùm. Người ngay sợ kẻ gian, nhân viên bảo vệ phải xếp hàng, vòng tay quỳ xin lỗi một đứa ăn cắp mạt hạng dù nó bị bắt quả tang. Dư luận xã hội điều khiển bởi đám ma vương tạo dựng cộng đồng ồ ạt bênh vực, tôn vinh một đứa học trò trộm cắp.
- "Tại sao cả siêu thị phải xếp hàng xin lỗi một tên trộm ?"
- " Siêu thị công khai xin lỗi nữ sinh bị đeo bảng ăn trộm"
- " Bốn nhân viên siêu thị đã đến nhà xin lỗi.."
Than ôi ! Vụ việc người ngay phải đi xin lỗi đứa gian hài hước cười nước mắt. Hành vi trộm cắp chôm chĩa ở các siêu thị được bật đèn xanh tất ồ ạt nhân nhảy cấp số khó bề kiểm soát. Nhà kinh doanh dịch vụ thương mãi xin hãy liệu bề rỉ tai các bảo vệ chuẩn bị xếp hàng "xin lỗi trước chư vị anh hùng ăn cắp" trước khi chưa muộn vậy.
Tham khảo "Cách người dân Ai Cập "xin lỗi" bọn ăn trộm".


Thứ Sáu, 18 tháng 4, 2014

Rút đăng cai ASIAD 18.


Thủ tướng VN cộng sản vừa quyết rút không đăng cai Á Vận Hội 2019 nữa khiến dân chúng thở phào nhẹ nhõm. Sự nhà nghèo vay tiền mở đại tiệc, "mua pháo cho người ta đốt", mời láng giềng sang "quảng bá thương hiệu thể thao đỉnh của đỉnh" là cái ngu dại không ai không biết. Chỉ trừ ra nhóm lợi ích hô hào phải "A si ác" không ngoài mưu cơ hội moi móc kiếm chác, dân đang căng cơ lo lắng cơm áo thì sợ hãi đầy mình.
Lần đầu tiên, "đỉnh cao trí tuệ" phải nghe ý dân "tạm hoãn" làm ngạc nhiên thế giới. Nhiều lời lý sự mạng. Một là hậu sự sẽ tương đồng Hy Lạp, dân chúng đói khổ bị dồn sát chân tường, vùng lên nguy lắm. Hai là hoãn để lấy điểm lòng dân, tranh thủ thiện cảm trước nhiệm kỳ. Ba là ngân sách không tiền, vay mượn China người Tàu sẽ ồ ạt thi công thiết kế nhân công gây bức xúc. Bốn là nói chỉ cần 150 triệu USD cũng đủ lo ASIAD, tuy nhiên, ngay cả việc xây cái lòng chảo để đua xe đạp cũng tốn hơn 500 triệu Đô la Mỹ. Trò lừa khó bịp. Năm là không nước giàu nào dám rướt ASIAD là cái sự chứng minh hùng hồn sáng suốt quyết định. Sáu là thiên tai bão lụt ngày càng khủng khiếp vì biến đổi khí hậu toàn cầu, chánh phủ lấy chi ứng cứu. Bẩy là, vân vân và vân vân đầy các diễn đàn...
Nói gì thì nói, lần đầu tiên dân Nam đã có cái nhìn về vị Thủ tướng CS bớt phần khe khắc. Cho hay, uy tín người lãnh đạo dĩ vốn phụ thuộc vào khả năng đáp ứng được hay không cái nguyện vọng bàn dân thiên hạ chánh đáng.

Click vào ảnh xem cho rõ to !

Bộ trưởng "văn hóa" kêu gào cần đăng cai ASIAD 18

Thứ Sáu, 11 tháng 4, 2014

Asiad thập bát nợ nần.


Cựu đại sứ du lịch, mỹ nhân Lý Nhã Kỳ tên thật Trần Thị Thanh Nhàn, trú xứ Bà Rịa Vũng Tầu, có bố liệt sĩ du kích, có mẹ Bắc gốc Thái Bình, năm 16 tuổi theo bà con qua Đức học hành, tốt nghiệp "đại học ALEXANDER WIEGAND" - một trường không hề có ở Đức !
Lý Nhã Kỳ xinh đẹp, giàu sang, hành nghề diễn viên kiêm lái buôn kim cương cộng đồ cao cấp. Cô có lắm hãng hàng hóa xe pháo danh tiếng mời quảng cáo đại diện thù lao cao lắm.
Ngày 21/9/2011, Lý Nhã Kỳ được cử làm đại sứ du lịch, công lớn quảng bá Hạ Long xếp vô trong 7 Kỳ Quan của trang mạng "New7Wonders.com" do tay đại bịp Bernard Weber chủ xự moi móc tiền tin nhắn thiên hạ.
Sự công lao to lớn "ứa nước mắt mừng rỡ" của cô Kỳ là góp phần rước Asiad 18 về nước tổ chức. "Tháng 11 năm 2012, Lý Nhã Kỳ đã cùng đoàn đại biểu thể thao Việt Nam sang Ma Cao vận động quyền đăng cai ASIAD 2019 theo quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam. Cùng đi có đương kim bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao Vương Bích Thắng, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Olympic Việt Nam Hoàng Vĩnh Giang và Tổng thư ký Ủy ban Trần Văn Mạnh, phó chủ tịch UBNDTP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc. Ngày 8/11/2012, OCA đã chính thức tuyên bố Việt Nam lần đầu tiên giành quyền tổ chức giải đấu thứ 18"


Mới đây, diễn viên Tàu nghề vai Tôn Hành Giả trong Tây Du ký sang VN, đề xuất xin xỏ làm "đại sứ du lịch" giùm VN, quảng bá hình ảnh du lịch giúp huynh đệ. Cô nương Lý Nhã Kỳ lập tức vỗ 2 chân hai tay nhiệt liệt ủng hộ vị Đồng rất mực...
Than ôi ! Dư luận ồn ào chuyện cô Kỳ "đại sứ du lịch" xài bằng "học giả" té ra cũng phần đúng. Người Tàu Lục Tiểu Linh Đồng nếu làm đại sứ du lịch VN rồi bỗng dưng nổi máú khỉ tuyên ngôn "Hoàng Sa, Trường Sa là hai quần đảo của China không thể chối cãi", thời biết tính sao đây nhỉ ?
Việc đăng cai Asiad 18 chỉ cần "không quá 150 triệu đô"cũng đủ để tổ chức"quảng bá hình ảnh đất nước"cũng dễ hiểu. Người Việt ăn cắp ở Nhật Bản, tham lam múc đồ ăn ở Thái Lan, vứt rác ở Đại Hàn đã thành thương hiệu quốc tế ai cũng biết cả. Tại kinh đô Huế -"thành phố Festival lừng lẫy năm châu", kẻ hàng rong liều mình cứu người chết trôi tự tử bị đồng bào ra tay liếm sạch tư trang xôn xao dư luận.
Chuyện ba mẹ con cô giáo cột tay tự sát ở đất Quảng anh hùng vì đói rách, hai nữ sinh uống thuốc diệt cỏ tự sát vì không chịu nỗi cái nghèo đói gia đình, hạ tầng giao thông VN theo thời gian dần dà nát bét, nợ công trút lên đầu mỗi người dân VN phải gánh tăng thêm mỗi từng giờ từng phút... chính là những cái điều khẩn thiết kêu gọi "nước anh hùng phải ra sức quảng bá hình ảnh"


Tiền nào của nấy, "150 triệu đô" so với Hy Lạp hậu thế vận hội Athens năm 2004 vỡ nợ, Trung Hoa hậu Olympic Bắc Kinh 2008 cỏ dại hoang vu, Nga hậu thế vận hội mùa Đông Sochi 2014 thành phố hồn ma hoang vắng... cũng quả nhiên siêu tiết kiệm. Nhưng tiết kiệm tất đẻ ra cái Asiad 18 đói rách đặc chủng năm 2019. Thời buổi kinh tế khủng hoảng, không nước nào nhận tổ chức đăng cai "A si ác", "ta nghèo" dám nhận mới xứng danh anh hùng quảng bá rách tổ đỉa Asiad cơm thua gạo kém.
Nên chăng yêu cần mấy vị "yêu nước nồng nàn ứa mừng nước mắt" như Lý Nhã Kỳ, Hoàng Vĩnh Giang, Lê Như Tiến, Hoàng Tuấn Anh, Vương Bích Thắng... viết cam kết đội lên sẽ chịu hết trách nhiệm như ý kiến "Nếu Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao Vương Bích Thắng khẳng định vâỵ thì cứ cho tổ chức ASIAD nhưng kèm theo cam kết vượt quá 150 triệu đô thì truy tố hinh sự, tịch thu toàn bộ tài sản dù lúc đó ông Thắng đã về hưu hay luân chuyển công tác vẫn phải xét xử...." - thời cái lòng yêu nước dồi dào của đám vị nọ thêm được nâng cao, dân chúng cũng yên tâm không lo bị bọn điếm đĩ khốn nạn nhơn danh lọc lừa đổ họa nợ lên đầu.


Thứ Tư, 9 tháng 4, 2014

Cong mềm mại...


Đường cong hai loại đường cong, cong cứng cáp bên cong mềm mại.
Nhân chủng bác học nói rằng cong cứng cáp thuộc về của đờn ông, cong mềm mại thuộc về của đờn bà. Cong đờn bà thì đẹp hơn cong đàn ông...
Lục lộ đường sá thích thẳng không thích cong. Cực sự đã làm đàng trên núi mới đành theo "thái độ dòng sông", uốn éo tránh né mấy núi non lồi chận cản đường tiến.
Thời bây giờ mở đại lộ thẳng tắp, nơi bình địa thủ đô lắm khi phải "dịch chuyển nhẹ nhàng, tạo ra đường cong mềm mại", tránh né lâu đài quý vị đại tướng đại tá, anh hùng chiến tranh, anh hùng vũ trụ.
Bên cong ra bên cong vô. Cong lõm xén đất đai đập nhà cửa dân chúng lòng thành đồng thuận. Cong lồi bồi đất giữ nhà giữ cửa cho tướng tá "anh hùng" an cư lạc nghiệp lâu bền mặt tiền đại lộ, tấc đất tất vàng.
Đường nắn uốn "cong mềm mại". Giao thông vận tải "hạ tằng". Đẹp lòng dân chúng xã hội chủ nghĩa tay dắt tay đồng tiến.


Chủ Nhật, 6 tháng 4, 2014

Đại sứ du lịch ?


Trung Hoa danh giá nghệ sĩ đóng phim Lục Tiểu Linh Đồng sang thăm nước ta. Ngài đứng chớp ảnh bên lăng "bác" trông rất ra dáng cảm động. Nghe nói vị Đồng "văn hóa nghệ thuật" này mong ước sẽ được làm đại sứ du lịch của VN để "quảng bá" tăng cường hữu nghị nhân dân hai nước.
Cảm động xiếc bao ! Sự người nước Tàu muốn "đại diện" cho An Nam xưa nay không hiếm. Các "quân lính quốc phòng" Hầu Nhân Bảo, Thoát Hoan, Toa Đô, Ô Mã Nhi, Trương Phụ, Mộc Thạnh, Tôn Sĩ Nghị, Đặng Tiểu Bình...
Đơn giản bởi Giao Chỉ, Giao Châu từng đã "sáp nhập" vô Tàu, "An Nam Đô Hộ Phủ" cả ngàn năm châu quận để tình lưu luyến cứ còn còn cứ chưa phai lợt. Sau này, may thay nhờ "bác", cái tình lưu luyến ấy mới cơ hội nhân rộng lên quý hóa quá.


"Việt Nam, Trung Hoa núi liền núi, sông liền sông. 
Chung một biển Đông với tình hữu nghĩ sáng như rạng Đông.
Bên sông tắm cùng một dòng 
Tôi nhìn sang đấy, anh nhìn sang đây, 
Sớm sớm chung nghe tiếng gà gáy cùng.
Chung một ý, chung một lòng Đường ta đi hồng cờ thắng lợi 
Nhân dân ta ca muôn năm "Hồ Chí Minh - Mao Trạch Đông",
Nhân dân ta ca muôn năm "Hồ Chí Minh - Mao Trạch Đông".


Thứ Ba, 1 tháng 4, 2014

"Ngủ ngon nhé MH 370 !"


Sau cả tháng ồn ào vụ việc kiếm chiếc MH 370 mất tích, thông tin dĩ lậu từ nhiều cơ quan hữu trách, có thể giả định "sự thật" như sau :
Đại ca lái máy bay chính gặp hạn 53 tuổi, tâm sanh lý ở đỉnh chu kỳ rối loạn, suy nghĩ có phần tê dại trí tuệ bởi căng thẳng quá mệt mõi công việc, chán chường sanh dục xa cách vợ con, ly thân ly dị đơn độc.
Tâm thần phân liệt mà lái máy bay thì không có gì phải bàn. Thất bại gia đình rồi xô nước "chánh trị cuồng" trước giờ cầm lái đã hắt tràn ly khiến gã chán sống, mong về thế giới bên kia được 40 nàng trinh nữ xả xi trét...
Ý tưởng quả không tồi. Đại ca bèn vội vã vào buồng lái Boeing bấm béo cất cánh...
Người phi công trẻ miệng còn hôi sữa, 27 tuổi mới lần đầu tiên phụ lái, chăm chú dõi theo mấy bảng điện tử kim quay chớp chớp nháy nháy. Xuất kỳ bất ý, một cú Ate'mi kinh điển, đại ca đã khiến trai trẻ gục xuống. Cửa buồng lái khóa chặt lại. Vạn lý độc hành, từ đây đại ca tha hồ thực thi ý tưởng đưa hành khách tới chốn thiên đường.
"Ngủ ngon nhé MH 370 !" Cú vọt lên trên 13 nghìn mét bất ngờ khiến hành khách đồng loạt theo nhau bất tỉnh nhơn sự. Quay ngoắc máy bay về hướng Tây. Trồi lên trụt xuống trồi lên bay để mà bay.


Máy bay chứa 238 con người mê man trong giấc ngủ chết, những thây ma bất động trong chiếc quan tài bay được điều khiển bởi một kẻ tâm thần.
Bầu trời đầy sao.Gã điên mơ màng đến cái cảm xúc Bay đêm Saint-Exupéry rồi khoái trá nhếch mép cười khùng khục.
Máy bay trên vùng biển Ấn Độ Dương. Đại ca bớt phần cuồng loạn, nhớ người vợ, mấy đứa con rồi tự hỏi nếu gã không về thì họ có còn nhớ chi đến gã không nhỉ ?
Quặc chiếc Boeing 777 hướng xuống phía Nam, một vùng biển sâu thẳm sóng gió hết sức hẻo lánh. Cho máy bay bay bằng chế độ tự động an toàn, kẻ điên loạn dốc tuộc hết lọ thuốc ngủ vào miệng...
Tám giờ sáng. Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3/2014. Chiếc MH370 cạn hết xăng, hạ dần độ cao rồi rơi xuống biển. Tình cờ một luồng gió thốc lên bưng đỡ khiến cho sự tiếp nước trở nên nhẹ nhàng hơn.
Máy bay không còn xăng để có thể nổ tung vỡ nát. Nó ngập nước rồi lặng lẽ chìm xuống đáy vực sâu 6,5 km, ẩn lấp dưới lớp bùn cát dày 20 mét chôn vùi...