Thứ Hai, 31 tháng 10, 2011

Nhân sanh bảy tỷ.


UNFPA ( United Nations Fund for Population Activities : Quỹ hoạt động dân số LHQ ) đưa ra đoán độ rằng, vào ngày 31/10/2011 dân số trái đất sẽ đạt tròn 7 tỷ người (sai số trên dưới cộng trừ 56 triệu).
Danica May Camacho, công dân Philippines, sinh tại bệnh viện Jose Fabella Memorial, thủ đô Manila vào lúc 23h58 ngày 30/10 với cân nặng 2,5 kg được vinh danh người xếp vị thứ 7 tỷ trên cái thế giới chật chội này.
Mốc dân số thế giới theo UNFPA là như sau : 1 tỷ - 1804 / 2 tỷ - 1927 / 3 tỷ - 1959 / 4 tỷ - 1974 / 5 tỷ - 1987 / 6 tỷ - 1999 / 7 tỷ - 2011.
Trong số 7 tỷ người hiện nay, thời China chiếm 1,35 tỷ, đứng đầu thế giới, còn nhì Ấn Độ với số dân đã 1,24 tỷ. Người đẻ ra nhiều vô số, đất đai số lượng vẫn vậy, nguy cơ đất chật người đông kiếm ăn không đủ dĩ nhiên. Nhân loại chết đói vì thiếu lương thực sẽ một ngày gần đây.
Ông Tú Xương xưa không lo đói, lại lo nhiều người quá thời không có chỗ mà ở.
"Lẳng lặng mà nghe nó chúc con:
Sinh năm đẻ bảy được vuông tròn.
Phố phường chật hẹp, người đông đúc
Bồng bế nhau lên nó ở non..."


So với 7 tỷ người, cái vị ngã cá nhân mỗi người bụi bặm quá sức nhỏ nhặt. Vậy mà mỗi người ta lại cả một nội tâm thế giới, cố quyết bon chen, chèn lấn nhau kịch liệt, may chăng mới có chỗ mà ở trên cái thế gian bạc bẽo bịp bợm này.
Ngẫm lại đời người, thấy có bài thơ của người Trương Nhự đời Tống như sau :
" Sống bảy mươi năm đã mấy người !
Trước thì tuổi trẻ, sau già lão.
Thì giờ quảng giữa được bao lâu ?
Lại còn viêm lương cùng phiền não.
*
Hoa quá mùa xuân, hoa kém tươi.
Trăng quá mùa thu, trăng kém sáng.
Hoa tươi trong sáng ta ngâm nga,
Rượu năm ba chén say chếnh choáng.
*
Tiền của càng nhiều, càng oán to.
Quan chức càng cao, càng nhọc xác
Quan to, tiền nhiều lòng những lo
Chỉ tổ làm cho đầu chóng bạc.
*
Xuân đi, hạ lại, thu sang đông
Chóng như thoi đưa, như nước chảy.
Vừa tiễn buổi chiều, chuông chùa kêu
Đã báo rạng đông gà sáng gáy.
*
Ta thử tính xem, người nhãn tiền
Một năm đã thấy khuất vô số.
Lô nhô nắm đất cánh đồng hoang
Quá nửa không ai người tảo mộ."


Lời bàn của cụ Ôn Như:
Đời người trăm năm, sống được sáu bảy mươi đã hiếm. Trong khoảng sáu bảy mươi năm ấy, trừ lúc tuổi chưa khôn, tuổi già hết khỏe, quảng giữa còn được vài ba mươi năm có là bao. Mà lại còn gặp biết bao nhiêu những sự đau đớn phiền não !
Ôi, đời người rút lại như thế, có mấy lúc là sống cho ra sống ?
Nên chi, hằng năm hễ gặp được thắng cảnh lương thời, thì ta kịp nên vui chơi cho sung sướng thỏa thích. Hơi đâu mà cứ miệt mài theo đuổi lấy cái sang giàu giả dối chốc lát, để mà lụy đến tấm thân.
Lúc sống thì người chóng già, khó giữ lâu được cái thân. Lúc chết thì thiên hạ chóng quên, khó giữ lâu được mồ mả. Thời giờ mau chóng. Thói đời viêm lương. Vậy người ta lúc sống mà tự khổ thân quá, tưởng cũng là khờ vậy ! Đối với cái thời gian, không gian vô cùng, vô hạn thì một người và một đời người kể có thấm vào đâu ?

Chủ Nhật, 30 tháng 10, 2011

Tự do ngôn luận cổ đại.


Từ năm 722 - 481 trước Công nguyên, ở bên Tàu gọi là thời Xuân Thu.
Từ khi Võ Vương diệt Trụ lập triều nhà Chu, tới đó thì suy vong tàn tạ. Chu Thiên tử hóa bù nhìn, địa phương cát cứ, hàng trăm chư hầu nước nhỏ tự quản các vùng. Trí thức sĩ phu thời loạn sinh sôi nảy nở như nấm được mùa. Triết học lý luận đa cấp đa phần, tử này tử nọ xuất hiện tha hồ viết lách dạy đạo giảng đời, ý tứ tự do nảy nở, văn minh Trung Hoa nhờ ấy tiến bộ rõ rệt.
Thời Xuân Thu có kinh Xuân Thu là bộ biên niên sử của nước Lỗ, dài đến 16.000 từ, làm lộ ra các nước chư hầu này nọ nữa.
Lời bình kinh Xuân Thu, có bộ Tả truyện rất hay. Có một chuyện nói đến tự do ngôn luận ở cái thời cổ đại ấy như sau :
" Dân nước Trịnh thường hay đến trường học thôn quê nghị luận những chính sách hay dở của quan liêu. Quan đại phu nước Trịnh là Nhiên Minh bàn với quan đồng liêu Tử Sản.
- Tôi định phá hết cả các trường thôn quê, ông tính sao ?

Tử Sản nói :
- Để chứ. Phá đi làm gì ? Dân sự người ta sớm tối đến chơi trường học để nghị luận điều phải, điều trái của quan làm. Cái gì người ta cho là phải, ta cứ mà làm; cái gì người ta cho là dở, ta liệu mà đổi đi. Những kẻ nghị luận ấy tức là những ông thầy của ta. Can gì mà phá trường học ?
Vả chăng, tôi nghe nói : hết lòng làm điều phải, thì mới đỡ được chuyện người ta oán trách mình. Tôi chưa từng nghe nói chỉ nạt nộ ra oai, mà tuyệt được hết sự oán trách của người. Cũng như phải đắp đê mà giữ nước, chớ bỏ đê đi, thì nước vỡ tứ tung, bao nhiêu người chết, không thể cứu lại được. Nay ta hẵng cứ để trường học, khiến thường được nghe những câu chê bai để làm thuốc chữa cho ta thì hơn.
Nhiên Minh nghe Tử Sản xong, nói rằng :
- Nay tôi mới biết ông là ông thầy đáng tôn vậy. Tôi thật kẻ bất tài. Ông làm được như lời, thì chẳng những đám chúng tôi được trông cậy mà cả nước cũng được nhờ vậy."
*
Đọc câu chuyện này xong, nhìn cái chánh trị nước Nam tôn vinh đám gian nịnh giao cho chức lớn, sỉ nhục kẻ sĩ trí thức đày vô ngục tối, tội nghị luận khen chê. Than ôi ! Những "ông thầy của ta" nay đã và sẽ bị còng tay hết cả, thời cái viễn cảnh quốc phá gia vong đâu có còn xa.

Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2011

Ma quái lễ hội Halloween.


Bên Tàu ông Bồ Tùng Linh viết truyện ma Liêu Trai chí dị tự sự mấy vong linh cô hồn các đảng, chồn đèn chồn cáo thành tinh rặt huyền hoặc bịa đặt mà ai đọc cũng phải khen hay.
Nhà thơ Tản Đà dịch truyện ấy ra chữ quốc ngữ, đâu được chừng 40 truyện, rồi dẫn bài thơ của Vương Sĩ Trinh ( bạn thân ông Bồ ) làm phi lộ cái truyện ấy.
Nguyên tác :
"Cô vọng ngôn chi, cô thính chi,
Đậu bằng qua giá, vũ như ti.
Liệu ưng yếm tác nhân gian ngữ,
Ái thính thu phần quỷ xướng thi."
Dịch là :
" Nói láo mà chơi ! Nghe láo chơi !
Giàn rưa lún phún, hạt mưa rơi
Chuyện đời hẳn chán, không buồn nhắc.
Thơ thẩn nghe ma đọc mấy nhời. "


Nhớ bài thi dịch ma Tàu, ấy nhờ bọn ma Tây chộn rộn. Số là ở Âu Mỹ, dân người ta đang soạn sửa đồ ma giáo, bí ngô mặt nạ, mừng rỡ đón cái ma quái lễ hội Halloween.
Halloween phiên âm tiếng Tàu gọi là "Hóa Lộ Quỷ", còn Việt kêu bằng "Ma Lộ Hình".
Nguồn gốc ma quái lễ hội này như sau :
Cách đây 2000 năm, người Celts sinh sống ở Ireland, Anh, miền Bắc nước Pháp đón năm mới vào ngày 1/11, thời điểm kết thúc vụ mùa hè thu để bắt đầu mùa đông tối tăm lạnh lẻo. Mùa đông theo họ, gắn liền với cái chết của con người.
Người Celts tin rằng đêm trước năm mới, ranh giới người chết với người sống không còn ngăn cách. Những bóng ma trở về trái đất sẽ gây rắc rối cho người, làm thiệt hại cây trồng, gia súc chết chóc. Vì thế, dân Celts bèn tổ chức lễ hội Samhain vào đêm 31/10 hằng năm. Họ đốt một đống lửa to, hóa trang ma quỷ quái dị, nhảy nhót quanh lửa sáng để xua đuổi bầy ma chuyển vùng.


Thế kỷ thứ VIII, đức Giáo hoàng Gregory III chọn ngày 1/11 tôn vinh các Thánh tử đạo, buổi tối trước đó được gọi là Halloween. Dần dà, Halloween thành ra lễ hội ma quái phổ biến.
Trong đêm Halloween, người lớn bày đồ thực phẩm ra cho bọn ma đói ăn uống thoả thuê. Rồi đốt lửa nhảy múa, bọn trẻ thì hóa trang ma quỷ kéo nhau đi từng nhà xin bánh kẹo...
Biểu tượng của Halloween là những trái bí ngô khoét theo những khuôn mặt ma quái kỳ dị, được thắp nến ở bên trong. Một số kẻ trùm trái bí vô đầu đi dọa chúng chơi.


Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2011

Rừng xưa chưa khép.


Năm 1941, già Thu tròn 51 tuổi, lén lút hoạt động vùng rừng rú biên giới Việt Tàu, truyền bá chủ nghĩa Cộng sản cho các sắc dân thiểu số.
Già sống trong một cốc đạo nhỏ hẹp, ẩm ướt, tăm tối, lạnh lẻo, ẩn nấp dưới chân một ngọn núi ít ai để ý, đề phòng lộ ổ dễ trốn thoát qua Tàu.
Bấy giờ, có sơn nữ người Tày xinh xắn, trắng trẻo, trẻ trung là nàng Nông Thị Ngát ( nghe tỏa ra ngan ngát mùi thơm hoa rừng biên giới ) tuổi vừa tròn 21 ngồn ngộn sức sống, được một số cán bộ đảng đưa đến để già "dạy dỗ lý luận".
Tám tháng, nàng được "chỉ dạy" trong hang đá. Giữa một "bác" lão luyện chuyện đời tứ xứ Tây có, Nga có, Tàu có, với một "cháu" sơn nữ căng tròn nhựa sống. Trong hang ánh lửa bập bùng ấm áp , ngoài kia gió mùa đông bắc lồng lộng thổi, đêm chỉ có mình hai bác cháu bên nhau - bác bác cháu cháu, ngồi học đạo đức cách mệnh.


Những ngày nắng ấm ban mai, bác ra suối Lê nin câu cá, có cháu lội xuống gỡ cần. Quần cháu bị ướt, đâu có nề hà chi, có nắng có gió, có lửa "già Thu" giúp cháu hong khô.
Già vĩ đại yêu cháu lắm, bèn đổi tên cháu Ngát ra Trưng, sau tặng cháu một bài thơ đã đi vào sách vần tiểu học :
Vở này ta tặng cháu yêu ta

Tỏ chút lòng yêu cháu gọi là

Mong cháu ra công mà học tập

Mai sau cháu giúp nước non nhà
.
Cháu yêu ta, ta yêu cháu. Thất ngôn tứ tuyệt cồm cộm hai chữ "yêu, yêu" tuyệt hay.
Sau này, bọn "thù địch" nghi vấn rằng nhờ mấy cái "yêu yêu bác cháu" đó mới ra đời ông Nông Đức Mạnh. Âu là lời đồn đại nghi vấn dân gian, người trong cuộc chưa cho thử DNA di truyền nên đúng sai chưa biết.
Chuyện nọ xọ chuyện kia. Thế gian đang chào xáo ông cựu bí bước sang tuổi "nhân sinh thất thập", vợ vừa mất, bèn bỗng dưng kiếm thêm nửa kia cho đủ đôi đủ đũa, đi cho đến hết cuộc đời.
Tin chưa được kiểm chứng, tuy nhiên ấy cũng tin mừng. Chuyện hôn nhân vốn hỷ sự.
Có lời lạm bàn rằng :
- Thông lệ nước Nam, trai làm nhà xong thời đi hỏi vợ, sinh con đẻ cái chớ xây xong cái nhà to, ai lại để phòng không nhà trống bao giờ đâu. Ông cựu bí thơ vừa xây xong cái nhà, nằm cô đơn trằn trọc đêm hôm một mình thời chịu sao cho thấu.
- Con nuôi cha không bằng bà nuôi ông, con trai đứng đầu một tỉnh, cháu đích tôn danh nổi như cồn sau chuyện xe Lexus, coi như ông cựu đã rồi sự nghiệp làm trai, lo con lo cháu. Học tập cụ Trứ vui hưởng tuổi già quá là vừa !


" Minh quân lương tướng tao phùng dị,

Tài tử giai nhân tế ngộ nan.
Trai anh hùng gặp gái thuyền quyên,
Trong nhất kiến tiền duyên như đã.
Tỳ bà hữu hạnh phùng Tư mã,
Quân tử đa tình cánh khả lân.
Nọ mấy người tài tử giai nhân,
Duyên chi thắm bỗng dần dần đưa lại.
Dầu nghìn dặm băng sơn quế hải,
Đã tình duyên xe lại cũng nên gần.
Liễu hoa vừa gặp chúa xuân,
Châu Trần còn có Châu Trần nào hơn.
Anh hùng hà xứ bất giang sơn !"
- Nam nhi chi chí gặp nữ quốc sắc thiên hương. Hồng nhan tri kỷ sét đánh ngang tai, nhìn nhau ngỡ ngàng. Ta thấy em trong tiền kiếp, như mặt trời lẻ loi. Ta đã thấy em trong tiền kiếp, thời khi rừng chiều đổ mưa sao lại không cùng nhau về cái nhà mới xây mà đốt lửa ?


Thứ Năm, 27 tháng 10, 2011

Kiến, Ong chọi với Cóc.


" Xưa có một người giàu, trong nhà nuôi đủ các giống vật không thiếu giống gì.
Riêng một phòng bên đông thời có những tổ bao nhiêu thứ kiến. Riêng một phòng bên tây thời có một tổ ong, quan quân rất đông. Còn ở phòng giữa thì cô độc chỉ có một con cóc.
Cóc vốn là một con đại nanh, đại ác. Lúc trời gần mưa hể kiến các tổ bò ra đi kiếm mồi, bò ra từng nào là cóc nuốt hết từng ấy. Mùa hoa tươi tốt, hể ong ở tổ bay ra đi thăm hoa, bay ra con nào thì cóc cũng đớp mất con ấy. Cóc thật làm tai hại cả giống kiến lẫn giống ong không biết chừng nào mà kể.
Kiến lấy thế làm giận lắm. Một hôm bảo nhau hội họp cả lại để bàn cách giữ thân giữ nhà. Trong giống kiến, có một con eo lưng nói trước tiên rằng :
- Giặc đến nhà đàn bà phải đánh. Các bác nghĩ sao ? Các bác cứ đem quân ra cự với nó. Chúng tôi đây dù cho yếu ớt, cũng dốc lòng xin theo.
Lại có một con dài cẳng nói rằng :
- Con cóc là cậu ông Trời. Các bác không nghe thấy câu người ta thường vịnh cóc rằng " nghiến răng một cái cơ trời động, tắc lưỡi ba hồi chúng kiến lui " đó sao ? Tôi tưởng đánh nó khó lòng được. Chi bằng ta chịu lui và cầu hòa với nó là hơn.


Kiến càng vừa nói dứt lời, thì một con kiến lửa nộ khí xung thiên, mắng lại rằng :
- Anh nói lui là thế nào, hòa là làm sao ? Nếu nó nghe thấy anh nói thế, nó lại không đến tháo cửa, phá nhà anh ngay đi ư ! Sao mà nhát gan quá lắm vậy ?
Tôi xin với làng kiến, lập tức giờ ngọ hôm nay dân ta phải hội lại cho đủ ba muôn, ta chia ra đội ngũ chỉnh tề rồi ta cùng xông vào, bắt cóc về làm thịt khao quân cho bỏ ghét !
Kiến eo lưng nghe nói bằng lòng lắm, bảo kiến lửa rằng :
- Bác nói phải đó. Thà rằng chết hết thời thôi, chớ đời nào ta lại chịu thua loài cóc nhái.
Kiến lửa được anh em đồng tình, liền đốc thúc xuất ngay mấy muôn binh ròng tướng mạnh, rầm rộ kéo thẳng vào phòng giữa.
Đến nơi, thấy cóc còn đang yên giấc, kiến lửa lấy làm đắc sách, tưởng nhân lúc xuất kỳ bất ý thì bắt được cóc dễ như chơi.
Nào ngờ ngay lúc ấy cóc đang nằm chiêm bao, thấy vị thần đến mách bảo rằng :
" Kiến càng, kiến kệ
Kiến mệ, kiến con
Ước chừng ba muôn
Ngày nay nó đốt..."
Cóc chợt tỉnh dậy, thấy chúng kiến đã áp gần đến nơi, lấy làm mừng lắm, cứ lẳng lặng để cho kiến bò đến rồi đớp luôn một lúc hết hơn hai muôn. Còn ngót một muôn tán lạc, mau mau chạy hết.


Kiến lửa thất thế, tiu nghỉu lui về để chịu tội với làng kiến.
Kiến eo lưng thấy thua trận, còn đang lo nghĩ, chưa biết tiến thoái làm sao, thì chợt có con kiến đen chạy ra xin dâng kế rằng :
- Tôi nghe ở phòng bên Tây có nước Ong rất cường thịnh, binh lính tinh nhuệ, gươm giáo chỉnh tề, mạnh mẽ hơn chúng ta nhiều. Hay để tôi thử sang xin cầu cứu, họa may nước ngoài khứng giúp, thì ta đây có sợ gì ! Cóc nó không phải mặt ăn nổi được ong.
Kiến eo lưng nghe nói mừng lắm, liền làm thơ cho kiến đen đưa sang phòng ong ở.
Chúa ong đang ngự trong cung, thấy có sứ giả nước kiến vào chầu dâng thơ, liền sai thị vệ ra lấy vào xem. Thơ rằng :
Anh em tôi,
Tài hèn sức mọn.
" Nhờ cậy uy linh,
Dám xin ong mình,
Để làm cứu viện.
Cầu cho thương đến
Sức các giống ong
Sang đây hội đồng
Tìm mưu bắt cóc...
Bằng hữu nghĩa dốc
Xin đừng ngại chi.
Giả ơn, báo thù
Đôi đường một nhẽ.
"Thư trình."
Chúa ong nghe thơ khẩn thiết, nghĩ tình ong kiến thể cũng một đoàn. Vả chăng ong bị hại với cóc cũng đã nhiều phen, liền ưng ý, xuất luôn một đoàn ong mật sang hội với lũ kiến để cùng đi bắt cóc. Ong làm tiên phong, kiến đi hậu tập.


Nhưng cóc đã không sợ kiến, cóc cũng nào sợ ong. Lúc ong mon men vào, cóc cứ thỉnh tỉa dần, hết toán này đến toán khác. Sức dài vai rộng, gươm trường giáo ngắn, cũng chẳng làm gì được cóc.
Ong tính lại, đã đến hao tổn ba bốn nghìn quân, lấy làm khiếp sợ bèn tháo lui về.
Ong lui trước, kiến cũng lui sau.
Hai bên ong kiến bèn bảo nhau, đành không làm gì nổi cóc, cóc vốn cậu ông Trời. Trời còn phải sợ nó huống chi là loài ong với loài kiến...
Lúc về tổ, kiến eo lưng truyền cho hết các giống kiến từ giờ không được làm gì khiêu khích đến "ông Cóc" nữa. Đâu đó phải đào hào cho sâu, đắp thành cho cao, cắm chông cắm cừ cho chắc, mà canh gác cho thật cẩn thận để giữ lấy thế thủ vậy.
Biết điều khôn ngoan lắm ! Không đủ sức chống được với người, thì phải tính kế mà phòng giữ lấy thân vậy.
( Truyện cổ nước Nam )

Thứ Ba, 25 tháng 10, 2011

Bangkok nước lụt.


Chao Phraya là con sông lớn nhất Thái với vô số chi lưu dồn nước chảy xuôi về Bangkok rồi đổ ra vịnh Thái Lan.
Mùa lũ năm nay Thái lụt rất to. Gió mùa Tây Nam thổi ào ào, đưa mây đen từ Ấn Độ Dương vào trút mưa xuống không dứt, khiến 3/4 lãnh thổ Thái chìm ngập trong nước lũ.
Bangkok đang đối diện nguy cơ lớn, hàng tỷ mét khối nước cuồn cuộn chảy vào thành phố, triều cường dâng cao chận đường nước thoát.
Hiện 6 quận ở Bangkok đang bị ngập nặng, quận Chatuchak, nơi khu chợ sầm uất thường vẫn thu hút rất đông khách du lịch, đã ở trong biển nước.


Sân bay Don Mueang phía bắc Bangkok là nơi trú thân của hàng ngàn người chạy lụt, nơi chính phủ đặt trung tâm chỉ huy giải quyết khủng hoảng lũ mấy ngày qua, nay cũng đã ngập rồi.
Hàng triệu người dân Bangkok sống nơi nguy hiểm được lệnh sơ tán khẩn cấp.
Tội nghiệp nữ Thủ tướng Yingluck. Tả xông hữu đột, mưu này kế nọ, quyết cùng nội các của bà giải cứu Bangkok trị lụt, ưu tiên bảo vệ khu kinh tế, cứu nạn nhân mắc kẹt.


Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên. Người tưới không bằng trời tưới, mà trời cứ tưới hoài. Mấy vị đối lập đục nước béo cò, còn vu cáo những rằng Yingluck che dấu người ta, đánh lừa dân chúng.
Cơ trời thử thách. Dẫu sao cũng vì chính phủ Bangkok hàng chục năm nay lơ là thuỷ lợi, kênh mương thoát nước thờ ơ vô lối, nay nước đã tới trôn nhảy sao cho kịp ?
Tội lỗi đổ lên đầu kẻ đi sau vậy.



Thứ Hai, 24 tháng 10, 2011

Thói đời.


Đất có lề quê có thói, phép vua còn thua lệ làng thành ra luật không hơn được lệ. Bình đẳng chút thì có luật kèm có lệ, ví dụ lệ kẹp phong bì dúi vô tay địa chánh đo đất đai cấp sổ đỏ, dâng phong bì hai tay lên các vị lãnh đạo tỉnh sở phòng ban. Dẫu gì khi mời quý vị đến hội nghị, đưa phong bì dày an thân lo cái ghế về sau.
Thói đời là cái thói quen ứng xử với nhau ở đời..
Ăn cháo đá bát, thầy lừa bạn phản, đổi trắng thay đen, ngậm máu phun người, dèn siễn nịnh bợ, đội trên đạp dưới, miệng nam mô bụng một bồ dao găm.
Trông thói đời cười ra nước mắt. Tuy nhiên bậc trí giả sống đành tập cho quen cái thói đời ấy, nếu không thì dễ buồn rầu bi đát chết ngỏm.
Chung sống hòa bình. Hòa nhi bất đồng, quần nhi bất phái, chu nhi bất tị là những cách sống phù hợp với cái buổi suy đồi biến loạn xã hội.


" Khuất Nguyên làm quan đại phu cho Sở Hoài Vương, phải kẻ sàm báng mà bị cách chức đuổi về. Mặt mũi tiều tụy, hình dung khô héo, ông vừa đi vừa hát nhạc vàng, nghe quá buồn thúi ruột trên bờ đầm. Có ông lão đánh cá trông thấy hỏi rằng :
- Ông có phải Tam Lư đại phu đó không ? Sao mà đến nỗi khốn khổ như vậy ?
Khuất Nguyên nói :
- Cả đời đục cả, một mình ta trong. Mọi người say cả, một mình ta tỉnh. Bởi vậy nên ta phải phóng khí về vườn.
Ngư phủ bèn nói :
- Thánh nhân không câu nệ việc gì, lại hay tùy thời. Có phải cả đời đục cả, sao không khuấy thêm bùn, vỗ thêm sóng cho đục một thể. Loài người say cả, sao ông không ăn cả men, húp cả bả cho say một thể ? Việc gì mà phải lo xa nghĩ sâu để phải ra nông nổi này ?
Khuất Nguyên nói :
- Tôi nghe mới gội đầu tất phải chải mũ, mới tắm ra tất phải thay đồ. Có đâu chịu đem cái thân trong sạch để cho vật dơ bẩn dính vào ? Chẳng thà nhảy xuống sông Tương, vùi xác vào trong bụng cá, chớ sao đang trắng lôm lốp, lại chịu dây phải bụi dơ ?
Ông lão đánh cá nghe nói tủm tỉm cười, quay bơi chèo đi, rồi hát rằng :
"Sông Tương nước chảy trong veo,
Thì ta đem giặc cái lèo mũ ta.
Sông Tương nước đục phù sa,
Thì ta lội xuống để mà rửa chân".
Hát xong đi thẳng không nói gì nữa.
( Cổ Học Tinh Hoa )

Chủ Nhật, 23 tháng 10, 2011

Cầu đường.


Lộ là đường mà đạo cũng là đường, đạo lộ người ta ngược xuôi đi lại. Lục lộ, thủy lộ, hải lộ, đại lộ, độc đạo, sạn đạo... giao thông vận tải luôn luôn huyết mạch đời sống.
Có nhiều đường di chuyển, kể lể ra như sau :
- Đường rừng là đường trong rừng, rừng già, rừng rậm, rừng thưa thớt. Tiền chiến có nhà văn Lan Khai kể chuyện đường rừng, toàn thú dữ, ma thiêng nước độc ly kỳ rùng rợn, kinh dị gay cấn vô cùng.
- Đường mòn : muông thú rồi người ta băng đi tìm lối, lối đi phù hợp dần dà cỏ cây banh xé, mòn dấu chân người, sinh sự ra cái đường mòn. Nổi nhất đường mòn HCM mở ra hồi chiến tranh, đưa quân lính, xe tăng đạn pháo "xung kích" bắn phá, nhuộm đỏ miền Nam.
- Đường làng, dân chúng quần cư nông thôn gọi là làng, dân làng qua lại chợ búa, giao lưu sinh hoạt đường đất đá lòng vòng, cong lên quẹo xuống, tre pheo lùm bụi, bờ đê quán dốc.
"...Trên đường làng, chị gánh gồng buổi chợ
Mẹ vội vàng nghe nắng mới bửa cau
Khi con nước lưng dòng
Em đem áo phơi ngô ngày bão lụt
Có những phiên chợ đêm
Người đi như cánh vạc
Những bước chân tiết tấu đàn vui
Từ xóm Đông, cầu qua thôn Bắc
Tình đầu sông vọng tiếng cuối làng…"


- Đường Cao tốc : Đường xe cộ chạy tốc độ cao. Rộng rãi, láng nhựa trơn tru, xe chạy nhanh, an toàn là bạn. Đường cao tốc Đà Lạt Liên Khương cấm xe máy lưu thông, dân chúng sống hai bên đường bị cấm đoán mô tô, sợ phạt đành ngồi nhà ngó ra.
- Đường Quốc lộ 1 : trước gọi đường Cái quan, đường Thiên lý, nay gọi đường Quốc lộ 1. Đường này chật hẹp, lượng xe cộ lưu thông rất lớn : xe tải siêu trường siêu trọng, xe khách, xe hàng, xe bồn xăng dầu, xe chở heo trâu bò... Khi một xe tai nạn, đường nghẹt, đoàn xe nằm chờ đợi thông đường cả hàng dài.
- Đường "Đại lộ HCM" là đường mòn HCM mở ra rộng rãi, nhưng quá ít người qua lại. Do đường băng qua núi rừng nên được nhiều người gọi là đường phá rừng, đường phục vụ lâm tặc, tác dụng gây lũ ngập lụt nghiêm trọng đồng bằng miền Trung. Đường tiêu biểu cho tầm nhìn chiến lược
- Đường "Huyền thoại HCM trên biển", đường bổng dưng rộn rã năm 2011, đường quá khứ vẻ vang kính phục đảng bác. Con đường huyền thoại ven biển, sát bờ, trong hải phận, men theo "đường lưỡi bò". Có vẻ như là con đường anh hùng dĩ vãng, nên chưa thấy China phản ứng này nọ.
- Đường Nội đô : là đường đi trong thành phố, đường lớn kẹt xe, đường nhỏ kiệt quệ. Lượng ô tô mô tô tăng thêm từng ngày, người kiến cỏ sinh sôi nẩy nở, đường vẫn như xưa, nạn kẹt xe gay gắt.


Kiều là cầu, mà kiều cũng là Kiều. Xây cầu Đồng tước khóa xuân hai Kiều, cầu bắt qua sông cho người ta đi lại thuận tiện.
Cầu cũng nhiều chuyện, chỉ vắn tắt như sau :
Qua sông khởi thủy là bơi mà qua. Tiến bộ lên dùng bè chuối, bè nứa, bè cây. Sau đó là đò ngang, rồi phà. Trước khi biết bắt cầu, người ta treo sợi dây ngang hai bờ, rồi dùng ròng rọc đu qua, gọi là đu dây qua sông. Đu chán chê thì phát minh ra cầu khỉ hay cầu tre. Đóng cho mấy cây tre xuống lòng sông, bắt mấy thanh ngang lên, vừa vịn tay, vừa bước chân. Trông hao hao như con khỉ vụng về trèo qua nhánh cây vậy.


Cầu tre phát triển lên cầu sắt, cầu bê tông. Rất chắc chắn, xe cộ người ngợm qua lại nườm nược như ngày nay. Cầu hiện đại phải kỹ sư cầu cống, có phương tiện tối tân, có thợ cầu tay nghề mới làm được.
Nhiều cây cầu đẹp hiện đại, ai cũng biết, nên không bàn nhiều làm chi.

Thứ Sáu, 21 tháng 10, 2011

Kết thúc Gaddafi.


Quân NTC tấn công dữ dội quê hương cố thủ Sirte của tên độc tài Gaddafi. Lính đánh thuê Phi châu, bọn đàn em trung thành cùng đám "bà con" chế độ lâm thế chó cùng rứt dậu nguy hiểm.
Bên ngoài thế giới, mấy độc tài phản động cùng phe, đưa tin đầy hy vọng " Tổng thống Gaddafi đang tuyển 12.000 quân Phi châu phản công giành lại chánh quyền ".
Ấy thế, số phận tay bạo chúa khát máu cũng tới hồi kết. Người ta tìm thấy hắn núp dưới một lỗ cống chấp tay van xin tha cái mạng chó của hắn.
Hằng vạn người bị hắn giết chết trong 42 năm như đang sống, vây quanh phán quyết.


Dân chúng Libya reo mừng thoát nạn độc tài. Thế giới chúc mừng bóng ma gieo tội ác ở Libya đã hết khả năng đe dọa dân lành. Thời kỳ mới cho đất nước Libya đã mở ra.
Riêng "Viêtnam+" đưa tin về cái chết "Tổng thống Gaddafi", rồi ra quy kết : "nếu đúng là ông Gaddafi bị bắn chết sau khi bị bắt sống thì lực lượng NTC đã vi phạm điều luật quốc tế về tù binh chiến tranh", nghe sặc sụa cái truyền thông "chính nghĩa VC" quá đi.



Thứ Năm, 20 tháng 10, 2011

Về quê ngoại.

Hải ngoại thứ thiệt nghĩa là dân tỵ nạn chánh trị, bám càng máy bay, nổi trôi ghe ghọ liều thân tẩu thoát, rời bỏ đất mẹ, chớ không phải mấy di dân kinh tế.
Trở về lại quê nhà. Đường xưa lối cũ nay dâu bể tang thương, làng xóm biến phố thị bê tông cốt sắt văn minh lịch sự. Ngồi trầm ngâm chút hoài cổ cái thời đêm yên tĩnh lo âu đạn pháo dội về làng, chui vội xuống hầm trốn tránh.
Vườn xưa ông cố để lại cho con cháu, nhà tre nứa ọp ẹp, tiền cau hậu chuối, hoa cau thơm ngát đêm hè. Bà ngoại nghiện ăn trầu từ thủa bà còn con gái bán buôn chợ búa, khi già yếu rồi ngồi buồn, bửa cau nhai trầu tìm lại cái cảm giác mạnh mẻ, cái sức sống trẻ tuổi cho hồi lại thoáng chốc.
Thương nhau cau sáu bổ ba, quả cau xanh cắt lột vỏ, hớt cái đầu núm rồi bổ ra. Đứa cháu ngồi chực bà ăn bớt cái phần cơm ngọt bùi miếng cau ít ỏi. Nhà có việc, bà nấu chè bông cau ngon quá.


"Hoa cau rụng trắng ngoài hè", cái quê hương nhớ thương cau có, còn đâu nữa ? Làm kinh tế, sân vườn thành ra mấy nhà trọ chật hẹp đi rồi. Bà ngoại cũng mất đã lâu.
Tự nhiên nhớ bài hát về quê ngoại của Duy Khánh. Giọng ca trầm ấm của ông được nhạc sĩ Phạm Duy bình rất là đúng : trong giọng ca Duy Khánh, nghe âm hưởng tiếng trống Cổ thành, tiếng thông reo trên đồi Vọng Cảnh...
Lớp trẻ "hiện đại hóa" bây giờ ít ỏi biết đến Duy Khánh. Lớp trẻ có những đam mê, những lối sống, những cái tai nghe nhạc thích thú thời thượng.
Cũng dĩ nhiên, mỗi thời đại riêng ý thức hệ, từng thế hệ có thị hiếu âm nhạc, mỗi người mỗi thích. Điều chính nghe nhạc nâng tâm hồn người ta lên là được rồi, như ý kiến Chế Linh : "Chúng ta không nên vì thích dòng nhạc này mà khó chịu với dòng nhạc khác. Trong một vườn hoa, trăm bông đua nở. Không phải hoa hồng, hoa lan mới là hoa quý. Có những người lại thích hoa dại đó thôi. Không chỉ âm nhạc mà văn học, hội họa, điện ảnh… cũng phân thành nhiều thể loại và chính điều đó làm nên sức hấp dẫn cho nghệ thuật."



Thứ Tư, 19 tháng 10, 2011

Chuyện thầy Đồ.


Xứ ta xưa gọi là đất Giao Chỉ, nguyên bởi dân ta có hai bàn chân ngón cái cong cớn giao lại với nhau. Đến khi người Tàu tràn xuống chiếm hết, sáp nhập vô thành một châu quận của họ, đặt là Giao Châu, rồi đem văn minh phong hóa truyền bá, du nhập vào mấy chánh sách cai trị áp đặt để mà đồng hóa.
Các quan Thái thú như Tích Quang, Nhâm Diên, Sĩ Nhiếp... dần Nho hóa đời sống tinh thần dân Nam, văn hóa giáo dục nẩy nở ra thầy đồ làng dạy chữ khuôn phép thánh hiền.
Một nghìn năm đô hộ rồi qua, dân Nam nổi dậy lấy nước được, thầy đồ làng xã vẫn phép Khổng, Mạnh : xưa người bày nay mình làm, quân sư phụ, tam tự kinh, gia thê đái tử...
Lúc sau, văn minh Âu Tây ồ ạt lấn sân, chữ Quốc ngữ thay chữ thánh hiền, dân chúng thích thú tiếp cận cái mới nẩy nở, kết cấu xã hội chánh trị thay đổi, Nho giáo dần tàn tạ.
Các thầy đồ ngày xưa biến mất hết, khai sinh tầng lớp mới gọi là thầy giáo.
Vài ba chuyện ông thầy đồ, dân gian truyền miệng lại, gọi là giải buồn rầu :


" Một thầy đồ hay trách vặt. Một hôm đang buổi học, có người đến xin phép thầy cho một học trò được nghỉ dở buổi học vì ở nhà có giỗ. Thầy liền cho học trò ấy về ngay. Suốt ngày hôm ấy ai mời thầy đi đâu thầy cũng không đi. Thầy cầm chắc rằng, hôm nay sẽ được một bữa chén no nê, sao gia đình học trò ấy lại không mời mình được !
Chờ đã hết ngày cũng không thấy ai đến mời. Tối đến ngoài trời mưa tầm tã, trong nhà thầy vẫn chong đèn, ngồi ngóng tin mời. Trời càng khuya, gió thổi càng lạnh, đợi mãi không thấy, thầy đồ phải tắt đèn đi ngủ. Tuy vậy, thầy vẫn không dám ngủ. Song đôi mắt của thầy đâu có theo ý muốn của thấy. Nó cứ ríu dần, ríu dần, thầy đồ đã ngủ mơ. Chợt có tiếng động rèm, thầy đồ giật mình thột dậy. Trong bụng tưởng như cờ phất, thầy liền hỏi :
- Sao đến khuya thế con ? Khuya thế ?...
Mãi không có tiếng đáp lại. Thầy đồ thắp đèn lên xem, thì chẳng thấy ai cả, chỉ thầy một con chó lông ướt mẹp đang đứng cạnh rèm, cái đuôi ngoắt ngoắt, đôi mắt lấm lét nhìn chủ.
Thầy đồ bực quá, bụng bảo dạ: "Sáng mai phải cho thằng này bài học mới được ! Ðồ tệ !".
Sáng hôm sau, lớp học vẫn tiến hành như thường lệ, học trò đến lớp đông đủ. Ðang buổi học nghĩa, em học trò nọ giở sách ra, chỉ vào chữ thứ nhất của hàng đầu, bài thầy mới viết, hỏi thầy:
- Thưa thầy chữ gì đây ?
- Chữ "tệ".
Thầy cắt nghĩa luôn: "tệ là tệ". Em học trò không hiểu ý thầy nên vẫn điềm nhiên học: "tệ là tệ", "tệ là tệ". Hỏi sang chữ thứ hai, thầy vẫn bảo đó là "tệ" và cũng cắt nghĩa "tệ là tệ". Chữ thứ ba, thứ tư, thứ năm, thầy cũng bảo như vậy. Sang chữ thứ sáu, vừa nghe thầy nói đó cũng là chữ "tệ" xong, em học sinh ngơ ngác hỏi:
- Thưa thầy, tệ cả hàng phải không ạ ?
Với giọng như ngậm roi trong miệng, thầy đáp:
- Phải, nhà mày tệ cả họ chứ không chỉ cả hàng đâu !!! "

*
" Thầy đồ kia thấy đứa học trò nhỏ cầm cái bánh rán. Thầy rằng : "Mầy đem đây, tao làm cái trăng khuyết cho mầy coi".
Đứa học trò không dè đưa cái bánh cho thầy, thầy cắn phứt hết nửa cái nhai nuốt, rồi nói rằng : "Ðể tao làm trăng lặn cho mầy coi !".
Thầy vừa há miệng định cắn hết cái bánh, thằng nhỏ nóng ruột lấy tay giật lại. Thầy cắn hụt nhầm tay nó, nó khóc.
Thầy dỗ rằng: "Thôi thôi, bữa nay tao tha mầy khỏi phải học.
Về nhà có hỏi thì mầy nói bị chó cắn nhầm tay nhé !".

*
"Có một ông thầy đồ kia, thấy chủ nhà mình đang ngồi dạy học giàu có muôn hộ, cơm ăn không hết, còn gia đạo mình thì bần hàn túng thiếu, nên có ý muốn đem theo con mình ở chung ăn học để khỏi tốn cơm nhà.
Bữa nọ, sẵn dịp thằng con ông chủ nhà quên mặt chữ, thầy mới nhắc khéo:
- Phàm học trò thì nhờ có bạn tác nó nhắc nhở nhau và nâng trí đua nhau học tập. Tôi có một đứa con, phải cho nó được ở gần, cặp sách bầu bạn với cậu em, hầu có quên thì nó nhắc. Ông chủ nhà liền căn dặn sang năm thế nào thầy cũng nhớ đem đứa nhỏ theo.
Thầy về thăm nhà và gọi đứa con ra dặn trước:
- Tao khoe mày bên ông chủ nhà là mày học hành sáng láng, nhưng tao biết mày ngu độn hơn ai hết. Vậy tao cho mày ba chữ này, mày hãy ráng nhớ cho thuộc làu để nữa trước mặt ông chủ, tao hỏi lại thì mày phải trả lời cho thông, như vậy thì mới mong ở lại được. Ba chữ ấy là chữ “Cơm”, chữ “Mền”,và chữ “Cha”.
Cha con giáp lối xong, đứa con bèn học hồi lâu, thầy mới dắt qua bên nhà chủ.


Cơm nước xong xuôi, ông chủ nhà đem sách ra cho nó đọc thì nó không đọc được chữ nào, thậm chí chữ “Nhất” một nét ngang nó cũng không biết.
Thầy bào chữa cho con: - Tính nó nhát, ông hỏi nó ngay nên trả lời không được. Vậy để tôi viết chữ ra, thử nó đọc cho mà xem.
Nói rồi, thầy viết chữ “Mền”, hỏi nó chữ gì? Nó đứng ngơ ngác không nói. Thầy nhắc khéo:
- Vậy chớ ban đêm khi ngủ, mày đắp bằng giống gì?
Nó cứ tình thật đáp:
- Đắp bằng chiếu manh.
Thầy giận, viết chữ “Cơm” hỏi nó, nó vẫn trơ trơ. Thầy nhắc:
- Vậy chớ thường bữa mày ăn giống gì?
Nó đáp tỉnh bơ:
- Ăn tấm độn khoai.
Thầy giận quá, viết chữ “Cha”, hỏi nó:
- Còn chữ gì đây?
Nó lại u ơ ngơ ngác. Chán quá thầy hỏi:
- Vậy chớ mẹ mày tối ngủ với ai?
Nó đáp gọn băng:
- Ngủ với ông xã ! "

Trang sử cũ.


" Nhớ từ thuở Lạc Long Quân dựng nước
Cùng Âu Cơ thành lập họ Hồng Bàng,
Mười tám đời kế tiếp ở Văn Lang
Danh Phù Đổng Thiên vương truyền hậu thế.
Nước Âu Lạc theo Loa Thành đổ bể
Gươm Lữ Gia còn vấy máu Ai vương
Trải ngàn năm Bắc thuộc chịu đau thương
Dân tộc Việt đã nhiều phen quật khởi.
Hai Bà Trưng đất Mê Linh thắng lợi
Mấy đời sau thêm nữ tướng Nhụy Kiều
Từ Cửu Chân vùng dậy cởi voi theo
Lý Nam Đế trao quyền cho họ Triệu
Đầm Dạ Trạch lừng danh nơi hiểm yếu
Mai Thúc Loan rồi kế tới Phùng Hưng
Đất Giao Châu danh Khúc Hạo vang lừng
Dương Diên Nghệ đắp xây nền tự chủ
Nhờ Ngô Quyền, Bạch Đằng giang bất tử
Thành mồ chôn quân Nam Hán hung tàn.
Sau nhà Đinh, quan Thập Đạo Lê Hoàn
Đã phá Tống bắt giết Hầu Nhân Bảo.
Lý Thường Kiệt tiến quân như vũ bão
Hạ Khâm, Liêm rồi vây hảm Ung châu.
Hội nghị Diên Hồng tính kế cùng nhau
Phá Mông Cổ đã có Trần Quốc Tuấn.
Cuộc chiến đấu trải mười năm lận đận
Bình Định Vương tuốt kiếm ở Lam Sơn.
Gươm Quang Trung đã trút hết căm hờn
Lên hàng chục vạn quân Tôn Sĩ Nghị.



Cuộc chiến đấu lâu dài không phút nghỉ
Lại vẫn còn tiếp tục tới gần đây
Khi bắt đầu va chạm với phương Tây
Gò Công nhớ Phó Lãnh binh Trương Định.
Tri huyện Toại, Thiên Hộ Dương thống lĩnh
Đồng Tháp Mười là căn cứ nghĩa quân.
Vùng Tân An lại có Thủ Khoa Huân
Họp dân chúng ở Hóc Môn, Bà Điểm
Nguyễn Tri Phương với tinh thần quyết chiến
Xé bông băng nhịn đói chết theo thành.
Tiếp theo sau Hoàng Diệu cũng lừng danh
Khi tuẩn tiết phía sau lăng Võ Miếu.
Hịch Cần Vương vua Hàm Nghi xuống chiếu
Núi Vụ Quang nổi bật bóng Đình Phùng.
Lũy Ba Đình Đinh Công Tráng tận trung
Khu Bãi Sậy còn lưu danh Tán Thuật.
Rừng Yên Thế khiến sài lang mất mật
Khi nghe tin Đề Thám họ Hoàng Hoa


Phong trào Duy Tân lan khắp gần xa
Hưởng ứng có Sào Nam, Tăng Bạt Hổ
Sau Tây Hồ, Lương Văn Can cổ vũ
Đặng Kinh Luân, Dương Bá Trạc, Nguyễn Quyền
Lập Đông Kinh Nghĩa thục để tuyên truyền.
Tiếp theo đó là Thái Nguyên khởi nghĩa
Phạm Hồng Thái liều thân nơi khách địa
Lửa Lâm Thao, Yên Bái cũng vùng lên
Mười ba nhà liệt sĩ đã hiên ngang
Nhìn máy chém hô Việt Nam độc lập.
Phục quốc quân miền Lạng Sơn bất khuất
Còn biết bao nhiêu liệt sĩ anh hùng
Đã ra tay chống kẻ thù chung
Quyết chiến đấu để dành quyền tự chủ
Máu đỗ, đầu rơi, gương vung, đạn rú
Cũng không hề lay chuyển nổi tinh thần
Lòng hy sinh dũng cảm của toàn dân "

( T/g Bảo Vân )

Thứ Hai, 17 tháng 10, 2011

Giải buồn nghe nhạc Beyoncé.


Có người bày cho, khi nào buồn cứ đem Lê nin toàn tập ra mà đọc thời sẽ hết.
Âu đó cũng là cách hay, nhưng chắc phù hạp riêng quý vị như Đinh Huynh Lão tiền bối ấy thôi. Cách giải buồn trí óc khỏi nặng nề vẫn là chơi thể thao hay nghe nhạc.
Bên Mỹ rất nhiều danh ca, nhóm nhạc lừng lẫy không xiết kể. Ai thích nghe chi, thời lên Youtube tha hồ tìm kiếm mà nghe.
Mấy hôm nay, thị trường Youtube âm nhạc đang rình rang clip của Beyoncé.
Beyoncé Giselle Knowles, sanh năm 1981 ở Houston (Texas), là nữ ca sĩ da màu nổi tiếng với kỷ lục nghệ sĩ nữ đoạt nhiều giải Grammy nhất. Trước khi qua solo, cô là thành viên chính của R&B Destiny's Child, một trong những nhóm nhạc nữ có số lượng đĩa bán chạy nhất mọi thời đại.
Hiện nay, tạp chí Forbes đã liệt kê Beyoncé đứng thứ tư trong danh sách "Những người nổi tiếng có ảnh hưởng nhất thế giới".





Khóc sai lầm.


Người đa cảm xúc động mau nước mắt hay khóc khi có nguyên nhân để mà khóc.
Trước đây, nhà giàu có việc tang chế, muốn cho rộn đám thời họ thuê các chị đàn bà khóc mướn đến khóc lóc kể lể, gọi là nhờ cậy bọn "thương vay khóc mướn".
Đàn bà mau nước mắt, mới có câu nước mắt đàn bà.
Đàn ông cũng có người thích khóc lóc kể lể. Nhất là ai vị tấm lòng đại nhân bao la bát ngát, thương thiên hạ nhiều lắm mới rơi nước mắt mà lau.
Điển hình vị đại nhân khóc, phải nói đứng đầu là người vĩ đại.
Trong cuốn sách của người tự tay viết để ca ngợi người, tiết lộ rằng người đã khóc vì mừng sau khi cầm được luận cương Lê nin.
"Luận cương của Lê nin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao. Tôi mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong phòng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: "Hỡi đồng bào bị đày đọa đầy đau khổ, đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng của chúng ta".
Sau đó, người bèn du nhập cộng sản về nước, cho dân ta nếm mùi, phát triển ra cái "định hướng XHCN" tận nay.
Hồi tại Bắc Việt làm cách mệnh đấu tố, số người ra trước tòa án nhân dân chết oan thảm thiết nhiều quá, người thấy người khóc. Người lau lau nước mắt, khóc vì buồn sai lầm chớ không phải vì vui.




Chuyện người vĩ đại khóc cảm động quá, chuyện dân khóc sai lầm cũng ngậm ngùi.
Cái hồi làm kinh tế toàn dân "tăng gia sản xuất", "thực hành tiết kiệm", "xây dựng nền sản xuất lớn XHCN", cũng bởi trường kỳ ngô khoai sắn, thiếu thốn đạm thịt mà nhiều người đã mừng đến phát khóc khi mua được mấy con ốc bưu vàng về nuôi !
Sau khi mấy nước đi theo cái định hướng Lê nin, thân tàn ma dại rả đám, dân mình "đổi mới", mới hiểu ra mấy thứ ngoại lai nhập khẩu, hóng hớt mừng rỡ rước về vì ngu, tất sau phải khóc ròng. Nhất là khi chúng đã lây nhiễm tràn lan độc hại, xóa sổ cách mấy vẫn khó bề trừ cho hết.
Tham khảo số ngoại lai sinh vật, dại dột rước về cần tiêu diệt gấp gấp :
- Ốc bưu vàng : nguồn gốc Nam Mỹ. Mau đẻ, đẻ mau tới ngàn trứng/tháng. Trứng màu hồng, đỏ từng chùm rất máu me "cách mệnh". Ốc này ăn lá lúa lá mạ, tác hại phá lúa tràn lan diện rộng, trung bình mỗi năm “ăn” hết hơn 200.000 ha lúa. Ngoài lúa, chúng còn hại tảo, rau muống, khoai sọ, trứng và được ví như máy nghiền vì có thể ăn liên tục trong 24 giờ. Đặc biệt, ốc bưu vàng còn gặm vỏ cây tràm mới trồng, gây chết cây ở vùng Đồng Tháp Mười.


- Rùa tai đỏ : xuất xứ Bắc Mỹ, người ta thấy đẹp nhập về nuôi làm cảnh, không biết rằng đây là động vật có mặt trong top 100 loài xâm hại môi trường ác độc nhất.
Rùa tai đỏ sống lâu cả thế kỷ, sức ăn tạp vô cùng tận diệt. Các loài thủy sinh khác có thể vì nó mà lâm cảnh đói kém tuyệt chủng.
Rùa tai đỏ có hai tai màu đỏ "máu lửa", là sinh vật trung gian truyền vi trùng sốt thương hàn rất nguy hiểm.


- Cây Mai dương Trinh nữ : nguồn gốc Trung Mỹ, là loại cây Mắc cỡ cở lớn. Một số kẻ rước về trồng làm hàng rào để rồi nó phát tán vô cùng nhanh, chỗ nào cũng mọc .
Mai Dương thân gai nhọn, chiếm cứ hết diện tích, không cho cây nào khác sống được. Nhiều vùng đất đã bị Mai Dương che phủ, dân chúng quá khổ sở chặt đi mọc lại ê chề.


- Hải Ly : Là một loài gậm nhấm, sống hoang dã, đào hang móc đất, cắn cây khới gốc, xoi thủng đê điều rất nguy hiểm. Nhập của China về làm loài vật nuôi, tạo thu nhập bổ sung, cung cấp thịt để ăn, da lông xuất khẩu, ruột sản xuất chỉ tự tiêu. Rất may các nhà khoa học cảnh báo sớm, diệt hơn mấy ngàn con, loại bỏ được hẳn thẳng tay.


- Clip nên khóc vì bún ốc : "những giọt nước mắt chân thực còn hơn những giọt lệ tình..."