Chủ Nhật, 23 tháng 10, 2011

Cầu đường.


Lộ là đường mà đạo cũng là đường, đạo lộ người ta ngược xuôi đi lại. Lục lộ, thủy lộ, hải lộ, đại lộ, độc đạo, sạn đạo... giao thông vận tải luôn luôn huyết mạch đời sống.
Có nhiều đường di chuyển, kể lể ra như sau :
- Đường rừng là đường trong rừng, rừng già, rừng rậm, rừng thưa thớt. Tiền chiến có nhà văn Lan Khai kể chuyện đường rừng, toàn thú dữ, ma thiêng nước độc ly kỳ rùng rợn, kinh dị gay cấn vô cùng.
- Đường mòn : muông thú rồi người ta băng đi tìm lối, lối đi phù hợp dần dà cỏ cây banh xé, mòn dấu chân người, sinh sự ra cái đường mòn. Nổi nhất đường mòn HCM mở ra hồi chiến tranh, đưa quân lính, xe tăng đạn pháo "xung kích" bắn phá, nhuộm đỏ miền Nam.
- Đường làng, dân chúng quần cư nông thôn gọi là làng, dân làng qua lại chợ búa, giao lưu sinh hoạt đường đất đá lòng vòng, cong lên quẹo xuống, tre pheo lùm bụi, bờ đê quán dốc.
"...Trên đường làng, chị gánh gồng buổi chợ
Mẹ vội vàng nghe nắng mới bửa cau
Khi con nước lưng dòng
Em đem áo phơi ngô ngày bão lụt
Có những phiên chợ đêm
Người đi như cánh vạc
Những bước chân tiết tấu đàn vui
Từ xóm Đông, cầu qua thôn Bắc
Tình đầu sông vọng tiếng cuối làng…"


- Đường Cao tốc : Đường xe cộ chạy tốc độ cao. Rộng rãi, láng nhựa trơn tru, xe chạy nhanh, an toàn là bạn. Đường cao tốc Đà Lạt Liên Khương cấm xe máy lưu thông, dân chúng sống hai bên đường bị cấm đoán mô tô, sợ phạt đành ngồi nhà ngó ra.
- Đường Quốc lộ 1 : trước gọi đường Cái quan, đường Thiên lý, nay gọi đường Quốc lộ 1. Đường này chật hẹp, lượng xe cộ lưu thông rất lớn : xe tải siêu trường siêu trọng, xe khách, xe hàng, xe bồn xăng dầu, xe chở heo trâu bò... Khi một xe tai nạn, đường nghẹt, đoàn xe nằm chờ đợi thông đường cả hàng dài.
- Đường "Đại lộ HCM" là đường mòn HCM mở ra rộng rãi, nhưng quá ít người qua lại. Do đường băng qua núi rừng nên được nhiều người gọi là đường phá rừng, đường phục vụ lâm tặc, tác dụng gây lũ ngập lụt nghiêm trọng đồng bằng miền Trung. Đường tiêu biểu cho tầm nhìn chiến lược
- Đường "Huyền thoại HCM trên biển", đường bổng dưng rộn rã năm 2011, đường quá khứ vẻ vang kính phục đảng bác. Con đường huyền thoại ven biển, sát bờ, trong hải phận, men theo "đường lưỡi bò". Có vẻ như là con đường anh hùng dĩ vãng, nên chưa thấy China phản ứng này nọ.
- Đường Nội đô : là đường đi trong thành phố, đường lớn kẹt xe, đường nhỏ kiệt quệ. Lượng ô tô mô tô tăng thêm từng ngày, người kiến cỏ sinh sôi nẩy nở, đường vẫn như xưa, nạn kẹt xe gay gắt.


Kiều là cầu, mà kiều cũng là Kiều. Xây cầu Đồng tước khóa xuân hai Kiều, cầu bắt qua sông cho người ta đi lại thuận tiện.
Cầu cũng nhiều chuyện, chỉ vắn tắt như sau :
Qua sông khởi thủy là bơi mà qua. Tiến bộ lên dùng bè chuối, bè nứa, bè cây. Sau đó là đò ngang, rồi phà. Trước khi biết bắt cầu, người ta treo sợi dây ngang hai bờ, rồi dùng ròng rọc đu qua, gọi là đu dây qua sông. Đu chán chê thì phát minh ra cầu khỉ hay cầu tre. Đóng cho mấy cây tre xuống lòng sông, bắt mấy thanh ngang lên, vừa vịn tay, vừa bước chân. Trông hao hao như con khỉ vụng về trèo qua nhánh cây vậy.


Cầu tre phát triển lên cầu sắt, cầu bê tông. Rất chắc chắn, xe cộ người ngợm qua lại nườm nược như ngày nay. Cầu hiện đại phải kỹ sư cầu cống, có phương tiện tối tân, có thợ cầu tay nghề mới làm được.
Nhiều cây cầu đẹp hiện đại, ai cũng biết, nên không bàn nhiều làm chi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét