Thứ Tư, 19 tháng 10, 2011
Chuyện thầy Đồ.
Xứ ta xưa gọi là đất Giao Chỉ, nguyên bởi dân ta có hai bàn chân ngón cái cong cớn giao lại với nhau. Đến khi người Tàu tràn xuống chiếm hết, sáp nhập vô thành một châu quận của họ, đặt là Giao Châu, rồi đem văn minh phong hóa truyền bá, du nhập vào mấy chánh sách cai trị áp đặt để mà đồng hóa.
Các quan Thái thú như Tích Quang, Nhâm Diên, Sĩ Nhiếp... dần Nho hóa đời sống tinh thần dân Nam, văn hóa giáo dục nẩy nở ra thầy đồ làng dạy chữ khuôn phép thánh hiền.
Một nghìn năm đô hộ rồi qua, dân Nam nổi dậy lấy nước được, thầy đồ làng xã vẫn phép Khổng, Mạnh : xưa người bày nay mình làm, quân sư phụ, tam tự kinh, gia thê đái tử...
Lúc sau, văn minh Âu Tây ồ ạt lấn sân, chữ Quốc ngữ thay chữ thánh hiền, dân chúng thích thú tiếp cận cái mới nẩy nở, kết cấu xã hội chánh trị thay đổi, Nho giáo dần tàn tạ.
Các thầy đồ ngày xưa biến mất hết, khai sinh tầng lớp mới gọi là thầy giáo.
Vài ba chuyện ông thầy đồ, dân gian truyền miệng lại, gọi là giải buồn rầu :
" Một thầy đồ hay trách vặt. Một hôm đang buổi học, có người đến xin phép thầy cho một học trò được nghỉ dở buổi học vì ở nhà có giỗ. Thầy liền cho học trò ấy về ngay. Suốt ngày hôm ấy ai mời thầy đi đâu thầy cũng không đi. Thầy cầm chắc rằng, hôm nay sẽ được một bữa chén no nê, sao gia đình học trò ấy lại không mời mình được !
Chờ đã hết ngày cũng không thấy ai đến mời. Tối đến ngoài trời mưa tầm tã, trong nhà thầy vẫn chong đèn, ngồi ngóng tin mời. Trời càng khuya, gió thổi càng lạnh, đợi mãi không thấy, thầy đồ phải tắt đèn đi ngủ. Tuy vậy, thầy vẫn không dám ngủ. Song đôi mắt của thầy đâu có theo ý muốn của thấy. Nó cứ ríu dần, ríu dần, thầy đồ đã ngủ mơ. Chợt có tiếng động rèm, thầy đồ giật mình thột dậy. Trong bụng tưởng như cờ phất, thầy liền hỏi :
- Sao đến khuya thế con ? Khuya thế ?...
Mãi không có tiếng đáp lại. Thầy đồ thắp đèn lên xem, thì chẳng thấy ai cả, chỉ thầy một con chó lông ướt mẹp đang đứng cạnh rèm, cái đuôi ngoắt ngoắt, đôi mắt lấm lét nhìn chủ.
Thầy đồ bực quá, bụng bảo dạ: "Sáng mai phải cho thằng này bài học mới được ! Ðồ tệ !".
Sáng hôm sau, lớp học vẫn tiến hành như thường lệ, học trò đến lớp đông đủ. Ðang buổi học nghĩa, em học trò nọ giở sách ra, chỉ vào chữ thứ nhất của hàng đầu, bài thầy mới viết, hỏi thầy:
- Thưa thầy chữ gì đây ?
- Chữ "tệ".
Thầy cắt nghĩa luôn: "tệ là tệ". Em học trò không hiểu ý thầy nên vẫn điềm nhiên học: "tệ là tệ", "tệ là tệ". Hỏi sang chữ thứ hai, thầy vẫn bảo đó là "tệ" và cũng cắt nghĩa "tệ là tệ". Chữ thứ ba, thứ tư, thứ năm, thầy cũng bảo như vậy. Sang chữ thứ sáu, vừa nghe thầy nói đó cũng là chữ "tệ" xong, em học sinh ngơ ngác hỏi:
- Thưa thầy, tệ cả hàng phải không ạ ?
Với giọng như ngậm roi trong miệng, thầy đáp:
- Phải, nhà mày tệ cả họ chứ không chỉ cả hàng đâu !!! "
*
" Thầy đồ kia thấy đứa học trò nhỏ cầm cái bánh rán. Thầy rằng : "Mầy đem đây, tao làm cái trăng khuyết cho mầy coi".
Đứa học trò không dè đưa cái bánh cho thầy, thầy cắn phứt hết nửa cái nhai nuốt, rồi nói rằng : "Ðể tao làm trăng lặn cho mầy coi !".
Thầy vừa há miệng định cắn hết cái bánh, thằng nhỏ nóng ruột lấy tay giật lại. Thầy cắn hụt nhầm tay nó, nó khóc.
Thầy dỗ rằng: "Thôi thôi, bữa nay tao tha mầy khỏi phải học.
Về nhà có hỏi thì mầy nói bị chó cắn nhầm tay nhé !".
*
"Có một ông thầy đồ kia, thấy chủ nhà mình đang ngồi dạy học giàu có muôn hộ, cơm ăn không hết, còn gia đạo mình thì bần hàn túng thiếu, nên có ý muốn đem theo con mình ở chung ăn học để khỏi tốn cơm nhà.
Bữa nọ, sẵn dịp thằng con ông chủ nhà quên mặt chữ, thầy mới nhắc khéo:
- Phàm học trò thì nhờ có bạn tác nó nhắc nhở nhau và nâng trí đua nhau học tập. Tôi có một đứa con, phải cho nó được ở gần, cặp sách bầu bạn với cậu em, hầu có quên thì nó nhắc. Ông chủ nhà liền căn dặn sang năm thế nào thầy cũng nhớ đem đứa nhỏ theo.
Thầy về thăm nhà và gọi đứa con ra dặn trước:
- Tao khoe mày bên ông chủ nhà là mày học hành sáng láng, nhưng tao biết mày ngu độn hơn ai hết. Vậy tao cho mày ba chữ này, mày hãy ráng nhớ cho thuộc làu để nữa trước mặt ông chủ, tao hỏi lại thì mày phải trả lời cho thông, như vậy thì mới mong ở lại được. Ba chữ ấy là chữ “Cơm”, chữ “Mền”,và chữ “Cha”.
Cha con giáp lối xong, đứa con bèn học hồi lâu, thầy mới dắt qua bên nhà chủ.
Cơm nước xong xuôi, ông chủ nhà đem sách ra cho nó đọc thì nó không đọc được chữ nào, thậm chí chữ “Nhất” một nét ngang nó cũng không biết.
Thầy bào chữa cho con: - Tính nó nhát, ông hỏi nó ngay nên trả lời không được. Vậy để tôi viết chữ ra, thử nó đọc cho mà xem.
Nói rồi, thầy viết chữ “Mền”, hỏi nó chữ gì? Nó đứng ngơ ngác không nói. Thầy nhắc khéo:
- Vậy chớ ban đêm khi ngủ, mày đắp bằng giống gì?
Nó cứ tình thật đáp:
- Đắp bằng chiếu manh.
Thầy giận, viết chữ “Cơm” hỏi nó, nó vẫn trơ trơ. Thầy nhắc:
- Vậy chớ thường bữa mày ăn giống gì?
Nó đáp tỉnh bơ:
- Ăn tấm độn khoai.
Thầy giận quá, viết chữ “Cha”, hỏi nó:
- Còn chữ gì đây?
Nó lại u ơ ngơ ngác. Chán quá thầy hỏi:
- Vậy chớ mẹ mày tối ngủ với ai?
Nó đáp gọn băng:
- Ngủ với ông xã ! "
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét