Thứ Hai, 31 tháng 10, 2011
Nhân sanh bảy tỷ.
UNFPA ( United Nations Fund for Population Activities : Quỹ hoạt động dân số LHQ ) đưa ra đoán độ rằng, vào ngày 31/10/2011 dân số trái đất sẽ đạt tròn 7 tỷ người (sai số trên dưới cộng trừ 56 triệu).
Bé Danica May Camacho, công dân Philippines, sinh tại bệnh viện Jose Fabella Memorial, thủ đô Manila vào lúc 23h58 ngày 30/10 với cân nặng 2,5 kg được vinh danh người xếp vị thứ 7 tỷ trên cái thế giới chật chội này.
Mốc dân số thế giới theo UNFPA là như sau : 1 tỷ - 1804 / 2 tỷ - 1927 / 3 tỷ - 1959 / 4 tỷ - 1974 / 5 tỷ - 1987 / 6 tỷ - 1999 / 7 tỷ - 2011.
Trong số 7 tỷ người hiện nay, thời China chiếm 1,35 tỷ, đứng đầu thế giới, còn nhì Ấn Độ với số dân đã 1,24 tỷ. Người đẻ ra nhiều vô số, đất đai số lượng vẫn vậy, nguy cơ đất chật người đông kiếm ăn không đủ dĩ nhiên. Nhân loại chết đói vì thiếu lương thực sẽ một ngày gần đây.
Ông Tú Xương xưa không lo đói, lại lo nhiều người quá thời không có chỗ mà ở.
"Lẳng lặng mà nghe nó chúc con:
Sinh năm đẻ bảy được vuông tròn.
Phố phường chật hẹp, người đông đúc
Bồng bế nhau lên nó ở non..."
So với 7 tỷ người, cái vị ngã cá nhân mỗi người bụi bặm quá sức nhỏ nhặt. Vậy mà mỗi người ta lại cả một nội tâm thế giới, cố quyết bon chen, chèn lấn nhau kịch liệt, may chăng mới có chỗ mà ở trên cái thế gian bạc bẽo bịp bợm này.
Ngẫm lại đời người, thấy có bài thơ của người Trương Nhự đời Tống như sau :
" Sống bảy mươi năm đã mấy người !
Trước thì tuổi trẻ, sau già lão.
Thì giờ quảng giữa được bao lâu ?
Lại còn viêm lương cùng phiền não.
*
Hoa quá mùa xuân, hoa kém tươi.
Trăng quá mùa thu, trăng kém sáng.
Hoa tươi trong sáng ta ngâm nga,
Rượu năm ba chén say chếnh choáng.
*
Tiền của càng nhiều, càng oán to.
Quan chức càng cao, càng nhọc xác
Quan to, tiền nhiều lòng những lo
Chỉ tổ làm cho đầu chóng bạc.
*
Xuân đi, hạ lại, thu sang đông
Chóng như thoi đưa, như nước chảy.
Vừa tiễn buổi chiều, chuông chùa kêu
Đã báo rạng đông gà sáng gáy.
*
Ta thử tính xem, người nhãn tiền
Một năm đã thấy khuất vô số.
Lô nhô nắm đất cánh đồng hoang
Quá nửa không ai người tảo mộ."
Lời bàn của cụ Ôn Như:
Đời người trăm năm, sống được sáu bảy mươi đã hiếm. Trong khoảng sáu bảy mươi năm ấy, trừ lúc tuổi chưa khôn, tuổi già hết khỏe, quảng giữa còn được vài ba mươi năm có là bao. Mà lại còn gặp biết bao nhiêu những sự đau đớn phiền não !
Ôi, đời người rút lại như thế, có mấy lúc là sống cho ra sống ?
Nên chi, hằng năm hễ gặp được thắng cảnh lương thời, thì ta kịp nên vui chơi cho sung sướng thỏa thích. Hơi đâu mà cứ miệt mài theo đuổi lấy cái sang giàu giả dối chốc lát, để mà lụy đến tấm thân.
Lúc sống thì người chóng già, khó giữ lâu được cái thân. Lúc chết thì thiên hạ chóng quên, khó giữ lâu được mồ mả. Thời giờ mau chóng. Thói đời viêm lương. Vậy người ta lúc sống mà tự khổ thân quá, tưởng cũng là khờ vậy ! Đối với cái thời gian, không gian vô cùng, vô hạn thì một người và một đời người kể có thấm vào đâu ?
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét