Thứ Bảy, 1 tháng 10, 2011
Sát kê hách hầu...
Binh pháp Tôn Tử, tam thập lục kế có bài "sát kê hách hầu", nghĩa là "giết gà dọa khỉ".
Căn do thế này, nhà xiết nọ mua con khỉ qua khóa huấn luyện trường khỉ cao cấp về làm trò kiếm tiền. Khỉ này ranh mưu, bất phục chủ mới. Nghe trống đánh phèng la kêu lệnh trò, nó ngồi ngó xuôi ngó ngược, không nhúc nhích, làm như không hề nghe thấy.
Có người bày khỉ vốn sợ mắm sợ máu, nên đem gà ra cắt cổ mà dọa nó. Chủ nhà bèn bắt gà trống trói lại, đem cắt cổ nhổ lông ngay trước mặt con khỉ lì lợm. Khi gà trống bị cắt tiết đau đớn kêu réo, giãy đành đạch phun máu chết, nhà xiết mới đè con khỉ ra, đánh dọa vài tiếng trống.
Khỉ sợ, vội vã múa may nhào lộn, chấp hành lệnh chủ, không dám ho he hó hé nữa.
Tích ấy đẻ ra bài học dụng binh Tôn Vũ xưa, "Long Tao" nay, xui giục đánh kẻ yếu hèn, trừng phạt nước này để răn nước khác, triệt mầm "tiểu bá", ngăn ngừa "đế quốc" dòm ngó thèm thuồng.
Nước ta hồi Pháp đô hộ, có cuộc "thi chiến" giữa Tôn Thọ Tường với Phan Văn Trị . Một bên đầu hàng giặc vì sợ hãi, một bên quyết đánh giặc.
Tường viết thơ xướng :
"Giang san ba tỉnh hãy còn đây,
Trời đất xui chi đến nỗi này?
Chớp nhoáng, thẳng bon dây thép kéo,
Mây tuôn, đen kịt khói tàu bay.
Xăn văn thầm tính, thương đôi chỗ,
Khấp khởi riêng lo, biết những ngày.
Miệng cọp hàm rồng chưa dễ chọc,
Khuyên đàn con trẻ chớ thày lay ! ".
Cụ Phan Văn Trị có thơ họa lại :
" Hơn thua chưa quyết đó cùng đây,
Chẳng đã, nên ta mới thế này,
Bến Nghé, quản bao cơn lửa cháy,
Cồn Rồng, dầu mặc bụi tro bay.
Nuôi muông giết thỏ, còn chờ thuở,
Bủa lưới săn nai, cũng có ngày.
Đừng mượn hơi hùm rung nhát khỉ,
Lòng ta sắt đá há lung lay ! "
Cái tích "Mượn hùm nhát khỉ" là thế này. Xưa kia cọp voi thi tài, cọp gầm rụng lá cây ào ào nên thắng, có quyền ăn thịt voi. Voi nằm ngửa bụng, nhờ thỏ lên nhảy nhót dọa cọp :
"Một voi ta ăn hết, hai voi ta ăn hết, ba voi ta ăn cũng hết !"
Cọp sợ, cọp chạy. Gặp con khỉ kể chuyện, khỉ cười ngặt nghẽo, cưỡi lên mình cọp, bảo cọp mạnh dạn quay lại, sẽ ăn được thịt cả voi cả thỏ.
Thỏ thấy khỉ cởi lưng cọp đến, bèn nhảy nhót.
" Tam hòe ! Tam hòe ! Nhăn nhăn. Nhở nhở cái gì ? Cha mẹ mày nợ tao ba cọp, mày giả tao một cọp. Tao ăn sao đủ ?"
Cọp nghĩ thầm : " Ra cái con đông sơn này, nó lừa mình, nó giả nợ cho cha mẹ nó ! ".
Cọp hoảng loạn, quá sợ tuông bỏ chạy. Khi dừng lại thời khỉ đã chết nhăn răng tự bao giờ.
Từ đó, khỉ không dám chơi với cọp nữa. Mỗi lần trên cây ngửi thấy mùi con cọp, cả bầy khỉ sợ hãi vô cùng, im thin thít.
Ngẫm nghĩ rằng :
Khua chiêng gióng trống, khoe khoang vũ khí, đem quân đội hùng mạnh ra dọa nạt kẻ yếu, để nhát chúng đầu hàng. Không cần tốn một múi tên hòn đạn mà cướp được đất, lấy được thành là cái bài xưa nay của bọn bành trướng ăn cướp.
Vua chúa nhà Nguyên sai sứ thần xuống Đại Việt dọa nạt, hăm he thiên triều sẽ đánh đấm ngay nếu không đầu hàng. May thay, xứ ta triều đình khi ấy vẫn còn các vị rường cột vững vàng, dõng dạt : " Đầu thần chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo !", " Xin bệ hạ hãy chém đầu thần rồi hãy hàng !", "Thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc !". Nếu như mà liệt tổ liệt tông ta khiếp hãi trước mấy lời dọa nạt, run rẩy giống bọn Ích Tắc, Chiêu Thống, Thọ Tường, chắc nước Việt đã biến mất lâu rồi.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét