Thứ Năm, 20 tháng 10, 2011

Về quê ngoại.

Hải ngoại thứ thiệt nghĩa là dân tỵ nạn chánh trị, bám càng máy bay, nổi trôi ghe ghọ liều thân tẩu thoát, rời bỏ đất mẹ, chớ không phải mấy di dân kinh tế.
Trở về lại quê nhà. Đường xưa lối cũ nay dâu bể tang thương, làng xóm biến phố thị bê tông cốt sắt văn minh lịch sự. Ngồi trầm ngâm chút hoài cổ cái thời đêm yên tĩnh lo âu đạn pháo dội về làng, chui vội xuống hầm trốn tránh.
Vườn xưa ông cố để lại cho con cháu, nhà tre nứa ọp ẹp, tiền cau hậu chuối, hoa cau thơm ngát đêm hè. Bà ngoại nghiện ăn trầu từ thủa bà còn con gái bán buôn chợ búa, khi già yếu rồi ngồi buồn, bửa cau nhai trầu tìm lại cái cảm giác mạnh mẻ, cái sức sống trẻ tuổi cho hồi lại thoáng chốc.
Thương nhau cau sáu bổ ba, quả cau xanh cắt lột vỏ, hớt cái đầu núm rồi bổ ra. Đứa cháu ngồi chực bà ăn bớt cái phần cơm ngọt bùi miếng cau ít ỏi. Nhà có việc, bà nấu chè bông cau ngon quá.


"Hoa cau rụng trắng ngoài hè", cái quê hương nhớ thương cau có, còn đâu nữa ? Làm kinh tế, sân vườn thành ra mấy nhà trọ chật hẹp đi rồi. Bà ngoại cũng mất đã lâu.
Tự nhiên nhớ bài hát về quê ngoại của Duy Khánh. Giọng ca trầm ấm của ông được nhạc sĩ Phạm Duy bình rất là đúng : trong giọng ca Duy Khánh, nghe âm hưởng tiếng trống Cổ thành, tiếng thông reo trên đồi Vọng Cảnh...
Lớp trẻ "hiện đại hóa" bây giờ ít ỏi biết đến Duy Khánh. Lớp trẻ có những đam mê, những lối sống, những cái tai nghe nhạc thích thú thời thượng.
Cũng dĩ nhiên, mỗi thời đại riêng ý thức hệ, từng thế hệ có thị hiếu âm nhạc, mỗi người mỗi thích. Điều chính nghe nhạc nâng tâm hồn người ta lên là được rồi, như ý kiến Chế Linh : "Chúng ta không nên vì thích dòng nhạc này mà khó chịu với dòng nhạc khác. Trong một vườn hoa, trăm bông đua nở. Không phải hoa hồng, hoa lan mới là hoa quý. Có những người lại thích hoa dại đó thôi. Không chỉ âm nhạc mà văn học, hội họa, điện ảnh… cũng phân thành nhiều thể loại và chính điều đó làm nên sức hấp dẫn cho nghệ thuật."



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét