Thứ Bảy, 19 tháng 10, 2013

Huyệt mả phát đế.

Hễnh mũi Rồng
Nguyễn Công Trứ thủa hàn vi thơ thẩn phú nho phong, dặm mấy câu về sự huyệt mả. "Thầy bà mong dối trá kiếm ăn, lại nghĩ chữ “dũng như”, phép chi được nối danh pháp chủ. Quẻ dã hạc, toan nhờ lộc thánh, trút muối bỏ bể, ta chẳng bõ bèn. Huyệt chân long, toan bán đất trời, ngôi mả táng cha, tìm còn chửa chộ..." 
Nhân nơi an nghỉ ngài Đại tướng nằm trên chỗ đất mũi Rồng đạp thủy đội sơn, thanh long bạch hổ án Yến triều La; thấy cái mả ấy có thể phát hoàng vương đế bá cho dòng họ con cháu của ngài, bèn giật mình mơ mộng. Vua chúa họ Đinh, Lê, Lý, Trần, Hồ, Mạc, Nguyễn mà chưa thấy Võ. Biết đâu sử ký sẽ lừng danh một "Võ Đại Đế Cao Hoàng" nào đó giống A Lịch Sơn, Nã Phá Luân đại đế thì cũng phúc phần.
Như đã từng lý sự dự báo hậu CS, khả năng lập lại một nền quân chủ chuyên chế ở VN là rất cao. Ý kiến của nhiều vị "GS.TS" cũng đồng dạng. Vì muốn tránh khỏi họa phân tranh rã đám, nước Nam phải luôn đặt dưới một chế độ trung ương tập quyền mạnh mẽ, phải tiêu diệt tận gốc trốc tận rễ tự trứng nước mọi khả năng hình thành lực lượng đối lập, phải quét sạch mọi yếu tố "rận chủ" có thể đe dọa an nguy đất nước.
Thế nên một khi dân chúng đã quá ớn CS, có thể họ sẽ ùa theo "Minh chủ" nào đó để "Kách mệnh Quân chủ". Khi thắng cuộc, "Minh chủ" lên ngôi Hoàng đế, thành vị "Minh quân" trị nước, điều kiện cho VN dễ hóa ra "Đế Quốc Rồng" vĩ đại. Tương tợ "Minh Trị Duy Tân" xưa nước láng giềng Nhựt Bổn.

Napoleon Bonaparte đại đế
Mặt tiền dễ biết, mặt hậu khó lường, vạn sự biến hóa đều có thể xảy ra. Đường dẫn tới vinh quang lên ngôi vua dễ nhất là chọn cuộc mả phát đế vương để mai táng xương cha cốt mẹ.
Lý thuyết "thầy địa" nói xương người là nơi khí tụ khi sống, là nơi khí phát lúc chết chôn. Mả phát có nhiều cách, phát đinh phát tài, phát giàu phát mạt, phát tụ phát tán, phát ăn cướp phát ăn mày, phát làm to làm nhỏ, phát vua phát quan, phát vương gia phát đại đế, vân vân. Tùy cuộc đất chôn mả phát thể loại. Thầy địa có cả kho sách đồ sộ nghiên cứu về sự táng gọi là "Âm trạch bí kíp kỳ thư".
Qua sanh sống lắm đời nhiều chế, thiên hạ rút ra kinh nghiệm "không mả đố ả làm nên", "người sống nhờ mồ nhờ mả, không ai sống vì cả bát cơm", "may nhờ mả phát". Huyệt mồ chôn bố mẹ qua đời tỏ ra quan trọng. Trừ phi nghèo khó "sống vô gia cư, thác vô địa táng ", đại gia quan chức đủ điều kiện luôn đi tìm đất chôn mả đắc địa, mong ước về sau mả mồ sẽ phát cho trưởng nam hoặc cháu đích tôn, chắc đích tử hoặc chút đích tằng được lên làm vua, làm cha thiên hạ.



- Một số truyền khẩu dân gian về chuyện mả phát đế vương từng nghe.
1. Mai Hắc Đế, khởi nghĩa chống đối An Nam Đô hộ Phủ nhà Đường năm 722.
Làng Mai Phụ, Thạch Hà, Hà Tịnh có người đàn bà đẻ con trai da đen bóng, đặt tên là Mai Thúc Loan. Một hôm, bà lên ngọn núi Dẻ hái củi thời bị cọp vồ. Cọp tha bà đến một lùm cây bụi cỏ ăn thịt rồi bỏ lại ít xương. Không ngờ nơi ấy là một huyệt mộ táng phát đế, mối đùn lên đắp đất hài cốt cho bà.
Quả nhiên chẳng bao lâu, Mai Thúc Loan đã lãnh đạo dân chúng đuổi bọn đô hộ về Tàu rồi lên ngôi làm vua tự xưng là Mai Hắc Đế.
2. Đinh Tiên Hoàng, trẻ chăn trâu mà dựng nước Đại Cồ Việt.
Tục truyền người vợ của ông Đinh Công Trứ đi tắm ngoài đầm, không may phải một con Rái cá hiếp dâm mà mang thai sanh ra Đinh Bộ Lĩnh. Rái cá bị ngư dân bắt được ăn thịt, vứt xương ra giữa đường làng. Mẹ ngài bèn nhặt gói lại đem để trên giàn bếp.
Có thầy địa lý Tàu sang thấy Bộ Lĩnh đang chăn trâu, nhờ lặn xuống đầm xem xoáy nước. Lĩnh lặn xuống thấy tượng con ngựa đá, bèn trở lên nói với thầy. Thầy vơ nắm cỏ bảo ngài xuống cho ngựa ăn rồi bỏ đi. Bộ Lĩnh là người thông minh, biết đấy là mã huyệt đế vương, bèn về thuyết phục mẹ cải táng bố.
Mẹ ngài bèn đưa nắm xương rái cá cho đem ngựa đá nuốt. Về sau, Đinh Bộ Lĩnh phát tướng, dẹp được loạn 12 sứ quân, lên ngôi Đinh Tiên Hoàng đế. (Nam Hải Dị Nhơn)
3. Lý Thái Tổ, đức vua khai sanh kinh đô "ngàn năm Thăng Long".
Tục truyền thân phụ Lý Công Uẩn nghèo đói làm thuê ở chùa Tiêu Sơn ở đất An Phong, Bắc Ninh, nhân làm có mang một nữ bổn đạo nhà chùa nên sư phụ bèn đuổi cả. Hai người dắt tay nhau đi qua rừng Báng thấy giếng cổ. Thân phụ ngài khát nước bèn tìm cách uống, không may ngã xuống giếng chết đuối. Mẹ ngài đợi lâu, nhìn xuống giếng thì than ôi, đất đâu tràn lên vùi xác ông thiên táng xong rồi. Bà vào chùa Ứng Tâm gần đó làm dì vải rồi sanh ra ngài.
"Xét ngôi huyệt đế vương may mắn chỗ giếng trong rừng Báng ấy, những gò ở chung quanh trông hình như cái hoa sen nở ra tám cánh, cho nên nhà Lý truyền ngôi được 8 đời, bây giờ thuộc về làng Đình Bảng, huyện Đông Ngàn” (Nam Hải Dị Nhơn)


4. Trần Thái Tông, đức vua mở nghiệp lớn Trần triều.
Xã Thái Đường, Hưng Nhân có người Nguyễn Cố một hôm găp thầy địa Tàu nói nơi ấy chốn ấy có huyệt mả phát đế vương. Cố mừng rỡ xin chỉ cuộc đất, thầy đòi 100 quan tiền, bảo Cố cải táng xương cốt phụ huynh hắn vào rồi đợi vài ngày càn khôn rúng động là đúng ngay huyệt mả.
Quả nhiên sau ba ngày, dông lốc bảo tố ngập lụt tưng bừng cả một vùng, Cố biết sự chôn mả cha đã đắc địa lấy làm mừng lắm. Hắn trở mặt không trả tiền thầy địa, còn bắt trói thầy đem vứt ngoài bãi cho chết để giết người diệt khẩu.
May thay, bố Trần Cảnh đi đánh cá bắt gặp, bèn giải cứu cho thầy. Thầy trả ơn bằng cách đổ thuốc đỏ xuống mồ bố Nguyễn Cố cho hắn sợ phải đem dời đi, rồi lấy xương cốt tổ phụ họ Trần chôn vào. Quả nhiên, ngôi mộ quý tích đế vương ấy phát, Trần Cảnh được vào cung vua làm "Hỏa đầu quân", được Lý Chiêu Hoàng ưa ý lấy làm chồng rồi nhường ngôi cho làm vua. (Trần Triều tổ mộ ký)
5. Lê Thái Tổ, đức vua mở đầu nhà Lê thịnh trị.
Bấy giờ Lê Lợi còn là phú hào đất Khả Lam, một hôm người nhà thấy vị sư đi ngang qua than thở rằng đất mả quý phát vua không ai xứng đáng, bèn chạy về báo. Lê Lợi vội vã đuổi theo. Vị sư chính là "Bạch Y thần tăng" xứ Ai Lao, ngài khiến Lê Lợi đem cải táng mộ thân phụ vào chỗ ấy chỗ ấy. Quả nhiên, sau này Lê Lợi đã nổi dậy khởi nghĩa, đuổi được giặc Minh, lên làm vua trị vì đất nước.(Lam Sơn Thực Lục)
6. Bình An Vương Trịnh Kiểm, vị Chúa Trịnh đầu tiên.
Trịnh Kiểm người làng Bồng Thượng xứ Thanh, nhà nghèo đói khổ cùng cực. Kiểm thường đi trộm gà hàng xóm về thịt cho mẹ ăn, khiến dân làng rất bực tức. Họ bèn đánh chết mẹ Kiểm vứt xuống vực Tôm để Kiểm thôi trộm gà. Ai dè vực ấy hội tụ đủ yếu tố phát mả làm Chúa, chỉ trong một đêm, mối đùn lên thiên táng mẹ Kiểm thành ra cái gò to.
Mẹ mất, Trịnh Kiểm lang thang sang Ai Lao, làm kẻ chăn ngựa cho Nguyễn Kim rồi tự nhiên phát tướng. Kim bèn giao binh quyền cho Kiểm đánh nhà Mạc thắng lớn, được lấy công chúa Ngọc Bảo, được phong vương giữ lắm quyền cao chức trọng.


7. Hồ Chí Minh,"cha già của dân tộc VN".
Thân mẫu của "cha già" là bà Hoàng Thị Loan, quê quán ở Nghệ An, vào Huế sanh sống rồi bị bệnh chết ngày 10/2/1901. Xác của bà đem mai táng ở Bân Sơn, nơi Hoàng Đế Quang Trung từng lên ngôi dẫn quân ra Bắc dẹp giặc Tàu.
Năm 1922, con gái bà Loan là Nguyễn Thị Thanh bí mật vào Huế, đào mộ mẹ lấy xương cốt đem về Nghệ An chôn trong một khu vườn làng Kim Liên.
Nguyên vùng Nam Đàn, Nghệ An có hòn núi Đụn lừng danh khe Bò Đái là khe nước chảy, tượng hình như háng con bò đương đái kêu róc róc ròn rọt. Dân chúng ở đây truyền tụng câu Sấm "Đụn Sơn phân giới, Bò Đái thất thanh, Nam Đàn sanh thánh", khi hòn Đụn nứt hai, khe Bò đái hết tiếng nước chảy, thì đất Nam Đàn sẽ xuất hiện Thánh nhân vĩ đại.
Bô lão quanh núi Đụn kể, khi "Cha già" chào đời ngày 19/5/1890, tự nhiên hào quang phát sáng choang cả một vùng, hương thơm ngát lưng trời, rồi tiếng nổ lớn làm im nước chảy Khe Bò. Ấy là điềm sấm hiện thực hóa thánh nhân HCM xuất hiện.
Nam Đàn còn có một vũng đất hoang rộng lớn gọi là Hồ Trì xứ. Bọn trẻ con ngồi lưng trâu hay đọc bài vè như sau.
"Tại xứ Ao Hồ,
Có cái huyệt đất.
Phát một thánh nhân.
Đế chẳng phải đế,
Vương chẳng phải vương.
Lang thang tứ phương.
Làm cha thiên hạ”.


Câu vè nhuộm màu "Hán Sở" đã khiến 36 họ mạc dân Nghệ quanh vùng vì muốn con cháu mình được làm vua nên đã hò nhau đào đưa hài cốt tổ tiên lên mai táng thung lũng Ao Hồ.
Bấy giờ, năm 1941, con trai của bà Loan là Nguyễn Sinh Khiêm lội khắp các vùng đồi núi Nghệ Tĩnh, cố tìm cho ra huyệt mộ đế vương cải táng hài cốt cho mẹ.
Ông Khiêm hỏi nhiều thầy địa, họ nói nên cải táng bà ở lũng Ao Hồ cho mau lẹ phát đế. Ấy thế, nghiên cứu địa hình, mạch đất, thế núi của vùng Ao Hồ, ông bèn bảo.
“Nếu táng được huyệt đất trong thung lũng Ao Hồ, thì con cháu chỉ hưởng được lộc trong làng, trong xã mà thôi. Tôi định đưa hài cốt của mẹ tôi lên mỏm núi Động Tranh thấp, nếu phát thì sẽ ăn lộc cả nước mới nhiều !"
"Tháng 3/1942, ông dẫn hai người cháu thân tín lên sườn núi Động Tranh thấp đào 9 cái huyệt ở những nơi ông đã đánh dấu. Ông dặn là khi đào xuống gặp phải hòn đó lớn thì dừng lại. Một đêm khuya ông bí mật mang hài cốt mẹ từ vườn nhà làng Sen đến Động Tranh thấp thắp hương khấn vái xin phép thổ thần xứ Ao Hồ rồi đặt hài cốt mẹ vào một cái huyệt và lấp lại. Sau đó ông tiếp tục lấp bằng phẳng số huyệt đã đào. Vì vậy mọi người, kể cả hai người cháu thân tín cũng không biết ông táng mẹ ở đâu."
Phải đợi đến năm 1946, em ruột ông Khiêm là Cung lấy tên Hồ Chí Minh đã thành ra cha già của dân tộc VN, ngồi lên ghế Chủ tịch nước, ông Khiêm mới dẫn họ Nguyễn Sinh và họ Hoàng lên núi Động Tranh, chỉ chỗ mộ bà mẹ mà ông đã san bằng tán phẳng hồi tháng 3/1942.
Chính nhờ sự lo xa bị người khác cướp mất huyệt mả phát, sự kỷ lưỡng che dấu mả mẹ của ông Khiêm, dân tộc VN mới may mắn có vị cha già vĩ đại như ngày hôm nay vậy.
- Tham khảo từ nguồn tại đây. tại đây.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét