Thứ Sáu, 16 tháng 3, 2012

Hồ trường.


Nhân gian có nhiều thứ gọi là hồ, tùy theo cái vĩ từ đứng đằng sau mà lộ ra chánh xác ý nghĩa. Ví như hồ ly tinh là giống chồn đèn quái đản thành tinh, hồ vôi vữa là hỗn hợp cát xi măng trộn nước các bác thợ nề, hồ dán thủ công là của học trò mẫu giáo, hồ vĩ đại là lãnh tụ của những kẻ theo đảng, "hồ trên núi" là tên một bài hát của Phó Đức Phương kể lể cái hồ ở trên núi. Còn "Hồ trường", thì là cái từ ghép mới lạ, xuất xứ Hán ngữ cụ danh sĩ Đông du Nguyễn Bá Trác bản quyền cấu tạo.
Hồ trường xuất hiện cách đây vừa tròn thế kỷ, từ một bài ca cụ ấy nghe, thấy hay, rồi dịch thuật  cho ra cái từ loại "hồ" đặc sắc này.
Hán Việt từ điển của vị cư sĩ Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha thì có đến 17 chữ Tàu ý nghĩa đọc đều ra "hồ" cả. Hồ là hồ ơi, hồ hỡi. Hồ là bầu là nậm chứa rượu. Hồ là cung là cong..., cứ ngó theo bộ chữ mới dịch cho nó trúng. Chữ "trường" thời có nghĩa là dài dòng, hay ho, trưởng thượng; chớ không liên hệ gì với sự rượu chè be bét. Còn có chữ "thương" nghĩa là bày đặt ra, là chén rượu đọc trại thành"trường", chữ"trường" này theo ý một số bác học chữ Hán, mới là cái ý chữ tâm đắc cụ tuần Trác đã chọn dùng.
Tóm  cho đơn giản, Hồ trường là cái bộ đồ uống rượu, gồm cái bầu hồ lô rượu bự chảng với mấy cái bát to tha hồ uống. Uống tam tửu, tứ tửu, quần tửu, loạn tửu; uống hoài không sợ hết, không phải lo "cắt cổ không bằng đổ rượu" vậy.


Chuyện cụ tuần Trác với bài Hồ trường:
Nguyễn Bá Trác người làng Điện Bàn đất Quảng Nam, đổ Cử nhân năm 1906, Đông du qua Nhựt Bổn rồi sang China sanh sống một thời gian. Hồi tôn cố quốc năm 1917, cụ phụ trách phần Hán văn Nam Phong tạp chí, rồi vô Huế làm quan bộ Học, sau chuyển chức Tuần Phủ xứ Bình Định.
Năm 1945, Việt Minh ra tay tàn sát hàng loạt trí thức học giả nước Nam không theo cộng sản. Nhà văn Khái Hưng Tự Lực Văn Đoàn bị thủ tiêu quăng xác xuống sông, cụ Thượng Chi Phạm Quỳnh bị bắn chết, xác vùi lấp ở gần ga Hiền Sĩ phụ cận Huế. Riêng cụ tuần Trác thời Việt Minh bắt, xử bắn công khai ngay tại đất Bình Định.
Hùm chết để da, người ta chết để tiếng. Cụ Nguyễn Bá Trác tiếng tăm thì nhờ bài dịch "Hồ trường" in trên tạp chí Nam Phong số 41 năm 1920 khiến cho ai đọc cũng thấy thích thú rồi ngâm nga mà nhớ cụ.
Trong tập "Hạn mạn du ký", chương thứ 10 cụ Trác cho biết, năm 1912 cụ "đào vong quốc sự" lưu lạc đến Thượng Hải bên Tàu. Một hôm uống rượu cùng với vị đồng hương đồng chí. Vị này ngà ngà say, bèn đứng dậy hát "Nam phương ca khúc". Bàn rượu bên cạnh, một võ quan họ Lưu, người xứ Trực Lệ, nghe điệu hát, sang hỏi là điệu gì, bèn được trả lời: “Ấy là một điệu đặc biệt ở phương Nam”. Họ Lưu nói “nghe tiếng bi mà tráng, nhiều hơi khảng khái, Nam phương mà có điệu hát đến thế ru? ”. Sau đó họ Lưu xin người hát chép ra giấy lời ca ấy để giữ mà xem..."
Bản dịch bài Hồ trường của cụ Nguyễn Bá TrácTrác đến nay, các vị hào kiệt cao tuổi VNCH nhân sinh thất chí, bôn đào hải ngoại tha hương, các cuộc uống rượu tiêu sầu thường hay ngâm nga mà tỏ nỗi niềm tâm sự.


" Trượng phu không hay xé gan, bẻ cột phù cương thường
Hà tất tiêu dao bốn bể, luân lạc tha hương.

Trời Nam nghìn dậm thẳm,
Mây nước một mầu sương
.
Chí chưa thành, danh chẳng đạt,
Trai trẻ bao lăm mà đầu bạc
Trăm năm thân thể bóng tà dương.

Vỗ gươm mà hát, nghiêng bầu mà hỏi,
Trời đất mang mang,
Ai người tri kỷ ?
Lại đây cùng ta cạn một hồ trường.

Hồ trường !
Hồ trường !
Ta biết rót về đâu ?

Rót về Đông phương ?
Nước bể Đông chẩy xiết sinh cuồng loạn
.
Rót về Tây phương ?
Mưa Tây sơn từng trận chứa chan

Rót về Bắc phương ?
Ngọn Bắc phong vì vụt, cát chạy đá dương

Rót về Nam phương ?
Trời Nam mù mịt, có người quá chén, như điên như cuồng

Nào ai tỉnh, nào ai say,
Chí ta ta biết, lòng ta hay

Nam nhi sự nghiệp ư hồ thỉ,
Hà tất cùng sầu đối cỏ cây
."



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét