Thứ Bảy, 24 tháng 3, 2012

Lê Cát Trọng Lý, nữ ca mới nổi.


Cái đời sống căng thẳng công việc quá thì người ta cần đến nhạc êm ái dịu dàng đầu óc. Ngược lại nhiều êm đềm sẽ muốn twist, agogo, rock rap nặng cở, hú hét inh ỏi, khuấy động môi sinh phẳng lặng cho bớt chán.
Từng thời kỳ từng thế hệ, phong trào này cách mệnh kia sẽ sinh sản ra lớp ca nhạc cho có mà nghe. Hay thì còn dai dẳng lại "bài hát ở mãi với thời gian", dở ẹc tác giả nghe một mình, xếp xó rồi vứt.
Miền Bắc xã hội chủ nghĩa năm xưa có dòng nhạc đỏ ca đảng ngợi bác, kích thích thanh niên cầm súng sinh Bắc đi tử Nam. Nhạc sĩ thì "căm thù giặc sâu sắc", ca sĩ phần đông đúc trưởng thành ở mấy cái đoàn văn công quân khu lưu động rừng rú. Nghệ sĩ "nhân dân" Thu Hiền đi mô cũng nhớ về Hà Tịnh, nghệ sĩ "ưu tú" Thanh Hoa tàu đi qua núi, nghệ sĩ "vĩ đại" Trần Hiếu hát bài con voi con vỏi con vòi, vân vân.
Miền Nam VNCH, nhạc sĩ thì nhiều vô kể. Tài năng viết nhạc như Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Trần Thiện Thanh, Hoàng Thi Thơ, Nguyễn Thiện Lộc, Từ Công Phụng... cho ra vô số nhạc bản hay. Nam ca sĩ có tứ đại cầm ca Hùng Cường, Duy Khánh, Chế Linh, Nhật Trường. Nữ ca thì có Thanh Thúy, Hoàng Oanh, Thanh Tuyền, Mai Lệ Huyền, Carol Kim, Khánh Ly, Lệ Thu... mỗi vị mỗi sở trường ca hát.
Sau khi hai miền đoàn tụ chung thành một nước Việt Nam cộng sản. Ca nhạc sĩ miền Bắc thời tới sung sướng. Ca nhạc sĩ miền Nam thất thế, kẻ bỏ chạy, người vượt biên.
Nhạc trong nước rộn ràng ca tụng mà lại quá rác rưởi nghệ thuật, chỉ nhờ sự sụp đổ hệ thống cộng sản Nga sô mới ra được dòng nhạc tương đối có hồn hơn. Khởi sự bình dân Trần Tiến mặt trời bé con rồi đến Phú Quang, Lê Minh Sơn, Nhất Sinh cỏ bông chim chóc. Càng về sau, số nhạc sĩ xuất xứ ca sĩ rồi tự sáng tác kiêm nhạc sĩ ngày một lắm. Có điều kiếm cho ra được một nhạc sĩ tài năng thực sự cũng hơi khó.
Ca sĩ rất đông. Mr Đàm, Lam Đan Trường, Quốc Đại, Quang Linh, Họa mi tóc nâu, cá Bống, Hà Hồ, Cẩm Ly... chiếm thị trường nhạc, sống giàu sang sung sướng. Hát đám cưới vài bài đã có vài trăm triệu. Lớp trẻ sáng tác hoặc hát phong trào hàng rau hàng chợ lúc nhúc vô số, không thể kể hết. Duy Mạnh, Phan Đình Tùng, Triệu Phong, Đông Nhi, Noo Phước Thịnh, Cao Sĩ Hùng, Lâm Quốc Hưng...


Nhạc hải ngoại ít có sáng tác mới, hát đi hát lại toàn cả bài bản cũ kỷ, nghe mãi rồi cũng chán. Không thấy nhạc nào của người Việt có thẻ xanh ở Mỹ quốc sáng tác để ca tụng Obama, Bush hay mấy đảng Cộng Hòa, Dân Chủ chi cả.
Ca sĩ hải ngoại cũng nhiều, Đan Nguyên, Quang Lê, Tuấn Vũ, Đặng Thế Luân, Y Phụng và các ông, các bà già ca sĩ hồi xưa Chế Linh, Giang Tử, Thanh Tuyền, Phương Dung còn sống. Đa số liên tiếp qua về VN hát hò, nhờ được chánh quyền VC cải cách đổi mới cấp phép tự do hơn.


Trở lại nữ ca Lê Cát Trọng Lý, cô này thuộc thế hệ mới nổi quốc nội, lý lịch như sau đây :
Xuất xứ dân Đà Nẵng, sanh ngày 24/8/1987, cha là ca sĩ, mẹ thì dạy văn chương còn cô Lý là học trò trường Phan Chu Trinh, học sinh giỏi sử đảng, sử bác có nhiều giải thưởng.
Năm 2005, Trọng Lý thi đậu vô khoa tiếng Nga đại học Đà Nẵng. Cần biết thời nay cái thứ tiếng Lênin vĩ đại không có ai thi vô cả, thầy nhiều hơn trò, cho đậu cũng không ai thèm học. Thành ra sau một năm học, cô này bèn vô Sài Gòn học nhạc môn Viola và bắt đầu sáng tác.
Năm 2008, đạt giải III cuộc thi " Hát cho Niềm Đam Mê ".
Năm 2009, đoạt giải cao nhất Giải thưởng " Bài hát Việt 2008 " do Hội đồng nghệ thuật bình chọn cho ca khúc"Chênh Vênh", đồng thời nhận giải "Nhạc sỹ trẻ triển vọng", được chọn hát trong chương trình của ca sĩ Fracis Cabrel tại Hà Nội.
Năm 2010, biểu diễn tại Trung tâm Văn hóa Pháp L’Espace, với 3 đêm diễn liên tục cháy vé. Cô Lý tham gia Festival Huế; tham gia lưu diễn văn hóa “Việt Nam ơi” tại Na Uy. Phát hành album đầu tay "Lê Cát Trọng Lý" vào ngày 20/1/2011.
Ngày 22/3/2012, cô Lý được chọn là 1 trong số 10 "Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu" của năm 2011 vì đã " biểu diễn xuyên Việt hát cho cộng đồng đạt hiệu ứng xã hội cao được quần chúng nhiệt liệt hưởng ứng và yêu mến..."


Thời đã tới, cô ca sĩ vừa sáng tác, vừa hát nhạc của chính mình, có phong cách có trang phục cá tính nay nổi đình nổi đám giới truyền thông. Báo chí liên tiếp săm soi, phỏng vấn, viết văn vẻ tôn vinh cho về cô ấy. Vô Google gõ mấy chữ tên cô ấy có khoảng 2.140.000 kết quả (0,13 giây).
Xem clip nữ ca Trọng Lý tải đầy rẩy trên Youtube, đám thanh niên có vẻ thích cô lắm. Ca từ hoang vu tào lao cỏ lá thân phận nọ này màu vị bắt chước Trịnh Công Sơn cả, nghe bài đầu có vẻ gây được sự chú ý về cái chất giọng thanh nhỏ nhẹ ca cẩm phận người là lạ, qua đến bài thứ hai thứ ba liền lập tức thấy đơn điệu chán òm.
Tiền vô dễ ra dễ, hoa đẹp hoa mau tàn, chóng nổi danh mau tàn lụi. Không biết ca sĩ Lý khi nào có thêm một "Khánh Ly nam" chuyên hát "nhạc Lý" theo phò đủ cặp âm dương sẽ kéo dài thêm được sự nổi tiếng chăng ?





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét