Thứ Ba, 6 tháng 1, 2015

Anh hùng tí hon - Trần Quốc Toản.


Quân Mông Cổ hùng hổ kéo sang quyết đánh chiếm cho được nước ta. Vua Trần Nhân Tông ngự thuyền tại bến Bình Than, nay thuộc tỉnh Hải Dương, triệu tập các vương hầu và chư tướng để bàn mưu chống giặc giữ nước.
Trong tôn thất có một thiếu niên anh dũng tên là Trần Quốc Toản tước Hoài Văn Hầu bấy giờ mới có 16 tuổi cũng có mặt tại hội nghị. Nhưng vì còn trẻ, Quốc Toản chỉ được phép đứng nghe mà không được bàn cãi.
Cậu bé lấy làm tức tối, mặt đỏ bừng, răng nghiến chặt, trong tay đang cầm trái cam mà bóp giẹp lúc nào không biết.
Quốc Toản lặng lẽ ra về, kêu gọi những bạn bè, những người thân thuộc, sắm sửa khí giới , họp thành một toán quân riêng. Ông cho thêu một lá cờ to đề sáu chữ: "Phá cường địch, báo hoàng ân" rồi xuất quân tìm giặc đánh phá.


Mỗi khi ra trận, Quốc Toản đều đi đầu quân sĩ, xông pha tên đạn như vào chỗ không người. Giặc Mông Cổ hễ thấy ở đâu là phải lẩn tránh, chớ không dám chống chọi trước sức tấn công dũng cảm của Quốc Toản.
Vua thấy ông quá can đảm và hăng hái, phải phong cho làm phó tướng.
Quốc Toản theo Trần Nhật Duật đem binh đón đường quân giặc ở mặt Hải Dương, đến bến Hàm Tử thì gặp chiến thuyền của Toa Đô. Nhật Duật và ông phân binh ra đánh thật dữ dội.
Quân Nguyên thua to, chết hại rất nhiều. Toa Đô chạy thoát.
Kế đó, ông lại theo Trần Quang Khải đem quân đến bến Chương Dương đánh phá chiến thuyền của Thoát Hoan. Quân ta đánh hăng quá, quân Nguyên chống không nổi đành bỏ chạy. Quân ta đuổi theo và lấy lại được thành Thăng Long.
Trận Hàm Tử Quan và trận Chương Dương Độ là hai trận thắng lừng lẫy, danh tiếng lưu truyền mãi mãi.
Nhận xét:
Cái chí và cái tài của các bậc anh hùng không đợi tuổi mới lộ ra.
(Theo Quốc Sử lớp Ba - VNCH)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét