Thứ Sáu, 9 tháng 1, 2015

Dâng sớ xin chém đầu bảy nịnh thần - Chu Văn An.


Chu Văn An người làng Quang Liệt tỉnh Hà Đông, thi đỗ Tiến sĩ đời nhà Trần. Tài học sâu rộng, tính khí cứng rắn ngay thẳng, ông không ham danh lợi chỉ mong làm tỏ rạng đạo thánh hiền.
Ông mở trường dạy học ở quê nhà, học trò theo học rất đông, người nào cũng hết lòng tôn kính. Nhiều người hiển đạt làm tới chức Tể tướng mà mỗi khi về thăm viếng, vẫn giữ lễ thầy trò đứng hầu nghe lời dạy bảo. Ai có điều gì không phải, ông lập tức quát mắng đuổi ra ngay.
Vua Trần Minh Tông nghe tiếng ông, cho triệu vào triều lãnh chức Tư nghiệp Quốc tử giám, kiêm dạy Thái tử.
Thật là bất đắc dĩ, ông phải từ giả nhà, về Kinh nhậm chức.


Đến khi Trần Minh Tông mất, vua Dụ Tông lên nối ngôi, việc nước trở nên rối ren. Dụ Tông ngày đêm say mê rượu chè, hát xướng, giao phó việc nước cho một bọn gian nịnh.
Bọn này mỗi ngày thêm hống hách, làm lắm điều bạo ngược, nhân dân ta thán, triều thần bất mãn, nhưng không có ai dám mở miệng can ngăn.
Vì lòng cương trực, Chu Văn An làm sớ dâng vua xin chém đầu bảy nịnh thần để cứu nước cứu dân. Nhưng vua Dụ Tông, trong lúc hôn mê, không hiểu được lời trung chánh, nên sớ "Thất trảm" của ông bị bỏ đi.
Ông bèn cởi áo từ quan về quê ẩn dật, việc đời gác bỏ ngoài tai, dạo chơi non nước, vui cùng cảnh vật thiên nhiên.
Sau, ông mất tại nhà, vua Trần Nghệ Tông sai quan đến tế, truy tặng là "Văn Trinh Công" và cho thờ trong văn miếu, ngang hàng với các bật tiên nho.
Nhận xét:
Chu Văn An là một bậc đại nho nêu gương trung nghĩa cho đời sau.
(Theo Quốc Sử lớp Ba - VNCH)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét