Thứ Năm, 22 tháng 1, 2015
Chết để cứu dân – Phan Thanh Giản.
Phan Thanh Giản sanh năm 1796 ở làng Bảo Thạnh nay thuộc tỉnh Kiến Hòa. Thủa nhỏ nhà nghèo, mẹ mất sớm, ông ở với cha rất hiếu thảo và học giỏi nổi tiếng.
Năm ba mươi tuổi, ông thi đỗ đầu Tiến sĩ, rồi ra làm quan trãi ba triều vua Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức. Đời làm quan của ông thật là khi thăng khi giáng. Nhưng lúc nào ông cũng một lòng vì nước, nên về sau ông được vua tin cậy và giao phó nhiều trọng trách.
Năm 1862, sau khi người Pháp đem binh sang đánh chiếm miền Nam, vua Tự Đức sai Phan Thanh Giản vào Gia Định ký hòa ước với Pháp. Do hòa ước này, vì bại trận, ta phải nhường cho Pháp ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ: Biên Hòa, Gia Định và Định Tường.
Năm sau, vua cử ông cầm đầu một sứ bộ sang Pháp xin chuộc lại ba tỉnh đã nhường. Ông được Hoàng đế nước Pháp tiếp đãi rất trọng hậu nhưng cuộc thương thuyết chuộc đất đai không có kết quả.
Lúc ông trở về nước thì quân Pháp lại có ý muốn chiếm luôn ba tỉnh miền Tây: Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên để tiện việc dòm sang nước Chân Lạp (Cam Bốt).
Vua Tự Đức bèn cử ông làm Kinh lược trấn giữ ba tỉnh này.
Mặc dầu đã bẩy mươi tuổi, ông vẫn phải nhận lấy trách vụ nặng nề và khó khăn ấy.
Quả nhiên, viện cớ quan quân ta thường ngầm giúp nghĩa quân đánh phá các tỉnh miền Đông, Pháp đem chiến thuyền tấn công các tỉnh phía Tây. Phan Thanh Giản biết chống không nổi nên ra lệnh giao thành cho Pháp để cho quân dân khỏi bị tàn sát.
Ông thời nhịn đói và uống thuốc độc mà chết cốt tỏ lòng trung thành với vua.
Trước khi mất, ông đề nghị với Pháp đừng xâm phạm đến kho tàng của triều đình và đừng giết hại dân chúng.
Nhận xét:
Trọn đời làm quan chỉ một lòng vì nước, lúc tuổi già lại phải chết để cứu dân, Phan Thanh Giản đã treo một gương hy sinh cao cả cho hậu thế.
(Theo Quốc Sử lớp Ba - VNCH)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét