Thứ Năm, 8 tháng 1, 2015

Ông Trạng thanh liêm - Mạc Đĩnh Chi.


Mạc Đĩnh Chi người làng Lũng Động, tỉnh Hải Dương. Ông rất thông minh, văn hay, ứng đối giỏi. Năm 20 tuổi, ông thi Đình, văn đáng đỗ Trạng nguyên, nhưng vua Trần Anh Tông thấy người xấu xí, hình dáng loắt choắt như giống hầu, toan không cho đỗ.
Ông bèn dâng bài phú "Ngọc tỉnh liên" để tự ví mình với "Hoa sen trong giếng ngọc". Vua đọc xong, nhận là một bài văn thật hay mới cho ông đỗ và trọng dụng.
Trọn đời làm quan, ông giữ một lòng trung nghĩa với vua, công bình với cả mọi người. Lương bổng được bao nhiêu, ông đem về phân phát cho người thân quyến. Vì vậy, ông phò mấy triều vua, lên đến chức Tể tướng mà nhà rất thanh bạch. Từ triều thần đến dân gian, ai ai cũng ca tụng đức thanh liêm của ông.
Vua nghe tiếng, bèn sai người đêm khuya lén đem 10 quan tiền bỏ vào nhà ông. Sáng dậy, ông liền đem vào triều trình vua, tâu rằng không biết tiền của ai nên xin bỏ vào kho. Vua khen ngợi bảo: "Tiền ấy chính là của trẫm, khanh hãy lấy đi, trẫm thưởng tấm lòng thanh liêm của khanh đó".


Ông phụng mệnh đi sứ Tàu.
Vua quan nhà Nguyên nghe tiếng ông, bày ra nhiều cuộc thi phú để thử tài. Ông lúc nào cũng đối đáp trôi chảy, văn hay ý lạ, người Tàu thán phục.
Trong lúc đi sứ có một Công chúa mất, vua Tàu cử ông vào đọc văn tế. Đến lúc quỳ xuống cầm bản văn để đọc thì chỉ thấy một tờ giấy trắng có viết bốn chữ "Nhất" mà thôi.
Mạc Đĩnh Chi không nghĩ ngợi gì, đọc ngay lên một bài văn tế ý nghĩa thâm trầm:
"Thanh thiên nhất đóa vân,
Hồng lô nhất điểm tuyết,
Ngọc uyển nhất chi hoa,
Giao trì nhất phiến nguyệt.
Y! Vân tán, tuyết tan, hoa tàn, nguỵêt khuyết !"
Vua quan Tàu cho ông là một bậc kỳ tài.
Nhận xét:
Ông Mạc Đĩnh Chi là một bậc Trạng tài cao học rộng, lại  là một quan thanh liêm có một không hai.
(Theo Quốc Sử lớp Ba - VNCH)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét