Thứ Tư, 21 tháng 1, 2015

Một nhà nho sáng suốt – Nguyễn Trường Tộ.


Nguyễn Trường Tộ người làng Bùi Chu tỉnh Nghệ An, tinh thông Nho học, theo đạo Thiên Chúa. Thấy ông là người thông minh, các vị giám mục cho ông đi du học qua nhiều nước ở Âu châu. Nhờ vậy, ông hiểu rộng thấy xa, biết rõ sự giàu mạnh của các nước Âu Mỹ.
Sau khi trở về nước, Nguyễn Trường Tộ dâng nhiều bản điều trần lên vua Tự Đức trình bày những điều mắt thấy tai nghe ở nước người và xin vua sớm canh tân mọi việc.
Về nội trị, ông đề nghị sửa đổi việc cai trị, tổ chức quân đội theo các nước Âu Mỹ, cải cách việc học hành, dùng quốc văn thay chữ Hán, cho học sinh đi du học. Ông xin mở mang canh nông, kỹ nghệ, thương mãi, giao thông.
Về ngoại giao, ông đề nghị nên hòa với Pháp và giao thiệp với các cường quốc, mở rộng thương cảng cho các nước ngoài vào buôn bán để nước này kềm chế nước kia mà không nước nào xâm phạm đến nước ta được.
Nguyễn Trường Tộ có lòng yêu nước thiết tha, muốn đem những điều hiểu biết giúp vào việc canh tân nước nhà để trở nên giàu mạnh. Nhưng vua quan ta lúc bấy giờ không hiểu thời cuộc, chỉ một mực thủ cựu, không dám bỏ cũ theo mới. Bởi thế, cái chương trình mà ông đã tốn bao nhiêu tâm lực để thảo ra bị triều đình bác bỏ.
Nhận xét:
Lòng yêu nước và trí sáng suốt của Nguyễn Trường Tộ thật đáng kính phục ! Nếu chương trình canh tân của ông được thực hiện thì nước ta có lẽ đã hùng cường từ lâu và khỏi bị ngoại thuộc đến gần một trăm năm.
(Theo Quốc Sử lớp Ba – VNCH)

Mộ Nguyễn Trường Tộ (Bùi Chu) và người cháu đích tôn

Bài đọc thêm:
Cảm nghĩ khi viếng mộ Nguyễn Trường Tộ.
Tháng mười năm Tự Đức thứ 24, Nguyễn Trường Tộ tiên sinh từ trần, đem theo một thông minh siêu quần, một tài năng bạt tụy, đáng lẽ có thể đem dùng chuyển di được thời thế, mà rút cuộc lại không được ích lợi mảy may cho nước nhà, khiến bọn hậu sanh chúng ta mỗi khi đọc lại những bài điều trần mà ngao ngán ngẩn ngơ…
Ngày nay khách hoài cổ về xã Bùi Chu, nhìn thấy căn nhà tranh xơ xác, tả tơi, trông thấy nắm mộ đất tiêu điều ảm đạm ở giữa cái bãi Đá Mài trơ trọi, gồ ghề; chắc không thể chẳng ngậm ngùi than thở cho cái số phận hẩm hiu của nước nhà đã không biết dùng một nhân tài lỗi lạc, mà cũng không thể chẳng trách thầm sự lãnh đạm của cả quốc dân đối với một bậc vĩ nhân của đất nước. 
(Theo Từ Ngọc – Nguyễn Trường Tộ)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét