Thứ Bảy, 17 tháng 1, 2015

Công cuộc cai trị miền Bắc – Chúa Trịnh.


Trong khi Chúa Nguyễn lo mở rộng bờ cõi ở miền Nam thì ở miền Bắc Chúa Trịnh lo sửa sang việc trị dân để giữ vững thế lực của mình.
Tại triều, vua Lê chỉ ngồi cho có vị, Chúa Trịnh nắm giữ hết mọi quyền hành trong tay. Chúa chọn quan lại rất kỷ lưỡng và cố trừ nạn tham nhũng.
Về pháp luật, Chúa Trịnh sửa đổi các luật lệ, định lại cách xử kiện cho giản dị hơn và bãi bỏ các hình phạt nặng nề.
Về tài chánh, Chúa Trịnh đặt ra nhiều thứ thuế, như thuế đinh, thuế điền, thuế muối, thuế chợ, thuế đò, thuế thổ sản,v.v…
Để sửa soạn đánh nhau với Chúa Nguyễn và phòng ngừa các cuộc dấy loạn, Chúa Trịnh rất chăm lo việc võ bị. Chúa mở trường dạy võ nghệ và đặt lệ ba năm thi một lần. Thí sinh phải biết binh thư, đồ trận, và bắn cung, múa giáo, múa gươm, cỡi ngựa.
Quân lính chia ra làm hai hạng. Hạng Ưu binh mộ ở Thanh Hóa, Nghệ An đóng tại kinh thành. Hạng Nhất binh mộ tại Bắc, đóng ở các trấn.
Về văn học, Chúa Trịnh sửa sang việc học hành, thi cử.


Chúa lại sai người viết Quốc sử và bắt người trong nước khắc bản in, in sách vở bán để khỏi mua sách của nước Tàu.
Để làm giàu cho nước, Chúa Trịnh khuyến khích việc khai mõ đồng, mõ bạc, mõ kẽm ở miền thượng du, cho mở lò đúc tiền đồng, bạc lạng.
Chúa lại mở thương cảng Phố Hiến cho người ngoại quốc như Hà Lan, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Tàu vào buôn bán. Do đó nền thương mãi và công nghệ của ta lúc bấy giờ trở nên phát đạt. Phố Hiến trở nên một đô thị phồn thịnh, nổi danh một thời: “thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến”.
Nhận xét:
Chúa Trịnh kể ra cũng có công với nước ta. Ngoài việc dẹp loạn trong nước, Chúa Trịnh còn sửa sang việc cai trị và mở mang công nghệ, thương mãi làm cho nước nhà thịnh vượng.
“Non sông miền Bắc vững bền,
Giúp Lê, Chúa Trịnh xây nền quốc gia.”
(Theo Quốc Sử lớp Ba – VNCH)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét