Thứ Sáu, 16 tháng 1, 2015

Công cuộc mở rộng miền Nam – Chúa Nguyễn.


Cuối đời Lê, vua Lê mất hết quyền hành, Chúa Trịnh và Chúa Nguyễn tranh giành thế lực với nhau gây nên cuộc phân chia đất nước.
Chúa Trịnh nắm trọn quyền cai trị ở xứ Bắc, Chúa Nguyễn tự lập giang san ở miền Nam. Muốn gây dựng cơ đồ cho vững chắc để chống nhau với Chúa Trịnh, Chúa Nguyễn chăm lo việc mở rộng đất đai về phương Nam.
Lúc bấy giờ, đất nước ta từ Bắc trở vào chỉ có đến tỉnh Bình Định là hết. Giáp ranh với ta về phía Nam là nước Chiêm Thành, xưa kia rất hùng mạnh, nhưng từ khi bị vua Lê Thánh Tông đánh cho đại bại, đã trở nên suy yếu. Các Chúa Nguyễn, qua đời cha đến đời con, lần lược đánh chiếm trọn xứ Chiêm Thành rồi di dân đến khai khẩn, lập ra các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận ngày nay.


Chiếm xong đất Chiêm Thành, Chúa Nguyễn liền lo việc giao thiệp với nước Chân Lạp để mở mang thêm bờ cõi cho đất nước.
Nước Chân Lạp ở vào vùng châu thổ sông Cửu Long, dân cư thưa thớt, đồng lầy ẩm thấp, rừng rú hoang vu. Dân ta rủ nhau sang các nơi kế cận khai thác đất đai làm thành vườn ruộng. Về sau, Chúa Nguyễn nhiều lần sai tướng sĩ giúp vua Chân Lạp dẹp loạn trong nước hoặc chống nhau với quân Xiêm. Để đáp ơn, vua Chân Lạp trước nhận cho dân ta được tự do đến lập nghiệp ở miền Thủy Chân Lạp, tức Nam Phần bây giờ, rồi về sau, lần lần nhường hết miền nầy cho nước ta. Chúa Nguyễn đưa dân đến đó cày cấy, trồng trọt, tạo nên một phần đất giàu có nhất của Việt Nam.
Nhận xét:
Chúa Nguyễn thật đã có công mở rộng bờ cõi nước ta về phía Nam.
(Theo Quốc Sử lớp Ba – VNCH)

Tiến trình Nam tiến của dân tộc Việt

Bài đọc thêm: 
Cuộc Nam tiến của dân tộc ta.
Thử xét cả cuộc lịch sử dân Việt Nam ta là một cuộc “Nam tiến” vô hồi vô hạn. Giống Giao Chỉ nguyên phát tích tự đất trung châu xứ Bắc rồi mỗi ngày bành trướng mãi ra. 
Nhưng bành trướng về phía Bắc không sao được, vì gặp những núi rừng ngăn trở, lại có giống mạnh hơn không thể tranh nổi, thế tất phải tràn về phía Nam, càng ngày càng lan rộng mãi ra. Gặp những thổ dân, trước thì tiêu diệt cho tàn, hoặc dung hòa cho hết: Chiêm Thành xưa kia hiển hách xiết bao mà nay còn gì ? Người đã bị ta diệt, còn sót lại tấm thành cổ, góc miếu xưa để làm bằng chứng cho đời sau biết rằng xưa kia đã có một giống người sinh trưởng trước ta ở chốn đó ! 
Ôi ! Khốc liệt thay là cái lẽ sinh tồn cạnh tranh của trời đất.
(Phạm Quỳnh)
Lời bàn luận:
Những chánh sách Chúa Nguyễn đem ra thực hiện cướp lấy hết đất đai hai nước Chiêm Thành, Chân Lạp sáp nhập vào Việt Nam, nay được người Tàu tiếp thu áp dụng lại không khác chi mấy. Cách hành xử của CSVN với nước Tàu hiện nay cũng y hệt các vua chúa Chiêm Thành, Chân Lạp từng coi đó “quốc sách”.
Than ôi ! Trời đất quả nhiên đặt ra luật quả báo.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét