Thứ Hai, 12 tháng 1, 2015
Hy sinh vì đại nghĩa – Lê Lai
Trong mười năm kháng chiến chống quân Minh, Lê Lợi gặp nhiều phen nguy khổn.
Có lần ông thua trận, phải rút binh về đóng ở núi Chí Linh thuộc tỉnh Nghệ An. Tướng Minh đem đại đội binh mã bủa vây, quyết bắt ông cho kỳ được.
Tình thế vô cùng nguy ngập: lương thực lần lần cạn, quân sĩ đau ốm hao mòn, thoát ra không được mà cố thủ thì cũng đến chết cả. Lê Lợi bèn hội các tướng bàn nên tử chiến một trận, thoát được thì càng hay, bằng không, chịu chết cũng cam.
Lúc ấy có Lê Lai, chính tên là Nguyễn Thân, vì theo chúa lập nên công lớn, nên được đổi tên họ, đứng lên tâu rằng:
- “Vương nên lấy thân làm trọng, hiện nay cả nước chỉ trông vào có một mình Vương, nếu mệnh hệ nào, thì làm sao đuổi giặc Minh ra khỏi bờ cõi. Tôi xin tình nguyện trá hình thay Vương để đánh lừa quân giặc, như Kỷ Tín đời Hán đã liều mình chết thế cho vua Cao Tổ”.
Lê Lợi cảm động quá không nhất quyết, nhưng Lê Lai hết lời nài nỉ nên phải gạt lệ noi theo.
Thế rồi, Lê Lai mặc áo hoàng bào, cầm cờ lệnh nhảy lên ngựa, thúc quân ra đánh dữ dội. Quân Minh tưởng là Lê Lợi liều chết phá vây, nên đổ xô đến chặn đánh hung hăng. Lê Lai bị giặc bắt và giết đi. Trong lúc ấy, Lê Lợi đã cùng một số người tùy tùng cải dạng làm tiều phu, theo đường vắng thoát khỏi núi Chí Linh.
Rồi cũng nhờ quân Minh tưởng Lê Lợi đã bị giết thật nên chẳng bao lâu ông chỉnh đốn lại quân đội để tiếp tục kháng chiến cho đến ngày thành công.
Sau khi lên ngôi, Lê Thái Tổ truy tặng cho Lê Lai rất trọng hậu, và truyền rằng về sau mỗi khi đến lễ giỗ vua thì ngày trước đó phải cúng tế Lê Lai.
Vì vậy cho đến ngày nay, cứ vào tháng 8 âm lịch, ngày 22 là ngày kỷ niệm Lê Lợi, còn ngày 21 là lễ kỷ niệm Lê Lai.
Nhận xét:
Chết vì đại nghĩa như Lê Lai thì thân dẫu tan nát chớ danh còn rạng mãi với non sông.
“Thay vua khoát chiếc long bào
Hy sinh vì nước, đề cao giống nòi.”
(Theo Quốc Sử lớp Ba- VNCH)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét