Thứ Sáu, 23 tháng 1, 2015

Thà chết chớ không bỏ thành – Hoàng Diệu.


Hoàng Diệu, người tỉnh Quảng Nan, nhà nghèo nhưng rất thông minh và chăm học. Năm 25 tuổi, ông thi đỗ Phó bảng, làm quan ông được tiếng là trung chính.
Sau khi Nguyễn Tri Phương tuẫn tiết, triều đình ta và Pháp ký hòa ước năm 1874. Theo hòa ước này, nước ta thuận nhường đứt 6 tỉnh miền Nam cho Pháp, và Pháp trả lại cho ta thành Hà Nội. Tuy vậy, quân Pháp vẫn tiếp tục gây thế lực của họ ở miền Bắc.
Vua Tự Đức bèn cử Hoàng Diệu trấn thủ Hà Nội để phòng bị mọi việc bất trắc.
Quả nhiên, vào đầu năm 1882, chiến thuyền Pháp thình lình kéo ra Hà Nội, quân lính mang khí giới đi lại nghênh ngang, làm cho dân chúng rất xôn xao.
Hoàng Diệu đoán biết manh tâm của người Pháp, bèn ra lệnh đào hào, đắp lũy, sửa sang công cuộc chống giữ và hội họp chư tướng thề quyết sống chết với thành.


Sáng ngày 25 tháng tư năm 1882, quân Pháp đột nhiên gửi tối hậu thư hẹn đến 8 giờ, ta phải giải binh và giao thành.
Hoàng Diệu nhất định không chịu. Pháp đem đại bác bắn vào thành. Dầu súng ống kém cỏi, ông cũng đốc thúc quân sĩ chống cự hăng hái. Bỗng có kẻ phản bội đốt kho thuốc súng trong thành. Quan quân rối loạn, nhiều người chạy trốn. Ông bình tĩnh chống trả cho đến cùng. Sau mấy giờ chiến đấu, thành vỡ, quân địch tràn vào như nước vỡ bờ.
Hoàng Diệu ra lệnh cho quân sĩ tháo lui. Còn ông, ông thắt cổ dưới gốc cây mà chết theo thành, để khỏi sa vào tay giặc. Người trong nước nghe tin rất cảm phục.
Nhận xét:
Cái chết trung liệt của Hoàng Diệu làm cho quân xâm lăng, dầu thắng ta, cũng thấy rõ tinh thần bất khuất và chí hy sinh của dân tộc ta.
(Theo Quốc Sử lớp Ba - VNCH)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét