Chủ Nhật, 25 tháng 1, 2015

Cuộc khởi nghĩa của đảng Văn Thân - Phan Đình Phùng.


Phan Đình Phùng, người tỉnh Hà Tịnh, thi đỗ Đình Nguyên. Tính cương trực, ông làm quan đến chức Ngự sử dưới triều Tự Đức. Đến khi vua mất, quyền thần Tôn Thất Thuyết làm nhiều điều sái phép. Vì quá cang trực, ông mắng Thuyết giữa triều, nên bị Thuyết cách chức đuổi về.
Về sau, khi quân Pháp đánh chiếm Kinh thành Huế, vua Hàm Nghi bỏ chạy ra Quảng Bình rồi truyền hịch kêu gọi sĩ phu các nơi đứng ra cứu nước. Phan Đình Phùng đứng đầu đảng Văn Thân mộ binh khởi nghĩa chống Pháp. Người yêu nước khắp nơi về giúp ông rất đông.
Ông lập chiến khu kiên cố trong khoản rừng Hồng Lĩnh tục gọi là "Ngàn trươi" thuộc tĩnh Hà Tịnh. Ông sắp đặt quân lính có cơ ngũ, luyện tập binh sĩ có kỷ luật theo phép Âu Tây. Tướng của ông là Cao Thắng chế được cả súng đạn tinh xảo không kém gì của Pháp.
Người Pháp cũng nhận ông là có tài tổ chức quân đội.


Trước tiên, ông sai người vây nhà Trương Quang Ngọc bắt chém đầu để trừng trị tội phản bội bắt vua Hàm Nghi giao cho Pháp.
Ròng rã mười năm, quân Pháp đánh ông mãi nhưng chỉ hao quân tốn của chớ không thắng nổi ông. Pháp sai Hoàng Cao Khải là bạn ông viết thư dụ ông ra hàng. Ông trả lời rằng ông đã nhất quyết vì nước vì dân mà kháng chiến tới cùng, nên không có trở lực nào làm cho nản lòng đổi chí ông được.
Sau cùng, Pháp sai Nguyễn Thân đem đại binh bao vây, cố bắt cho được ông. Nghĩa quân thiếu lương thực, vẫn một lòng kháng chiến. Song, vì quá vất vả, ông bị bệnh lỵ mà chết.
Mất chủ tướng, đảng Văn Thân tan rã, người trốn ra ngoại quốc, người ra Bắc tiếp tục chiến đấu, người ra đầu thú bị bắt đày đi Côn Đảo.
Nhận xét:
Không cầu danh, không ham lợi, Phan Đình Phùng với một lòng yêu nước thiết tha, đã lưu lại đời sau một gương hy sinh cao cả cho tổ quốc.
"Mười năm Hà Tịnh vẫy vùng,
Vì dân vì nước, một lòng trung kiên."
(Theo Quốc Sử lớp Ba - VNCH)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét