Chủ Nhật, 11 tháng 1, 2015

Mười năm kháng chiến chống quân Minh – Lê Lợi


Lê Lợi người làng Lam Sơn, tỉnh Thanh Hóa, làm nghề nông, giàu có, hay giúp đỡ kẻ nghèo khó, nên mọi người đều kính phục.
Lúc bấy giờ nhà Minh đang cai trị nước ta, nghe tiếng ông rất được lòng dân, bèn cho sứ giả đến mời ông ra làm quan, nhưng ông một mực chối từ.
Ông thường nói với bạn bè: “Làm trai ở đời phải chống nạn lớn, lập công to, để tiếng thơm muôn thủa, tội gì lại chịu hạ mình làm đầy tớ người ta !”
Ông ngấm ngầm tích trữ lương thực, chiêu mộ binh sĩ đợi ngày ra tay giải thoát dân tộc khỏi vòng nô lệ của người Minh tàn bạo.
Năm 1418, được nhiều vị anh hùng đến giúp, ông phất cờ khởi nghĩa tại Lam Sơn, tự xưng là Bình Định Vương.
Lúc đầu quân ít thế yếu, ông chịu nhiều nỗi gian lao khổ cực. Ba lần phải rút binh về ẩn núp ở Chí Linh thuộc tỉnh Nghệ An. Mấy phen thua trận chạy lên núi, đói khát phải đào củ chuối và hái rau ăn trừ bữa. Một lần bị quân địch bủa vây, nhờ Lê Lai lập kế trá hình, ông mới thoát chết. Một lần khác bị giặc rượt gấp, phải chạy bỏ cả gia đình. Tuy vậy, càng thua lại càng hăng hái, chớ không thối chí ngã lòng.


Sau, thế lực mạnh lên, ông thừa cơ thuận tiện đánh chiếm Nghệ An, Thanh Hóa rồi đem binh ra Bắc, vây chặt Vương Thông tại Đông Đô.
Nhà Minh sai dũng tướng Liễu Thăng đem binh sang cứu viện. Ông lập kế chém được Liễu Thăng ở Chi Lăng thuộc tỉnh Lạng Sơn. Quân Tàu đóng các nơi nghe tin hoảng sợ, tốp chạy trốn về xứ, tốp đầu hàng.
Sau khi dẹp tan giặc Minh, Lê Lợi sai Nguyễn Trãi soạn bài “Bình Ngô Đại Cáo”, báo cho dân chúng biết sự thắng trận vẻ vang của quân dân ta, rồi lên ngôi, hiệu là Lê Thái Tổ.
Nhận xét:
Với một lòng kiên nhẫn lạ thường trong cuộc chiến đấu vô cùng khó khăn vất vả, Lê Lợi đã bẻ cùm tháo xích cho giống nòi. Thực là một bậc đại anh hùng dân tộc.
(Theo Quốc Sử lớp Ba - VNCH)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét