Nguyễn Công Trứ người làng Uy Viễn tỉnh Hà Tịnh. Từ thủa nhỏ ông đã nổi tiếng văn hay chữ tốt, nhưng mãi đến năm bốn mươi tuổi, đời Gia Long thứ 15, ông mới đỗ Giải nguyên.
Ông được bổ đi làm quan nhiều nơi, từ Bắc chí Nam. Khi thì ông lãnh chức Tuần phủ, Tổng đốc ở các tỉnh, khi thì nhận chức Tham tri các bộ ở Kinh thành.
Ông lại có tài thao lược nên từng cầm quân phá được giặc Phan Bá Vành và giặc Nùng Văn Vân ở miền Bắc, quân Chân Lạp và quân Xiêm La ở miền Nam.
Vì tính cương trực, ông bị giáng chức nhiều lần nhưng rồi nhờ lập được công to nên lại được phục chức.
Trọn đời làm quan, lúc nào nhà cũng nghèo, nhưng ông luôn luôn vui vẻ lo làm tròn phận sự, lo việc ích nước lợi dân.
Công nghiệp lớn lao của ông là việc mở mang ruộng đất.
Lúc được vua phong chức Doanh điền sứ, ông rất chăm lo việc khai khẩn đất hoang ở vùng biển để lập ra huyện Tiền Hải thuộc tỉnh Thái Bình và huyện Kim Sơn thuộc tỉnh Ninh Bình.
Ông sai đắp đê để ngăn nước mặn, đào sông khơi ngòi để lấy nước ngọt. Dân chúng kéo đến đông đúc cày cấy làm ăn. Nhờ đó, một vùng đất hoang hàng vạn mẫu biến thành đồng ruộng phì nhiêu.
Lúc giữ chức Tổng đốc Hải dương, ông lại chiêu dụ những dư đảng các đám giặc, cấp cho trâu bò, cày bừa và tiền bạc để khai phá thêm đất hoang.
Lúc về hưu, ông thường đến chơi hai huyện Tiền Hải và Kim Sơn, dạo xem phong cảnh, ngâm vịnh thi phú.
Nhận xét:
Nguyễn Công Trứ văn hay, võ giỏi, lại có tài kinh doanh, thật là một người có công to với nước, với dân.
(Theo Quốc Sử lớp Ba - VNCH)
Nguyễn Công Trứ
Gót danh lợi dù không mơ tưởng,
Nợ trần hoàn chi vướng bíu bo ?
Với giang sơn, trót đã hẹn hò,
Thì gánh vác phải sao cho hào hứng.
Chỉ kiếm một, khi non sông vững,
Phá cồn đôi, dạo ruộng nương thành.
Vì dân sinh khai khẩn kinh doanh,
Xưa bãi biển, nay đất lành chim đậu.
Cửa Thần Phù còn đâu nữa dấu ?
Huyện Kin, Tiền phồn hậu biết là bao !
Vì ai, quốc phú dân hào ?
(Theo Vũ Huy Chân - Những người không chết)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét