Thứ Tư, 7 tháng 1, 2015

Trận Bạch Đằng - Trần Hưng Đạo.


Sau hai phen thua to, nhà Nguyên lại sai Thái tử Thoát Hoan đem 30 vạn quân sang đánh nước ta để báo thù.
Lúc đầu, thế giặc rất hăng, Trần Hưng Đạo rước vua về Thanh Hóa, rồi chia quân trấn giữ mọi nơi. Quân Nguyên cố đánh dữ nhưng nơi nào cũng không tiến chiếm nổi.
Được ít lâu, đoàn thuyền vận lương của giặc bị Trần Khánh Dư đón cướp mất hết tại Vân Đồn. Được tin ấy quân Nguyên núng thế, Thoát Hoan sợ thảm bại nên quyết định rút binh theo ngả sông Bạch Đằng.
Trần Hưng Đạo biết trước, hội chư tướng bàn kế phá giặc cho không còn manh giáp. Ông mật sai Nguyễn Khoái dẫn binh đi đường tắt đến bờ sông Bạch Đằng lấy cọc gỗ đẽo nhọn đầu và bọc sắt rồi đóng khắp giữa lòng sông.
Các tướng lại được lệnh khi gặp thuyền giặc thì xông ra đánh rồi giả thua, dụ qua chỗ có cọc, đợi khi nước rút, sẽ quay lại đánh mạnh. Đó cũng là mưu kế mà Ngô Quyền đã dùng để diệt quân Nam Hán khi trước.


Đoàn thuyền Mông Cổ đang tiến tới đông chật trên sông Bạch Đằng. Thừa lúc nước thủy triều lên, Nguyễn Khoái thả thuyền nghênh chiến, rồi bỏ chạy theo dòng nước.
Giặc tung hết quân đuổi theo, qua khỏi chỗ đóng cọc một đỗi xa thì nước vừa rút xuống. Quân ta quay lại đánh thật hăng. Bấy giờ đạo binh của Hưng Đạo Vương cũng kéo đến tiếp chiến. Quân Nguyên thấy thế nguy bèn quay thuyền chạy. Thuyền vướng phải cọc nghiêng đổ, chìm gần hết.
Hai bên bờ sông, quân ta mai phục sẵn xông ra bắn xuống như mưa. Quân Nguyên đại bại, thây đầy sông, máu nhuộm đỏ nước.
Trần Hưng Đạo đại thắng, đoạt được 400 chiến thuyền và bắt sống hầu hết các tướng Tàu, trong đó có Ô Mã Nhi là tướng lợi hại và ác độc nhất.
Thoát Hoan nghe thủy binh tan vỡ, theo đường bộ chạy trốn về xứ.
Nhận xét :
Sông Bạch Đằng là con sông lịch sử, hai phen chứng kiến quân ta đại phá quân xâm lăng để bảo vệ nền độc lập của nước nhà.
(Theo Quốc Sử lớp Ba - VNCH)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét