Thứ Tư, 19 tháng 1, 2011

Lãnh đạo Đảng CSVN khoá XI (2010 - 2015)




Tham khảo bản tin của BBC :
"Truyền thông nước ngoài nhìn vào Đại hội XI"

- Từ Reuters tới AP và cả kênh truyền hình của thế giới Ả-Rập Aljazeera, giới bình luận quan tâm tới các quyết định nhân sự của Đại hội XI và chú ý nhiều hơn cả vào vị trí thủ tướng :
Reuters nói việc ông Nguyễn Tấn Dũng được bầu lại vào Bộ Chính trị sẽ khiến gần như chắc chắn sẽ ở lại vị trí thủ tướng thêm một nhiệm kỳ nữa.
Hãng này nói ông Dũng đối mặt với lạm phát tăng cao, vốn lên tới mức 12% trong tháng 12 vừa qua và thâm hụt cán cân mậu dịch làm cho Việt Nam thiếu ngoại tệ mạnh.
Reuters trích lời các nhà đầu tư nói ông Dũng là người mà họ đã biết và họ cũng tin ông đã rút ra các bài học trong điều hành kinh tế.
Hãng tin Anh nói trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Dũng ở vị trí thủ tướng, kinh tế Việt Nam tăng trưởng trung bình 7% một năm.
Báo tài chính có uy tín nhất của Hoa Kỳ, Bấm Wall Street Journal nói việc ông Dũng tái đắc cử vào Bộ Chính trị chứng tỏ Việt Nam có nhiều khả năng tiếp tục chính sách thiên về phát triển kinh tế.
Báo này nói trong những năm gần đây, chính sách này đồng nghĩa với việc hàng tỷ đô la được bơm vào các chương trình cho vay trợ cấp và các chương trình chi tiêu của chính phủ bất chấp nhiều lần lạm phát tăng cao.
Và phản ứng của người dân, theo báo này, là dùng tiền đồng để mua vàng và đô la nhằm tránh cho các khoản tiết kiệm của họ bị xuống giá.
- Phá giá tiền đồng :
Aljazeera đăng bài với ảnh lớn của hãng AFP chụp từ Đại hội.
Họ cũng nhắc tới ông Dũng đầu tiên, sau đó tới vị trí Tổng Bí thư nay về tay ông Nguyễn Phú Trọng và hai ủy viên Bộ Chính trị khác được coi là đối thủ của ông Dũng, hai ông Trương Tấn Sang và Nguyễn Sinh Hùng cũng được bầu lại.
Về tình hình kinh tế Việt Nam, hãng tin Ả-rập nói Việt Nam đã phải phá giá tiền đồng ba lần kể từ năm 2009 trong khi các nước láng giềng củng cố đồng tiền của họ.
Aljazeera nói sự kém hiệu quả của các doanh nghiệp nhà nước cũng bộc lộ ra qua vụ đổ vỡ của Vinashin, công ty được ủng hộ cả về chính trị và tài chính từ chính phủ.
Trong khi đó trang tin của Bấm BBC bằng tiếng Anh trích lời tân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói xử lý các vấn đề kinh tế là ưu tiên hàng đầu của ông.
BBC trích lời nhà nghiên cứu Việt Nam Carl Thayer nói hệ thống chính trị của Việt Nam không phải theo kiểu các phe cánh triệt tiêu lẫn nhau mà họ chiến đấu để chia nhau các vị trí lãnh đạo.
Cũng theo bài của BBC, Việt Nam nay sẽ trở lại hoạt động bình thường sau nhiều tháng vận động trước Đại hội.
- Dân chủ thực sự
Hãng tin AP của Hoa Kỳ nhận định Đảng Cộng sản vẫn kiên quyết bảo vệ chế độ một đảng và vẫn nói họ có dân chủ thực sự.
AP trích lời của một người trẻ tuổi Việt Nam nói cô vào Facebook, chat với bạn bè, xem phim Hàn Quốc và Mỹ thay vì theo dõi Đại hội Đảng.
AP nói các nhà lãnh đạo Việt Nam không nương tay với bất kỳ chỉ trích nào đối với sự lãnh đạo của họ và trong các tuần trước khi diễn ra Đại hội, trang mạng xã hội Facebook đã bị chặn hoàn toàn.
Hãng tin tài chính Bloomberg của Hoa Kỳ nói kể từ khi Đại hội XI bắt đầu hôm 12/1, chỉ số chứng khoán Việt Nam có mức tăng cao nhất trong số 15 thị trường chứng khoán lớn nhất ở Châu Á.
Nhưng tính cả năm 2010, chỉ số chứng khoán của Việt Nam tụt điểm nhiều nhất ở Châu Á, chỉ sau chỉ số chứng khoán Thượng Hải.
Bloomberg trích lời một quan chức trong Ban Chấp hành Trung ương nói cả nợ nước ngoài và lạm phát vẫn đều đang trong tầm kiểm soát.
Trong khi đó trái phiếu thời hạn ba năm của Việt Nam, theo Bloomberg, đã giảm sang ngày thứ ba liên tiếp sau khi Credit Suisse Group AG nói lạm phát có thể lên tới mức cao nhất trong hai năm qua trước khi giảm xuống vào cuối năm 2011.
Bloomberg dẫn lời một nhà phân tích tiền tệ từ Singapore nói Việt Nam có nhiều khả năng sẽ phải nâng lãi suất và hạ giá tiền đồng trong những tuần tới đây, điều mà họ không muốn làm trước khi diễn ra Đại hội.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét