Chủ Nhật, 11 tháng 12, 2016

Cửu Trùng đài.


" Đài chót vót, đỉnh cao muôn trượng
Ta đứng đây mắt nhìn xuống dưới
Trông nước trông sông trông cả địa cầu
Trông tự ngày xưa trông tới hôm nay... "
Cửu Trùng đài cái đài trăm nóc cao chín từng cột kèo gỗ lim tứ thiết. Đứng trên nóc đài nhìn xuống, thấy mấy con người ta như mấy con cóc con chuột mà thôi. Thành thử bậc đế vương thường xây Cửu Trùng đài trèo lên thư giản, khẳng định cái đẳng cấp đứng huýt gió ngó thiên hạ.
Bấy giờ thời Hậu Lê cách đây 500 năm (1516), An Nam dưới quyền cai trị của Trư Vương Tương Dực, ngài vốn vị vua biết cách ăn chơi thụ hưởng lạc thú siêu phàm vô đối đệ nhứt. Một hôm nghe nói ở trấn Hải Dương có người thợ mộc Vũ Như Tô tay nghề siêu đẳng, vua bèn sai triệu ngay về Hà Nội đóng cho mình một cái ghế chạm rồng ngai vàng sang trọng.


Thợ mộc Tô đóng ghế vua xong rồi bèn thử ngồi lên trên. Bọn tả hữu trông thấy lập tức báo cáo vua. Vua cả giận sai đem thợ Tô ra chém. Trong lúc đợi giờ pháp trường chặt chém, Tô xin một nắm gạo lức rồi lấy móng tay điêu khắc mỗi hột gạo thành mấy con voi giết thì giờ. Vua đến bên Tô, thấy bầy voi hột gạo giống như thật bèn ban đặc ơn cho thợ nói lời sau cùng.
Chớp cơ hội, thợ Tô bèn quỳ xuống tâu vua:
"- Muôn tâu bệ hạ. Thần đóng ngai vàng cho bệ hạ để vô ý ngồi thử, tội ấy thật đáng muôn chết. Thần chết nay xin cam lòng. Tuy nhiên, xin được ý kiến như sau. Kinh đô Hà Nội ta dưới sự lãnh đạo sáng suốt của bệ hạ ngày một văn minh đẹp đẽ. Tuy nhiên, vẫn chưa có một công trình kiến trúc nào xứng với tầm vóc thủ đô. Ngó qua bên thiên triều đế quốc, Thương Trụ vương xưa xây Lộc đài cao vời vợi vui thú cùng Hồ Hỷ Mị, Ngọc mỹ nhơn vô vàm hoành tráng. Nay bệ hạ danh vị Trư vương rất nên học tập làm theo tấm gương vua Trụ sung sướng vô cùng. Kẻ hạ thần sẽ nhận lãnh trách nhiệm xây Cửu Trùng đài giúp nhà vua an cư hưởng lạc."
Trư vương nghe nói lấy làm đẹp dạ, bèn sai tả hữu đem mấy cây mía để Tô dựng hình đồ cho vua xem thử. Cửu Trùng đài phút chốc đã hiện ra ba chiều phác thảo. Mọi người xúm lại coi, ai cũng gọi là quá sức đẹp, quá sức hoành tráng.


Kiến trúc sư Vũ Như Tô sau đó thừa lệnh vua, buộc thiên hạ lên núi phá rừng, triệt hạ hết gỗ lim về dựng Cửu Trùng đài cao ngất, còn lấy gỗ lim lát đường đi bộ để cho đẹp cho mát chơn cẳng.
Sau 5 năm xây dựng hoàn thành, Trư vương cùng các mỹ nữ chân dài vào Cửu Trùng đài đêm ngày xả láng cái đời ăn chơi trụy lạc. Nhà vua bất kể quốc khố trống rỗng, nợ công đùm đìa, thiên tai lụt hạn, dân tình xác xơ, bọn thế lực thù địch cơ hội chống phá trào đình, quan lại tự diễn biến, tự chuyễn hóa mau lẹ không thể nào chỉnh đốn.
Bấy giờ, đại tướng Trịnh Duy Sản cùng với thượng tướng Nguyễn Hoàng Dụ nắm được binh quyền bèn quyết định phối hợp làm đảo chánh, giết Trư vương, chém thợ mộc Tô, đốt Cửu Trùng đài lửa cháy mười hôm chưa tắt...
Cửu Trùng đài cháy biến mất, tuy nhiên bản vẽ thời vẫn được con cháu họ Tô di truyền cất giữ trong ống tre khô quý hơn vàng ngọc
Tương truyền sau người Pháp đánh chiếm An Nam. Năm 1885, họ lấy được bản vẽ Cửu Trùng đài của thợ mộc Tô đem về Pháp làm chiến lợi phẩm. Vị kiến trúc sư Stephen Sauvestre tình cờ được xem bản vẽ ấy, bèn cũng bắt chước xây Cửu Trùng đài tại Ba Lê với ba tầng cao 300 mét. Stephen cho thay gỗ lim bằng thép sắt, xong rồi đặt tên tiếng Pháp là tháp Eiffel.
Lời bàn luận.
Than ôi ! Nếu 5 thế kỷ trước, tướng Trịnh Duy Sản không làm đảo chánh, không đốt cháy Cửu Trùng đài, biết đâu hôm nay đài ấy sẽ còn kiến trúc vật thể, minh chứng cho cái tài năng đỉnh cao xây tháp của thợ mộc nước ta, có thêm một di sản văn hóa thế giới Uy nét cô công nhận vậy...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét