Thứ Năm, 22 tháng 10, 2015

Thơ sanh đôi.


An Nam văn nghệ lùm xùm Phan Huyền Thư thi sĩ ăn cắp thơ, in ấn vô "Thi phẩm Sẹo Độc Lập", nhận giải thưởng đệ nhứt danh giá thơ Hội văn nghệ Hà Nội.
Thi sĩ ăn cắp thơ xuất xứ con dòng cháu giống nghệ sĩ lớn, mẹ là văn công bộ đội, nghệ sĩ nhân dân Thanh Hoa, cha là Phan Lạc Hoa, nhạc sĩ anh hùng thiên tài bạc mệnh.
Nhiều "văn nghệ sĩ lớn thân hữu" lấy làm lo lắng "nữ sĩ ăn cắp" sẽ thân bại danh liệt, tìm cách bênh vực với mấy lý lẽ như sau.
1. Nghề ăn trộm thơ xứ ta vốn dĩ mấy vị văn bút cố cùng bất câu liêm sỉ, đói rách quá không rặn ra chữ, phải đi chôm thơ văn người khác, mạo danh mình hoặc đăng báo, hoặc xuất bản kiếm ít tiền mua gạo chống đói. Bậc thượng lưu trí thức tài ba văn thơ lai láng, danh vọng ăm ắp đâu có cần chi phải đạo thi kẻ khác làm chi cho xấu hổ. Vậy nên chắc gì "nữ sĩ Phan Huyền Thư" danh giá đạo thơ mà biết đâu kẻ vô danh tiểu tốt kia chôm thơ kiếm ăn còn "lật kèo" tố ngược...
2. Ở đời, sự này sự nọ giống nhau như in như tạc là sự thường. Người sanh đôi, hai đứa con lớn lên giống nhau in đúc, đến cha mẹ chúng còn lầm lộn đứa nọ ra đứa kia. Hàng hóa sanh đôi, hiệu Mỹ hàng Tàu sản xuất ra giống nhau y hệt, vạn người mua dễ chi phân biệt.
Thơ sanh đôi cũng không ngoài sự thường ấy. Thi hứng là thi hứng chung của thi sĩ chớ không phải của riêng ai. Người này viết câu thơ "Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển", thời người kia cũng có quyền viết câu thơ "Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển", chớ sao lại nói đạo nọ đạo kia được.
3. Thi sĩ đệ nhứt vĩ đại An Nam là vị cha già dân tộc HCM mà cũng còn mang tiếng đạo thơ. Thiên hạ nói bác đã chôm tập thơ "Ngục Trung Nhựt ký" của một tay hào kiệt China Quốc Dân đảng mất tích bên Tàu, bác đem về dú diếm trong rương, chờ thời cơ chín muồi mới đem ra khoe khoang với hầu cận đây là tập thơ của bác viết.


Hầu cận thấy cái bìa ghi năm 1932 - 1933, nghi ngờ bác chôm thơ Tàu, bèn hỏi nhỏ bác.
- "Kính thưa bác vô cùng vĩ đại. Nghe nói người ở tù năm 1942 - 1943, sao lại viết "Nhật ký trong tù" trước đó đến cả chục năm ạ ?".
Bác cười khà khà trả lời.
- "Các chú văn hóa mà còn ngu si lắm. Trong hoàn cảnh như thế, bác phải ghi ngoài bìa như thế cốt để ""đánh lạc hướng Thực dân Đế quốc ấy mà".
Lời giải thích của người quá sức xác đáng, có thể ngày nay đến cả công an và viện kiểm sát cũng chào thua. Thế là yên ngay cái chuyện bác chôm tập thơ tiếng Tàu.
4. Nhựt Bổn vừa xảy ra chuyện vị phi công VN sang đi Siêu thị, chôm hàng hóa dú trong áo choàng xong lén lút tẩu thoát. Không may cho "phi công VN anh hùng", máy soi chống trộm réo vang, mấy bảo vệ người Nhật bèn túm cổ vị "anh hùng ăn cắp" ấy lại.
Phi công xứ ta bèn bình tĩnh nói.
"Do tôi vội vã quá nên mua hàng đi ra khỏi mà quên trả tiền đó thôi. Tôi đâu ăn cắp ??? "
Bọn người Nhật nghe rồi phải chịu thua lý.
5. Vì vậy, trong trường hợp bị tố ăn cắp thơ như trên, thi sĩ Phan Huyền Thư có thể viết giải trình như vầy.
"Cách đây 21 năm, tôi đi uống cà phê sáng. Cà phê ngon quá, tôi bèn hứng tình thơ viết lên miếng giấy. Viết xong rồi tôi đem về vứt đâu đó không rõ. Bẳng đi 20 năm sau, tình cờ tôi nhặt được thơ ấy. Tôi bèn đem kèm theo với nhiều bài thơ khác để đem đi in.
Có thể người tố cáo tôi cách đây 15 năm, cũng đi uống cà phê sáng. Cà phê ngon quá, nguyên đơn cũng hứng tình thơ viết lên miếng giấy. Viết xong rồi vị ấy cũng dú trong nhà ba năm sau rồi cũng đem đi in.
Như vậy, thơ của tôi và thơ của nguyên đơn phải gọi là thơ đồng điệu, thơ trùng câu, thơ đồng chữ, thơ trùng ý nghĩa. Thuật ngữ văn chương hiện đại gọi hiện tượng đó là thơ sanh đôi, chớ như tôi đây có mà thèm vào chôm với chỉa..."


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét