Thứ Hai, 16 tháng 1, 2017

Mào đầu truyện cổ.

Cụ Nguyễn Văn Ngọc 

"Nước ta cổ những hơn bốn nghìn năm", câu nhiều người Nam ta thường nói, mà như có ý tự phụ cho cái cổ là quý. Vậy nước Nam ta cổ ở những cái gì ?
Nòi giống cổ, lịch sử cổ, phong tục cổ, văn chương cổ, mỹ thuật cổ, đền đài di tích cổ, người cổ, óc cổ, tiền cổ, đồ cổ, truyện cổ...
Cổ nhiều hay ít, hay hay dở, lợi hay hại, chúng tôi không nói đến. Cổ nên yêu hay nên ghét, nên trọng hay nên khinh, nên giữ hay nên bỏ, chúng tôi cũng không bàn đến.
Chúng tôi chỉ biết đối với những cái gọi là cổ không phải ai cũng sở thích như ai: kẻ mến chùa cổ, người ưa hát cổ, kẻ chuộng cổ tục, người quý cổ văn...
Về phần chúng tôi, thì chúng tôi xin thú rằng chúng tôi có cái nhược điểm hâm mộ, luyến ái riêng với những truyện cổ hơn là bao nhiêu cái cổ khác.
Nên đã lâu năm, chúng tôi hằng để tâm đến truyện cổ, tìm tòi truyện cổ, góp nhặt truyện cổ, ghi chép truyện cổ, thu xếp truyện cổ, nghe ngóng, kể lể truyện cổ, mua chuộc, giữ gìn truyện cổ... chẳng khác chi một nhà mê chơi đồ cổ mà chứa chất đồ cổ vậy.


Thói đời, những người có đồ cổ thường hay đem ra khoe khoang phô bày cho bà con anh em thưởng thức. Nên có được truyện cổ nào chúng tôi cũng dám bạo dạn đưa ra, gọi là thử bắt chước phô bày xem sao...
Đồ cổ, xưa nay thiên hạ trân trọng, bất cứ là đồ sành, đồ sứ, đồ đồng, đồ thiết, đồ gỗ, đồ son, đồ ngọc ngà hay bức tranh, nét chữ... hầu hết là đồ của người Tàu, từ các đồ xưa nào bên Tàu để lại cả. Còn những truyện cổ chúng tôi sưu tập đây, chúng tôi dám quả quyết rằng thật là của riêng của nước Nam, tự người Nam sáng tác, xuất sản ra chứ không phải đi vay mượn, nhờ vả vào ai mà được.
Một chứng cớ rõ ràng, hơn trăm hai truyện trong sách, không có mấy truyện là không hàm một đôi câu thành ngữ hay sáo ngữ, ca hát hay phong dao bằng tiếng Nam, nghĩa là một thứ tiếng riêng nó làm cho nước Nam mới thật là nước Nam vậy.


Gián hoặc có một đôi truyện phảng phất tương tự giống như truyện Tàu thì chẳng qua cũng chỉ là bất kỳ ngẫu nhiên mà thôi. Còn bảo có nhiều truyện tất đã chịu một cái ảnh hưởng xa xôi tự ngoài đem vào, thì cái ảnh hưởng đó chắc là do từ đạo Phật bên Ấn Độ tràn sang hơn là của đạo Khổng bên China đưa lại. Vả chăng đã là người, dù ở phương Đông hay phương Tây, dù phân da trắng hay da vàng, cũng là thuộc về một nhân loại, cũng cùng chung một tư tưởng như nhau được. Vậy người nước Nam cũng là người có một cái óc, cái tâm tính như người, thì há lại không tự nghĩ ngợi, phát minh nên một cái gì giống như người hay sao ?
Nên chúng tôi đề nhan quyển truyện cổ nầy là "Truyện cổ nước Nam" thật không lấy làm thẹn với ngòi bút, mà lại như muốn phô trương tỏ rõ rằng nước Nam ta cổ là ở đó, xưa văn minh sớm hơn người ở như đó, và nay già cỗi chậm hơn người có lẽ cũng vì đó...
(Theo: Truyện cổ nước Nam - Nguyễn Văn Ngọc)

1 nhận xét: