Chủ Nhật, 23 tháng 3, 2014

Lăng vua Ngô Quyền.


Sau nghìn năm nô lệ nước Tàu, phút chốc nhơn duyên tụ hội, dân Nam chớp cơ hội thoát kiếp nạn giành lấy độc lập, mở ra thời tự chủ mới.
Công đầu tiên thuộc về nhà vua Ngô Quyền.
Ngô Quyền sanh năm Mậu Ngọ (898), con trai một vị hào trưởng ở làng Đường Lâm, huyện Phúc Thọ, trấn Sơn Tây xứ Bắc. Ông danh tiếng võ nghệ cao cường, sức khỏe vô địch, tay không cử đỉnh nghìn cân như người Hạng Vũ nước Sở. Tục truyền Ngô Quyền mới sanh, trên lưng có ba nốt ruồi tướng, thầy tướng xem rồi dự đoán đây sẽ là người "đồ vương định bá", bố ông mừng bèn đặt tên là "Quyền" với nghĩa "quyền thế, quyền lực".
Bấy giờ nhà Đường suy yếu chia năm xẻ bảy, An Nam đô hộ phủ Giao Châu, lần đầu tiên bị người Việt giành giữ chức Tiết độ sứ là các ngài Khúc Thừa Dụ, Dương Diên Nghệ, manh nha mầm mống giành lấy độc lập nước nhà.
Thế sự xoay vần biến động, bộ tướng của Dương Diên Nghệ là Kiều Công Tiện nắm quân đội, bất ngờ làm đảo chánh giết chết họ Dương, tự xưng là "An Nam Đô hộ phủ Tĩnh Hải Tiết độ sứ Kiều Công đại nhân".
Ngô Quyền là rễ của Dương Diên Nghệ, đang cai quản Ái châu (Thanh Hóa), nghe tin nhạc gia bị giết, ông đùng đùng nổi giận kéo quân ra thành Đại La (Hà Nội) báo thù.


Kiều Công Tiện sợ hãi, sai người sang Tàu cầu cứu. Chúa Nam Hán là Lưu Cung sai con Hoằng Thao đem quân tràn xuống Giao Châu âm mưu chiếm cứ lại đất Việt.
Hoằng Thao đến biên giới Giao châu thì hay tin Ngô Quyền đã chiếm Đại La, giết chết Kiều Tiện đi rồi. Thao bèn đốc suất chiến hạm, theo đường sông Bạch Đằng tiến đánh. Ngô Quyền lệnh quân sĩ đóng cọc bịt sắt nhọn xuống lòng sông. Khi nước triều lên, bãi cọc không bị lộ, khi triều xuống, chiến hạm Nam Hán đều bị cọc sắt ngăn lại không thể tiến thoái. Bấy giờ quân Nam ùa ra, quân Tàu đại bại, sĩ tốt chết quá nửa, Hoằng Thao tử trận. Chúa Nam Hán hay tin gào khóc thảm thiết, sợ hãi từ bỏ giấc mộng xâm lăng.
Năm ấy là năm 938, sử ký gọi chiến thắng Bạch Đằng lần thứ nhất, kết thúc một thiên niên kỉ Bắc thuộc, mở ra thời kỳ quân chủ độc lập nước nhà.
Ngô Quyền lên ngôi vua, chọn thành Cổ Loa làm kinh đô, ngài trở thành vị "Vua Tổ phục hưng dân tộc". Năm 944, Ngô Vương mất, hưởng dương 47 tuổi, không có miếu hiệu và thụy hiệu, tục gọi ngài là Tiền Ngô Vương.


Lăng mộ nhà vua hiện ở tại làng Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội. Thời gian dằng dặc hoang phế dần dà, các đời hậu sanh tiếp nối trùng đi tu lại nhiều lần vẫn giữ được nét nguyên sơ quá khứ. Dưới triều Thành Thái nhà Nguyễn, lăng Ngô Vương trùng tu giản dị cổ kính, gọn ghẽ uy nghiêm trang nhã để phụng thờ.
Thế kỷ XXI, nước Nam chuyển bước cai trị. Độc đảng CS trông nom toàn diện xã hội, ban bố chủ trương chánh sách thể hiện "sáng suốt đỉnh cao trí tuệ", không thời đại lịch sử nào dám sánh. Lăng vua Ngô Quyền đương nhiên không nằm ngoài định mệnh "văn minh đảng", không thoát khỏi trào lưu tôn tạo "thành nhà mạt" rầm rộ.
Một số ảnh lăng vua Ngô Quyền qua thông tin, lan tràn chia sẻ trên mạng cho thấy di tích này đang được "tôn tạo", đập phá, xây sửa thấm nhuần "tính đảng", đặc sắc vẻ tân cổ giao duyên khiến thiên hạ không khỏi chạnh lòng.
Có ông thầy địa "âm trạch mồ mã" tình cờ ngang qua, ngắm nghía tấm bình phong quái thú chận họng, mấy cái đường cống thâm hiểm đâm ngang chém dọc độn tàng đất đai mộ tổ... bất giác thốt lên:
Than ôi ! Không mả đố ả làm nên. Xưa lăng nhà vua Ngô Quyền minh đường sáng rạng, linh khí hanh thông, mở mang được cơ nghiệp tự chủ giống nòi. Nay có kẻ viện cớ sùng tu, dụng mưu sâu "Cao Biền trấn yểm", hãm tù bọc vây vượng khí, cốt một ngày gần đây Giao Châu "hân hoan" trở về với "China đất mẹ" chăng chớ ?
Thầy địa nói nhỏ âm vọng lại vang rền. Dân chúng trong vùng lấy làm sợ hãi lắm cái tiền đồ "trưng cầu dân ý 99%" bèn hè nhau vung búa tạ...





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét