Thứ Bảy, 8 tháng 12, 2012

"Phan, Lâm mãi quốc - Triều đình khi dân !"


Thế kỷ XIX, nước Nam bế môn quan tỏa, dân chúng nghiệp chướng đói rách tơi bời thê thảm, nổi dậy như bầy ong vỡ tổ. "Đảng trưởng" Tự Đức và "Nhà nước Huế" chủ trương "tiêu diệt thế lực thù địch", cố giữ lấy chế độ lỗi thời triều đình vạn tuế cho quan chức thỏa thuê phè phỡn suốt đời.
Liên quân Pháp, Tây Ban Nha dòm ngó nước Nam suy yếu, bèn hè nhau viễn chinh xâm lược. Chúng đánh phá Đà Nẵng rồi bỏ vô Nam mưu chiếm Gia Định.
Tướng Nguyễn Tri Phương lập đại đồn Kỳ Hòa chống giữ. Sức yếu thế nhược, thành ra ngài liên tiếp thua trận mất đất.
" Quân Pháp và quân Y Pha Nho ở Sài gòn lúc bấy giờ chỉ có độ 1.000 người mà quân của Việt Nam ta thì có đến hơn một vạn người. Nhưng mà quân ta đã không luyện tập, lại không có súng ống như quân Tây. Mình chỉ có mấy khẩu súng cổ, bắn bằng đá lửa, đi xa độ 250 hay là 300 thước tây là cùng; còn súng đại bác thì toàn là súng nạp tiền mà bắn mười phát không đậu một. Lấy những quân lính ấy, những khí giới ấy mà đối địch với quân đã lập theo lối mới, thì đánh làm sao được. Bởi vậy cho nên xem trận đồ của Việt Nam ta từ đầu cho đến cuối, chỉ có cách đào hầm đào hố để làm thế thủ, chứ không bao giờ có thế công, mà người Tây thì lợi cả công lẫn thủ."


Quân Pháp vì thế hạ được đồn Kỳ Hoà, chiếm tỉnh Định Tường rồi vết dầu loang ra chiếm tiếp Biên Hòa, Vĩnh Long. Quan quân "chánh quy" triều đình bỏ chạy, dân chúng nghĩa quân khắp nơi tự động tiêu thổ kháng chiến, chống Tây xâm lược.
Bấy giờ miền Bắc, vô số "giặc giả" nhân cơ hội, kích thích dân chúng khởi nghĩa lật đổ nhà nước, tạo ra thế gọng kìm Nam Bắc khiến vua quan phải bạc tóc đối phó.
Triều đình Tự Đức chọn con đường bán nước hòa giặc, rảnh tay đối phó dân chúng cứu nguy chế độ. Hai đại quan Phan Thanh Giản (Tổng tài quốc sử quán), Lâm Duy Hiệp (Binh bộ thượng thơ), nhà vua sai cử vô Nam nghị hòa khiến bọn Pháp cũng ngạc nhiên sung sướng. Nhâm Tuất hòa ước (1862) ký kết, ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ (Gia Định, Định Tường, Biên Hòa) chủ quyền "Đại Pháp", nước Nam phải nộp thêm 4 triệu franc chiến phí. Đổi lại, Pháp giao trả Vĩnh Long để ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ vẫn thuộc triều đình.


Hòa ước Nhâm Tuất làm dân chúng sôi sục căm tức. Phan Thanh Giản , Lâm Duy Hiệp hóa ra hai kẻ mãi quốc cầu vinh. Triều đình xoa dịu dân bằng cách nghị tội Lâm, Phan.
Lâm bị tước phẩm hàm, uất ức mà chết. Riêng Phan được triều đình cử đi sứ Paris lập công "chuộc lại ba tỉnh".
Phái đoàn bộ ba Phan Thanh Giản, Phạm Phú Thứ, Ngụy Khắc Đản đi sứ đến Tây kinh, gặp lúc "Pháp hoàng Nã Phá Luân đệ tam" đi nghỉ mát, đành ăn chờ ở chực sau một tháng mới gặp. Pháp hoàng vui vẻ ghi nhận ý kiến, hẹn đình nghị rồi mới sẽ đáp từ sau đó.
Ba sứ đáp tàu thủy lênh đênh về nước. Phan Thanh Giản nhiệm sở trấn thủ tỉnh Vĩnh Long. Quân Pháp ổn định cai trị miền Đông xong xả bèn đánh chiếm tiếp ba tỉnh miền Tây Nam kỳ là Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên.
Đáng ra, quân triều đình phải kế sách hợp lực cùng dân chúng tiêu thổ kháng chiến, quân dân một lòng họa may cầm chân giặc giữ nước. Thế nhưng họ Phan chưa đánh đã thua, còn hối hả giục quân sĩ nộp hết thành trì cho bọn xâm lược, rồi uống thuốc độc tự sát !


Hậu sanh cụ Phan "mãi quốc" sau này có ông Võ Văn Kiệt làm Thủ tướng nước VN CS, góp công đổi mới làm cho cuộc sống dân chúng dưới trào này bớt đi phần khốn khó. Cụ Phan "mãi quốc" được giới sử học "cách mệnh" xóa đi tội đồ bán nước, lý do mất nước "tất yếu lịch sử", cụ dâng đất cho giặc chỉ cầu mong dân được an ổn sống đời nô lệ, nên cũng gọi là có lòng yêu nước thương dân !
Đất nước nào cũng vậy, có lòng yêu nước mới sanh ra tinh thần giữ nước. Có giữ được nước mới còn tên quốc gia dân tộc mình để mà gọi. Chế độ cầm quyền của dân, do dân, vì dân thời sẽ đứng về phía dân, cùng toàn dân "giặc đến nhà đàn bà cũng đánh", sanh ra sức mạnh giữ nước. Nhà nước nào ở trong tay bọn bán nước buôn dân, mưu cuộc sống vinh thân phì gia, thời chúng nó sẽ sẵn sàng mãi quốc cầu vinh, viện dẫn vô vàm lý tro lý trấu. Ngẫm nghĩ sai một ly đi xa một dặm, "Phan, Lâm mãi quốc, triều đình khi dân" di họa ra, dân chúng sau này theo cụ Phan Bội Châu, "xối máu nóng rửa vết dơ nô lệ" rồi để cơ hội CS nắm quyền.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét