Thứ Năm, 25 tháng 8, 2016

Báo chí thời ông Thiệu.


Tại VNCH, báo chí là một đặc quyền thiết yếu của người dân. Dưới thiết chế dân chủ tự do, người dân đang sống với tự do ngôn luận hay tự do báo chí nhưng chính sự tự do đó đã nhiều lần bị lạm dụng nên luật pháp phải đặt ra một giới hạn để ngăn chận.
Sắc luật 007 nằm trong Luật Ủy Quyền ngày 28/6/1972 nhằm sửa lại một số điều khoản của Luật 19/69 gồm nhiều sắc luật ban hành khẩn cấp với đặc điểm nổi bật.
- Các nguyên tắc căn bản về quyền tự do ngôn luận báo chí và xuất bản đã ấn định ở điều 12 của Hiến pháp VNCH đều được tôn trọng. Điều nầy có nghĩa chánh phủ vẫn chỉ áp dụng chế độ khai báo đối với việc xuất bản báo chứ không phải chế độ xin phép.
Hơn nữa, chế độ kiểm duyệt cũng không được chấp nhận, mặc dù hiện nay Quốc gia đang ở trong Tình trạng chiến tranh và Thiết quân luật.
- Báo chí phát hành phải đóng tiền ký quỹ để đảm bảo tiền thanh toán ngay khi xảy ra kiện tụng. Tờ báo hay tạp chí nào bị tịch thâu 2 lần vì lý do vi phạm an ninh hay trật tự công cộng thì Tổng trưởng Nội vụ có quyền tạm đình bản, nhưng phải tôn trọng phán quyết của Tòa án. Sắc luật đặt để ngăn chận các tờ báo coi thường pháp luật và cũng để vừa bảo vệ tư nhân, vừa bảo vệ Quốc gia tránh sự lạm dụng.


Theo nhựt báo Tiền Tuyến ra ngày 13/9/1972, sắc luật 007 ra đời đáp ứng với tình thế sau cuộc tấn công của CS cuối tháng 3/1972, nằm trong Luật Ủy quyền của Tổng Thống ngày 28/6/1972, nhằm ngăn chận sự xáo trộn tại hậu phương và sự xâm nhập của CS vào hàng ngũ thông tin đại chúng.
Sau sắc luật nầy, các tờ báo đã thích nghi để sống còn dù cũng có nhiều nhựt báo hay báo định kỳ lên tiếng hay tạm thời đình bản để phản đối.
Theo bản tin Việt tấn xã ngày 16/9/1972, có tất cả 29 nhựt báo gồm 17 Việt ngữ, 11 Hoa ngữ, 1 Anh ngữ cùng 5 tạp chí định kỳ Việt ngữ đã tự điều chỉnh theo Sắc luật 007 để tiếp tục xuất bản.
"Tin từ Nha Báo chí Bộ Thông tin cho biết, sau khi cứu xét hồ sơ khai nạp để điều chỉnh tình trạng pháp lý quy định ở điều 4 mới quy chế báo chí, kể từ ngày 16/9/1972 :
- Có 17 tờ báo chí Việt ngữ được xuất bản gồm các tờ Bút Thép, Cấp Tiến, Chính Luận, Độc Lập, Đông Phương, Đại Dân Tộc, Điện Tín, Sóng Thần, Hòa Bình, Quật Cường, Trắng Đen, Thăng Tiến, Tranh Thủ, Tin Sáng, Tin Sống, Tiền Tuyến, Công Luận.
- Có 11 nhựt báo Hoa ngữ tiếp tục được xuất bản gồm các tờ Á Châu, Kiến Quốc, Luận Đàm, Luận Đàm Mới, Tân Văn Khoái Báo, Thành Công, Tân Việt, Nhân Nhân, Viễn Đông, Việt Hoa, Quang Hoa.
- Có 1 tờ nhựt báo Anh ngữ là Saigon Post
- Có 5 tạp chí định kỳ đã điều chỉnh tình trạng pháp lý gồm Văn Nghệ Tiền Phong, Phụ nữ Mới, Thẩm Mỹ, Tân Tiến Sân khấu Mới.


Nha Báo chí còn cho biết Nhựt báo Việt NamTuần báo Nàng vừa nộp hồ sơ khai báo (đã ký quỹ, sẽ xuất bản sau khi được cấp biên lai chính thức)
- Các tạp chí định kỳ được miễn ký quỹ chiểu theo Sắc luật 007 tiếp tục được xuất bản kể từ ngày 16/9/1972 gồm các tờ Tạp chí Phòng Thương Mãi Hoa Kỳ, Chấn Hưng Kinh Tế, Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, Kinh Tế Việt Nam, Hiệp Sống, Liên Lạc, Lửa Mến, Legio Maria, Mây Hồng, Minh Đức, Nông Dân, Nguồn Sống, Nhà Chúa, Nhân Dụng, Nghiên Cứu hành Chánh, Ngàn Thông, Tuần san Phòng Thương Mãi Công Kỹ Nghệ Sài Gòn, Phát Triển Xã Hội, Quan Thuế Nguyệt San, Quản Trị Xí Nghiệp, Rạng Đông, Nguyệt San Sử Địa, Sacerdof, Tin Vui, Tuổi Hoa, Thánh Tâm Chúa Giê Su, Thành Kính, Trái Tim Đức Mẹ, Tập San Quốc Phòng, Thông Tin Lao Động, Tin Tức, Tín Hiệu, Từ Quang, Tạp Chí, Nguyệt San Tư Tưởng, Thằng Bờm, Tuổi Ngọc, Thiếu Nhi và Nguyệt San Xã Hội."
Qua bản tin trên cho thấy làng báo VNCH chuyển mình vào bầu không khí mới với rất ít suy giảm về số lượng. Tính có khoảng 30 tờ nhựt báo tiếp tục hành trình trên con đường ngôn luận và cũng chừng đó báo định kỳ không kém hơn thời trước Sắc luật 007. Đồng thời một thời gian ngắn sau, các tờ báo tạm ngưng xuất bản cũng lục tục hồi sinh và hoạt động điều hòa như cũ.
Nói một cách trung thực, cả hai văn kiện pháp lý chi phối sinh hoạt báo chí hiện đại là Luật 19/69 và 007 đều là những định chế cần thiết đáp ứng nhu cầu cấp bách của Quốc gia...
(Theo Lược sử Báo chí Việt Nam - T/g Nguyễn Việt Chước)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét