Thứ Năm, 17 tháng 11, 2016

"Nông cổ mín đàm".


Nông cổ mín đàm báo xưa ra mỗi thứ Năm hằng tuần tại thành phố Sài Gòn thời Pháp thuộc.
Nguyên toàn quyền Đông Dương ngài Paul Doumer thấy xứ An Nam bảo hộ chưa có báo chí tư nhân, bèn quyết nghị cho Paul Canavaggio (chủ đồn điền và thương gia người đảo Corse), hội viên Hội đồng Thuộc địa Nam Kỳ được phép ra báo nầy vào tháng 2 năm 1901 với trách nhiệm chủ nhơn.
"Nông cổ mín đàm" chữ Nho có nghĩa là "uống trà đàm đạo chuyện làm ruộng, đi buôn", tuần báo phát hành ít ỏi độc giả không nhiều, kéo dài tới năm 1921 lấy tên mới là "Tân đời thời báo" cho đến năm 1924 thời dẹp tiệm.
Nông cổ mín đàm là tờ báo kinh tế đầu tiên của nước ta có "Thương cổ luận" cổ súy mạnh mẽ thương gia thương nghiệp "sự đại thương là đệ nhứt cách giúp cho dân phú quốc cường"...
 Hơn thế kỷ rồi nay đọc lại xa xưa, thấy quá cảm hoài về một tuần báo cũ.


- Nông cổ nhựt báo tự tự (số 1 -1901).
"Hai mươi năm chẳng ở miền Nam thổ, nay đã tiệm thành cơ chỉ qui mô.
Đường thiên lý lục tỉnh dẫu khác đạo cang thường lễ nghĩa như nhau, nơi nơi cũng "Tạo doan hồ phu phụ".
Việc hiếu-sự nay đà rang rảnh, tình thê nhi thêm lại rịch ràng.Vậy nên công sự từ hưu, vui theo thú thê trì nông-cổ.
Thương Nam thổ dường như cố thổ, mến Nam nhơn quá bằng Tây nhơn, muốn sao cho nông-cổ phấn hành, sanh đại lợi cùng nhau cọng hưởng. Vậy ra sức lập nên nhựt báo thông tình nhau mà lại rộng chỗ kiến văn, lần lần liệu ta cử đồ đại sự.
Trong Đông cảnh Cao-ly, Nhựt-bổn, nước Xiêm-la cùng nước Đại-thanh đâu đâu cũng đều có công văn nhựt báo. Há Lục tỉnh anh hùng trí dõng, lại khoanh tay ngồi vậy mà xem, không thi thố cùng người mà trục lợi ?
Nay nhờ lượng quan trên nghị chuẩn, cho ấn hành Nông-cổ mín-đàm. Vậy xin lục dịch lảm tàng, mà gắn sức giúp nhau nên việc."
- Sanh tài hữu đạo (số 6 - 1901)
"Xét lại đã lâu đời cựu trào chẳng có thi thố chi mà cổ lệ việc thương mãi. Vả lại còn nghiêm cấm chẳng cho thông thương cùng người ngoại quốc. Anh em ai ai cũng đều rõ biết luật cấm "Gian thương"
Ấy đó cho nên việc mậu dịch hóa ra nhỏ hẹp. Người thì lo mà đua vinh hiển chốn quyền môn, còn kẻ thì lại vui thú canh điền tự lạc. Bởi vậy cho nên chẳng ai còn có chí chiêu thương hiệp bổn.
Sanh đời nào phải tùy theo đời ấy. Trong dinh hườn thế giái đâu đâu cũng lấy việc thương cổ làm gốc. Vậy thì chúng ta cũng phải ra sức mà đua bơi với đời, chớ há để vậy mà chịu thua, chịu thiệt, chịu chê, chịu gièm hay sao ?"

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét