Thứ Năm, 2 tháng 4, 2015

Quốc Dân Đảng và Lãnh tụ Nguyễn Thái Học.


Năm 1926, thầy giáo Phạm Tuấn Tài và chí sĩ Nhượng Tống (Hoàng Phạm Trân) lập nhà sách "Nam Ðồng Thư Xã" tại số 6 đường 96 khu Nam Ðồng Hà Nội. Hai ông mong muốn dùng sách vở khai quang cái não trạng vốn quá thấp kém của dân chúng hồi đó, khơi mở dần dà cái ý thức công dân mỗi một con người An Nam.
Nhiều thanh niên yêu nước đi học ở Hà Nội tìm đến thư xã Nam Đồng xin cộng tác. Tới tháng 10 năm 1927, vị sanh viên Nguyễn Thái Học trường Cao đẳng Thương mại cũng tới gia nhập. Các thành viên thư xã nhanh chóng nhận thấy muốn đuổi Pháp, phục quốc An Nam thời phải có ngay một tổ chức đảng chỉ đạo cuộc nổi dậy.
Đêm Noel 25/12/1927, tại nhà ông Lê Thành Vỵ, làng Thể Giáo, ngoại thành Hà Nội, 16 nhà cách mệnh tuổi trẻ xuất xứ Nam Đồng thư xã, đã làm lễ quyết định thành lập Việt Nam Quốc Dân Đảng. Ban bộ các vị lãnh đạo được sắp xếp gồm.
Chủ tịch Tổng bộ:       Nguyễn Thái Học
Phó Chủ tịch:             Nguyễn Thế Nghiệp
 + Ban Tổ chức:         Phó Ðức Chính làm Trưởng ban, phó Trưởng ban Lê Văn Phúc.
 + Ban Tuyên truyền:   Nhượng Tống, Trưởng ban.
 + Ban Ngoại giao:      Nguyễn Ngọc Sơn, Hồ Văn Mịch.
 + Ban Tài chánh:       Ðặng Ðình Ðiển, Ðoàn Mạnh Chế.
 + Ban Giám sát:        Nguyễn Hữu Ðạt, Hoàng Trác.
 + Ban Trinh sát:        Trương Dân Bảo, Phạm Tiềm.
 + Ban Ám sát :          Hoàng Văn Tùng.
 + Ban Binh Vụ : (Khuyết. Ðại hội kỳ II do Trần Văn Môn, Ðội Tàu Bay phụ trách ).


Việt Nam Quốc Dân Đảng dựa trên nền "lý thuyết Tam Dân" của ông Tôn Dật Tiên người Tàu, lấy 3 nguyên tắc trị chính là Dân Tộc Ðộc Lập - Dân Quyền Tự Do - Dân Sinh Hạnh Phúc. "Mục đích tôn chỉ của Ðảng là làm một cuộc cách mạng quốc gia, dùng võ lực đánh đổ chế độ thực dân phong kiến, để lập nên một nước Việt Nam Độc lập Cộng hòa.
Ðồng thời giúp các dân tộc bị áp bức trong công cuộc tranh đấu giành độc lập của họ, đặc biệt là các lân quốc Ai Lao, Cao Mên".
Từ chủ trương " lấy cách mạng bạo lực để giành độc lập", "hoa tự do phải tưới bằng máu", đảng viên Quốc Dân Đảng bèn lập tức ra tay hành động.
Chiều 30 Tết năm Mậu Thìn (9 tháng 2 năm 1929), ba ông Nguyễn Văn Viên, Nguyễn Văn Lân và Nguyễn Ðức Lung bắn chết trùm thực dân khét tiếng Bazin tại chợ Hôm Hà Nội. Tin tức Bazin bị giết làm rúng động khắp Ðông Dương và cả ở nước Pháp, chính quyền thực dân kịch liệt truy tìm, bắt bớ trả thù.
Ngày 10-2-1930, Việt Nam Quốc Dân Đảng phải vội vã hạ lệnh tổng khởi nghĩa. Các đảng viên đồng loạt tấn công quân Pháp tại Yên Bái, Lâm Thao, Hưng Hóa, ném bom tại Hà Nội, ám sát lính Pháp trên cầu Long Biên, đánh Ðáp Cầu, Phả Lại, tấn công đồn Pháp tại Kiến An, đánh Phụ Dực, Vĩnh Bảo, Thái Bình, xử tử Tri huyện Vĩnh Bảo Hoàng Gia Mô - cháu Thượng thơ Hoàng Cao Khải...


Tuy nhiên, lực lượng khởi nghĩa vừa đơn độc vừa yếu ớt so với quân đội Pháp nên cuộc cách mệnh võ trang thất bại mau chóng. Ngày 20 tháng 2 năm 1930, lãnh tụ Nguyễn Thái Học bị bắt tại làng Cổ Vịt. Ngày 17 tháng 6 năm 1930, ông cùng 12 liệt sĩ lên đoạn đầu đài tại pháp trường Yên Bái. Nữ đồng chí Nguyễn Thị Giang tự sát cùng trên 30 đảng viên khác bị bắt xử trãm, hàng nghìn vị chịu án tù khổ sai lưu đầy biệt xứ.
Riêng chí sĩ Nhượng Tống do năm 1929 vào Huế gặp cụ Phan Bội Châu bị Pháp bắt rồi bị đày 10 năm tù ở Côn Đảo nên không thể tham gia khởi nghĩa. Sau khi ra tù, Nhượng Tống viết cuốn “Nguyễn Thái Học (1902 – 1930)”  cho phát hành rộng rãi rồi ông lặng lẽ trở về hành nghề thầy thuốc Bắc tại 128 phố Chợ Hôm, Hà Nội. Ngày 8 tháng 11 năm 1949, Nhượng Tống bị công an mật Việt Minh ám sát giết chết tại Hà Nội.
- Lãnh tụ Nguyễn Thái Học bị bắt và bị hành hình.
Khi ấy, các nơi hương thôn đều phải lập điếm canh nhật, dạ để kiểm soát những người lạ mặt qua lại trong làng. Tại ấp Cổ Vịt gần đồn Chi Ngại, tỉnh Hải Dương, bọn phu tuần ở điếm canh được tên chủ đồn Chi Ngại phát cho hai khẩu súng và mấy chục viên đạn.
"... Hồi tám giờ rưỡi sáng ngày 20 tháng Hai, năm tên phu tuần đương ngồi chơi ở điếm. Chợt thấy nhóm sáu người, ăn vận lối phu mỏ, vai khoác tay thông đi tới. Chúng liền ngăn lại hỏi thẻ.
Bốn người đứng lại đưa thẻ cho chúng coi, còn hai người kia nghiễm nhiên đi thẳng. Chúng vừa hô hoán vừa đuổi theo. Hai người cầm bom ném lại. Quả bom thứ ba không nổ, nhưng hai quả đầu tiên đã lộn đất trũng bằng cái thúng! Bọn tuần thấy thế nguy, giương súng bắn. Hai người khách lạ trúng đạn, ngã lăn ra mặt đất.
Chúng xúm lại, kẻ đâm bằng giáo, người đánh bằng gậy! Chán tay rồi chúng mới bắt trói. Trong khi ấy thì bốn người kia đã vừa ném bom lại, vừa tìm lối tẩu thoát! Những bom ấy, họ đã chứa trong tay thông mà họ khoác trên vai!
Hai người mà chúng bắt được, một người tức là anh Học, một người thì là anh Sư Trạch, một nhà tu hành giỏi võ, thường đi theo hộ vệ cho Anh. Anh Học bị chúng đánh gãy tay! Anh Sư Trạch thì bị chúng bắn què chân. Hỏi biết lý lịch rồi, chúng mừng rơn! Tuy vậy, chúng còn nhân nghĩa vờ:
- Khổ quá! Sao ông không nói ngay? Nếu chúng tôi biết ông là Nguyễn Thái Học thì chúng tôi mặc ông đi tự nhiên! Bây giờ đã trót lỡ rồi, làm thế nào cho được !
Anh Học cười:
- Ồ! Thôi cứ việc khiêng ta nộp với Tây mà lãnh thưởng...


Anh Học bị giam hơn ba tháng trời. Chiều ngày 16 tháng 6, Anh và các đồng chí trong số án chém, tất cả 13 người bị giải đi Yên Bái. Từ trong buồng giam kín bước ra qua trại giam ngoài, anh chào anh em nghỉ lại.
Anh vừa đi vừa nói:
- Chúng tôi chắc đi chết đây! Các anh sống lại, cứ công nào việc ấy nhé! Cờ độc lập phải nhuộm bằng máu! Hoa tự do phải tưới bằng máu! Tổ quốc còn cần đến sự hy sinh của con dân nhiều nữa! Nhiều nữa! Rồi thế nào cách mệnh cũng có ngày thành công !
Khi đến Yên Báy, chúng giam các anh vào nhà pha. Rồi bắt đầu từ 5 giờ rưỡi sáng hôm 17 tháng 6, các anh đã lần lượt bước lên đài vinh dự.
Đó là một khoảng đất ở gần trại Khố Xanh, chung quanh có lính ta, lính Lê Dương vác súng đứng vòng tròn. Các anh, từng người một, do lính lê Dương dẫn từ trong ngục thất Yên Báy bước ra.
Trước khi ra, chúng đưa rượu cho Anh uống. Nhưng Anh từ chối, chỉ đòi hút điếu thuốc lào. Người chết trước nhất là Nguyễn Như Liên, đến người thứ mười một là Nguyễn Văn Chuân, chỉ hô được hai tiếng “Việt Nam…” thì tên lính Lê Dương đứng cạnh đã bịt mồm không hô ra tiếng nữa! Anh Phó Đức Chính thứ mười hai, đòi đặt anh nằm ngữa để xem lưỡi máy chém nó xuống như thế nào! Anh hô được đủ bốn tiếng “Việt Nam vạn tuế !”
Anh Học lên cuối cùng, tỏ ra vẻ cực kỳ bình thản. Anh mỉm miệng cười, đưa mắt nhìn công chúng, nhìn quân lính, nhìn máy chém, rồi cất giọng đỉnh đạc, trầm hùng mà hô thật lớn bốn tiếng “Việt Nam vạn tuế !”…
*
(Trích Nguyễn Thái Học (1902 – 1930) - Nhượng Tống




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét