Thứ Tư, 8 tháng 6, 2011
Phá tung phên dậu.
Hồi xưa, cụ nghè Tam Nguyên thấy bọn Pháp chúng nó khai thác VN, đào bới đất đai, chặt phá rừng rú, vơ vét tận cùng lâm thổ sản. Cụ xót xa sự đời tan hoang phá để vét cho đầy túi tham bọn thực dân.
Cụ nghè nghĩ lo vận nước rả đám, chảy xuôi xuống hố, chết hết giống nòi, muốn chúng thôi ngay đi cho. Nhưng làm sao để chúng thôi nhỉ ?
Thế nên cụ đành nhấp chén hoài cổ nghĩ chuyện đời xưa :
"Nghĩ chuyện đời xưa cũng nực cười
Sự đời đến thế, thế thời thôi !
Rừng xanh núi đỏ hơn ngàn dặm,
Nước độc ma thiêng mấy vạn người
Khoét rỗng ruột gan trời đất cả
Phá tung phen dậu hạ di rồi.
Thôi thôi đến thế thời thôi nhỉ
Mây trắng về đâu nước chảy xuôi."
Cụ nghè mất năm 1909, chưa cất được một tiếng cười vui độc lập, nghĩ cũng đau lòng.
Trò đời bể dâu dâu bể, nay đến thời tự chủ, VC cai trị, tưởng văm minh đâu ngờ tệ mạt hơn trước vô cùng nhiều.
Đất hẹp người đông, làm nông không đủ, người ta bon chen phá rừng lấn bể làm "kinh tế", đục khoét ruột gan trời đất hết sức tàn thậm.
Nói theo cách nói kiểu nay, như vầy:
Mấy công ty nhân danh khai thác, chế biến lâm sản, bảo vệ rừng.
Mấy "đồng chí cán bộ kiểm lâm" ngày ngày bám rừng bảo vệ.
Mấy diện tích đất rừng cho "nước lạ" thuê 50 năm trồng rừng "giúp ta".
Mấy chính sách lớn "giao đất giao rừng" cho dân "tự quản".
Mấy lại mở "đại lộ Hồ Chí Minh" xuyên rừng Trường Sơn, băng qua bạt ngàn nguyên sinh cổ thụ, góp phần "bảo vệ rừng".
Kết quả, rừng tan như xác pháo, trơ gốc trơ ngọn để góp tiền làm giàu cho mấy đại gia rừng đầu tư bất động sản, cho cán bộ kiểm lâm xây cung điện gỗ quý, cho trời đổ cơn mưa làm cả vùng hạ du chìm sâu trong bể nước, cho nắng vài ngày đô thị bê tông hoá chảo lửa nung người.
Cụ Hà Sĩ Phu thấy chánh quyền VC ngu si rướt bọn Tàu đưa người vô Tây nguyên đào bới Bô xít, phá tanh bành đồi núi, chơi quả bom bùn sẵn sàng chảy xuống, giết tiệt hết đồng bào mình, vì mấy đồng bạc Nhân dân tệ trút vô túi mấy thằng tư bản đỏ.
Vị sĩ phu Bắc hà bèn sôi lửa giận, viết mấy câu bất kể sợ chính quyền VC tống vô tù :
"Giặc đã ngự trên lưng Tổ quốc
Bô-xít tuôn lệ đỏ, khóc sơn hà.
Hồn dân tộc Triệu Trưng về đốt lửa
Thiêu lũ hèn Chiêu Thống cháy ra ma!"
Chuyện bọn Tàu đào bới tài nguyên quặng mỏ Bô xít lợi hại, nay đã có trang Bô xit vạch ra cho coi hết cả rồi. Thời sự nhất, nghe nói cuối tháng 6 hoặc đầu tháng 7/2011, bọn chủ mỏ bắt đầu hốt quặng đi bán. Có khoảng ngàn xe tải hạng nặng 30 tấn chiếc, tần suất 4 đến 5 phút chuyến, chạy 210 km đường dân sinh chở Alumin về cảng Gò Dầu (Đồng Nai) xuất khẩu, rồi chở vật tư lên.
Tưởng tượng bầy xe "tử thần", trọng tải lớn, chở quặng độc hại, lao như gió lợi xăng, tăng vòng vượt chuyến xuôi ngược, đường sá nát bấy chuyện chắc !
Dân chúng sống bám ven đường tha hồ hít thở bụi nhôm "kinh tế" !
Chuyện rừng, chuyện đất tới chuyện biển.
Biển Đông là cái "mặt tiền" đất nước, có hai cột trụ môn thần Hoàng sa Trường sa trấn giữ biển cả. Liệt tổ, liệt tông VN ta khai sinh khai phá trao cho con cháu giữ lấy, thông thương ra ngoài, đánh lấy cá mà ăn cho mập mạp.
Cha ông đã trao cho con cháu giữ gìn tưởng lâu bền lắm. Ai dè tới thời "vĩ đại", Hoàng sa bị chiếm hết, Trường sa bị chúng ngoại bang bu tới giành gần hết.
Biển Đông lại còn bị cái lưỡi bò thằng Tàu nó sắp liếm. Mặt tiền cụt lủn, cột trụ cái sức mẻ cái chuẩn bị về tay ăn cướp.
Con cháu thiếu dầu muốn khoan cũng sợ Tàu đánh đập, kéo lưới bắt cá cũng bị Tàu nó cấm cản hành hung cướp phá lưới bắt người.
Người VN từ lập quốc đã sống bám vô rừng vô đất vô biển vô sông, săn bắn hái lượm.
Ông tổ Lạc Long Quân cho năm mươi con xuống biển kiếm ăn miệt biển. Bà tổ Âu Cơ cho năm mươi con lên núi trồng cây giữ rừng. Rừng vàng biển bạc là phên dậu quốc gia, phải biết khai thác giữ gìn, lấy đó mà sống.
Sợ con cháu tàn phá cái rừng quá quắt theo kiểu du côn "phá sơn lâm, đâm hà bá", ông bà tổ dạy con cháu : "dĩ nông vi bổn", "nông tang vi bổn", chớ quên câu "ăn của rừng rưng rưng nước mắt", lo bảo vệ cái rừng xanh núi đỏ sinh thái môi trường.
Hò miền Trung có câu ca "hỗ trợ" cho người ta mạnh dạn "mang gươm đi mở cõi" :
"Núi sơn lâm nuôi dân đào tản
Biển Tây Hồ trợ kẻ lâm nguy
Thương nhau dắt lấy nhau đi
Công ơn thầy nghĩa mẹ lo chi trả đền ?"
Thương nhau xin cứ ra đi, rừng vàng biển bạc dung thân, giàu có về trả hiếu.
Có lẻ từ cái ý này, hồi Pháp thuộc, thanh niên chí sĩ họ thích xuất dương hải ngoại, "tìm đường cứu nước". Thành ra cái trào lưu bôn ba, ít vị học trò nào chịu ở lại núp xó nhà cày ruộng :
" Chốn sơn lâm nuôi dân đào tẩu
Biển Tây Tàu dung kẻ lưu vong"
Ngẫm nghĩ thấy cũng lạ lùng,câu hò như là lời tiên tri định mệnh.
Kẻ theo VC trước 1975, đào tẩu lên núi ở rừng, "kháng chiến thắng lợi" về làm to, nòng cốt rường cột chế độ, bảo vệ độc tài, cố giữ chức, giữ quyền, giữ tiền, giữ bạc.
Người thua trận đành phải vượt biển sống cái đời lưu vong hải ngoại, một cờ vàng "dân chủ", hai "việt kiều yêu nước", là nhờ cái biển Tây Tàu nó dung chứa.
Chung quy, bảo vệ rừng, bảo vệ biển là tối cần thiết. Sống hòa vô với thiên nhiên, bảo vệ giữ gìn tự nhiên, thế nào rồi cũng sướng.
Thiên nhiên rừng biển là tạo hoá ông trời cho. Bẻ nạng chống trời rồi hô hào lôi cổ ông trời ra "chinh phục". Kiếm ăn kiểu phá tung phên dậu hạ di, con tàn cháu mạt.
Đòi "cải tạo" cả trời như ba cái thằng VC mất dạy, quả nhiên đã khiến cái nước này tan hoang hết.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét