Thứ Hai, 22 tháng 7, 2013

Vùng II chiến thuật.

Bản đồ 4 vùng chiến thuật VNCH
VNCH thời trước chia ra bốn Vùng chiến thuật, mỗi vùng có một Quân đoàn phụ trách chống cự quân VC. Vùng chiến thuật lại chia ra nhiều Khu chiến thuật, mỗi khu do một Sư đoàn chịu trách nhiệm.
"Chân nghe lạ từng khu chiến thuật,
Áo nhà binh thương lính, lính thương quê..."
Vùng II chiến thuật có vị trí chiến lược đặc biệt với diện tích 78.841 km vuông, chiếm gần phân nửa lãnh thổ VNCH nhưng chỉ có gần 3 triệu dân sinh sống 12 tỉnh Kon Tum, Pleiku, tỉnh Bình Định, Phú Yên, Phú Bổn, Darlac, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Tuyên Đức, Quảng Đức, Lâm Đồng, thị xã Cam Ranh.
Bắc Việt CS cho rằng "chiến vùng II là chiếm trọn miền Nam", nên chi sau "nghị quyết giải phóng" bằng bạo lực võ trang, lập tức làm đường mòn HCM, dồn bộ đội, xe tăng súng đạn vào núi rừng Tây Nguyên, mở "mặt trận B3" (1/4/1964) chủ động tiến đánh. Ba vị tư lệnh "B3" Tây Nguyên là Đoàn Khuê (1964), Chu Huy Mân (1965-1967), Hoàng Minh Thảo (1967-1975) đều là các tướng dày dặn kinh nghiệm, mưu kế thâm sâu, đánh đông dẹp bắc quen chân quen tay thiện chiến. Hầu hết các sư đoàn bộ đội Bắc Việt vào Nam đều tập kết trên Cao nguyên rồi tỏa đi đánh tứ hướng.

Tướng Hoàng Minh Thảo
Những vị làm tư lệnh vùng II chiến thuật VNCH kế tiếp nhau gồm các tướng : Đỗ Cao Trí (1964), Nguyễn Hữu Có (1964-1965), Vĩnh Lộc (1965-1968), Lữ Lan (1968-1970), Ngô Du (1970-1972), Nguyễn Văn Toàn (1972-1974), Phạm Văn Phú (1975) đều rất gian nan mệt nhọc đối phó với quân CS quen đâm thọc trường trận kháng chiến.
Năm 1970, Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu ra sắc lệnh đổi tên Vùng chiến thuật thành Quân khu, đưa tướng Ngô Du làm tư lệnh Quân khu II và Quân đoàn II, "Mặt trận B3" bắt đầu quyết liệt chuẩn bị "mùa hạ đỏ lửa 1972".
Trung tướng Ngô Du sanh năm 1926, học viên trường Sĩ Quan Hiện Dịch Huế khóa 2 "Quang Trung"/1949 hồi Pháp thuộc. Năm 1957 ông là Trung tá Tư lệnh sư đoàn 4 dã chiến, năm 1964 lên chức Chuẩn tướng tham mưu trưởng Quân đoàn I, đến năm 1970 thăng cấp Tư lệnh quân đoàn IV mấy tháng thì lên Cao nguyên.
Một bài viết sau này của Đại tá Trịnh Tiếu (Trưởng phòng 2 tình báo, QĐ 2) cho biết "Tướng Ngô Du, theo nhận xét của các giới chức Hoa Kỳ, là một tướng lãnh thông minh, giỏi về tham mưu, hăng say phục vụ cho đất nước và quân đội."

Tướng Ngô Du
Quân đoàn II Tây nguyên có hai sư đoàn chủ lực 23 và 22, một lữ đoàn Dù, các đơn vị Biệt động quân, Địa phương quân phối hợp.
Từ năm 1970, quân đoàn đã bắt đầu "tác chiến độc lập" vì quân đội Mỹ "VN hóa" dần rút về nước, chỉ để cố vấn và B52 trợ lực cuộc phòng thủ.
Phía Bắc Việt được người Tàu tăng cường cho vô số xe tăng súng đạn, gạo muối lương khô, chuẩn bị "làm một trận hè 72" ba vùng trọng điểm Đông Hà - Quảng Trị / Kontum - Pleiku / Bình Long - Tây Ninh.
Tướng Ngô Du và Trung tá cố vấn Mỹ John Paul Vann nhờ tình báo, lường ra kế hoạch của tướng Hoàng Minh Thảo tung ba sư thiện chiến 320, Sao Vàng 2 và 968 vào cuộc; bèn bày binh bố trận, mưu kế "dụ rắn khỏi hang" rồi dùng B52 hủy diệt.
Ngày 30/3/1972, mặt trận B3 mở màn. Quân CS nổ súng tấn công 5 cao điểm phía Tây sông Poko. Pháo binh dội lửa, bộ binh xông lên tràn ngập. Căn cứ Delta, Charlie mất rồi bị B52 ném bom tan tành. Trung tá tiểu đoàn trưởng lính dù Nguyễn Đình Bảo tử thương tại cao điểm Charlie ngày 14/4/1972, xác đành bỏ lại. Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh xúc động khóc "Người ở lại Charlie".


Bấy giờ, mặt trận Quân khu I gặp hồi nguy cấp, lữ đoàn Dù của quân đoàn II điều về tăng viện cứu Quảng Trị khiến quân đoàn mỏng yếu đi nhiều. Tướng Hoàng Minh Thảo lập tức tấn công phía đông Dakto- Tân Cảnh thắng lớn. Sư đoàn 22 tan rã, sư trưởng đại tá Lê Đức Đạt tự sát.
Dakto-Tân Cảnh mất, thị xã Kontum rúng động vì bị bỏ ngõ, dân chúng chuẩn bị di tản. Tướng Ngô Du lo lắng "tái phối trí lực lượng cố thủ Kontum", cầu mong quân CS không đánh Kontum trong 5 ngày để có thì giờ thể điều quân từ Buôn Mê Thuộc đến cứu giữ.
May mắn, quân của Hoàng Minh Thảo sau các trận thắng cũng thiệt hại nặng, đợi đến 20 ngày sau mới tấn công Kontum, tạo thời cơ quý báu tướng Ngô Du điều động sư đoàn 23 về tử thủ. "Phối trí quân xong tại Kontum, Tướng Ngô Du ngã bịnh đau tim nặng, không ăn, không ngủ. Ông điện thoại Tổng thống Thiệu và yêu cầu Tổng thống đề cử người thay thế ông." Tướng Nguyễn Văn Toàn thay thế Ngô Du, cùng đại tá Lý Tòng Bá sư trưởng sư đoàn 23 đã bảo vệ thành công thị xã Kontum.
Tướng Hoàng Minh Thảo, tháng 6/1972 cũng rút quân về rừng đợi thời xuất kích.
Về cố vấn Mỹ "ông B52" (biệt danh của John Paul Vann), ngày 9 tháng 6, trên đường bay thị sát căn cứ sư đoàn 23 trở về Pleiku, chiếc UH-1 chở John trúng đạn phòng không VC. John Paul Vann chết tại khu B1-Gia Lai...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét