Chủ Nhật, 18 tháng 8, 2013

Hậu sự "người rừng".


Truyện nhi đồng "Thằng người gỗ" kể rằng, Mèo và Cáo dụ dỗ đem bắt bán thằng người gỗ Pinocchio cho lão chủ xiếc múa rối, lão này mừng rỡ có con rối gỗ khỏi giật dây, thiên hạ tò mò bu lại, tha hồ bán vé lượm tiền.
Truyện rừng rú "Tarzan" kể, gã thợ săn Clayton mưu kế bắt người rừng Tarzan nhốt vô lồng sắt đem trưng bày. Đám đông, đặc biệt các nhà báo đi săn tin hot tất ào tới xem, gã sẽ buộc họ phải trả nhiều tiền triệu cho gã. Quá dễ !
Ấy là những truyện tưởng tượng viết nhưng đã khiến độc giả thấy gai mắt cách thức kiếm tiền bá đạo của bọn ác độc. Chuyện thật "kinh doanh người rừng" tại VN còn làm thiên hạ rùng mình hơn khi kẻ ác độc ở đây chính là một đứa cháu ruột của "người rừng già".


Sự thật là hai cha con người sắc tộc Cor ở Quảng Ngãi thích rừng yêu núi, muốn đời tự do mới quyết rời bỏ bản làng, vào núi xanh dựng nhà sàn ven suối, săn bắt thú rừng, đánh bẩy chim chóc, làm rẩy trồng trọt lúa mè bắp đậu dưa cà; lấy đó phương tiện sanh sống.
Họ dùng vỏ cây rừng đập dập ra làm áo, chế bùi nhùi đánh lửa giữ lửa ấm áp trên nhà sàn, rèn đập mài dũa dao rìu rựa lược soong nồi... bằng sắt thép nhôm phế liệu chiến tranh sót lại. Họ dự trữ hạt giống để trồng trọt mùa sau, trồng thuốc lá hút, sấy khô thịt thú rừng dự trữ. Họ làm nhiều bẩy bắt muông thú, cắm chông ngăn kẻ tò mò đến quấy phá cuộc đời ẩn dật đầm ấm an cư.


Bốn chục năm trôi qua, hai cha con bình yên, hạnh phúc vui đời sống giữa tự nhiên đất trời nhờ dựa vào mẹ thiên nhiên hoang dã ban tặng cho cái ăn, cái mặc, cái ở. Suối nguồn trong mát ngày nắng hạ, bếp lửa bập bùng gió đêm đông. Thật là thi vị...
"Sáng ra bờ suối, tối lều tranh,
Bắp nấu, canh rau cũng no cành.
Sàn nứa, gối rơm nằm thả khói,
Vui đời ở núi chốn rừng xanh."
Nhưng một hôm tai họa bỗng đổ ập xuống đời hai vị ẩn dật. Chớp cơ hội người cha tuổi cao sức yếu, gặp lúc trái gió trở trời không chạy trốn được, đám con cháu gần đó bèn tụ nhau vượt rừng xông đến bắt cóc "hai người rừng", túm cổ còng tay họ dẫn độ về làng, tự hào đưa được nhị vị thân tộc về lại "cộng đồng văn hóa".
Mặc cho kẻ ẩn giả đau đớn tuyệt vọng, những kẻ xâm nhập gia cư bất hợp pháp, tùy tiện bắt cóc dân lành còn rộng đường dư luận về "công lao giải cứu", đánh động xã hội trợ giúp "cho hai người rừng tái hòa nhập".


Vài ngày sau cuộc "giải cứu thành công", dòng tiền triệu bắt đầu chảy vô túi "đám bà con tiếp sức" cũng là lúc hai "người rừng" nhớ nhà quay quắt, buồn rầu ốm nặng nhập viện.
Và cũng một vài ngày sau, cái nguyên nhân thực chất vì sao quý vị bà con ra tay giải cứu đã hiện nguyên hình. Lướt xem "tấm trò đời" thì ra như vầy :
- Cha con "người rừng" thành món hàng kinh doanh.
- Thăm nhà, phỏng vấn "người rừng" phải trả 5 triệu đồng.
'Người rừng' làm…showbiz !
- Căn chòi lá của cha con 'người rừng' bị đốt.
- Cháu 'người rừng' dùng luật rừng đánh nhà báo.
Sự thực về vụ "người rừng" được đem ra kinh doanh thu tiền.
Than ôi ! Hai vị sắc tộc sống ẩn dật giữa chốn rừng già như những Bá Di - Thúc Tề thời hiện đại. Họ không hề làm hại một ai, không hề tàn sát núi rừng, không làm điều gì vi phạm pháp luật. Họ thực tế là những người thông minh, sáng tạo, biết thích nghi, biết cách sống giữa thiên nhiên đất trời theo ý muốn của họ.
Giờ thì các ẩn giả đang đau đớn nhập viện bởi cái bụng cái đầu của họ đã chối bỏ từ lâu "cái tình người văn minh tiền tệ". "Người rừng" có thể sẽ chết vì quá nhớ mái nhà sàn đầy kỷ niệm chốn núi rừng không biết làm sao trở lại bởi nhà đã bị "bà con" đốt bỏ. Bà mẹ thiên nhiên hoang vắng đã cưu mang cho họ nhiều thập niên vui sống thì nay lại lượt "bà con" thèm khát kim tiền choàng tay ra siết chặt bóp cổ...


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét